Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Cơ chế đặc thù là công cụ phân biệt đối xử, tham nhũng

Hồi đi làm, mình ác cảm nhất hai thứ, một là cơ chế đặc thù, hai là ý kiến của Thủ tướng chính phủ. Đây là hai thứ tạo ra sự bất công, phân biệt đối xử, tham nhũng và vô vàn hệ lụy khác. Trong hai thứ đó, tệ nhất là ý kiến của Thủ tướng chính phủ vì ý kiến này cao hơn pháp luật và đạo lý.
Cơ chế đặc thù cũng chỉ là công cụ
Trần Trọng Thức, 7/3/2018, (TBKTSG) - Hơn ba tháng trước, tức vào cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 “về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM” được giới phân tích cho rằng có tính cởi trói mọi nguồn lực, là cơ hội lớn cho thành phố phát triển.
Trong quá trình đổi mới, Việt Nam đã có nhiều ý tưởng sáng tạo ở tầm chiến lược nhưng do thiếu giải pháp đồng bộ, thiếu con người thực hiện nên đã không đạt được mục tiêu đề ra. Ảnh: THÀNH HOA

Người thì nói từ nay đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ thoát khỏi cơ chế xin cho, sau khi đã xin và được cho cơ chế đặc thù trong bốn nhóm vấn đề, bao trùm nhiều lĩnh vực trong đó nổi bật hơn cả là vấn đề quy hoạch và sử dụng các nguồn tài nguyên. Điều này thắp lên hy vọng với hành lang pháp lý thông thoáng, thành phố có điều kiện tìm hướng đi mới để có thể đứng ngang tầm với những Bangkok, Singapore... Đó là những ước mơ vừa thực tế vừa lãng mạn, mà ước mơ thì không mất tiền mua và ai cũng có quyền mơ ước.

Trong quá trình phát triển, TPHCM đã được trung ương giao nhiều nhiệm vụ quan trọng nhưng do không có cơ chế đặc thù nên đánh mất cơ hội hoàn thành. Tương tự như vậy, thành phố cũng đã bị vuột khỏi tầm tay nhiều dự án đầu tư lớn do bị ràng buộc bởi những quy định và thủ tục rườm rà. Ngược lại có nhiều thành quả đạt được không do cơ chế mà nhờ vào định hướng mang tính chiến lược.

Chẳng hạn, khu chế xuất Tân Thuận với chiến lược “thành phố tiến ra biển Đông” đã trở thành mô hình cho cả nước, thực chất là do địa phương sáng tạo và tranh thủ được chủ trương của trung ương chứ không hề có cơ chế đặc thù nào trước khi triển khai. Hay ngược lại, sự phá vỡ định hướng phát triển đã khiến nhiều dự án bị thu hẹp như trường hợp Phú Mỹ Hưng chỉ triển khai được một đô thị 300 héc ta trong số năm đô thị được quy hoạch vùng Nam Sài Gòn, chẳng qua là vì quỹ đất bị xẻ thịt và nâng giá vô tội vạ có lợi cho các nhóm lợi ích.

Có thể nói, trong quá trình phát triển kinh tế, định hướng chiến lược là vô cùng quan trọng, còn cơ chế đặc thù suy cho cùng chỉ là công cụ thực hiện. Có công cụ trong tay khi chưa xác định mục tiêu chiến lược thì cũng giống như chưa xây con đường mà đã xin được chiếc xe.

Có một chiến lược đúng đắn làm tiền đề cho sự phát triển là điều kiện ”cần”, nhưng điều kiện “đủ” là quy chế pháp lý làm nền tảng thực thi, là bộ máy con người có khả năng đề ra kế hoạch để chuyển hóa ý tưởng chiến lược thành hiện thực.

Thế cho nên cùng với sự phấn khởi về một cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, người dân cần sớm được tiếp cận với một định hướng phát triển kinh tế xã hội nhiều thập niên do thành phố công khai qua đó giúp củng cố lòng tin, góp công sức vào sự nghiệp chung và nhất là không bị ru ngủ bởi sáo ngữ thường nghe như “cởi trói, cất cánh, bứt phá, thi đua nước rút...” trong khi hàng ngày đối diện với nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ngập lụt, thất nghiệp trong giới trẻ... Sự tiếp cận này còn tạo cơ hội cho người dân, nhất là giới chuyên gia, đóng góp công sức và chất xám vào sự nghiệp chung.

Có ý kiến cho rằng cơ chế đặc thù sẽ tạo cơ chế cho TPHCM phát triển, làm tăng thu cho thành phố, cho cả nước và không ảnh hưởng đến các địa phương khác.

Tại sao lại không ảnh hưởng đến các địa phương khác? Điều này cần được làm rõ hơn trong khi quyết định của Quốc hội không chỉ tăng quyền chủ động, tạo cơ chế thông thoáng cho TPHCM trực thuộc trung ương mà còn cho một thành phố lâu nay giữ vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do có vị trí đặc biệt về địa lý, kinh tế-xã hội. Chiếm khoảng 50% GDP, 57% tổng sản lượng công nghiệp, 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và 47% ngân sách của cả nước, nếu theo hệ số lan tỏa mà các chuyên gia đã tính toán thì 1% GDP tăng thêm của vùng trọng điểm kinh tế này sẽ tác động tăng 0,3% GDP của cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, trong đó sự phát triển của thành phố đã được trung ương xác định có ý nghĩa to lớn. Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TPHCM đối với các địa phương thể hiện ở vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật với mức đóng góp 22% ngân sách nhà nước.

Ưu thế của TPHCM là một hệ thống mạng lưới cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội đồng bộ dù chưa hoàn chỉnh, là nơi kết nối giao thông thuận lợi không chỉ giữa miền đông và miền Tây Nam bộ mà cả với khu vực Đông Nam Á, liên thông mạng lưới chung về giao thông với châu Á và thế giới, hạ tầng công nghệ thông tin đang được đầu tư mạnh với tham vọng là một thành phố thông minh, là nơi thu hút chất xám và nguồn lực đầu tư...

Với vị trí và vai trò trung tâm như vậy, định hướng kinh tế chiến lược của TPHCM ngoài những mục tiêu cụ thể cho mình không thể tách rời với mục tiêu phát triển của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và không nên giới hạn vì e ngại ảnh hưởng đến các địa phương khác. Có như vậy cơ chế đặc thù mới phát huy được chức năng công cụ cho sự phát triển của một thành phố lớn nhất nước không vì quy mô dân số mà vì còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. Trao công cụ này cho một thành phố năng động ắt hẳn Quốc hội cũng có kỳ vọng như vậy, vấn đề là sử dụng công cụ đó như thế nào.

Có một chiến lược đúng đắn làm tiền đề cho sự phát triển là điều kiện “cần”, nhưng điều kiện “đủ” là quy chế pháp lý làm nền tảng thực thi, là bộ máy con người có khả năng đề ra kế hoạch để chuyển hóa ý tưởng chiến lược thành hiện thực. Trong quá trình đổi mới, Việt Nam đã có nhiều ý tưởng sáng tạo ở tầm chiến lược nhưng do thiếu giải pháp đồng bộ, thiếu con người thực hiện nên đã không đạt được mục tiêu đề ra.

Cụ thể như chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm xây dựng một nền công nghiệp xương sống (công nghiệp cơ khí, công nghiệp xe hơi, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp sinh học, công nghiệp phần mềm...) với thời hạn hoàn thành được đề ra vào năm 2020, nhưng đến nay vẫn chỉ là mơ ước. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra một cách hết sức nghiêm túc khi TPHCM đứng trước thời cơ phát triển quá lớn với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua.

http://www.thesaigontimes.vn/269474/Co-che-dac-thu-cung-chi-la-cong-cu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét