Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Quà “biếu” “cảm ơn” càng nhiều, thăng tiến càng cao?

Quà “biếu” “cảm ơn” càng nhiều, thăng tiến càng cao?
(Tổ Quốc) -Trong phiên tòa xét xử “đại án” tham nhũng tại Ngân hàng Ocean Bank bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn khai trước tòa đã chi hàng chục tỷ đồng làm quà “biếu” cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhất là vào dịp lễ, tết. Tuy chưa được kiểm chứng song thông tin trên gây “sốc” dư luận.
Thông tin “sốc” PVN chi đối ngoại trong 5 năm 200 tỷ đồng
Đứng trước tòa, Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận, chi cho lãnh đạo PVN từ 30 -40 tỷ đồng thông qua Ninh Văn Quỳnh – Nguyên kế toán trưởng PVN. Với chức vụ của mình, mỗi năm bị cáo chi cho hoạt động đối ngoại tháp tùng các đoàn công tác lãnh đạo cao cấp (trong nước và nước ngoài), không nhớ con số cụ thể. 

Chi cảm ơn Liên doanh VietsoPetro (Vũng Tàu) và Tổng Giám đốc Công ty (Pvoil), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; có lần 300 – 400 triệu đồng, có lần 100 đến 200 triệu đồng. Chuyển Giám đốc đốc OceanBank Vũng Tàu 500 triệu đồng; Giám đốc đốc OceanBank chi nhánh Sài Gòn 600 triệu đồng để “quan hệ giao lưu khách hàng”

Mỗi dịp lễ, tết, PVN phải chi khoảng 30 đến 50 tỷ đồng. Việc chi tiền chia ra nhóm từ cấp lớn đến cấp bé. Các chuyên viên, bộ, ngành có quan hệ với PVN: Mỗi người 01 phong bì từ 5-10 triệu đồng (số lượng rất đông). Lãnh đạo bộ, ngành (từ vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng). Tùy từng chức vụ, chi từ 50 đến 200 triệu đồng… Không thể liệt kê hết vì “đạo lý dân tộc”.

Những lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Hội đồng xét xử và các cơ quan liên quan sẽ còn phải xem xét, điều tra, xác minh thêm nhưng ít nhiều nó cũng đã phản ánh một thực tế mà lâu nay dư luận và người dân bất bình, hoài nghi.

Để làm rõ hơn vấn đề này, trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty luật BASICO cho biết: Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy năm 2016, tỉ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức là 66%, cao hơn cùng kỳ các năm trước. Có 11% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức. Với doanh nghiệp lớn như ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty thì 10% doanh thu là rất khủng khiếp.

Nhưng con số trong thực tế chắc chắn cao hơn, vì không phải ai cũng muốn nói, dám nói về việc lót tay trả những chi phí “gầm bàn”. Tệ nạn hối lộ, tham nhũng ngày càng kinh khủng, như một thứ luật bất thành văn, khiến doanh nghiệp sống dở chết dở. Pháp luật còn không ít kẽ hở, tạo điều kiện cho sự biếu xén: để có được dự án, để được giảm tiền thuế...

Còn ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC cho rằng: Người ta không ngạc nhiên về việc bôi trơn ở OceanBank, mà bất ngờ về con số 200-300 tỷ như lời khai. Số vụ bôi trơn và số ngành được bôi trơn cũng ngày càng mở rộng đáng lo ngại. “Chúng tôi luôn kêu gọi doanh nghiệp mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế, đổi mới công nghệ nhưng một số doanh nghiệp cười mà rằng: thị trường là quan hệ, công nghệ là phong bì. Bôi trơn từ chỗ được coi là nhạy cảm, giờ trở thành vấn đề mà doanh nghiệp và người dân coi là tất yếu, nếu muốn được việc và muốn tồn tại. Thực tế, thể chế nào doanh nhân ấy. Nếu tránh không được thì phải tìm cách thích nghi”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Quà “biếu” “cảm ơn” càng nhiều, thăng tiến càng cao?

Với ý nghĩa trong sáng của nó, quà biếu, cảm ơn, tặng nhau được hiểu là một thứ gì đó (dạng vật thể hoặc phi vật thể) được trao cho một người một cách tự nguyện và không có tính chất trao đổi. Nó thường được dùng để làm cho người nhận được nó hạnh phúc, hoặc thể hiện sự kính trọng của người tặng quà đối với người nhận. Quà tặng thường được trao ở trong những trường hợp như, thể hiện của tình bạn, lòng biết hơn, sự cảm ơn, sự hiếu thảo; giúp những người không may mắn; chúc mừng hoặc tặng vào các ngày đặc biệt trong năm…

Vậy những món quà mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai tại tòa là quà gì? Mục đích của nó là thế nao? Quà đó chỉ có thể được hiểu là “ông mất chân dò bà thò chai rượu”, “có đi có lại mới toại lòng nhau”, tôi có một số tiền biếu anh, anh giúp tôi dự án và lên chức. Việc tặng, biếu quà cũng nhiều khi, biến tướng với những người muốn thăng tiến, muốn mua quan, bán chức lợi dụng, nhằm đạt được những vị trí, chức vụ cao hơn. Với những hành vi ấy chỉ có thể được hiểu là tham nhũng hối lộ.

Cho nên, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tỏ ra khá tự nhiên và khai báo rõ ràng, “bạo tay” “chịu chơi” trong việc chi tiền làm quà biếu mỗi khi có cơ hội, như không có gì xảy ra và đã “quá quen” theo quan điểm của bị cáo là “thông lệ chung cho các tập đoàn nhà nước”.

Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng, với mức chi tặng quà có giá trị lên tới cả chục tỷ đồng mỗi năm đã giúp Nguyễn Xuân Sơn từng bước leo lên đến chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean Bank, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam?

Chính vì điều này, để chấn chỉnh, ngăn ngừa “thói quen” đã có những biểu hiện biến tướng, Đảng và Nhà nước ta đã có qui định cấm cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước biếu xén, lễ tết cấp trên; theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, tất cả các khoản tặng quà có giá trị trên 500 ngàn đồng đều bị cấm.

Và cũng từ vụ việc này cho thấy, Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng “cho, nhận” quà một cách tùy tiện, mà bản chất của việc cho, tặng quà với giá trị quá cao là hối lộ và nhận hối lộ. Vai trò của Nhà nước là thiết chế, kiến tạo, kiểm soát và thúc đẩy thị trường.

Tổng Bí thư đã nêu cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên cho hình ảnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong đó có quà “biếu” “cảm ơn” “chăm sóc khách hàng” … phải được kiểm soát và đưa ra ánh sáng.

http://toquoc.vn/Thoi_su/qua-bieu-cam-on-cang-nhieu-thang-tien-cang-cao-253323.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét