Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Tiêu chuẩn hiệu quả: GDP và trọng lượng một đứa trẻ

Phát triển không chỉ là GDP
Đặng Hoàng Giang (*) Chúng ta đã tới thời điểm mà tư duy một chiều, lấy duy nhất GDP để đánh giá mức “phát triển” hay “tiến bộ” đã trở nên nguy hiểm. Chỉ dùng GDP làm thước đo cho hiệu quả hoạt động của chính quyền và nền kinh tế thì cũng giống như dùng duy nhất trọng lượng cơ thể để đánh giá về sự phát triển của một đứa trẻ, bao gồm cả phát triển thể lực, tinh thần, trí tuệ, kỹ năng xã hội...
Việt Nam 2015 (trái) và Việt Nam 1995 (phải)
(TBKTSG) - Theo báo cáo của Chính phủ trình bày trước phiên họp khai mạc Quốc hội, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh qua các năm gần đây. Cụ thể: năm 2015, ước tính thu nhập bình quân là 2.228 đô la Mỹ, gần gấp đôi con số 1.168 đô la Mỹ/người của năm 2010. Năm 2020, dự tính con số này sẽ là 3.750 đô la Mỹ, đồng nghĩa với việc người Việt trung bình sẽ giàu có lên gấp ba lần so với 10 năm trước.

Đây có là một lý do tốt để chúng ta ăn mừng? Nếu điều này xảy ra ở thời kỳ đầu của đổi mới, người dân và chính quyền chắc chắn sẽ phấn khởi chúc mừng nhau, nhưng giờ đây, tôi cho rằng chúng ta đã lờ mờ nhận ra rằng mọi thứ phức tạp hơn vẻ đẹp đơn giản của cái đồ thị GDP đang đi lên kia. Trong năm năm qua, một chỉ số khác, tần suất chữ “bức xúc” xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, như có thể thấy trên Google Trends, còn tăng với tốc độ chóng mặt hơn nhiều.

Và điều này không đáng ngạc nhiên. Có thể người ta sẽ đọc cái tin trên, về báo cáo của Chính phủ, trong khi đang co chân ngồi trên bàn, đồ đạc nổi lềnh bềnh bên cạnh, đợi cho trận ngập thứ n của năm rút đi. Người ta có thể vừa đọc nó trên điện thoại thông minh, vừa rú ga xe máy, để cùng hàng ngàn chiếc xe khác nhích từng phân trong giờ cao điểm. Ở miền núi, người ta có thể cho rằng cái tin kia nói về một xứ sở nào khác, không liên quan gì tới họ, vì họ vẫn phải móc trẻ em vào ròng rọc để đưa qua sông cho chúng đến trường, giống như từ bao nhiêu năm nay.

Chúng ta đã tới thời điểm mà tư duy một chiều, lấy duy nhất GDP để đánh giá mức “phát triển” hay “tiến bộ” đã trở nên nguy hiểm. Chỉ dùng GDP làm thước đo cho hiệu quả hoạt động của chính quyền và nền kinh tế thì cũng giống như dùng duy nhất trọng lượng cơ thể để đánh giá về sự phát triển của một đứa trẻ, bao gồm cả phát triển thể lực, tinh thần, trí tuệ, kỹ năng xã hội...

Chúng ta đã lờ mờ nhận ra rằng mọi thứ phức tạp hơn vẻ đẹp đơn giản của cái đồ thị GDP đang đi lên kia.

Phá rừng quốc gia để lấy đất xây resort và công viên giải trí, làm tăng GDP. Lấp sông rồi lại “moi lên bằng hết, nếu cần”, làm tăng GDP lên cả lượt đi lẫn lượt về. San bằng một khu kiến trúc lịch sử để xây cao ốc, sẽ làm GDP tăng. Xây cáp treo đưa hàng trăm ngàn du khách lên các ngọn núi và hang động sẽ làm GDP tăng. Xây một quảng trường ngàn tỉ, GDP tăng. Khi bố mẹ hy sinh thời gian chơi với con để ra ngoài kiếm tiền, GDP tăng. Khi xã hội bắt buộc phải đầu tư nhiều hơn vào lực lượng công an để chống tội phạm, GDP tăng.

Chúng ta cần từ chối sự chuyên chế của con số GDP, khước từ dùng nó làm thước đo duy nhất cho sự thành công của chính quyền các địa phương và trung ương. Trên bình diện xã hội, chúng ta cần một hệ giá trị mới, nhân bản hơn, không đánh đồng giá trị của một cá nhân trong xã hội với giá tiền của cái xe họ đi hay cái biệt thự họ ở.

Một cuộc sống quanh quẩn trong các siêu thị, khu thương mại, và khu ẩm thực nằm sâu dưới lòng đất không phải là một cuộc sống đáng sống. Một cuộc sống chủ yếu ngồi sau vô-lăng, trong những không gian đầy bê tông, đầy tiếng động cơ và sự gào thét của các quảng cáo cũng vậy. Một cuộc sống mà người ta nhìn nhau chỉ như những đối tác tham gia vào các giao dịch mua bán của thị trường cũng thế. Một cuộc sống mà không khí sạch, nước sạch, cảnh đẹp, chỉ dành cho người giàu, là một cuộc sống nguy hiểm, bởi nó sẽ bị phá hủy bởi các xung đột xã hội, khi người nghèo đòi phần của mình.

“Khi cái cây cuối cùng bị đốn, con cá cuối cùng bị bắt, dòng sông cuối cùng bị đầu độc, thì người ta sẽ nhận ra, quá muộn màng, rằng “thịnh vượng” không được thể hiện qua tài khoản ngân hàng, và người ta không ăn được tiền.” Dần dần, câu nói này không chỉ là một phát ngôn lý thuyết nữa, mà là một sự thật trần trụi.

Tôi hy vọng rằng trong một tương lai không xa, ta có thể thấy trong các bản báo cáo của Chính phủ, ngoài thu nhập bình quân đầu người còn đề cập tới chất lượng của không khí và diện tích của rừng, sự gắn kết của cộng đồng và mức tương trợ trong xã hội và sự phong phú của đời sống văn hóa. Tức là những gì làm cuộc sống này trở nên đáng sống.

(*) Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng - CECODES
http://www.thesaigontimes.vn/137980/Phat-trien-khong-chi-la-GDP.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét