Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Bàn về chiến tranh khủng bố

Bàn về chiến tranh khủng bố
Trương Nhân Tuấn - Không văn hóa nào cổ vũ tội ác, ngoại trừ văn hóa cộng sản. Người ta hô hào chém giết từ trong văn thơ, từ trong toán học. Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ... là câu thơ điển hình mà người Việt nào cũng thuộc. Văn hóa cộng sản đặc biệt còn có chủ nghĩa thi đua, chủ nghĩa anh hùng. Chính vì những chủ nghĩa này đã khiến một người khi đã bước vào cộng sản thì không thể có đường ra. Khi họ đã phạm tội ác thì họ sẽ tiếp tục phạm tội ác, mà tội sau lớn hơn tội trước. Đến khi “phản tỉnh” họ vô phương trở lại được. Chủ nghĩa anh hùng trở thành chủ nghĩa hóa thánh. Chủ nghĩa thi đua đã khiến vụ khủng bố sau tàn ác, dã man hơn vụ khủng bố trước. Tổ chức này thi đua với tổ chức kia thi nhau gây tội ác.
Khủng bố là một hành vi chiến tranh ? 
Chiến tranh được định nghĩa (một cách chung chung) là « tình trạng xung đột, bằng vũ lực hay không vũ lực, giữa hai hay nhiều quốc gia, giữa các các tổ chức xã hội, giữa nhiều cá nhân… »

Sau cuộc khủng bố Paris ngày 13-11-2015, nhà nước Pháp triệu tập Đại hội (các đại biểu Quốc hội lưỡng viện) tại điện Versaille ngày 16-11-2015 để tuyên bố về tình hình của nước Pháp. Diễn văn của Tổng thống Pháp François Hollande mở đầu bằng câu : « La France est en guerre. Les actes commis vendredi soir à Paris et près du Stade de France, sont des actes de guerre… Nước Pháp (ở trong tình trạng) chiến tranh. Những hành vi gây ra vào đêm thứ sáu ở Paris và gần sân Vận động Pháp là những hành vi chiến tranh… ».

Như vậy, theo François Hollande, khủng bố là một hành vi của « chiến tranh ».

Một số vấn đề (về luật học) được đặt ra. Nước Pháp có thể tuyên bố « chiến tranh » với một « tổ chức khủng bố » ?

Trên phương điểm pháp luật, vấn đề « khủng bố » (trước đây) vốn thuộc phạm vi pháp quyền (juridiction) của cảnh sát. Bởi vì tác nhân của các hành vi khủng bố thường là những tổ chức nội địa, mục tiêu nhằm gây hoang mang và sợ hãi trong quần chúng. Việc truy tầm các đối tượng (đàng sau) vụ khủng bố là công việc của cảnh sát (và tòa án).

Nhưng khi « tuyên bố chiến tranh » với khủng bố thì vấn đề khủng bố trở thành một phạm trù thuộc về « quân sự ». Việc phán xét thuộc thẩm quyền của tòa án quân sự.

Khái niệm « khủng bố quốc tế » được Hoa Kỳ (và Do Thái) đặt ra từ thập niên 80 của thế kỷ trước để chỉ các phong trào giải phóng dân tộc Palestine. Các phong trào này được Liên Xô và hầu hết các nước Hồi giáo trên thế giới bảo trợ, như tổ chức OLP của Arafat. Tổ chức này mở những cuộc tấn công (khủng bố) gây áp lực (gieo sự sợ hãi trong dân chúng) để đạt thắng lợi chính trị. Phong trào này là bước kế tiếp của các phong trào cách mạng « vô sản quốc tế », đã thể hiện thành công tại một vài nước, còn gọi là « thí điểm nóng của chiến tranh lạnh », như chiến tranh Việt Nam. Các cuộc « cách mạng vô sản », không ngoại lệ, đều sử dụng các phương pháp « không qui ước », trong đó bao gồm các hành vi « khủng bố », để đạt được thắng lợi chính trị và quân sự.

Từ sau biến cố 11-9-2001, tổ chức Al-Qaida của Ben Laden chính thức trở thành một vấn đề của « quốc tế ». Hành vi khủng bố từ đây được xem như là một hành vi thuộc về chiến tranh. Các cuộc chiến tại Afghanistan và Irak là các cuộc chiến quốc tế chống khủng bố.

Biến cố Paris 13-11-2015, mức độ tàn phá cho dầu nhỏ hơn biến cố 11-9-2001 tại New York, nhưng đó hiển nhiên là một hành vi « khủng bố », đứng sau là tổ chức Daech. Tương tự Al-Qaida, Daech trở thành một vấn đề của « quốc tế ». Hành vi khủng bố của Daech là hành vi « chiến tranh ».

Khi tuyên bố rằng biến cố Paris 13-11 là một hành vi chiến tranh, François Hollande dành được quyền tự vệ chính đáng cho nước Pháp.

Trên danh nghĩa, Tổ chức Minh ước Bắc Đại tây dương (OTAN) có trách nhiệm ràng buộc với nước Pháp (khi nước này bị một kẻ thù từ bên ngoài tấn công).

Và cũng trên danh nghĩa, các nước trong Cộng đồng Châu Âu có trách nhiệm ràng buộc với nước Pháp (do các công ước thành lập khối Châu Âu) trong vấn đề chống lại một kẻ thù tấn công nước Pháp từ bên ngoài.

Nhưng trở ngại là tổ chức Daech không được quốc tế nhìn nhận như là một « quốc gia ». Mặc dầu tổ chức này có đầy đủ các yếu tố để trở thành một quốc gia : một lãnh thổ, một dân chúng và một tổ chức lãnh đạo. Lãnh thổ do Daech kiểm soát gồm một phần rộng lớn, trải dài trên hai quốc gia Syrie và Irak.

Daech không phải là một « quốc gia », OTAN và Châu Âu có còn ràng buộc về trách nhiệm với nước Pháp trong việc tự vệ tập thể ? Đây thuộc phạm trù pháp lý mà từ ngữ trong các điều ước lập thành Liên minh Châu Âu và tổ chức OTAN không nói rõ rệt.

Đối với Hiến chương LHQ, sự can thiệp (của Pháp và một liên minh quân sự nào đó) nếu có, nhằm triệt hạ Daech, sẽ đi vào lãnh thổ của hai quốc gia (độc lập có chủ quyền) là Syrie và Irak. Điều này, trên nguyên tắc, sẽ vi phạm đến các tiêu chí nền tảng của LHQ : can thiệp vào nội bộ của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Dầu vậy LHQ vừa có nghị quyết cho phép nước Pháp làm bất kỳ biện pháp nào có thể để tự vệ. Điều này có hàm ý cho phép một liên minh quân sự được thành hình hay không ?.

LHQ (có thể) trên lý thuyết đã đồng ý, vì khủng bố là một vấn đề thuộc về quốc tế, nhưng trên thực tế Pháp sẽ gặp vô cùng khó khăn để thành hình một liên minh quân sự như vậy (vì sự chia rẽ của các nước Châu Âu, vì thiếu phương tiện và các vướng mắc về pháp lý).

Khủng bố trong chiến tranh.

Luật quốc tế về chiến tranh vốn chưa từng được tôn trọng. Hiện tượng « khủng bố quốc tế » sẽ làm cho luật này bị gạt qua một bên.

Công ước La Haye 1907 (và các công ước sau 1945) cho rằng các bên lâm chiến không có quyền sử dụng vô hạn chế các phương tiện để phục vụ cho chiến tranh.

Các bên lâm chiến không được sử dụng các loại vũ khí (như hơi độc), không được (tàn phá) quá mức cần thiết, không được giết hại dân lành... Một số tập quán quốc tế cũng cần nhắc như các bên (lâm chiến) phải tôn trọng đại diện của bên kia, phải có thiện chí trong vấn đề thương thuyết, phải tôn trọng thời gian ngưng chiến…

Trong cuộc chiến tranh VN, HK và CSVN không bên nào tôn trọng luật lệ về chiến tranh. Hành vi bỏ bom miền Bắc, thả chất khai quang... của HK là vi phạm các công ước quốc tế. Cũng như bên CSVN, các việc pháo kích bừa bãi vào các khu vực đông dân cư như trường học, chợ búa, hoặc các việc phục kích xe đò, gài mìn... hay là vụ thảm sát Mậu Thân đều là các hành vi khủng bố, nạn nhân là người dân không liên can. Vì vậy tác nhân có thể truy tội phạm về chiến tranh.

Khủng bố Paris 13-11 (và New York 11-9-2001), nếu xem đó là một hành vi chiến tranh, thì đây là mặt đen tối nhứt, dã man nhứt của con người. Không một cứu cánh nào có thể biện minh cho hành vi này. Nó thuộc về « tội ác chống nhân loại ».

Khi khủng bố nhân danh Thuợng đế.

Người ta thường nghe tin tức báo chí khủng bố ở New York, ở Paris, Luân Đôn, Madrid… Nhưng số khủng bố trên thế giới lên đến hàng trăm vụ mỗi năm, xảy ra ở các nước Châu phi, Cận Đông, Trung đông, Ấn Độ, Pakistan… Không hề kém mức độ dã man cũng như con số người chết. Nạn nhân luôn là dân lành vô tội vạ.

Hầu hết tác nhân các vụ khủng bố này đều là các tổ chức Hồi giáo.

Nguyên nhân từ đâu ?

Các cuộc chiến tranh lớn đầu tiên trong lịch sử loài người bắt nguồn từ tôn giáo. Hiện nay, những bất ổn trong xã hội Tây phương phần lớn đến từ mâu thuẩn về tôn giáo.

Tôn giáo trở thành một vấn đề « nhạy cảm », tế nhị. Những người làm chính trị khéo léo ít ai dám nói đến việc này.

Nhưng khi những người om bom, những người ria đạn AK vào đám trẻ đang nghe nhạc, đang ngồi bên vỉa hè ăn uống… mà trên miệng họ tụng niệm “Allah akbar – thuợng đế vĩ đại”. Họ đã nhân danh thuợng đế để giết người.

Trong vụ thảm sát Charlie Hebdo, họ nhân danh « trả thù cho Allah ».

Những đứa trẻ đang nghe nhạc ở Bataclan, những đứa đang ngồi ăn uống với bạn bè vào tối thứ sáu ở vỉa hè các quán ăn Paris… đã có tội gì với Allah ?

Chúng ta sẵn sàng tranh luận với tất cả những tín đồ của mọi tôn giáo. Những người này cũng có quyền, y như chúng ta, dùng các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do sáng tạo.... để bảo vệ lý lẽ của các đấng tiên tri, những lời kinh thánh.

Nhưng họ từ chối các quyền đó. Họ sử dụng vũ lực để giải quyết một tín điều của tôn giáo (đã cũ hàng ngàn năm).

Kinh Coran có nói mọi người không được xúc phạm đến Allah. Mọi hình thức xúc phạm đến Allah đều bị trừng phạt. Kinh Coran có khuyên nhủ mọi người phải tuân thủ các điều luật Charia. Nhưng ai có thể « nhân danh » Allah để « trừng phạt » những người xúc phạm ?

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh « thế quyền », chứ không phải trong thời kỳ « thần quyền » đen tối hơn ngàn năm trước của nhân loại.

Luật lệ Charia đã lỗi thời. Những lời của Allah (có thể) đúng, phù hợp với lối sống của xã hội trong thời gian đó.

Con người, trên phương diện vật chất, trong chừng mực có thể bị « cầm tù » trong một không gian nhứt định, đó là quốc gia của mình. Trên phương diện tinh thần, tuân thủ mù quáng vào những giáo điều đó là tự cầm tù trong chính vũng lầy tư tưởng của mình.

Những ngày qua rộ lên các bài viết nhắc lại thuyết « sự xung đột giữa các nền văn minh » của Samuel Huntington. Không còn vòng vo, người ta cho rằng các tổ chức Hồi giáo vũ trang như Al-Qaida, Daech… là thể hiện nền « văn minh Hồi giáo ».

Điều này không đúng. Ta không thể xem các hành vi khủng bố của Al-Qaida hay Daech là một hành vi thuộc về “văn minh”.

Văn minh là thành quả một quá trình tiến hóa về văn hóa của một chủng tộc trong một vùng lãnh thổ nhứt định.

Những kẻ nhân danh thượng đế đó thực ra là những kẻ đã bị tâm thần, đã bị nhồi nhét những tín điều vô luân.

Đó đơn giản chỉ là hành vi man rợ mà trở lại hàng ngàn năm trong quá khứ may ra ta mới có thể gặp. 

Khi tín điều tôn giáo trở thành chủ nghĩa “thánh chiến”.

Không văn hóa nào cổ vũ tội ác, ngoại trừ văn hóa cộng sản. Người ta hô hào chém giết từ trong văn thơ, từ trong toán học. Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ... là câu thơ điển hình mà người Việt nào cũng thuộc.
Văn hóa cộng sản đặc biệt còn có chủ nghĩa thi đua, chủ nghĩa anh hùng. Chính vì những chủ nghĩa này đã khiến một người khi đã bước vào cộng sản thì không thể có đường ra. Khi họ đã phạm tội ác thì họ sẽ tiếp tục phạm tội ác, mà tội sau lớn hơn tội trước. Đến khi “phản tỉnh” họ vô phương trở lại được.

Các tín điều hồi giáo đã được những tên giáo chủ pha trộn với chủ nghĩa Mác, Lênin, Mao Trạch Đông. Cùng với kinh nghiệm và các cách thức khủng bố mà họ học được ở các nước cộng sản, chủ nghĩa thánh chiến được trang bị cho những “thí sinh” tử đạo.

Những tên khủng bố ở Paris 13-11, sau những ngày điều tra, người ta biết họ vốn là những thanh niên có vợ con sinh sống trong một khu bình dân như 90% nhà của bên Pháp. Những người này không hề là những tín đồ Hồi giáo gương mẫu, vì họ hầu hết đều có tiền sử hình sự như trộm cướp, hút sách, nghiện rượu, ma túy...

Nếu cộng sản tìm người trong lớp bất mãn xã hội, nông dân vô sản, thì tổ chức Daech chiêu dụ và tuyển người trong tầng lớp Hồi giáo, hận thù xã hội và thèm khát vật chất, danh vọng. Những nhà thờ (mosquée) là địa điểm để những “giáo chủ” loan truyền tín điều và tuyển người.

Người ta thấy qua truyền hình, những clip video Youtube... các đoạn phim những tên khủng bố được tuyển mộ tại Anh, Pháp, Hoa Kỳ... đang cầm dao cắt cổ đồng hương. Đó là thủ đoạn mà người cộng sản từng sử dụng để người ta trung thành với tổ chức. (Trong dịp tết Mậu thân, những sinh viên hiền lành “tả khuynh” ở Huế bỏ vô bưng theo CS. Những người này trở thành đồ tể trong thảm sát Huế 1968. Phóng lao phải theo lao, cho đến chết họ cũng không dám phản đảng).

Một tên khủng bố người Pháp, tác nhân vụ Paris 13-11, cũng thấy clip video đang lái xe kéo lê lết dưới đất phía sau một số người chết. Ban đầu người ta tưởng hắn là đầu não vụ khủng bố 13-11. Nhưng không, chính cái clip video này đã chặn mọi đường trở về của những kẻ lầm lỡ. Họ trở thành những ứng cử viên tử đạo, chờ ngày ôm bom tự sát.

Chủ nghĩa anh hùng trở thành chủ nghĩa hóa thánh. Chủ nghĩa thi đua đã khiến vụ khủng bố sau tàn ác, dã man hơn vụ khủng bố trước. Tổ chức này thi đua với tổ chức kia thi nhau gây tội ác. Al-Quaida vừa tuyên bố chủ mưu vụ Charlie Hebdo thì Daech thi đua làm vụ Paris 13-11.

Đâu là mục tiêu của Daech ?

Trong chiến tranh người ta sử dụng hình thức “khủng bố” để gieo hoang mang, sợ hãi trong tầng lớp dân chúng của đối phương. Có nhiều tổ chức chính trị sử dụng phương thức này để đạt thắng lợi chính trị: sự nhìn nhận của đối thủ sự hiện diện chính đáng tổ chức của mình như là một đối thủ cạnh tranh chính trị. Mục đích là để chinh phục quyền lực (như MTGPMN ngày trước).

Một số tổ chức sau đây sử dụng phương tiện khủng bố để làm áp lực chính trị.


Tổ chức ETA (Euskadi Ta Askatasuna ) là một tổ chức vũ trang, thành lập tại Tây Ban Nha năm 1959, chủ trương xứ Basque độc lập. Các tổ chức thuộc IRA (Irish Republican Army), chủ trương Bắc Ái Nhĩ Lan tách ra khỏi Anh quốc, sáp nhập với Ái Nhĩ Lan thành một quốc gia duy nhứt và độc lập. Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda (Forces démocratiques de libération du Rwanda (FDLR) là một nhóm vũ trang người Hutu được thành lập tại Cộng hòa Congo năm 2000 với mục tiêu là bảo vệ quyền lợi cho nhóm thiểu số Hutus, tị nạn từ Wranda. Nhóm này bị nghi ngờ dính líu phạm tội ác diệt chủng nhân cuộc chiến tranh về sắc tộc Hutu và Tutsi, tại Wranda năm 1994. Các tổ chức ở Colombie, như Lực lượng Vũ trang Cách mạng, còn gọi là Quân đội Nhân dân (FARC), Lực lượng Giải phóng Dân tộc (ELN), hay Tự vệ Thống nhứt Colombie (AUC) Các tổ chức Somalie ly khai, thành lập các quốc gia (chưa được quốc tế nhìn nhận) như Somaliland và Puntland…

Danh sách các « tổ chức khủng bố » do Hoa Kỳ thiết lập (xem các đường dẫn phía dưới) rất dài, cho thấy khủng bố không đơn thuần là « khủng bố hồi giáo ».

Vấn đề sắc tộc và lãnh thổ hầu như là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến bất ổn tại Châu Phi và các nước Trung Đông. Do di sản thực dân, đường biên giới các quốc gia này được phân định một cách bất kỳ, do sự thỏa thuận giữa hai đại cường Anh và Pháp trong việc phân chia vùng ảnh hưởng. Do đó đường biên giới các nước ở đây luôn bị thách thức bởi các bộ tộc (hay dân tộc) bị bỏ quên.

Một số quốc gia bị tan rã Libye (do cách mạng màu), Irak, Afghanistan (do cuộc chiến quốc tế chống khủng bố), một số bị suy yếu Ai Cập, Tunisie… (do cách mạng màu) đã khiến « địa chính trị » khu vực bị xáo trộn. Các bộ tộc không có quốc gia trước kia (như dân Kurd) thừa dịp thành lập quốc gia (Kurdistan) ở khu vực Irak và Syrie...

Một yếu tố khác, là chất xúc tác mạnh mẽ để các tổ chức khủng bố thành hình, là vấn đề Palestine.

Vấn đề Palestine đã khiến một vấn đề tranh chấp lãnh thổ (giữa dân Palestine với Do Thái) trở thành một tranh chấp quốc tế giữa khối Hồi giáo và Do Thái (và Mỹ). Tức là, vấn đề lãnh thổ bây giờ thêm vào yếu tố tôn giáo.

Ta đã thấy dân tộc VN, lịch sử dân tộc này là lịch sử của các cuộc chiến tranh giữ nước và chống ngoại xâm. Vấn đề lãnh thổ là rất thiêng liêng. Bao nhiêu lớp trai trẻ đã lên đường, đã hy sinh chỉ để bảo vệ lãnh thổ.

Nay lại thêm vào vấn đề xung đột tôn giáo. Mà giữa các đạo Hồi, đạo Do Thái và Thiên chúa đã hiện hữu những hiềm khích, thù hận từ ngàn năm nay. Chiến tranh tôn giáo là chiến tranh hung bạo nhứt. Hận thù về tôn giáo là hận thù dai dẵn sâu đậm nhứt, không bao giờ chấm dứt.

Các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vấn đề Palestine, vấn đề tôn giáo... ba trái nổ gộp chung với nhau, hòa tan vào chất xúc tác Mác-Lênin-Mao Trạch Đông, trở thành chủ nghĩa thánh chiến.

Các yếu tố lãnh thổ, tôn giáo, Palestine (bất công, áp bức)... dễ dàng thu hút mọi tầng lớp trí thức, thanh niên nam nữ các nước Hồi giáo. Họ nghĩ rằng khi dấn thân làm « thánh chiến » là góp phần bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ tôn giáo, hay cho một lý tưởng cao đẹp.

Ta thấy họ qua vụ khủng bố 11-9-2001. Những người khủng bố đa số là tốt nghiệp đại học, tình trạng kinh tế và gia đình tương đối tốt.

Giải pháp nào để diệt trừ khủng bố ?

Nếu đã có giải pháp thì khủng bố đã chấm dứt từ lâu. Hoa Kỳ là một đại cường, sau khi đổ quân vào Afghanistan và Irak, đã tốn hàng ngàn tỉ đô la, đã chết hàng chục ngàn quân lính, rốt cục phải tháo lui. Khủng bố ở Afghanistan và Irak không giảm đi mà gia tăng hơn trước.
Nguyên nhân của khủng bố, theo phân tích của tôi, hiện tại là tổng hợp ba phương diện : yêu sách và tranh chấp lãnh thổ, xung độc tôn giáo (Hồi giáo và Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo) và vấn đề Palestine. Trong các chính sách của Mỹ về Trung Đông, chưa bao giờ người ta thấy người Mỹ chú tâm giải quyết xung đột Do Thái - Palestine, là mấu chốt để giải tỏa các vấn đề tôn giáo và lãnh thổ. Tức là, một phần đáp số của vấn đề khủng bố là Palestine.

Một vài bài báo của người Việt, như ở trên BBC, hay ở VOA, các tác giả cho rằng khủng bố là một vấn đề thuộc về nội bộ nước Pháp, có thể giải quyết bằng các biện pháp xã hội (ở nước Pháp).

Có người còn lầm lẫn đến mức cho rằng vụ khủng bố 13-11 tại Paris là đến từ việc Pháp đem 100.000 quân đóng ở Bắc Phi và Trung Đông.

Con số chính thức (năm 2015) quân Pháp ở hải ngoại tổng cộng không quá 20.000 người. Tại Trung Đông, quân Pháp chỉ có mặt tại Emirats Arabes Units là 700 quân. Nếu tính thêm hải quân hiện đang đi tuần trong vịnh Aden thì có thêm 270 quân. Các xứ Bắc Phi không có quân Pháp hiện diện.

Có tác giả cho rằng nguyên nhân khủng bố là do mâu thuẫn xã hội ở Pháp. Thống kê đưa ra cho thấy người mang tên Ả Rập khó tìm việc làm hơn người mang tên Pháp. Điều này đúng, không chỉ ở nước Pháp. Nguyên nhân do đâu người Ả Rập khó tìm việc làm ?

Cùng thống kê đó cho thấy, sau biến cố 11-9-2001, người dân Mỷ (và Châu Âu) « sợ » dân Hồi giáo nhiều hơn hết hơn những nỗi sợ khác.

Tức là, nếu người Ả Rập khó tìm việc làm hơn những người dân khác thì nguyên nhân là do vụ khủng bố 11-9-2001 chớ không phải do kỳ thị chủng tộc.

Có tác giả cho rằng khủng bố đến từ sự cuồng tín và chỉ có giáo dục mới « giải tỏa được sự cuồng tín ».

Cũng không chắc đúng. Trong vụ khủng bố 11-9-2001, một số tên khủng bố là thành phần trí thức, tốt nghiệp đại học.

Những tên khủng bố gốc Pháp trong vụ Paris 13-11, không thể nói rằng chúng cuồng tín. Như đã viết trên, những tên này phần lớn là hút sách, ăn chơi… ít có tên nào là tín đồ gương mẫu.

Giáo dục bên Pháp bắt buộc và miễn phí cho đến hết trung học. Gia đình đứa trẻ đi học còn được trợ cấp xã hội.

Trong khi nội các chính phủ Pháp hiện nay, bộ trưởng bộ giáo dục là người gốc Bắc Phi. Một số bộ khác cũng do người gốc Bắc phi đảm trách. Còn thủ tướng là người gốc Tây Ban Nha (tương tự đô trưởng Paris). Tức là Pháp không phải là một giống dân có truyền thống kỳ thị.

Vấn đề « khủng bố » mang màu sắc tôn giáo hiện nay là một vấn đề « quốc tế », tương tự « quốc tế vô sản » ngày xưa, không dễ diệt trừ. Người dân nghèo nào khi nghe nói lấy ruộng người giàu chia cho người nghèo lại không đi theo ? (Không chừng, nếu ở VN có người phất lại ngọn cờ vô sản sẽ rất ăn khách).

Cốt lõi của khủng bố là tài chánh. Những người được tuyển mộ đều được Daech trả lương hậu hỉ. Vừa có tiền, vừa được mang danh « thánh », những người nhẹ dạ đều dễ tin theo.


Thứ đến là phải chặn hữu hiệu vũ khí nhập vào các xứ Châu Âu từ các nước thuộc Nam Tư cũ. Người ta dễ dàng mua những cây AK, thậm chí hỏa tiễn chống tăng với một giá rẻ mạt, ngay cả trên internet.

Sau đó là biên giới lỏng lẻo. Những người trẻ từ Châu Âu đi qua Syrie để thực tập « thánh chiến » dễ dàng như đi chợ, mà cửa trung gian là Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự thiếu hợp tác về gián điệp, hay việc không chia sẻ hồ sơ những người tình nghi khủng bố, cũng không được các nước Châu Âu chia sẻ. 4 tên tham gia khủng bố Paris 13-11 đã có tên trong danh sách những kẻ nguy hiểm cần theo dõi của Bỉ. Danh sách này đã không chia sẻ cho Pháp mà Bỉ cũng không làm việc theo dõi.

http://www.state.gov/j/ct/rls/other/des/123085.htm
http://www.state.gov/j/ct/rls/crt/index.htm
http://www.state.gov/j/ct/rls/other...

Trương Nhân Tuấn
(FB Trương Nhân Tuấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét