Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Báo động tình trạng lạm dụng lao động trẻ em

Báo động tình trạng lạm dụng lao động trẻ em
"Đối với các trẻ em sống trong gia đình nghèo thì việc trẻ em đi kiếm sống là một hiện tượng xã hội đã có từ rất lâu. Ở VN có hiện tượng trẻ em kiếm sống sớm thì các em đã bị bóc lột sức lao động, hoặc phải lao động nặng nhọc trong các điều kiện nguy hiểm, độc hại và thủ đoạn bóc lột ngày càng tinh vi hơn" - Bà Võ Kim Hiền

Ở VN hiện nay có không ít trẻ em nghèo đang là đối tượng chịu sự bóc lột của các cơ sở sản xuất, kinh doanh... Đây là những việc làm hoàn toàn trái với pháp luật. Thực trạng vấn đề sử dụng lao động trẻ em hiện nay ra sao và cần có các giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này?

Theo kết quả báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ILO thực hiện cho thấy, Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5-17 tuổi. Nghĩa là có khoảng 9,6% dân số trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17 ở Việt Nam, đang là lao động trẻ em.

Quản lý lao động trẻ em lỏng lẻo
  
Chị Năm ở Đồng Nai, một người mẹ có 3 người con hiện đang phải làm việc sớm để kiếm sống cho chúng tôi biết:

“Hoàn cảnh của tôi khổ lắm, nhà ở dưới song thì dột, chồng đi làm thợ hồ, 3 đứa con thì cho đi làm mướn cho người ta.”

Theo nghiên cứu của Bộ LĐ-TBXH gần đây cho biết, có khoảng 50% các em được khảo sát cho rằng, các em phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, như đào đãi vàng, công nhân xây dựng… Điều đó có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Không những thế, các lao động trẻ em cũng phải chịu nhiều sức ép tâm lý như tiền công thấp, chậm thanh toán hoặc bị chủ nhục mạ….

Đánh giá về thực trạng sử dụng lao động trẻ ở VN hiện nay, bà Võ Kim Hiền, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Lao động - Việc làm, Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhận định:

“Đối với các trẻ em sống trong gia đình nghèo thì việc trẻ em đi kiếm sống là một hiện tượng xã hội đã có từ rất lâu. Ở VN có hiện tượng trẻ em kiếm sống sớm thì các em đã bị bóc lột sức lao động, hoặc phải lao động nặng nhọc trong các điều kiện nguy hiểm, độc hại và thủ đoạn bóc lột ngày càng tinh vi hơn. Vấn đề là làm sao để trẻ em được chăm sóc sức khỏe,  không thể để trẻ em phải làm việc trong các điều kiện nguy hiểm”

Trả lời câu hỏi, nguyên nhân do đâu khiến tình trạng trẻ em phải làm việc sớm để kiếm sống và tình trạng đó ngày một tăng, bà Hiền cho là hiện nay kinh tế nhiều gia đình khó khăn do cha mẹ công việc không ổn định, thu nhập thấp tăng, làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị mạnh hơn, khiến số lao động trẻ em tăng theo. Bà Võ Kim Hiền tiếp lời:

“Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em phải kiếm sống sớm là do các em sinh ra trong những gia đình nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn. Hoặc cũng do nhận thức chưa đầy đủ của các em, của gia đình và cộng đồng về Luật lao động, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục sức khỏe trẻ em. Cái nguyên nhân nữa là do nhận thức sai lầm của các gia đình cho rằng cho trẻ đi lao động sớm thì sẽ sớm nên người. Và một nguyên nhân nữa là có một số em thích tiêu xài nên đã đi làm sớm để thỏa mãn nhu cầu của các em.”

Cho dù pháp luật đã có quy định, đối với các ngành nghề được phép sử dụng lao động vị thành niên, mức phạt tiền sẽ từ 1 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi trả công lao động không tương xứng cho trẻ hoặc sử dụng lao động trẻ em quá 7 giờ/ngày. Tuy vậy, việc quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này còn lỏng lẻo, luật pháp xử lý các vụ vi phạm chưa nghiêm minh khiến các chủ cơ sở sử dụng lao động trẻ em xem thường. Bà  Thùy Nga cán bộ phòng Pháp chế, Sở Lao động TB&XH TP. Hồ Chí Minh  khẳng định:

Trẻ em Việt Nam đang phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. (báo Tuthien.vn)
“Cái sức răn đe, chế tài của pháp luật đối với những người vi phạm còn nhiều sơ hở và còn thiếu sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương. Nên việc những vụ việc vi phạm luật về trẻ em chưa được phát hiện kịp thời và không được xử lý nghiêm khắc.”

Vi phạm pháp luật và quyền của trẻ em 

Về vai trò quản lý nhà nước, trong việc sử dụng lao động trẻ em, một cán bộ phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động TB&XH yêu cầu dấu danh tính nói với chúng tôi:


“Các em nhỏ đi làm xa gia đình thì nguy cơ sẽ bị xâm hại rất lớn, để giảm thiểu cái vấn đề này thì không chỉ ngành lao động, mà tất cả các ban ngành liên quan. Và nhất là các gia đình cần phải hiểu là các em tuổi còn nhỏ mà không thể để các em đi lao động, vì như thế là chúng ta đã vi phạm pháp luật và quyền của trẻ em.”

Theo VnEconomy online mới đây cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết rằng, đến năm 2016, Việt Nam sẽ xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, và đến 2020 sẽ xóa bỏ lao động trẻ em trong điều kiện nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và dần sẽ giảm thiểu lao động trẻ em tham gia hoạt động kinh tế.

  Các em nhỏ đi làm xa gia đình thì nguy cơ sẽ bị xâm hại rất lớn, để giảm thiểu cái vấn đề này thì không chỉ ngành lao động, mà tất cả các ban ngành liên quan. Và nhất là các gia đình cần phải hiểu là các em tuổi còn nhỏ mà không thể để các em đi lao động, vì như thế là chúng ta đã vi phạm pháp luật và quyền của trẻ em

Một cán bộ phòng Bảo vệ trẻ em
Nói về những hệ quả mà các lao động trẻ em sẽ bị gặp phải, bà Võ Kim Hiền thấy rằng, các lao động trẻ em hiện đang phải làm tất cả những công việc, kể cả việc nặng nhọc của người lớn, miễn sao có được thu nhập ổn định. Theo bà, trung bình mỗi ngày, các em phải làm việc tới 10 giờ/ngày với mức thu nhập 50.000-60.000 đồng/ngày. Bà Võ Kim Hiền cảnh báo:

“Khi để các em ở xa gia đình khi đi kiếm sống, trước hết là các em thiếu chỗ ở an toàn. Cái thứ 2 là do các em còn nôn nớt nên các cạm bẫy xung quanh có thể đe dọa tới tính mạng hoặc đe dọa phẩm giá của các em. Và nhiều khi nhiều em sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực đường phố hoặc các hành vi xâm hại tình dục. Vì các em còn hạn chế về cả tinh thần và thể chất nên dễ bị kẻ xấu bóc lột, xâm hại và ngược đãi. Kể cả việc các em sẽ vi phạm pháp luật.”

Nói về các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sử dụng lao động trẻ em, bà Thùy Nga cho rằng, Nhà nước phải gắn liền việc này với công tác xóa đói, giảm nghèo, để tạo việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho các bậc cha mẹ, để từ đó họ sẽ không bắt con em mình lao động sớm. Bà nói:

“Phải tăng cường hơn nữa việc quản lý, rà soát địa bàn và tập trung kiểm tra các cơ sở có khả năng sử dụng lao động trẻ em, để tăng cường việc ngăn chặn, xử lý và để tránh việc sử dụng lao động trẻ em.”

Giáo dục ý thức yêu lao động, tự lập vươn lên cho các em là công tác cần làm. Tuy nhiên việc lạm dụng trong sử dụng lao động trẻ em không đúng luật pháp quy định sẽ tạo ra rất nhiều nguy cơ và hệ lụy cho sự phát triển lành mạnh của xã hội và tâm lý của trẻ trong tương lai.

Anh Vũ
phóng viên RFA
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét