Thất thoát hay tham nhũng?
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GT-VT đã rà soát lại 68 dự án và đã giảm được vốn đầu tư so với giá trị ban đầu là 57.282 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi dự án giảm được trên 800 tỷ đồng. Chưa kể trước đó, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã chỉ đạo rà soát lại 44 dự án và đã giảm được vốn đầu tư 40.000 tỷ đồng. Chỉ mới qua hai đợt rà soát trên, đưa giá trị công trình về với giá thực, việc thực, mà ngân sách đã tiết kiệm được 97.282 tỷ đồng, tương đương với hơn 4,5 tỷ USD. Nếu rà soát lại toàn bộ các dự án xây dựng công trên cả nước thì con số tiết kiệm được cho ngân sách, cũng đồng nghĩa với việc ngân sách sẽ bị lãng phí, thất thoát nếu không được rà soát, sẽ là bao nhiêu?
Câu hỏi được đặt ra là nếu không có sự rà soát đó, thì số tiền được gọi là lãng phí, thất thoát đó sẽ đi đâu? Hay nói thẳng ra là sẽ vào túi ai?
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Phúc tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã phải thừa nhận, việc thất thoát trong xây dựng công là có thật.
Tuy nhiên ngay sau đó, Bộ trưởng lại nói rằng chưa có con số cụ thể về sự thất thoát này, vì chưa có việc nghiên cứu, đánh giá toàn diện.
Dù Bộ trưởng không đưa ra được một con số cụ thể, nhưng chỉ nhìn vào những con số trên, thì cử tri cả nước cũng đã hình dung ra được mức độ thất thoát trong xây dựng công lớn đến mức nào rồi.
Những dự án xây dựng công là điều kiện tuyệt vời cho tham nhũng. Những cuộc đấu thầu “quân xanh quân đỏ”. Những tỷ lệ mà nhà thầu phải “cắt phế” lại trong việc thi công mỗi công trình công là 10, 15, thậm chí đến 20% giá trị công trình, là hoàn toàn có căn cứ.
Chính vì thế mà mỗi dự án đều được tính đội giá vật liệu, nhân công… lên và vẽ ra rất nhiều thứ khác, để lấy tiền bù vào việc “cắt phế” đó, cộng với lợi ích riêng của nhà thầu.
Và nếu không kê khống được vốn đầu tư lên thì không ít công trình làm xong chưa được bao lâu, thậm chí có công trình còn chưa kịp bàn giao, đã xuống cấp nghiêm trọng.
Hay những con đường mới làm xong được mấy tháng đã nổi sống trâu sống bò, mặt đường bị bong tróc nham nhở… vì dùng vật liệu không đạt chuẩn và rút bớt nhân công, máy móc thiết bị để lấy tiền bù vào khoản “cắt phế” kia.
Nhưng rồi tất cả đều “đúng quy trình” hết, chẳng ai bị làm sao.
Những số tiền được gọi là thất thoát, lãng phí đó, thật ra chính là số tiền bị tham nhũng. Việc tham nhũng được đội lốt thất thoát, lãng phí.
Cử tri cũng chẳng lạ gì chuyện không ít quan chức, sau mỗi công trình là túi lại nặng trĩu, là có tiền cho con đi du học ở nước ngoài hay mua biệt thự chục tỷ ở Thủ đô.
Đã thừa nhận thất thoát trong xây dựng công là có thật, nhưng lại không nắm cụ thể được số thất thoát là bao nhiêu? Và cũng không trình bày trước Quốc hội được những biện pháp nhằm chống thất thoát, lãng phí, cũng chính là chống tham nhũng. Câu trả lời của ông Bộ trưởng thật kỳ lạ.
Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét