Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Việt Nam ký vay gần 31 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm

Việt Nam ký vay gần 31 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm
Tư Hoàng - (TBKTSG Online) - Tổng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi được Việt Nam ký kết theo các điều ước quốc tế cụ thể thời kỳ 2010 – 2015 ước đạt mức kỷ lục là 30,616 tỉ đô la Mỹ, theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vay vốn ODA 
Trung Quốc bị đội vốn và chậm tiến độ - Ảnh TL
Báo cáo về tình hình ký kết và giải ngân vốn ODA giai đoạn 2010-2015 do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thay mặt Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội cho biết con số như trên được tổng hợp từ hai giai đoạn.

Giai đoạn 2010-2014, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế cụ thể đạt trên 27,116 tỉ đô la Mỹ. Trong số đó, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ước đạt 25,746 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 94,95%; ODA ước đạt 1,370 tỉ đô la Mỹ chiếm khoảng 5,05% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã ký kết cho thời kỳ này.

Trong năm 2015, số vốn ước thực hiện đạt khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ. Trong số đó, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ký kết 9 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 2,73 tỉ đô la Mỹ, trong đó vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt gần 2,7 tỉ đô la Mỹ, vốn ODA đạt khoảng 31,91 triệu đô la Mỹ.

Đáng lưu ý là khái niệm về vốn ODA đã thay đổi căn cứ theo Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23-4-2013 của Chính phủ, theo đó ODA là hình thức cung cấp ODA phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ, "bảo đảm yếu tố không hoàn lại đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc." Trong khi đó, vốn vay ưu đãi là hình thức cung cấp vốn vay có điều kiện ưu đãi hơn, so với vay thương mại, nhưng yếu tố không hoàn lại chưa đạt tiêu chuẩn của ODA vốn vay được quy định như trên.

Theo Bộ trưởng Vinh, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ đạt 21,778 tỉ đô la Mỹ giai đoạn 2010-2012.

Từ năm 2013, khi Việt Nam trở thành đối tác phát triển, tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VDPF) không có cam kết ODA.
Về tình hình giải ngân, Bộ trưởng cho biết, tổng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giải ngân giai đoạn 2010- 2015 ước đạt 27,16 tỉ đô la Mỹ, bằng 88,7% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong thời kỳ này, trong đó vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt 25,276 tỉ đô la Mỹ, vốn ODA đạt 1,889 tỉ đô la Mỹ.

Tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã có nhiều cải thiện, đã tăng từ mức 3,541 tỉ đô la Mỹ năm 2010 lên mức 5,655 tỉ đô la Mỹ năm 2014.

Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN (vốn nước ngoài - vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài), ông Vinh cho biết tổng số vốn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2010-2015 là 96.519 tỉ đồng, trong đó 51.840,2 tỉ đồng cho các bộ, ngành trung ương, và 44.978 tỉ đồng cho các địa phương. Trong khi đó tình hình giải ngân vốn nước ngoài giai đoạn 2010-2015 ước đạt khoảng 237.933 tỉ đồng.

Báo cáo cho biết thêm, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang quản lý, cho vay trên 460 dự án với dư nợ 140.000 tỉ đồng vốn ODA. Trong 5 năm 2011-2015, đã có trên 100 dự án mới với số vốn vay theo tín dụng đầu tư đã ký trên 40.000 tỉ đồng. Tổng số vốn giải ngân trong giai đoạn 2011-2015 là trên 91.000 tỉ đồng, bình quân hàng năm giải ngân cho nền kinh tế là trên 18.000 tỉ đồng

http://www.thesaigontimes.vn/139015/Viet-Nam-ky-vay-gan-31-ti-do-la-My-trong-5-nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét