Trung Cộng đang xuất cảng tai nạn đi khắp thế giới
Đó là lời khuyến cáo của nhà văn Mộ Dung Tuyết Thôn cho thế giới. Trong một bài đăng trên tờ New York Times, ông đã đặt vấn đề “Coi chừng thành tích an toàn của Trung Quốc.” Ông mở đầu với câu chuyện về Thiên Tân. “Nó như điều mà chúng tôi được nghe nói là một quả bom hạch nhân sẽ như vậy,” một ông tài xế lái xe vận tải, kể lại với Thông Tấn Xã Associated Press.
Một vụ nổ lớn làm rung chuyển một nhà máy chế tạo máy ở thành phố
Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc sáng 31.12.2014
Ông này còn lắc đầu bảo: “Tôi không bao giờ nghĩ là tôi có thể chứng kiến một chuyện như vậy.” Vào lúc đêm khuya ngày 12 tháng 8 năm 2015 ở hải cảng Thiên Tân, chỉ có 90 miles cách Bắc Kinh, thực sự nó là tiền cảng của Bắc Kinh, một vụ nổ phá tan một khu nhà kho chứa những hóa chất dễ nổ, làm cho hơn 170 người thiệt mạng. Nhiều trăm người nữa bị thương.Các địa chỉ liên lạc xã hội Trung Cộng bùng lên sự tức giận và thương xót, nhưng không mấy ngạc nhiên. Nhà văn nói một người bạn bảo ông: “Chuyện này sẽ xảy ra và rồi lại xảy ra, vấn đề chỉ là khi nào và ở đâu.”
Mười ngày sau, vào ngày 22 tháng 8 cũng năm nay, một vụ nổ đã bùng lên ở một xí nghiệp hóa chất ở tỉnh Sơn Đông. Hôm 31 tháng 8, một xí nghiệp hóa chất khác ở Sơn Đông bùng nổ. Và vào ngày 12 tháng 10, hai tháng sau vụ nổ ở bến cảng, một cơn hỏa hoạn khác bùng lên ở một kho hàng khác của Thiên Tân.
Trong khi đó, có quá nhiều kiến trúc của Trung Quốc đã cho thấy là chả vững hơn gì một ngôi nhà bằng giấy, sụp đổ, giết những người sống trong đó. Trong những thí dụ mới nhất, một tòa nhà hai tầng đang được tái thiết ở Tỉnh Hà Nam sụp đổ vào ngày 30 tháng 10 mang theo 17 sinh mạng.
Mà ngay cả đến những dự án mà chính quyền gọi là “đại công trình” cũng không tránh được những tiêu chuẩn yếu kém về xây dựng. Từ năm 2007 đến 2012, 37 cây cầu được loan báo đã sập, cùng với 182 sinh mạng.
Những thảm họa này đã bị che dấu dưới những hàng tít lớn khoe khoang thành tích của phép lạ kinh tế Trung Quốc. Chúng là hậu quả của sự đam mê của chính quyền với các đại công trình cộng với hoạch định thiếu suy nghĩ, tham nhũng ăn sâu và sự cẩu thả trong xây dựng, kiểm soát và luật lệ.
Với đồng vốn Trung Cộng đang đổ ra ngoại quốc, lề lối làm việc nguy hiểm này có nguy cơ bị xuất cảng. Kinh nghiệm của Trung Cộng ở chính cố quốc phải là một khuyến cáo cho các chính phủ và các công ty. Các công ty Trung Quốc có thể đưa ra những đơn thầu rẻ nhất cho các dự án hạ tầng cơ sở cũng như những ngân khoản cho vay dễ dàng hay ngay cả viện trợ, nhưng kiến trúc của Trung Quốc mang lại những nguy cơ kinh hồn.
Nhiều toán của các tập đoàn quốc doanh đang chạy đôn chạy đáo trên toàn thế giới thực hiện các dự án siêu lớn. Ở Sudan, một tập đoàn Trung Cộng đang xây dựng một đập khổng lồ. Ở Ecuador, cùng với đập nước, Trung Quốc đang xây dựng một nhà máy lọc dầu. Các công ty Trung Cộng đang xây cầu ở Cambodia, Bangladesh, Kenya.
Nhưng riêng việc xây dựng và quản trị các nhà máy hạch nhân ở ngoại quốc là đặc biệt đáng ngại. Hồi tháng 10, Chủ Tịch Tập Cận Bình và chính phủ Anh ký những thỏa thuận mở đường cho việc Trung Cộng giúp xây dựng hai nhà máy điện hạch nhân ở Anh.
Trong khi đó ở chính Trung Quốc, việc xây dựng nhà máy điện hạch nhân là những dự án gây tranh cãi, với một số quan sát viên nói là Trung Quốc không coi an toàn một cách đủ nghiêm chỉnh. Ông Hà Tộ Hưu, một chuyên gia về hạch nhân và là một đảng viên trung thành của đảng Cộng Sản, đã bày tỏ không hài lòng trước những điều khoản về an toàn, diễn tả những kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền về hạch nhân là “điên cuồng.” Từ tất cả những gì chúng ta biết về kiến trúc của Trung Quốc cũng như lề lối kiểm tra, một tai nạn ở một nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc cũng là một vấn đề lúc nào và nơi nào thôi.
Không có lý do gì để chờ đợi những tiêu chuẩn an toàn và phẩm chất kiến trúc của các dự án do Trung Quốc điều khiển lại cao hơn ở ngoại quốc. Cũng như ở Trung Cộng, các dự án ngoại quốc sẽ được điều hành bởi những công ty quốc doanh của Bắc Kinh. Nhiều công nhân được nhập cảng từ những phu phen người Hoa đưa từ Hoa lục đến, và các quản trị cấp cao đều là những người được chính quyền Bắc Kinh chỉ định, hay ngay cả cựu viên chức nhà nước.
Lề lối làm ăn bê bối này của Trung Cộng không phải là không bị để ý đến. Mặc dầu người Việt chúng ta đã cười ông Đinh La Thăng, bộ trưởng giao thông vận tải, nhưng chính ông cũng đã phải công khai chỉ trích một công ty Trung Cộng vì một loạt những tai nạn lao động ở một công trình xây dựng một đường hỏa xa cho Hà Nội. Ngân Hàng Thế Giới đã cho vào sổ đen ít nhất 12 công ty Trung Cộng tình nghi gian lận và tham nhũng, cấm họ không được tham gia các dự án do ngân hàng tài trợ.
Tham nhũng lan tràn trong hàng lãnh đạo các tập đoàn. Cứ thử lấy trường hợp của tập đoàn dầu khí Trung Quốc, vốn đang tài trợ cho dự án nhà máy lọc dầu ở Ecuador. Trong những năm gần đây, một số lớn các viên chức của tập đoàn, kể cả chủ tịch và kế toán trưởng, đã bị điều tra và tống giam về tội tham nhũng.
Tuy tai nạn liên quan đến cẩu thả trong công cuộc kiến trúc không hiếm ở những nơi khác trên thế giới, nhưng chỉ ở Trung Cộng đặc biệt là cũng vẫn tai nạn đó xảy ra rồi lại xảy ra nữa. Người ta tiếp tục mất mạng và tiếp tục mất mạng vì cùng một lý do.
Khi tai nạn xảy ra, chính quyền Bắc Kinh bèn dở bài bản khẩn cấp, tổ chức cấp cứu, cứu trợ, đòi câu trả lời, và ở bất cứ mọi lãnh vực, để lộ ra một mức độ thiếu chuyên môn đến đáng sợ. Trong vụ tai nạn ở Thiên Tân chẳng hạn, nhân viên cứu hỏa không biết cách nào đối phó với hỏa hoạn hóa chất. Và trong suốt 10 giờ đầu của vụ nổ, đài truyền hình quan trọng nhất ở địa phương vẫn còn phát toàn là phim truyện, không hề nói đến vụ tai nạn này.
Chính quyền Trung Cộng đã không học được một tí gì trước những tai nạn thường xảy ra. Khả năng của chính quyền chỉ thấy trong việc kiểm soát thông tin: Dấu sự thật, cấm báo chí tường thuật và nhanh chóng đóng cửa các trương mục liên lạc xã hội nào bị tình nghi phổ biến điều mà chính quyền gọi là “tin đồn.” Những chỉ thị của nhà nước luôn được diễn tả là “sáng suốt” và các gia đình nạn nhân luôn luôn “ổn định tâm lý.” Mỗi tai nạn lại là một cơ hội cho chính quyền tự khen mình. Trong khi đó bài học không được học và trách nhiệm không ai nhận.
Đối với nhiều viên chức nhà nước, việc bành trướng của các tập đoàn Trung Cộng ở ngoại quốc có nghĩa là họ gia tăng lợi tức. Chính phủ Trung Quốc đã nới rộng rất nhiều đầu tư ở ngoại quốc, nhưng lợi nhuận, chúng ta có thể dự đoán một cách khá chắc chắn, sẽ chỉ đến tay các viên chức và gia đình của họ. Rất hiếm khi có một kiểm toán thực sự về các dự án này, vốn chẳng mang bao nhiêu lợi nhuận cho dân chúng Hoa lục.
Và nhà văn kết luận “Nhân dân Trung Hoa đã phải trả cái giá mắc nhất cho hệ thống sai trái này. Nay lối xây dựng và quản trị Trung Quốc đang đi toàn cầu, không hiểu thế giới sẽ phải trả cái giá như thế nào?”
Nhà văn Mộ Dung Tuyết Thôn, mà cuốn tiểu thuyết mới nhất xuất bản bằng tiếng Anh mang cái tên “Nhảy múa trong bụi đỏ,” đã nổi tiếng nhiều năm chỉ trích chính quyền về tham nhũng và kiểm duyệt truyền thông và cũng đã nhiều lần bị khó dễ với chính quyền. Ông đã nổi tiếng nhờ phổ biến sách online và những bài viết cho báo chí ngoại quốc. Trong một bài viết cho tờ Aftenposten, tờ báo đứng đắn nhất của Na Uy, ông kể lại về “những cách kỳ quái người ta chết trong khi đang bị giam giữ” như sau: Ít nhất có một người bị nói là “chết trong khi đang chơi đi trốn đi tìm,” ít nhất một trường hợp khác bị nói là “chết trong khi đang uống nước” và ít nhất một người bị nói “chết trong khi đang nằm mơ!”
Lời khuyến cáo của ông rất nghiêm chỉnh nhưng không biết có chính phủ nào để ý đến không. Ở Anh quốc, ít nhất dự án điện hạch nhân là làm chung với Tập đoàn EDF (Électricité de France) của Pháp, một công ty điện có nhiều kinh nghiệm nhất về điện hạch nhân ở Âu Châu. Nhưng còn những dự án ở các quốc gia khác như dự án khổng lồ ở Vũng Áng ở Việt Nam thì không biết hậu quả còn di hại đến mức nào?
Lê Phan
(Theo bài của Murong Xuecun, The New York Times)
Theo Người việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét