Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết không xin lỗi Nga
Những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được cho là xuất phát từ nhận thức rằng Nga sẽ không thể đẩy tình hình vượt quá tầm kiểm soát. Dường như ông Erdogan nhận thức được vai trò không thể thiếu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga trong chiến lược ngăn chặn sự hình thành một liên minh chống Nga đang có nguy cơ hiện hữu ở châu Âu sau cuộc khủng hoảng Ukraine. "Nhận thức này đã cho phép Tổng thống Erdogan đủ tự tin để thể hiện thái độ cứng rắn, nhưng mục tiêu không phải để thách thức Nga, mà nhằm tìm kiếm sự tôn trọng hơn từ Moscow cho vai trò nước này ở Trung Đông".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
Ngày 27/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Nga đang "đùa với lửa" khi không kích vào các đoàn xe chở dầu và đồ tiếp tế tại khu vực biên giới Syria, nơi các nhóm phiến quân người Turk được Ankara hậu thuẫn đang hoạt động. Ông này cũng quyết không xin lỗi Nga sau vụ bắn rơi chiếc Su-24, vì cho rằng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã "làm đúng chức trách".Giới quan sát cho rằng những tuyên bố trên phần nào thể hiện cá tính của ông Erdogan, nhưng nó cũng là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có những tính toán rằng Nga sẽ không thể đẩy tình hình đi quá xa sau vụ bắn rơi máy bay, theo Le Monde.
Học giả Giray Sadik thuộc Đại học Yildirim Beyazit ở Ankara cho rằng thái độ cứng rắn của Tổng thống Erdogan cho thấy những toan tính của chính trị gia dày dạn kinh nghiệm này. Dường như ông Erdogan đã tính được trước mức độ đáp trả từ Moscow, và nhận định rằng Nga sẽ không thể leo thang tình hình vượt mức mức kiểm soát và dẫn đến chiến tranh, bởi nó gây bất lợi cho Nga nhiều hơn là Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây đang đi xuống.
Điều Nga lo ngại nhất khi xảy ra chiến tranh là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngay lập tức đóng cửa eo biển Dardanelles ở tây bắc nước này, con đường ngắn nhất nối liền Biển Đen tới Địa Trung Hải để Nga tiếp viện cho lực lượng của mình ở Syria. Theo Công ước Montreux, văn bản định ra quy tắc quốc tế trong việc sử dụng các eo biển, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng eo biển trên nếu hai nước trong tình trạng chiến tranh.
Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn chính trị Eurasia Group (Mỹ), cho rằng thái độ của ông Erdogan chứng tỏ ông này nắm vững được rằng Nga sẽ không có lợi gì khi phản ứng quá mạnh mẽ. Tổng thống Putin lúc này còn phải bận tâm đến nhiều mục tiêu địa chính trị quan trọng khác.
Isabelle Facon, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược phân tích rằng khi tuyên bố không có lý do gì để xin lỗi Nga về hành động bắn rơi cường kích Su-24, dường như ông Erdogan đã chấp nhận đánh đổi quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ để buộc thế giới chú ý đến vai trò của Ankara trên bàn cờ chính trị Trung Đông nói chung và Syria nói riêng.
"Kể từ khi Nga bắt đầu các hoạt động không kích tại Syria, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực dường như không được ai quan tâm đến. Đây là một nỗi xấu hổ không thể chấp nhận được với một chính trị gia có tham vọng như ông Erdogan", Falcon đánh giá.
Theo Falcon, thái độ cứng rắn của Tổng thống Erdogan cho thấy ông đang muốn khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là một nước lớn, các bên liên quan kể cả Mỹ và NATO muốn can thiệp vào Trung Đông thì không thể không tính toán đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ như những gì đã làm trong suốt thời gian qua.
Eo biển Dardanelles. Đồ họa: Quickgs
Nắm được điểm yếu của Nga
Ông Julien Nocetti, chuyên gia thuộc viện quan hệ quốc tế Pháp cho rằng thái độ cứng rắn của Erdogan cho thấy dường như Thổ Nhĩ Kỳ đã "bắt thóp" được Nga và tin tưởng rằng ngay cả khi Nga có những phản ứng mạnh mẽ thì điều này cũng không ảnh hưởng quá xấu tới quan hệ hai nước. Bởi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại nhiều lợi ích kinh tế không thể xem nhẹ, và Nga dù trong trường hợp nào cũng sẽ đặt mục tiêu tránh đổ vỡ nghiêm trọng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ lên hàng đầu.
Chuyên gia năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ Necdet Pamir nhấn mạnh tình hình hiện nay khó có thể đi xa hơn bởi Moscow không muốn làm ảnh hưởng đến chính sách năng lượng mà họ đang theo đuổi với Ankara.
Sau căng thẳng liên quan đến Ukraine, Nga đang nghiên cứu xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, với mục tiêu đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một quốc gia trung chuyển khí đốt chính của Nga tới châu Âu. Ông Pamir cho rằng trong tương lai Nga sẽ tiếp tục bán khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp quan hệ giữa hai nước bị xấu đi.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Anatoly Yanovsky đã xác nhận Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ theo các cam kết trong các hợp đồng cũ, theo Le Monde.
"Thời gian trôi qua, mọi việc sẽ trở lại như cũ, điều quan trọng là ông Erdogan đã thể hiện được tiếng nói của mình đối với người dân trong nước cũng như một bộ phận người Turk sinh sống ở vùng biên giới Syria, giáp Thổ Nhĩ Kỳ", ông Nocetti nhấn mạnh.
Sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, bên cạnh các luồng tư tưởng cho rằng cần phải trừng trị Thổ Nhĩ Kỳ một cách nghiêm khắc và không khoan nhượng, trên các phương tiện truyền thông của Nga cũng xuất hiện nhiều nhận định của giới chuyên gia có xu thế xoa dịu tình hình và lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga.
Các chuyên gia này đánh giá rằng những mục tiêu địa chính trị và tôn giáo của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không nhất thiết phải mâu thuẫn nhau, thậm chí còn có sự liên hệ khá gần gũi. Một thành phần quan trọng trong nền văn hóa Nga có yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ, bắt nguồn chính từ tộc người Tatars.
Nurettin Altundeger, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Luật pháp, Đạo đức và Chính trị tại Ankara, cho rằng dường như ông Erdogan nhận thức được vai trò không thể thiếu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga trong chiến lược ngăn chặn sự hình thành một liên minh chống Nga đang có nguy cơ hiện hữu ở châu Âu sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Nhận thức này đã cho phép Tổng thống Erdogan đủ tự tin để thể hiện thái độ cứng rắn, nhưng mục tiêu không phải để thách thức Nga, mà nhằm tìm kiếm sự tôn trọng hơn từ Moscow cho vai trò nước này ở Trung Đông", ông Altundeger nhấn mạnh.
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga được đưa tới Syria. Ảnh: RT
Nguyễn Hoàng
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/vi-sao-tho-nhi-ky-quyet-khong-xin-loi-nga-3319565.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét