'Thổ Nhĩ Kỳ được bật đèn xanh khi bắn máy bay Nga'
Trao đổi với Zing.vn, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga vì 4 mục đích và hành động liều lĩnh này đã được "bật đèn xanh" từ một số nước trong NATO. "Máy bay Nga có thể không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Trong trường hợp nó bay vào khu vực 500 tới 1.000 m kể từ biên giới, đây cũng là hành động hoàn toàn vô hại. Nga đang thực hiện chiến dịch không kích IS nên việc chiến đấu cơ Nga xâm phạm không phận Ankara hoàn toàn không mang tính chất đe dọa tới Thổ Nhĩ Kỳ. Việc bắn rơi máy bay Nga không phải tự vệ mà là hành vi khơi mào xung đột, vi phạm Công ước Quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc", ông Cương nói.Tướng Lê Văn Cương. Ảnh: Công Khanh
Hành động liều lĩnh
Theo Vox, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn và Ankara đang cố tìm cách loại bỏ ảnh hưởng từ bên ngoài. Đây có thể coi là nguyên nhân của các hành động quyết đoán và liều lĩnh bất thường của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các chính sách trong và ngoài khu vực.
Từ năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã muốn thay đổi chính phủ ở Syria. Kế hoạch bất thành, Ankara và Washington đều quay sang hỗ trợ lực lượng đối lập vũ trang ở Syria, bao gồm cả nhóm tiền thân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Khi IS bành trướng và gây sóng gió ở Iraq và Syria, Ankara tuyên bố hành động cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, những việc mà Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện rất ít và dùng nhiều lý do để giải thích sự hạn chế can thiệp của họ. Các nhà phân tích cho rằng sự dè dặt của Ankara là bởi toan tính sâu xa về tình hình địa chính trị trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là muốn sử dụng IS để “nhổ tận gốc” nhóm chiến binh người Kurd, lực lượng chống chính phủ trong nhiều thập niên qua. Trong cuộc chiến đẫm máu ở thị trấn biên giới Kobani, Ankara án binh bất động để Mỹ và đồng minh không kích chống IS.
Trong khi đó, mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là tốt đẹp cho tới thời điểm Moscow phát động chiến dịch không kích lực lượng nổi dậy ở Syria từ cuối tháng 9 vừa qua. Không chỉ nhằm mục tiêu không kích IS, chiến đấu cơ Nga còn bị cáo buộc oanh tạc lực lượng chống đối chính quyền Assad, một đồng minh lâu năm của Moscow.
Tuy nhiên, Nga cũng phát động chiến dịch không kích lực lượng nổi dậy ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhóm phiến quân gốc Thổ hoạt động và gây ảnh hưởng. Nó như giọt nước làm tràn ly. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từng triệu tập đại sứ Nga tới để yêu cầu chấm dứt không kích lực lượng mà Tổng thống Erdogan gọi là “những người anh em của chúng ta”.
Nga thừa nhận chiến đấu cơ của mình từng xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong các lần không kích. Nguyên nhân của hành động này là việc chiến đấu cơ Nga phải né tên lửa phòng không từ mặt đất. Tuy nhiên, lần này Điện Kremlin khẳng định chiếc Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vẫn hoạt động bên trong không phận Syria.
Ankara có tuyên bố khác về vấn đề này. Theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay Nga xâm phạm không phận Ankara trong khoảng 17 giây và nó bay vào sâu khoảng 1,5 km từ biên giới Syria. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố việc bắn rơi máy bay Nga là hành vi bảo vệ chủ quyền. Trong trường hợp tương tự, các thành viên NATO chọn cách đưa chiến đấu cơ áp sát, buộc máy bay Nga rời đi để bảo vệ không phận.
Được bật đèn xanh?
Trong cuộc trao đổi với Zing.vn, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, nhận định máy bay Nga có thể không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Trong trường hợp nó bay vào khu vực 500 tới 1.000 m kể từ biên giới, đây cũng là hành động hoàn toàn vô hại.
"Nga đang thực hiện chiến dịch không kích IS nên việc chiến đấu cơ Nga xâm phạm không phận Ankara hoàn toàn không mang tính chất đe dọa tới Thổ Nhĩ Kỳ. Việc bắn rơi máy bay Nga không phải tự vệ mà là hành vi khơi mào xung đột, vi phạm Công ước Quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc", ông Cương nói.
Ngoài ra, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cũng nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám đơn phương thực hiện vụ bắn rơi máy bay Nga, có thể họ đã được bật đèn xanh hoặc được chống lưng bởi một nước trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Nói NATO đứng sau là đúng nhưng không trúng. Phải trả lời câu hỏi NATO là ai. Không phải tất cả 26 nước thành viên NATO đều muốn sự cố này xảy ra. Pháp, Đức hay Anh cũng không muốn vụ việc này”, tướng Cương phân tích.
Ngoài ra, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cũng nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám đơn phương thực hiện vụ bắn rơi máy bay Nga, có thể họ đã được bật đèn xanh hoặc được chống lưng bởi một nước trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Nói NATO đứng sau là đúng nhưng không trúng. Phải trả lời câu hỏi NATO là ai. Không phải tất cả 26 nước thành viên NATO đều muốn sự cố này xảy ra. Pháp, Đức hay Anh cũng không muốn vụ việc này”, tướng Cương phân tích.
Góc chụp khác về chiếc Su-24 của Nga bị bắn rơi. Ảnh: Getty
Động lực đằng sau vụ bắn rơi máy bay Nga
Trong những tuần gần đây, IS liên tiếp gây ra các vụ khủng bố chấn động trên quy mô toàn cầu. Hai trong những sự kiện đẫm máu nhất là vụ đặt bom làm rơi máy bay chở 224 người của Nga và chuỗi vụ khủng bố ở thủ đô Paris, Pháp làm 130 người chết. Cả thế giới đang lo ngại về sự lộng hành của IS.
Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ về vấn đề Ukraine nhưng mối quan ngại từ IS khiến các bên đang dần trở nên đoàn kết. Tuy nhiên, đánh bại IS không phải mối quan tâm hàng đầu của Ankara. Họ muốn lật đổ chính quyền Bashar al-Assad để thành lập chính phủ mới do phe đối lập nắm quyền. Việc Nga và các nước phương Tây đội bom IS sẽ khiến tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ không thể trở thành hiện thực. Nhóm chiến binh người Kurd cũng tiếp tục gây đau đầu cho Ankara.
Tướng Lê Văn Cương nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga nhằm 4 mục đích chính: thứ nhất là cảnh báo Nga; thứ hai là củng cố lòng tin với các đồng minh Trung Đông; thứ 3 là tác động tới nội bộ Nga, nhằm kích động phong trào phản đối chiến dịch dội bom IS ở trong nước và cuối cùng là chia rẽ Nga -Iran khi vụ tấn công xảy ra đúng thời điểm Tổng thống Vladimir Putin đang công du Tehran.
Ở chiều ngược lại, vụ tấn công có thể gây ra những thiệt hại to lớn cho phía Thổ Nhĩ Kỳ. Trong phát biểu đầu tiên, Tổng thống Putin khẳng định “nước Nga bị đâm sau lưng bởi những kẻ hỗ trợ khủng bố” và khẳng định vụ việc “gây tác động nghiêm trọng" tới mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn khá căng thẳng sau chiến dịch không kích của Moscow nhằm vào các mục tiêu tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu phần lớn năng lượng, trong đó có 60% khí tự nhiên, từ Nga. Một lượng lớn du khách Nga cũng chọn quốc gia này làm điểm đến trong những chuyến du lịch nước ngoài. Trong phản ứng đầu tiên, công ty du lịch lớn nhất của Nga đã hủy toàn bộ các tour đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồng Duy
http://news.zing.vn/
Bụp ngay, chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm
Trả lờiXóa