Một kiểu tẩy xoá kí ức dân tộc?
Hồ Chí Minh định nghĩa: “Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình”. Nhưng Liên Xô đã “chết”. Vậy thì hà cớ gì mà giữ cái “Tổ quốc XHCN” đang được quảng bá khắp nơi hiện nay? Tại sao không quay về với tổ quốc là “Đất nước, gắn liền với bao thế hệ ông cha, tổ tiên của mình.” (Đại Từ điển Tiếng Việt)?Theo dự kiến của Ban Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông thì môn học mới này là tổng hợp 4 môn học giáo dục đạo đức – công dân, quốc phòng – an ninh, và lịch sử. Trong đó có dạy những nghĩa vụ công dân, kĩ năng sống, pháp luật, đạo đức cách mạng, v.v. Nhìn qua nội dung thì môn học mới này có vẻ rất “hầm bà lằng”. Tôi không phải là dân sử học, nhưng vẫn cảm thấy khó chấp nhận cái dự án “tích hợp” các môn học như thế này.
Trong một thời gian dài, sách sử của VN ngày nay có rất nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất là sử Việt Nam đã và đang bị chính trị hoá. Vì bị chính trị hoá, nên sách sử chỉ phục vụ cho thế lực chính trị đương thời, và hệ quả là bỏ qua những sự kiện quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển đất nước. Chẳng hạn như những cuộc xâm lăng của Tàu, những trận hải chiến với Tàu cộng làm cho chúng ta mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa không được đề cập đến trong sách giáo khoa sử. Ngược lại, có những sự kiện được đưa vào sử lại là dối trá, mà trường hợp Lê Văn Tám là một ví dụ tiêu biểu.
Vì phục vụ cho thế lực chính trị, nên sự thật lịch sử cũng bị bóp méo và xuyên tạc. Ví dụ tiêu biểu là những trang sách viết về chế độ Việt Nam Cộng Hoà, hay về triều Nguyễn hoặc là một chiều, không sòng phẳng, hoặc dối trá, hoặc xuyên tạc. Lại có tình trạng che giấu sự thật về những tội phạm của các triều đình phong kiến đối với các vương quốc nhỏ hơn như Chăm Pa. Như thế là thiếu trung thực và thiếu khách quan. Sử mà không trung thực và không khách quan thì khó có thể xem là sử được, mà là tuyên truyền.
Với một nội dung sử như thế mà “tích hợp” với các môn mang tính “phụ” như an ninh, quốc phòng để cho ra cái gọi là”Công dân với Tổ quốc”, thì chúng ta có thể đoán rằng môn học mới chẳng khá hơn. Ở VN mà giáo dục về quốc phòng và an ninh chắc chắn phải chịu sự chi phối của chính trị nặng nề. Do đó, môn học mới chỉ nâng độ tuyên truyền và chính trị hoá lên một tầm cao hơn mà thôi, chứ đâu có giải quyết rốt ráo những khiếm khuyết về nội dung như đề cập trên.
Có một khái niệm tôi rất ngán ngẩm là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” mà chắc sẽ trở thành một “feature” của môn học mới “Công dân với Tổ quốc”. Cái khái niệm này rất quan trọng, vì nó được nhắc đến thường xuyên trong các bài diễn văn của giới lãnh đạo, trong khẩu hiệu, trong sách, trên báo chí, v.v. nói chung là khắp nơi. Những người làm tuyên truyền thậm chí còn nói thẳng rằng yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa! Tôi nghĩ cái khái niệm này chắc chỉ tồn tại ở Việt Nam, chứ ít thấy cái đuôi XHCN ở các nước khác.
Tôi tò mò tìm hiểu khái niệm “Công dân với Tổ quốc” có nghĩa gì thì thấy … rất sốc. Thật ra, nó xuất phát từ suy nghĩ của những kẻ như Lenin rằng không có tổ quốc gắn liền với đất đai của tổ tiên cha ông, mà chỉ có tổ quốc của người vô sản ở khắp nơi trên thế giới đoàn kết lại thành một khối. Trong bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” (tập 11, trang 166), đích thân chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” như sau:
“Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình” (2).
Nhưng Liên Xô đã “chết”. Vậy thì hà cớ gì mà giữ cái “Tổ quốc XHCN” đang được quảng bá khắp nơi hiện nay? Tại sao không quay về với tổ quốc là “Đất nước, gắn liền với bao thế hệ ông cha, tổ tiên của mình.” (Đại Từ điển Tiếng Việt)?
Lịch sử, theo cái nhìn của tôi, là kí ức của dân tộc. Môn lịch sử phải có một vị trí trang trọng trong chương trình học, nhưng nội dung thì phải khách quan và tôn trọng sự thật (chứ không phải có quá nhiều gian dối và chính trị hoá như hiện nay). Cách dạy sử ở nước ta hiện nay, cùng khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, là một cách tẩy xoá kí ức dân tộc. Những người nhúng tay vào quá trình tẩy xoá kí ức dân tộc phải được xem là có tội với dân tộc.
Nguyễn Văn Tuấn
Theo FB Nguyễn Văn Tuấn
(1) Có thể đổi tên môn học “Công dân với Tổ quốc” (VNN).
(2) Luận cương của Lê Nin” Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa ” quyết định bước ngoặt và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh (ĐH Huế) (trích từ Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, trang 166).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét