Thực hư về bữa cơm của người tâm thần gây xôn xao mấy ngày qua
Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao khi một số bức ảnh cận cảnh bữa ăn và cuộc sống khốn cùng của các đối tượng tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An được tung lên mạng. PV đã trực tiếp đến tận nơi để xác minh rõ thực hư.
Người tâm thần được nuôi dưỡng tại Trung tâm
Lèo tèo bữa cơm 5.000 đồng/suất của người tâm thần Ngày 24.8, một người phụ nữ có tên L.Đ thường làm công tác thiện nguyện ở TP Vinh đã tung lên mạng một loạt ảnh chụp những người tâm thần gầy gò da bọc xương, trần truồng và bát cơm chỉ với một hai lát thịt mỡ lèo tèo gây xúc động mạnh đến cộng đồng mạng. Những bức ảnh được cho là chụp tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An (đóng tại xã Giang Sơn Đông, h. Đô Lương). Kèm theo các bức ảnh đó là chú thích: Đây là bữa ăn thường nhật của người tâm thần, họ bị suy dinh dưỡng và chết dần chết mòn.
Hình ảnh được chị L.Đ chia sẻ đã nhận được sự quan tâm
đặc biệt của cộng đồng mạng - (Ảnh chụp màn hình).
Những bức ảnh nói trên ngay lập tức đã gây ra chấn động mạnh đối với “cư dân mạng” với hàng trăm nghìn lượt thích, chia sẻ và bình luận. Nhiều người cho rằng các chế độ của người tâm thần tại Trung tâm đã bị bớt xén.
Sáng 25.8, PV Lao động đã đi quãng đường gần 100 km từ TP Vinh đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An để tìm hiểu rõ về việc này. Ông Nguyễn Thế Tường, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Tại Trung tâm hiện nuôi dưỡng 18 người giả cô đơn và 122 người tâm thần đặc biệt nặng lang thang, không nơi nương tựa”.Toàn trung tâm có 26 cán bộ, nhân viên, trong đó có 2 y sỹ. Diện tích Trung tâm là hơn 55 nghìn m2.
Ông Tường không phủ nhận những bức ảnh mô tả bữa cơm và cuộc sống của người tâm thần được chụp tại Trung tâm. “Tuy nhiên, cần nhìn nhận đúng bản chất vấn đề. Bệnh nhân tâm thần mỗi năm được phát hai bộ quần áo và các vật dụng cá nhân, nhưng một số người đã xé bỏ, cởi quần áo do tác động của bệnh”, ông Tường nói.
Về chế độ ăn uống của các đối tượng, bà Nguyễn Thị Thu Phương trần tình: “Quả thật chúng tôi không còn cách nào khác. Các đối tượng người già cô đơn được hưởng chế độ sinh hoạt phí 360 nghìn đồng/tháng; còn đối tượng tâm thần được hưởng chế độ 450 nghìn/tháng. Tính ra mỗi bữa ăn của người tâm thần tại đây chỉ 5 nghìn đồng bữa”.
Đến xem bếp ăn của Trung tâm, chúng tôi gặp chị bếp trưởng Nguyễn Thị Hồng Nhung đang xới cơm vào các tô cho đối tượng.
Mỗi tô i-nốc lung lửng cơm trắng kèm theo một ít thịt ba chỉ và ra trộn mì tôm, cộng với ít canh “toàn quốc”.“Các anh tính, với giả cả như hiện nay, mỗi bữa cơm chỉ được 5.000 nghìn đồng, nhiều lúc chúng tôi không biết xoáy xở như thế nào. Chị em làm bếp cố gắng mỗi bữa lo đủ cơm, thức ăn thì thay đổi thịt hoặc cá, cộng với canh rau”, chị Nhung nói.
Để tiết kiệm, ngoài cơm được nấu bằng nồi điện thì chị em nhà bếp tận dụng củi để nấu thức ăn, nước uống.
Người tâm thần trong phòng ở tại Trung tâm.
Chỉ với 5000 nghìn đồng/bữa, nhà bếp phải rất vát vả để lo bữa ăn cho các đối tượng
Chế độ trợ cấp chậm 8 tháng
Bà Lê Thị Hà (48 tuổi), già cả cô đơn vào Trung tâm đã 14 năm cho biết: “Bữa ăn đối với chúng tôi thì cũng đủ no, chỉ có thức ăn thì quả thật chưa đủ. Mong rằng Nhà nước tăng mức trợ cấp thêm”.
Bà Hà cũng cho biết là cán bộ Trung tâm đối xử với các đối tượng rất tốt, rất tình cảm. Mỗi năm bà được tiền quà 150 nghìn dùng để mua thêm xà phòng, kem đánh răng.
Bà Nguyễn Thị THu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An cho biết: “Theo Nghị định 136, kể từ 1.1.2015, các đối tượng người già tại Trung tâm được hưởng sinh hoạt phí 1.080.000 đồng/tháng; người tâm thần được 810.000 đồng/tháng. Hồ sơ chúng tôi đã hoàn thiện từ tháng 5, nhưng đến nay chưa có tiền cấp về. Đề nghị tỉnh sớm cấp tiền để cải thiện cuộc sống cho các đối tượng”.
Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An nói: “Vì tỉnh chưa cân đối được nguồn nên chưa có tiền cấp về cho Trung tâm Bảo trợ xã hội”. Khi được hỏi khi nào thì sẽ có tiền, ông Dương nói: “Sắp có. Và sẽ trả cả khoản tiền truy lĩnh từ đầu năm”.
Việc tỉnh Nghệ An chi trả chế độ trợ cấp theo Nghị định 136 cho các đối tượng bảo trợ xã hội chậm đến 8 tháng đã làm cho cuộc sống của họ vốn đã khó khăn càng thêm khốn khổ.
Video clip bữa cơm 5 nghìn đồng:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét