Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Bộ trưởng Vinh: 'Tôi không chỉ đạo bóp méo số liệu thống kê'

Bộ trưởng Vinh Nói: "Với các phương pháp thống kê theo chuẩn quốc tế, Tổng cục Thống kê luôn cho ra những kết quả được thế giới chấp nhận. những con số Tổng cục Thống kê đưa ra rất hòa nhập quốc tế, đáng tin cậy. Tôi không chỉ đạo có những số liệu khác đi, anh em không có áp lực gì và họ cũng không có lợi lộc gì trong đó”. Tôi không tin điều này, vì đa số các số liệu thống kê của VN không được tính theo tiêu chuẩn quốc tế mặc dù tên gọi giống tên quốc tế. Ví dụ trong bài này là CPI, nhưng rõ rệt nhất là tính toán GDP, đầu tư, ngân sách nhà nước, cán cân xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán quốc tế, nợ xấu ngân hàng, nợ công trong nước, nợ công ngoài nước, thất nghiệp... Đúng là làm không đúng chuẩn mực quốc tế thì cán bộ không có lợi lộc gì. Nhưng có cái lợi lớn nhất là họ cứ theo cái lạc hậu, cũ kỹ của các thế hệ trước mà làm, hội nhập quốc tế nhưng thống kê không hội nhập, nên họ nhàn hạ, thảnh thơi ngồi máy lạnh, chẳng cần học thêm nghiệp vụ, đọc thêm sách, tài liệu. Nhìn báo cáo của Bộ KHĐT trình Chính phủ và thay mặt Chính phủ trình Quốc hội thì thấy đó là điển hình của tình trạng phổ biến hiện nay: Cứ theo cách cũ từ 30 năm nay mà làm. 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: 'Tôi không chỉ đạo bóp méo số liệu thống kê'
Thừa nhận có chuyện số liệu thống kê chưa chính xác, song theo người đứng đầu ngành kế hoạch, không hề có chuyện nhào nặn, bóp méo để làm đẹp con số. Ngành thống kê 'bó tay' trước chênh lệch số liệu thương mại Việt Trung / Ông Mai Hữu Tín: 20 tỷ USD hàng Trung Quốc lọt cửa kiểm soát Việt Nam

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng không có chuyện số liệu được nhào nặn.
Câu chuyện chênh lệch các số liệu thống kê, thậm chí “nhiễu loạn” được nhiều đại biểu quan ngại khi thảo luận về Luật Thống kê sáng 4/10. Trước những thắc mắc này, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh, người trực tiếp phụ trách ngành thống kê, đã dành hơn 20 phút, gấp 3 thời lượng của các đại biểu khác để giải trình về vấn đề, dù cho ông nói “chỉ phát biểu với tư cách đại biểu Quốc hội”.

Chia sẻ với những ý kiến lo lắng về tình trạng số liệu thống kê có sự khác biệt ngay giữa các bộ ngành, hoặc ngay trong cơ quan thống kê cũng phải có sự điều chỉnh nhưng ông Vinh khẳng định không có chuyện "nhào nặn cho đẹp".

Giải thích việc có nhiều bộ số liệu về một chỉ tiêu, như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Bộ trưởng cho hay đó là do yêu cầu điều hành nên trước hết phải đưa ra số liệu dự báo, ước tính. Sau đó vào cuối tháng thì có số liệu thống kê sơ bộ, nhưng vì chưa được soát xét nên vẫn có thể hiệu chỉnh. Cuối cùng là số liệu thống kê công bố với thế giới, vào tháng sáu của năm sau.

“Đây là cách làm theo thông lệ thế giới. Số liệu công bố vào tháng 6 năm sau thì bao giờ cũng chính xác nhất”, ông Vinh nói. Tuy nhiên, theo ông Vinh, ngay các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á cũng điều chỉnh các số liệu dự báo về tăng trưởng trong thời gian ngắn.

Bộ trưởng cho rằng, điều quan trọng là số liệu đầu vào phải chính xác, thì với các phương pháp thống kê theo chuẩn quốc tế, Tổng cục Thống kê luôn cho ra những kết quả được thế giới chấp nhận.

“Số liệu của ta là để đáp ứng yêu cầu hội nhập, để so sánh với bạn bè chứ không phải so với chúng ta 40 năm. Cho nên, những con số Tổng cục Thống kê đưa ra rất hòa nhập quốc tế, đáng tin cậy. Tôi không chỉ đạo có những số liệu khác đi, anh em không có áp lực gì và họ cũng không có lợi lộc gì trong đó”, Bộ trưởng trải lòng.

Dẫu vậy, ông Vinh cũng thừa nhận, do đầu vào chưa chính xác nên có thể đầu ra cũng bị ảnh hưởng. “Ví dụ như số lượng nhà cửa, nhiều người trong chúng ta ngồi đây có khi có khai hết đâu, nói gì nhân dân”, Bộ trưởng dẫn chứng khiến hội trường bật cười.

Vẫn theo Bộ trưởng, hiện vẫn còn bệnh thành tích nên có tình trạng các bộ ngành đưa ra con số thống kê cao hơn. “Ngày tôi là chủ tịch tỉnh, cứ cãi nhau suốt với các huyện khi thống kê năng suất lúa”, ông ví dụ.

Cho nên, theo ông Vinh, việc có ý kiến nói số liệu các bộ ngành đưa ra đáng tin cậy hơn vì “là quản lý trực tiếp, chuyên ngành” thì chưa hẳn đúng.

Bên cạnh đó, do có tình trạng khác nhau về phương pháp tính giữa cơ quan thống kê và các bộ ngành nên khi công bố số liệu chính thức, Bộ Kế hoạch & Đầu tư luôn dẫn chứng hai nguồn, từ Tổng cục Thống kê và từ bộ. “Ví dụ như số liệu lao động thất nghiệp, bao giờ chúng tôi theo cách tính của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội là thế này, trong khi theo cơ quan thống kê là như vậy”, Bộ trưởng nói thêm.

Chí Hiếu
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/bo-truong-bui-quang-vinh-toi-khong-chi-dao-bop-meo-so-lieu-thong-ke-3306786.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét