Kinh tế Việt Nam: độ vênh giữa các con số
Thuế và phí cũng là những gánh nặng khác cần được dỡ bỏ. “Các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu tới 19.000 loại thuế phí. Riêng một con heo đang gánh 59 thứ phí, và quả trứng cõng tới 14 loại phí”. Theo bà Lan, chính vì Nhà nước cứ giữ các loại phí đó, vốn là một rào cản hết sức lớn, vì thế các cuộc cải cách kinh tế, các đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các biện pháp liên kết chuỗi… không thể thực hiện được. “Đừng dồn quá nhiều trách nhiệm cho doanh nghiệp và người dân. Nhà nước phải chịu trách nhiệm chính trong cuộc chơi mới”. Ổn định và tăng trưởng là điều có thể thấy được qua những đánh giá trên. Chưa hết, điều này còn được khẳng định bằng con số GDP tăng trưởng 6,5% trong chín tháng qua, mức tăng cao nhất trong năm năm trở lại đây. Thêm nữa, dàn đồng ca “Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP” được xướng lên trong suốt một tháng qua, làm cho bức tranh kinh tế Việt Nam càng về cuối năm càng hồng tươi.
Ẩn đằng sau những con số
Dĩ nhiên, các con số hồng tươi mà các tổ chức nước ngoài đánh giá không phải là sai, mà quá đúng. Nhưng điều đúng đó thể hiện nhãn quan của giới đầu tư nước ngoài, và sự sáng sủa đó cũng đến từ khối kinh tế nước ngoài.
Và ẩn đằng sau những con số hồng hồng tuyết tuyết đó là hàng loạt các vấn đề đang chờ lộ ra một khi lớp phủ bên ngoài bị bong tróc.
Giới doanh nghiệp tư nhân vẫn đang chịu những áp lực vô cùng nặng nề, từ các khó khăn nội tại lẫn chính sách vĩ mô. Số lượng doanh nghiệp “chết”, tức giải thể và ngưng hoạt động, lại tăng cao, bằng cả năm 2013, vốn được coi là năm kinh tế khó khăn nhất trong thời gian gần đây.
Cũng trong báo cáo của WB, con số về giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội vẫn đang chưa có sự cải thiện bao nhiêu. Cho dù WB nâng thứ bậc về chỉ số nộp thuế bốn bậc, từ 172 lên 168, nhưng thời gian làm thủ tục thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp vẫn 770 giờ, giảm được 102 giờ. Cụ thể thì bảo hiểm xã hội giảm 62 giờ và thuế giảm 40 giờ. Điều này khác xa so với con số của bộ Tài chính công bố giảm được 420 giờ. Và đó cũng là một khoảng cách không nhỏ so với mục tiêu của Chính phủ, thể hiện qua hai nghị quyết số 19.
Ngày 18.3.2014, Chính phủ ban hành nghị quyết 19/2014, phấn đấu 2015 đạt mức trung bình ASEAN 6. Kết quả báo cáo được cho là rất khả quan. Đến ngày 13.3.2015, Chính phủ lại ra tiếp nghị quyết cũng đánh số 19, với mục tiêu tham vọng nâng chuẩn lên thành ASEAN 4. Cụ thể, năm 2015, thời gian nộp thuế không quá 121 giờ và thời gian nộp bảo hiểm bắt buộc không quá 49,5 giờ. Từ năm 2016 thì thời gian nộp thuế và bảo hiểm không quá 168 giờ/năm, bằng mức trung bình ASEAN 4.
Đọc lại hai bản nghị quyết này, và nhìn vào các con số của WB công bố sẽ thấy giữa ước muốn và thực hiện còn một khoảng cách rất xa.
Có lẽ, không cần thêm một nghị quyết 19 nào nữa mà vấn đề là bắt tay vào thực hiện. Bởi lẽ, năm 2016, cỗ máy điều hành của Chính phủ và các địa phương sẽ còn có những thay đổi nhất định, như một hiệu ứng bất quy tắc, bất thành văn, cho những kỳ đại hội Đảng.
Cỗ máy của nền kinh tế Việt Nam đang chạy với bốn động cơ: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể. Và dường như chỉ một động cơ FDI là đang chạy rất khoẻ còn ba động cơ còn lại đều rất có vấn đề. Oái oăm thay, ba động cơ đó chính là nội lực của nền kinh tế, và càng quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam gia nhập sâu vào nền thương mại thế giới, với những hiệp định lớn như TPP và FTA Việt Nam – EU.
Trông vào Nhà nước
Điều gì đang chờ đợi Việt Nam phía trước? Thế Giới Tiếp Thị đặt câu hỏi này với một số chuyên gia và doanh nghiệp. Rất nhiều câu trả lời, nhưng kỳ vọng chung gói gọn trong cụm từ: cải cách thể chế.
Ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Thép Việt nhìn nhận: “Khi tham gia trong cuộc chơi TPP, những nhà công nghiệp như chúng tôi thay vì lo lắng hơn vì phải cạnh tranh nhiều, nhưng chúng tôi vẫn hồ hởi với TPP. Chúng tôi hy vọng rằng, khi vào TPP Chính phủ sẽ thay đổi những chính sách để cho phù hợp với môi trường quốc tế. Những chính sách đó sẽ giúp đất nước đi lên, khi đó doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ sự đi lên đó”.
Ông Thái là người tỏ ra lạc quan về TPP, với mong muốn sẽ cải cách thể chế, để có thể thúc đẩy kinh tế đi lên. “Chẳng hạn, tôi đề nghị tách rời người đang làm chính sách ra khỏi người thực thi chính sách, đây là yếu tố rất quan trọng để chúng ta bước một bước lớn khi tham gia TPP”.
Chính sách và luật lệ của Việt Nam trong thời gian tới sẽ phải thay đổi để tương thích với cuộc chơi mới. Quy trình làm luật ở Việt Nam đang trông chờ cả vào Quốc hội. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 19 luật. Để có thể đưa được 19 luật đó vào thực hiện, một công việc khổng lồ khác đang được. Chừng đó luật lệ phải chờ gần cả trăm nghị định hướng dẫn. Ngần đó nghị định lại chờ hàng trăm thông tư hướng dẫn thi hành. Chưa hết lại phải chờ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn văn bản quy định chi tiết khác, mà lắm lúc văn bản trái với thông tư, thông tư trái với nghị định, nghị định trái với luật.
Bà Lan cũng đưa ra những con số thống kê đáng buồn: doanh nghiệp phải nộp thuế ở mức tương đương 40,8% lợi nhuận. Con số này là rất cao so với bình quân các quốc gia khác, vốn chỉ từ 15 – 17%. Đấy là chưa kể, theo điều tra của WB, tỷ lệ tham nhũng vẫn còn rất cao với “một đồng lợi nhuận, doanh nghiệp mất 1,02 tiền tham nhũng”.
Thuế và phí cũng là những gánh nặng khác cần được dỡ bỏ. “Các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu tới 19.000 loại thuế phí. Riêng một con heo đang gánh 59 thứ phí, và quả trứng cõng tới 14 loại phí”. Theo bà Lan, chính vì Nhà nước cứ giữ các loại phí đó, vốn là một rào cản hết sức lớn, vì thế các cuộc cải cách kinh tế, các đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các biện pháp liên kết chuỗi… không thể thực hiện được. “Đừng dồn quá nhiều trách nhiệm cho doanh nghiệp và người dân. Nhà nước phải chịu trách nhiệm chính trong cuộc chơi mới”.
Phi Tuấn
http://thegioitiepthi.net/the-gioi-hoi-nhap/kinh-te-viet-nam-do-venh-giua-cac-con-so/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét