Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Thú vui miền quê.

Thú vui miền quê
Trần Kim Điệp: Quê tôi, nói theo ngôn ngữ của nhà văn Sơn-Nam thì thuộc ‘’miệt vườn ‘’. Ðó là vùng đất đã được khai phá tự lâu đời. Thời ‘’ Nam-Kỳ lục tỉnh ‘’, trấn Vĩnh-Thanh trước khi dời về Vĩnh-Long thì bản-doanh đượcđặt ở quê tôi.

Quê tôi có một nhánh của sông Tiền chảy ngang, cung cấp nước ngọt quanh năm, đồng thời cũng mang phù sa mầu mỡ bồi đắp cho những ruộng, vườn.
Quê tôi nổi tiếng cả nước về cam, nhưng cũng như bao vùng trù phú của đồng bằng Cửu-Long, quê tôi có đủ các loại trái cây khác như: cốc, ổi, xoài, bưởi, mận, măng cục, sầu riêng, bòn bon, chôm chôm, mãngcầu, đu đủ, vú sữa, dừa, khóm, chuối ..v .v ...

Quê tôi khá giàu về thuỷ sản: cá, tôm, cua , ốc ..... ( đặc biệt là ốc gạo) và thật nhiều chim chóc: cu, cưởng, sáo , bìm bịp, tu hú, trao trảo, ác là, chìa vôi, chim sắc, chim khoen, quốc, dỏ dẻ, đỏ mắt, ốc cao, chằng nghịch ..v.v .... .

Tuy cũng phải hứng chịu chiến tranh như bao vùng khác, nhưng quê tôi may mắn ít bị tàn phá, do đó cuộc sống tương đối dễ chịu và tôi có được tuổi ấu thơ thật thần tiên đầy ắp kỷ-niệm. Cho đến nay, tuổi đời đã xế bóng, nhưng những thú vui của miền quê vẫn chưa phai mờ trong tâm khảm tôi.

Bắt dơi.
Dơi là loài động vật có vú duy nhất biết bay, chuyên sống về đêm. Dơi được mọi người biết qua phim ảnh với nhân vật người dơi (bat man) - một Hiệp sĩ chuyên trừ gian diệt bạo. Riêng những ai ghiền truyện Kim-Dung chắc cũng không quên nhân vật Thanh-Dực Bức Vương có tài khinh công Tuyệt đỉnh, nhưng mắc phải chứng bệnh mà mỗi khi lên cơn phải hút máu như vampire mới hạ được cơn bệnh .

Họ hàng nhà dơi ở xứ ta có nhiều loại: dơi quạ, dơi sen, dơi hương,dơi muỗi ..v.v. nhưng không có loại dơi hút máu (vampire ) như ở châu Mỹ, còn loại ngũ linh chi thì cũng rất hiếm.
Dơi quạ là loại dơi lớn nhất, cánh dang rộng hơn 1 mét, sống thành đàn lớn có khi đến hàng chục nghìn con ở rừng U-Minh, rừng Sác ..v.v. Có thể vì khôn ngoan hoặc nhúc nhát, dơi quạ ít khi xuống thấp nên rất khó bắt, tuy nhiên giăng lưới trên những cây dừa cao đôi khi cũng bắt được dơi quạ. Người sành ăn thịt dơi quạ ( nhất là người Hoa ) cho rằng máu dơi pha với rượu và thịt dơi nấu cháo, rất bổ dưỡng, làm tăng sinh lực cho nam phái.

Dơi sen và dơi hương nhỏ hơn dơi quạ, chuyên ăn trái cây và mật hoa. Tuy không sống thành đàn lớn nhưng vì dạn-dĩ dám xuống thấp nên dễ bắt hơn.

Hồi còn nhỏ, do ảnh hưởng của truyện kiếm hiệp, tôi rất mê võ nhưng gia đình tôi thì không ai biết võ. Quê tôi cũng không có trường dạy võ, dù rằng để kháng Pháp, dân làng có rất nhiều người giỏi võ.

Vì không có tiền để mua gà, vịt làm quà cáp nên lũ nhóc chúng tôi nghĩ ra cách bắt dơi làm đồ nhậu lấy điểm các ông thầy võ để học lóm.

Dụng cụ bắt dơi gồm 1 chiếc vợt lớn bằng lưới hình chữ Y có cán thật dài, 1 đèn lồng, 1 lồng kẽm để nhốt dơi và 1 con dơi mồi thường là dơi hương (dơi hương nhỏ hơn dơi sen, trước khi rạng sáng thường chui vào đọt chuối ngủ ).

Chúng tôi hẹn nhau khoảng 8, 9 giờ tối, đứa cầm vợt, đứa cầm lồng, đứa xách đèn khởi hành đi bắt dơi.

Dơi sen và dơi hương rất thích trái cây thơm, ngọt như nhãn, xoài, sabô chê, chôm chôm ..v.v.. nên chúng tôi chỉ cần đến gần những loại cây trên, rồi bóp cho dơi mồi đau kêu thành tiếng. Vì rất có tình đồng loại nên khi đang ăn hay bay gần đó, nghe tiếng kêu, dơi liền bay xuống thật thấp để quan sát, khi dơi lọt vào tầm, chúng tôi úp vợt xuống đất, bắt dơi bỏ vào lồng.

Ngày mai, chúng tôi gặp lại để làm thịt dơi. Dơi được trụn nước sôi, lột da, bỏ đầu và 4 cục hạch hôi ở nách và háng, ướp ngũ vị hương, hành, tỏi, đường, muối ..v.v . đem rô ti với nước dừa xiêm xong rắc đậu phọng rang vào. Thế là món nhậu đã sẵn sàng. Sau đó, mỗi đứa 1, 2 cắc hùn lại mua rượu đế và đi mời ông thầy võ (cũng là bà con lối xóm ).

Sẵn mồi, rượu, ông thầy no nê, thoải mái do đó thường cũng chẳng tiếc biểu diễn cho lũ nhóc xem vài cú đấm, đá .... Sau đó chúng tôi tụ lại để bắt chước những thế võ mà ông thầy đã biểu diễn.


Riêng việc bắt dơi, chúng tôi còn có cách khác cũng khá hữu hiệu. Dụng cụ gồm một cái nia, chính giữa để trái cây thơm, quanh vành nia treo nhiều lưỡi câu. Chúng tôi dùng ròng rọc kéo nia lên những cây gòn hoặc cây so đũa đang trổ hoa. Dơi đến hút mật, ngửi mùi thơm của trái cây, bay đến ăn, cánh vướng lưỡi câu. Chúng tôi chỉ việc hạ nia xuống đất để bắt dơi.

Cũng có thể dùng ná ( giàn thun ) bắn dơi nhưng thường không hạ được nhiều vì khi thấy đồng loại bị chết, dơi hoảng sợ sẽ bay tán loạn thoát thân .
Còn giống dơi muỗi thì rất hôi nên không ai bắt để ăn thịt. Loại dơi này thường sống trên trần nhà hay các hang động có khi nhiều đến hàng vạn con. Người ta chỉ khai thác cứt dơi để làm phân bón.

Nếu trong họ hàng nhà dơi, dơi muỗi là loài có ích vì chúng ăn côn trùng, muỗi mòng .... còn dơi quạ, dơi sen, dơi hương đều có hại. Dơi quạ ăn xoài, dừa, sầu riêng. Dơi sen, dơi hương là kẻ thù chính của các nhà trồng cây ăn trái. vì như nhãn, vải khi gần chín nếu không được bao trong những giỏ tre hay túi giấy dầu ... thì chỉ cần 1, 2 đêm dơi có thể ăn sạch. Do đó, tuy việc làm của lũ nhóc chúng tôi chỉ nhằm mục đích riêng nhưng thường được người lớn cảm thông và đôi khi còn được khen thưởngnữa.

Tróc nã hồ ly.



Ðêm qua mưa dầm và trong đêm con Mực gừ gừ. Tưởng lũ chó gây gổ nhau, hai Ấn nạt bắt con Mực im, rồi tiếp tục ngủ. Sáng ra, mở cửa chuồng gà, thấy trên nền sân cạnh chuồng, đất ướt mềm in rõ nhiều vết chân chồn. Kiểm đàn gà thấy đủ, nhưng nghĩ nhà có tới 4 con chó mà để con chồn ‘’giỡn mặt ‘’, hai Ấn nổi giận bèn quyết định mở cuộc săn lùng.

Lực lượng ‘’hành quân ‘’gồm 3 tía con hai Ấn, thêm đứa cháu trai. Cả 4 đều là nông dân lực lưỡng. Tôi cũng được tham dự. Sở dĩ họ rủ rê tôi, vì tôi bắn giàn thun giỏi, lại không ăn thịt chồn, chuột nên khi có chiến lợi phẩm khỏi phải chia phần cho tôi.

Ðoàn người trang bị gậy gộc, cuốc, chĩa, dao, hom, thùng thiếc - riêng tôi 1 cây gậy tầm vông đá, 1 giàn thun và 1 bịt đạn đất - rầm rộ lên đường. Dẫn đầu là đàn chó với con Mực rất giỏi về tài đánh hơi, bắt chim và bắt cả rắn hổ .

Chúng tôi băng vườn, ruộng rồi tuông bờ, lướt bụi. Ðến một cuộc đất hoang đầy lau, đế, sậy, con Mực và đàn chó vừa sủa, vừa ngoắc đuôi trước 1 cái hang khá to.


Hai Ấn ra lệnh bao quanh khu vực, sục tìm hang nghách, phát dẹp trống cỏ rồi định phương cách ra tay. Vì hang ở cạnh 1 mương nước nên hữu hiệu nhất là dùng nước làm ngập hang, con mồi ngộp bắt buộc phải chui vào rọ (hom) đã đặt sẵn.
Quả nhiên, mươi phút sau, lần lượt 3 chuột cống nhum con và chuột mẹ chui cả vào hom. Con nào con nấy no núc, riêng con mẹ to cỡ bắp chân. Với ngần ấy con mồi, lẽ ra hai Ấn đã có thể thu quân để chuẩn bị cho những món chuột xào lá cách hay sả ớt hoặc rô ti với nước dừa xiêm đủ để có 1 bữa ăn thịnh soạn, nhưng mục đích chính của hôm nay là truy nã con chồn hỗn láo nên đoàn người lại tiếp tục tuông bờ, bụi. 


Thông thường, lũ chim chóc như: quốc, đỏ mắt, chằng nghịch, ốc cao ..v.v. trước đoàn người hùng hổ như thế đều biết thân lủi, trốn hoặc bay đi, nhưng trên 1 nhánh bần cạnh bờ kinh có 1 con cò ngà chẳng những không bay đi mà còn ngóng cổ, trố nhìn. Tôi bèn lắp đạn, nhắm bắn. Cò trúng đạn gãy cánh nhưng không rơi tại chỗ mà còn cố bay vào 1 vườn chuối hoang cách đó khoảng mươi thước. Tôi nhắm hướng chim rơi vẹt đế, sậy tìm. Khi còn cách con cò khoảng vài ba thước, tôi bỗng khựng, mình nổi gai ốc, mặt xanh như tàu lá, vì không xa con cò, 1 tổ ong to hơn chiếc nón lá với hàng nghìn con ong đang vo ve báo động.

Tôi vội tháo lui và vụt chạy, mặt không còn chút máu. Hú hồn, nếu bị hàng nghìn con ong đó tấn công chắc là khó sống. Tôi thuật sơ sự việc rồi tiếp tục theo đám hai Ấn.

Ðàn chó đến 1 khu vườn rậm thì ngưng lại sủa rân rang. Ðó là ngôi vườn của 1 gia đình giàu có, không bỏ hoang nhưng ít ai bén mảng. Số là gia đình này có một người mắc bệnh điên, răng nanh mọc thật dài. Có lần, 1 em bé chui vào vườn lượm trái cây rụng bị y bắt và cắn gây thương tích. Tin đồn lan xa, thế là từ đó không ai dám đặt chân đến ngôi vườn.

Ðàn chó vây quanh 1 cái hang to, nằm khuất dưới 1 thân cây mục trên mặt đất. Vì hang xa nguồn nước, hai Ấn ra lệnh dùng khói để trục con mồi. Tuy nhiên, con chồn thật tinh khôn, khi bị ngộp nó không chui vào hom mà theo 1 nghách nằm khuất trong 1 lùm cây cách đó dăm thước, tháo chạy. Ðoàn người rầm rộ đuổi theo. Bị đuổi nà, con chồn hoảng quá trốn lên 1 cái cây.

Một người con của hai Ấn hăm hở leo theo, dùng chĩa định đâm chồn. Chồn sợ té đái và nước đái bắn vào mắt y đang ngước lên. Không rõ, nước đái chồn cay thế nào mà anh ta la lên 1 tiếng to, buông rơi cây chĩa và sẩy tay rơi xuống, may thay lại rơi đúng cái mương có nước nên không bị thương.

Tôi tra đạn bắn 1 phát trúng chồn, tuy không làm con chồn chết, nhưng bị thương, nó rơi xuống và bị đàn chó xông vào cắn chết.

Hai Ấn thật hả hê, ra lệnh thu quân, ngoài số chiến lợi phẩm 1 con chồn, 4 con chuột, tôi nghĩ y rất thoả mản vì đã hạ được con hồ ly có lẽ vì quá đói đã dám vuốt râu hùm.

Bắt chim.

Quê tôi thuộc vùng đồng bằng Cửu-Long, nhiều lúa, nhiều cây trái nên có vô số loài chim chóc như: cu, 
cưởng, sáo, trao trảo, tu hú, bìm bịp, dỏ dẻ, đỏ mắt, ốc cao, chằng nghịch ..v.v.. .

Trừ những người theo giới luật nhà Phật không sát sinh, còn đối với dân quê, thịt chim cũng góp phần đáng kể trong việc cải thiện những bữa ăn.

Tuỳ theo loại chim mà người ta có những phương cách bắt khác nhau. Với loại chim sống thành đàn như dòng dọc, áo dà, chim sắc ô, chim sẻ.... thì dùng bẫy rập. Với những loại vừa ăn hạt vừa ăn cá như: trích, quốc, gà nước, dỏ dẻ, ốc cao ....’’ đuổi bóng ‘’ là phương pháp hữu hiệu nhất.

Ðể bắt chim bằng bẫy rập, ở những nơi chim thường đến ăn lúa, cỏ lát, lúa ma ..., người ta dọn sạch 1 khoảnh đất trống to hơn chiếc đệm, ở chính giữa cột 1 , 2 con chim mồi và rải một ít lúa; 2 tấm lưới được điều khiển bằng 1 sợi dây dài nối từ chòi quan sát được ngụy trang cách đó mươi thước. Chim mồi có thể đã được huấn luyện để biết kêu theo lệnh chủ, còn nếu chưa biết thì bị hớt lông cánh và chân bị cột bằng sợi nhợ nối với chòi quan sát.

Khi có đàn chim bay ngang hoặc ăn gần đó, người bẫy chim ra hiệu hay giật dây cho chim mồi kêu lên hoặc chớp cánh. Thấy có thóc và có đồng loại, bầy chim yên tâm sà xuống ăn. Người bẫy chim chỉ cần giật dây cho 2 mảnh lưới khép lại nhốt kín bầy chim.

Cách bắt chim bằng ‘’đuổi bóng‘’ thì công phu hơn. Dụng cụ gồm những tấm đăng nhỏ và những chiếc bóng bằng lưới kẽm hoặc đan bằng tre, có lối vào 1 chiều từ lớn đến nhỏ dần. Ðịa điểm đặt bóng là bờ kinh có cây cối rậm rạp, cạnh những ruộng lúa chín. Bóng và đăng luôn được đặt xuôi chiều gió. Khi nước ròng, chim xuống kinh ăn thêm cá và uống nước. Từ trên hướng gió khoảng 1 cây số hay 5, 7 trăm mét, người ta dùng gậy gộc đập vào những lùm cây và xua chó đuổi. Chim hoảng sợ sẽ xuôi gió chạy về hướng đặt bóng. Các loại chim này ( quốc, dỏ dẻ ... trừ cò ma ) có đặc điểm thường lủi, chạy và chỉ bay trong trường hợp khẩn cấp. Càng đến gần bóng người ta càng đuổi dồn, chim hoảng sợ sẽ không e-dè chui cả vào bóng.


Cách bắt chim này rất hữu hiệu, do đó hàng năm vào mùa gặt lúa, ai đi lại trên tuyến xe đò miền Tây ngang bắc Mỹ-Thuận, cũng đều thấy từng chùm chim thật béo được bày bán .

Riêng phần tôi, vốn là tay ‘’ đại sát thủ ‘’ nên bất kỳ con chim nào biết xuống đất ăn hạt , ăn côn trùng hay ăn cá, tép; tôi thấy được thì sớm muộn gì cũng lọt vào tay tôi. Chiếc bẫy thần sầu mà tôi nghĩ ra, từ loại chim manh manh, chim sắc đến bìm bịp, gà nước ....chẳng con nào thoát khỏi và trớ trêu thay cũng nhờ chiếc bẫy đó mà trong những năm dài “ luyện chưởng ‘’ ở núi rừng Việt Bắc , vô số hoạ mi, khướu, quốc, cú , gà rừng .... đã nuôi sống tôi.


Ngoài ra, có lẽ do nghiệp sát dẫn lối, từ hồi còn bé, tôi đã nghĩ ra 1 cách bắt chim khá độc đáo. Quan sát loài chim ăn đêm như cú, ục, cú mèo .... tôi thấy chúng không chỉ ăn chuột, bọ, ếch, nhái mà còn sơi cả những con chim nhỏ ngủ đêm trên các cành cây. Do đó, giữa 2 loài chim ăn ngày và ăn đêm có sự kỳ thị và 
thù địch rõ rệt. Nếu 1 chú chim ngủ đêm nào đó xui xẻo gặp cú sẽ bị mất mạng, thì ngược lại cú mèo hay cú nếu trời đã sáng mà vẫn chưa ẩn núp được ở nơi nào kín đáo và bị bất kỳ chú chim ăn ngày gặp thì kể như nạn đã tới, con chim này sẽ kêu lên báo động và tất cả loài chim ăn ngày trong khu vực, không phân biệt lớn nhỏ sẽ cùng xúm đến đánh hội chợ kẻ thù chung.

Thế là tôi nghĩ ngay đến cách lợi dụng sự thù địch này để bắt chim. Tôi tìm tổ cú và đợi khi cú con bắt đầu thay lông vũ, dùng dây nylon cột chân chim, đầu dây kia cột vào 1 nhánh cây, cú con tiếp tục được nuôi lớn nhưng không thể bay đi được. Sau đó tôi chuẩn bị nhựa thật dính (cơm nếp quyết với mủ sa-kê ) trét vào những nhành tre và đem cột trên cây trâm hay sắn, rồi đem cú con cột giữa những cành cây bôi nhựa này. Chim ăn ngày đến ăn trái, thấy cú lập tức kêu lên báo động và màn đánh hội chợ bắt đầu, nhưng dù bị cắn, mổ, đá .... cú con vẫn không thể bay mãi được nên chúng phải tạm đậu trên các cành cây và bị dính nhựa. Tôi chỉ việc leo lên bắt hết chim về đánh chén.

Rắn trả thù ?

Năm đó, tôi học đệ nhị , tức vừa giã từ giai đoạn dưỡng quân của năm Đệ tam để chuẩn bị thành cậu tú 1. 
Việc học hành khá bề bộn, nhưng hễ cuối tuần, sau giờ học chót, tôi luôn dọt về quê rồi đến chiều chúa nhật, đón chuyến xe chót để trở lại Mỹ-Tho.

Hồi đó, tôi không có cô láng giềng nào để nhớ, để thương như Nguyễn-Bính, nhưng sở dĩ tôi thích về quê vì 2 lý do: trước nhất là vì tôi‘’mê ‘’ quê tôi, nơi tôi có vô vàn kỷ niệm, sau đó là vì vấn đề ‘’ bao tử ‘’.

Số là tuy ở nhà ngói ( nhà từ đường ) nhưng gia đình tôi thật nghèo. Ba tôi tách đi theo bóng sắc mới khi tôi còn bé tẻo teo. Mẹ tôi đầu tắt, mặt tối, mỗi ngày quần quật từ 3, 4 giờ sáng đến 7, 8 giờ tối, làm bánh bán nuôi 1 mẹ chồng và 2 con. Chị tôi phải nghỉ học sớm. Còn tôi, nhờ là trai nên sau tiểu học được tiếp tục học ở Nguyễn-Ðình-Chiểu Mỹ-Tho. Tuy nhiên, tiền trọ ở tỉnh 500 đồng 1 tháng quả là 1 gánh nặng đối với Mẹ tôi. Phần Chị tôi, giúp 120 đồng tiền quà, bánh, thuốc men, sách, vở,nhưng được vài năm thì Chị lập gia đình và ngưng trợ cấp.

Tôi phải cố gắng tự xoay sở bằng cách mỗi cuối tuần về quê chăm sóc cây ăn trái, nuôi một ít gà, vịt và chủ yếu là câu cá bán kiếm chút tiền.

Nhưng việc câu kéo không phải lúc nào cũng được thuận lợi, vì cá lóc chỉ dễ câu vào đầu mùa mưa khi cá đẻ, cá rô mùa mạ lúa vừa cấy, cá bóng dừa phải câu khi nước ròng cạn ..v.v.. . Còn câu giăng thì phải luôn canh chừng vì xuồng, ghe qua lại có thể ‘’cầm nhằm ‘’.

Do tài chánh eo hẹp, nên buổi sáng trong khi các bạn đồng trọ có hủ tiếu, bánh cuốn, bánh mì sandwich ..v.v.. để điểm tâm, còn tôi thì xôi, khoai kinh niên. Tôi vốn họ Trần, tức ‘’ trần ai, khoai củ ‘’ nên sau này khi đi tù ở miền Bắc, cũng khoai mì ( sắn dui, sắn lát, sắn củ , ... hằm bà lằng) 70 món mút mùa lệ thuỷ ( âu quả là số ).

Ông, Bà mình thường nói ‘’ cái khó nó ló cái khôn ‘’, để cải thiện ( từ ngữ cải tạo) cho buổi điểm tâm sáng khá hơn, tôi nghĩ đến việc ‘’ăn độn‘’, tức về quê hái cốc, ổi, xoài, mận .... để ăn thêm.

Nhà tôi có miếng vườn trồng một số cây ăn trái, nhưng vì Mẹ tôi luôn bận làm bánh không có thời giờ dành cho vườn tược, nên để tránh việc hàng xóm ‘’ hái ăn giùm ‘’, phần lớn cây trái nhất là mận đều trồng gần quanh nhà .

Lần đó, đang mùa mận, với 1 cái lồng tôi đang lựa mận ngon để hái, Bỗng thấy 1 cặp rắn lục cườm đang yêu nhau trên 1 nhánh mận. Tánh nghịch ngợm trỗi dậy, tôi bèn phá đám. Cũng xin khoe là tôi bắn giàn thun rất khá, chim chóc từ bìm bịp, tu hú, cu, cưởng, sáo .... đến dơi, chuột gì tôi cũng hạ được và tôi có thói quen là đi đâu thường cũng có cái giàn thun với ít đạn đất.


Do đó không may cho cặp rắn, chỉ 1 phát đạn, con rắn nằm trên bị đứt đầu rơi xuống đất, con kia hoảng sợ bò lẹ qua mái nhà.

Tôi nhặt xác rắn đem gác lên cây cam nuôi kiến vàng rồi tiếp tục hái mận. Lát sau tôi linh cảm có cái gì là lạ. Thì ra con rắn thoát chết nhưng luôn theo tôi. Từ cây mận này sang cây khác dọc theo mái nhà, với chiếc lưỡi lo le nó âm thầm theo tôi. Ðể kiểm chứng, tôi trở đi, trở lại, con rắn vẫn bám tôi. Tôi bèn ra xa mái nhà hơn để dụ nó bò qua cây mận và con rắn quả nhiên bị mắc mưu. Ðợi nó bò qua cây mận, tôi bỏ lồng, lấy giàn thun nhắm bắn. Lần này thì phần may về phía con rắn lục, nhánh mận to đã đỡ đạn cứu mạng cho nó. Rắn hoảng sợ bò trở lại mái nhà và tuy vẫn còn theo tôi nhưng không dám qua cây mận nữa dù tôi cố ý dụ nó nhiều lần.

Không làm gì được vì dù tôi có bắn chết rắn, ngói cũng sẽ bị bể. Tôi bèn trở vào nhà lấy cây chĩa ( cây sắt nhọn, đầu có ngạnh với cán dài ) đem ra đâm con rắn. Tôi đâm trượt và lần này rắn hoảng sợ trốn mất. Tôi có đọc chuyện ‘’ Thị Lộ và rắn báo oán ‘’ nên cũng hơi ớn. Ðêm đó, tất cả mền, gối .... đều được tôi nêm, tấn mùng như một chiến lũy, rồi tôi ngủ một lèo tới sáng, không biết là trong đêm con rắn có bò quanh mùng không?.

Thông lệ thì chúa nhật nào, tôi cũng từ giã Mẹ tôi để trở xuống Mỹ-Tho bằng chuyến xe chiều chót, nhưng đặc biệt sáng chúa nhật đó, tôi vội vã khăn gói ra đi với lý do còn một số bài vở phải giải quyết. Mẹ tôi không thắc mắc, nhưng bà đâu biết thực ra tôi ớn khi nghĩ tới con rắn lục cườm hôm qua.

Paris , hè 2005.
Kỷ niệm tuổi ấu thơ
T.K.D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét