Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Chuyện vua Quang Trung sai sứ sang Trung Quốc đòi đất và cầu hôn

Chuyện vua Quang Trung sai sứ
sang Trung Quốc đòi đất và cầu hôn
 
Cuối năm Mậu Thân, khi mang đại binh đến Tam Điệp để chuẩn bị đánh quân Thanh, vua Quang Trung từng nói với những người xung quanh: “Cứ để cho ta mươi năm nữa, nước ta giàu, dân ta mạnh thì ta có sợ gì chúng”. 
 
 
Quả vậy, sau khi quét sạch quân Thanh ra khỏi đất nước tới những năm 1790, 1791, 1792, đời sống của nhân dân ta được cải thiện nhiều. Nông nghiệp, công thương nghiệp đều được phục hồi. Vua Quang Trung thấy đã tới lúc phải đặt vấn đề đòi hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây với vua Càn Long nhà Thanh. Để thăm dò thái độ của nhà Thanh, vua Quang Trung đưa thư sang cầu hôn và đòi Càn Long cắt đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây làm đô. Vũ Văn Dũng, một vị tướng tài được giao nhiệm vụ đi sứ sang Thanh.
 
Tem vua Quang Trung


          Vua Quang Trung đã hạ sắc chỉ cho Vũ Văn Dũng như sau:
          “Sắc truyền cho Hải dương Chiêu viễn đô đốc tướng quân dực vận công thần Vũ Quốc Công được gia phong chức chánh sứ, đi sứ nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp tâu xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để dò ý (vua Càn Long) và cầu hôn một vị công chúa để chọc tức. Phải thận trọng đấy! Hình thế trong chuyến dụng binh đều ở trong chuyến đi này. Ngày khác làm tiên phong (đánh nước Thanh) chính là khanh đấy.
Kính thay sắc này.
Ngày 15 tháng tư năm Quang Trung thứ tư”

          Câu “hình thế trong chuyến dụng binh đều ở trong chuyến đi này” có nghĩa là Vũ Văn Dũng đi sứ nước Thanh không phải chỉ để cầu hôn và xin đất Lưỡng Quảng làm đô, mà còn làm nhiệm vụ dò xét tình hình nước Thanh, phục vụ cho cuộc tiến quân sau này. Tới kinh đô nhà Thanh, yết kiến vua Càn Long xong, Vũ Văn Dũng đặt hai vấn đề này ra:
          -Về chuyện cầu hôn, Vũ Văn Dũng viện cớ rằng: An Nam quốc vương nay đã lớn tuổi mà hôn nhân vẫn chưa định. Ở trong nước thì mọi người đều là thần tử cả, còn con gái các vua láng giềng thì quốc vương lại không ưa. Vì vậy cầu hoàng đế ban cho một vị công chúa làm vương phi.
 

          -Vấn đề xin đất làm đô, Vũ Văn Dũng trình bày: An Nam quốc vương ở một nước hẻo lánh, đường thuỷ, đường bộ đều không tiện, mà vượng khí trong đô cũ đã hết rồi. Vì vậy phải xin hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây để làm đô.
          Tấu chương đưa lên, triều thần nhà Thanh người thì hầm hầm tức giận, người thì cười nhạt, lạnh lùng, vẻ bất bình lộ ra nét mặt. Nhưng vua Càn Long vẫn giao vấn đề cầu hôn và xin đất làm đô cho đình thần bàn nghị; các việc đó chưa kịp đưa ra bàn nghị thì ngày hôm sau Vũ Văn Dũng lại được bệ kiến vua Càn Long ở Ỷ Lương Các. Vũ Văn Dũng lại nhắc hai vấn đề đó với vua Thanh.

          Việc không ngờ là vua Càn Long chấp nhận cả hai yêu cầu của “người anh hùng áo vải”. Trong lần bệ kiến này, thấy Vũ Văn Dũng trình bày hợp lý, nên vua Càn Long cũng phải ngợi khen ông là người biết lẽ quân thần, không làm nhục vương mệnh. Hôm sau hoàng đế nhà Thanh ban yến tại triều, chiêu đãi sứ Việt Nam, và sai bộ Lễ sửa soạn hôn nghị, định ngày đưa công chúa nhà Thanh sang Việt Nam. Dự yến xong, Vũ Văn Dũng được bộ Lễ mời tới bàn bạc những việc cụ thể để tiến hành lễ vu quy. Bộ Lễ hỏi thăm tuổi vua Quang Trung để định ngày đưa dâu, nhưng Vũ Văn Dũng tìm cách lảng tránh: “Con gái hoàng đế không giống con gái nhà thường dân, cứ do mệnh lệnh hoàng đế định đoạt là đủ, việc gì phải câu nệ tục thường. Vả chăng tục cưới nước tôi, vua bao nhiêu tuổi, thân dân không biết, nên tôi không dám trả lời bậy bạ”.

          Lễ quan mỉm cười nói: “Thực ư? Đó là nghe ngoại quốc sùng thượng tả đạo nên hỏi đùa như vậy thôi, chứ không cần phải lựa chọn ngày tháng”.
          Còn việc xin đất làm đô, vua Càn Long chỉ cho một tỉnh Quảng Tây mà thôi. Như vậy là trong lịch sử bang giao của nước ta với Trung Quốc, lần đầu tiên, một vị hoàng đế phương Bắc gả con gái cho vua Việt Nam và cắt cả một tỉnh Quảng Tây cho vua ta. Vũ Văn Dũng đã làm tròn sứ mệnh, chỉ chờ ngày lên đường về nước thì một tin sét đánh: Vua Quang Trung mất.

Vốn cảm phục tài đức của vua Việt Nam và kính trọng sứ bộ nước ta, vua Càn Lòng đã ban cho Vũ Văn Dũng một tấm biển sơn son thiếp vàng trên mặt trước khắc 4 chữ: “Nam bang tướng sứ”, mặt sau khắc 2 chữ: “Bài thị” và một dòng chữ nhỏ khắc ở dưới “Quan tiết bất cơ, dịch lộ yếu khẩn, tu giả vô ngộ” (đi qua cửa ải không phải hỏi han gì, đi đường có việc cấp bách, các quan chớ để lở việc). Nhờ có tấm biển đó, đường về ngắn được một nửa, và đến đâu sứ bộ cũng được tiếp đón chu đáo.
          Do vua Quang Trung mất nên lễ vu quy của công chúa nước Thanh cùng việc cắt đất bị đình lại, và không bao giờ được thực hiện nữa.

          Rút từ tập: Những mẫu chuyện đi sứ và tiếp sứ. Sách của Học viện quan hệ quốc tế, khoa chính trị quốc tế và ngoại giao Việt Nam-Ban tổng kết. Xuất bản tại Hà Nội tháng 4-2001. Đầu đề do Cu Làng Cát đặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét