Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Campuchia, đến rồi nhớ mãi


Campuchia, đến rồi nhớ mãi 
 
Chúng tôi đến Campuchia giữa trưa một ngày đầu tháng 9. Nao nức cái cảm giác được thỏa mãn ước muốn được một lần đặt chân lên mảnh đất của những ngôi đền cổ kính, kỳ vĩ của nền văn minh Angkor. Một trong những kỳ quan thế giới hiếm hoi còn lại cùng với Machu Picchu, Vạn lý trường thành, kim tự tháp Ai Cập.


Cầu thang dốc đứng nối với tầng thứ 3, cao nhất của Angkor Wat

Cổ kính và bình yên

Một thành phố khá yên bình, xe cộ thưa vắng, khá nhiều ô tô cá nhân và không kín đặc xe máy như Hà Nội, đó là cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến Phnom Penh. Dọc những con phố chính thấp thoáng chùa tháp cổ kính và những ngôi biệt thự kiến trúc thời thuộc địa. Địa danh mà du khách không thể bỏ qua là chùa Vàng, chùa Bạc, Hoàng cung (dù không bề thế so với láng giềng Thái Lan). Trên quảng trường sông 4 mặt trước Hoàng cung rộng thênh thang lát đá trắng, bồ câu đậu rợp kín như thể đang đứng trên quảng trường của một thành phố cổ châu Âu. Chúng tôi không quên ghé qua chùa Bà Pênh, nơi thờ bà chúa lập nên vùng đất Phnom Penh, thăm đài Độc Lập, tượng đài Hữu nghị tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ. Một chi tiết khá thú vị là ở Phnom Penh có một con đường mang tên Hà Nội. Một người Việt đang làm việc tại đây cho tôi biết đường Hà Nội khá nhỏ, không có người gốc Việt nào sinh sống ở đó.


Thực ra Phnom Penh không rộng là mấy, ngồi trên ô tô có lẽ chỉ đi nửa tiếng là hết những con phố chính. Không có nhiều nhà chọc trời, cũng chưa phát triển các khu đô thị mới nhưng là một thành phố du lịch, ở đây các tòa nhà lớn chủ yếu vẫn là khách sạn. Chúng tôi nghỉ lại một đêm tại khách sạn Naga World, một khách sạn 5 sao nằm bên bờ sông Mê Kông. Cách khách sạn vài trăm mét là cây cầu nối qua đảo Kim Cương chỉ độ 200-300m mà năm ngoái đã xảy ra sự kiện bi thảm. Người dân chen nhau xem hội đua ghe chỉ vì nghe tiếng hô sập cầu mà hốt hoảng giẫm đạp lên nhau khiến hơn 370 người thiệt mạng. Ông chủ của Naga World quả có cách làm ăn rất chuyên nghiệp. Khách sạn 5 sao có hơn 500 phòng nhưng họ không “mong” lợi tức từ kinh doanh khách sạn, cái chính là sòng bạc. Đây là sòng bạc lớn nhất Campuchia, các con bạc đến Naga World chủ yếu là người châu Á vào mỗi cuối tuần, nhiều hơn hẳn vẫn là người Việt. Chưa biết không khí trong sòng VIP ra sao nhưng dạo qua sòng bài “cò con” ở tầng 1, các bà - các chị cũng không kém cánh nam giới chúi vào đặt cửa. Chỉ có điều thắng bạc lớn ở đây gần như là chuyện không tưởng, điều này thì các nhà kinh doanh sòng bạc rõ hơn ai hết.

Người ta nói đến Campuchia để nhớ Việt Nam mươi mười lăm năm về trước. Tưởng không phải thế mà thật lại chính là vậy. Du khách dù không có nhiều tiền đến Campuchia vẫn có thể ở khách sạn 5 sao. Nhiều nhà dân chỉ lợp bằng lá nhưng lại thấy chiếc “xế hộp” mới coóng đậu trong nhà. Trong cái hiện đại đó lại thấy những điều “quen quen” thuở trước. Ví như ngay dọc những con đường ven thành phố lớn, do hệ thống thoát nước gần như chưa có nên mưa rào bất chợt mà nước ngập kín ngõ, tràn cả vào nhà. Lại nhớ đến kỷ niệm thời tôi còn nhỏ, khu tập thể nhà tôi cứ mỗi trận mưa to thì mọi nhà lại hò nhau tát nước. Ngay lúc này thử món kem Campuchia màu sắc hấp dẫn nhưng chỉ thấy toàn… đá, mọi người bảo ăn kem này lại nhớ kem Hà Nội thời bao cấp, cái miệng bây giờ ăn sướng quen rồi nên… khó nuốt được.

Người Việt làm du lịch ở Siem Riep



Tượng điêu khắc quanh đền Angkor Wat


Rời Phnom Penh, chúng tôi vượt qua quãng đường hơn 300km đến Siem Riep, thành phố của những đền đài cổ kính, di sản văn hóa nhân loại. Tận mắt chiêm ngưỡng những địa danh mang tên Angkor Wat, kỳ quan của thế giới hay Angkor Thom với khu đền Bayon 54 đỉnh tháp hay đền Ta Prohm còn nguyên dấu tích một thời bị quên lãng trong rừng già cổ thụ mới ngộ ra một ngày tham quan vẫn thấy “thòm thèm”. Angkor Wat sừng sững và kỳ vĩ nổi lên giữa không gian khoáng đạt là hào nước hình vuông dài một cây số rưỡi. 5 ngọn tháp, đỉnh cao nhất tới 65m với các mặt Phật cùng những bức phù điêu và chạm khắc trên đá của Angkor Wat đạt tới đỉnh cao về độ tỉ mỉ và tuyệt kỹ. Bước chân vào quần thể “cấm thành” Angkor Thom, chúng tôi như lạc vào rừng tượng 4 mặt cười ở đền Bayon, đặc biệt không nụ cười nào giống nụ cười nào, để rồi mê đắm với những điệu múa uyển chuyển của tiên nữ Apsara hay thích thú khám phá ra cuộc sống của người Khmer cổ xưa. Cảm xúc chung nhất đọng lại là choáng ngợp và ngưỡng mộ những nghệ nhân thời đại Angkor 800-900 năm trước.


Hòa vào dòng người nườm nượp đến với những ngôi đền cổ kính của nền văn minh Angkor thuở xưa bỗng dưng thấy “thèm” cho du lịch Việt Nam. Vương quốc Campuchia là một trong những địa điểm du lịch mới và hẫp dẫn nhất trên thế giới. Sau hơn 30 năm bị cô lập, khách du lịch đến Campuchia tăng lên qua từng năm. Có một điều thú vị là người cai thầu việc kinh doanh dịch vụ tham quan tại Siem Riep là một Việt kiều có tên Sáu Cò, người được coi là giàu nhất Campuchia hiện nay. Chỉ tính riêng ở các di tích cổ Angkor này, giá vé cho khách du lịch là 20 USD một ngày hay 48 USD cho 3 ngày đến tất cả các điểm tham quan. Thử nhẩm tính mỗi năm Campuchia đón 2 triệu lượt khách quốc tế thì doanh thu sẽ là con số khổng lồ.

Nếu nói nắng là “đặc sản” của Campuchia cũng không sai bởi dù bây giờ đang mùa mưa nhưng mới 7 - 8h sáng nắng đã rát mặt, đường dẫn vào các khu đền cổ Angkor luôn mát rượi dưới tán cây trong bầu không khí rất trong lành. Trên đường tham quan, chúng tôi bất chợt được nghe một đoạn nhạc bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của một tốp nhạc công. Quả thật du khách Việt đóng góp cho du lịch Campuchia “nặng túi”.

Một Campuchia thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm nhưng đã phải trải qua năm tháng ác mộng với những tội ác ghê rợn và tàn bạo nhất thế kỷ 20. Nơi đây còn là nơi cư ngụ của một bộ phận người dân gốc Việt mà thân phận lênh đênh, chìm nổi cùng sóng nước Biển Hồ.



Nghĩa cử đồng bào trên Biển Hồ


Những nụ cười khó quên


Ngắm nụ cười Bayon, tôi cứ liên tưởng đến những nụ cười trên khuôn mặt người Campuchia hiền hậu mà mình từng gặp. Ấn tượng nhất có lẽ là cụ già bán sách ở nhà tù Toul Sleng, bảo tàng tội ác diệt chủng Khmer đỏ nằm khuất trong một con phố nhỏ ở Phnom Penh. Cụ Chum Manh, năm nay 80 tuổi là một trong 14 người sống sót khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng nhà tù an ninh S-21 vốn là một trường trung học từ trước năm 1975.


Chỉ trong 4 năm, đây đã là nơi giam giữ 17.000 người bị Khmer đỏ kết tội phản bội. Bước vào các gian phòng này, dù dưới ánh nắng chói chang bên ngoài, tôi chợt cảm thấy lạnh xương sống khi nhìn những dụng cụ, những bức ảnh mô tả cảnh tra tấn, giam giữ, nhất là những đầu lâu, xương người xếp đầy trong tủ kính. Nếu để ý kỹ, trong phòng trưng bày còn có một số bức ảnh về “bóng ma” trong nhà tù này, đó là những bóng người bí ẩn mà du khách nước ngoài khi chụp không hề nhận ra. Cụ Chum Manh nước da sậm nắng, cười hiền chào bán cuốn tạp chí kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Cách chỗ ông ngồi một khoảng sân rộng là phòng giam ngăn ra thành từng buồng bằng gạch thô sơ. Mỗi buồng giam chỉ độ 1m mà suốt mấy năm trời, ông Chum Manh phải ngủ đứng vì luôn ở trong tư thế bị treo.

Nụ cười nhân hậu của người Khmer tôi còn bắt gặp khắp nơi, từ những thiếu nữ bán hàng lưu niệm tại chợ đêm ở Siem Riep đến người lái xe Tuk-tuk tôi được dịp trò chuyện trong tối dạo quanh thành phố này. Anh tâm sự mới lái xe Tuk tuk được vài năm, ban đầu tự học tiếng Anh để “kiếm cơm” bằng cách vào chùa nhờ sư thầy dạy trong 2 tháng. Gia đình anh ở quê, có một vợ và ba con, vợ anh ở nhà cũng làm thuê làm mướn đủ việc. Tháng nhiều anh gửi về nhà được 200-300 USD, tháng nào ít khách cũng chỉ dành dụm được 50 USD, một khi con ốm đau thì chẳng có tiền đưa vào viện. Câu chuyện ngắt quãng mất một lúc nhưng giọng nói trầm nhẹ và nụ cười nhỏ nhẹ của người đàn ông này khiến tôi cảm thấy gần gũi. Con người Campuchia là vậy, cuộc đời dù có vất vả, đớn đau, bất hạnh đến đâu, có cảm giác họ luôn sống cam chịu nhưng vẫn nhìn cuộc đời bằng tâm thiện và hồn hậu.

Biển Hồ đầy vơi






Ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi đến với Biển Hồ Tonle Sap, một nhánh rẽ của sông Mê Kông chảy qua Siem Riep trước khi đổ ra biển. Đây là nơi cư ngụ của gần 4.000 người gốc Việt. Đường từ trung tâm Siem Riep tới Biển Hồ chừng 15km nhưng khá xấu, mỗi năm đường phải sửa lại một lần khi nước đã rút. Hướng dẫn viên của đoàn cho biết, từ những năm 1970-1980, một bộ phận cư dân Nam bộ ngược dòng sông Tiền, sông Hậu lên vùng Biển Hồ đánh bắt cá.


Thời đó, trong khoảng 47 ngành nghề, người Việt đều bị cấm, chỉ có nghề cá là được phép. Những thế hệ đầu tiên đó đã sinh con đẻ cái rồi gắn bó với sông nước Biển Hồ nhưng đến nay khổ vẫn hoàn… khổ. Họ không có quốc tịch, tiếng Campuchia không sõi, tiếng Việt biết nói mà không biết viết, biết đọc. Lưu lạc trên đất xứ người mà không được thừa nhận, cố quốc thì quá xa vời. Khách du lịch Việt Nam đến với Biển Hồ thời gian gần đây để làm… từ thiện. Và đoàn chúng tôi, ai nấy đều muốn góp chút lòng thành mua 25 thùng mì tôm cùng chút tiền nhỏ đến với người dân Biển Hồ.





Mùa này nước hồ Tonle Sap dâng cao. Hồ nước ngọt lớn nhất thế giới này trải dài qua 5 tỉnh của Campuchia, khi nước lũ lên, diện tích mặt nước có thể lên tới 10.000km2, tức gấp 3 lần diện tích Hà Nội bây giờ.


Chẳng phải chờ lâu mới thấy người Việt ở Biển Hồ. Khi chúng tôi mở thùng mì cho mấy chiếc ghe chở trẻ nhỏ đi bán nước dạo, khoảng chục chiếc ghe khác từ hai bên bờ lao tới. “Bác cho con xin ngàn, dì cho con xin ngàn”, những giọng nói khẩn nài vang lên. Hầu như ghe nào cũng có trẻ con, đứa lớn khoác trên cổ con trăn ngoe nguẩy để biểu diễn xin tiền khách. Đứa bé úp chiếc nón lá vào mặt ngủ ngon lành, mặc cho nắng rát hay nước bắn ướt hết người. Chúng tôi hẹn mọi người vào một bến để đưa mì tôm. Đó là một trong số ít gia đình người Việt khá giả hơn, mở dịch vụ cho khách tham quan dừng chân uống nước, ngắm làng nổi. Vừa bước khỏi tàu, nhìn xung quanh chúng tôi đã thấy ghe đậu kín đặc, có lẽ đến dăm chục chiếc. Chủ nhà nói, với tấm lòng hảo tâm của khách Việt mình từ xa đến, đề nghị bà con trật tự, sẽ phát đồng đều cho mọi người. Những cánh tay giơ lên đón lấy những gói mì và chỉ dăm mười phút, khoảng chục thùng mì đã hết veo trong những ánh mắt tiếc nuối. Chục thùng mì còn lại là để dành cho trường học miễn phí cho trẻ em nghèo.





Khu vực làng nổi Siem Riep có hai trường dạy chữ cho trẻ em, một là cơ sở của công giáo. Riêng ngôi trường có biển đề “Trường học Việt Nam dạy chữ cho trẻ em nghèo” đông học sinh hơn hẳn. Gọi là trường thực ra chỉ là một dãy nhà nổi trên nước, trẻ được dạy chữ từ lớp 1 đến lớp 4, 2 bữa cơm miễn phí. Người có công xây dựng ngôi trường này là một Việt kiều, trường còn có một thầy giáo trẻ người Tây Ninh tình nguyện sang Biển Hồ dạy chữ cho các em. Trường duy trì được là nhờ có lòng hảo tâm đóng góp của Hội Việt kiều, các tổ chức từ thiện và du khách. Hôm đó là chủ nhật, trẻ đến lớp khá đông nhưng tôi thấy quanh khu làng nổi còn rất nhiều em khác không được đi học, bởi chúng còn phải đeo bám tàu du lịch, kiếm sống. Trao quà cho các cháu không cầm nổi nước mắt.


“Giá mà mua thêm được ít mì nữa, vẫn còn nhiều người chưa được phát. Ngư dân ở đây bao giờ mới thoát cảnh nghèo đói, thất học và đông con?” - mọi người hỏi nhau trên đường về. Đi du lịch cũng chỉ làm được đến vậy thôi! Tôi nghĩ thầm cho lòng bớt day dứt. “Đã đến cuối hành trình, xin hỏi các anh chị có muốn trở lại Campuchia chứ?”, người hướng dẫn viên địa phương hỏi. “Có chứ, nhất định là thế”, một vị khách trung niên nói. Hình như trong thâm tâm ai cũng nghĩ như vậy. Không hiểu có phải vì ngư dân Biển Hồ hay vì đã chót xuyến xao với vùng đất Campuchia rồi mong có ngày quay trở lại?

Nguồn: Hải Yến (anninhthudo.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét