Liệu có nổ ra khủng hoảng tài chính châu Á và toàn cầu sau sốc thuế của D. Trump ?
Thông tin trên báo ngày hôm nay cho biết: Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc hàng loạt sau “cơn địa chấn thuế quan” từ Mỹ. Mở cửa phiên giao dịch ngày 7 Tháng Tư, thị trường chứng khoán toàn khu vực châu Á rơi vào tình trạng đỏ lửa, phản ứng dữ dội trước chính sách thuế quan mới được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố. Dù ông Trump tuyên bố không có ý định “gây ra tình trạng bán tháo,” nhưng diễn biến thực tế cho thấy thị trường tài chính toàn cầu đang bị đẩy vào một vòng xoáy bất ổn.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng chứng kiến cú rơi tự do mạnh nhất trong nhiều năm qua, giảm đến 9.28%, tương đương 2,119.76 điểm, sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế 34% lên hàng hóa Mỹ nhằm đáp trả. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 4.21%, tương đương 140.84 điểm, phản ánh tâm lý lo ngại về sự leo thang của cuộc chiến thương mại.
Tại Đài Loan, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, thị trường chứng khoán Taiex sụt tới 9.8%, buộc nhà chức trách phải can thiệp bằng cách áp dụng lệnh hạn chế bán khống từ ngày 6 đến 11 Tháng Tư nhằm ngăn chặn làn sóng tháo chạy. Biện pháp này được xem như “van an toàn tạm thời” trong bối cảnh tâm lý hoảng loạn bao trùm các nhà đầu tư.
Ở Đông Bắc Á, chỉ số Nikkei tại Nhật Bản giảm 6%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2023. Thị trường Hàn Quốc cũng không tránh khỏi cơn chấn động, với chỉ số .KS11 mất 5% trong phiên giao dịch sáng.
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore chứng kiến đợt sụt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng qua khi chỉ số Straits Times mất 7.37%, tương đương 281.84 điểm, ngay khi mở cửa. Đây là phản ứng trực tiếp từ lo ngại rằng các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu sẽ chịu tác động lớn từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.
Ở châu Đại Dương, thị trường Úc rúng động khi cổ phiếu blue chip giảm 6%, kéo chỉ số ASX200 lao dốc hơn 10% kể từ đầu năm – mức giảm sâu nhất trong gần 15 tháng. Phản ứng trước diễn biến này, Thủ tướng Úc Anthony Albanese thừa nhận: “Bạn không thể thay đổi các sự kiện toàn cầu, nhưng điều bạn có thể làm là chuẩn bị.” Chính phủ Úc hiện đang đối mặt với sức ép lớn sau khi Mỹ công bố áp thuế 10% đối với hàng hóa của nước này vào tuần trước.
Dù ông Trump khẳng định rằng các biện pháp thuế quan là “liều thuốc” cần thiết để sửa chữa sự mất cân bằng thương mại, giới đầu tư lại nhìn thấy nguy cơ lớn hơn: một chuỗi tác động domino lên giá cả, chuỗi cung ứng toàn cầu và đà phục hồi kinh tế hậu COVID. Dự báo của một số tổ chức tài chính lớn như Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng cho thấy nguy cơ tăng lạm phát và giảm tăng trưởng ngày càng rõ rệt.
Tình trạng bán tháo trên thị trường châu Á lần này cho thấy tác động lan tỏa tức thì của các chính sách kinh tế Mỹ trong bối cảnh toàn cầu đang rất mong manh. Và nếu các căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, một “làn sóng đỏ” tài chính mới có thể sẽ lan rộng ra toàn cầu trong những ngày tới.
Trump ca ngợi thuế quan là “liều thuốc đẹp đẽ” giữa lúc hơn 50 quốc gia xin đàm phán với Mỹ
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ vừa mất gần 6,000 tỉ USD vốn hóa chỉ trong một tuần vì chính sách thuế đối ứng mới, Tổng thống Donald Trump vẫn tỏ ra lạc quan và tiếp tục bảo vệ quan điểm cứng rắn của mình, gọi thuế quan là “điều xinh đẹp để ngắm nhìn” và là cách duy nhất để chấm dứt thâm hụt thương mại kéo dài.
Phát biểu trên chuyên cơ Air Force One ngày 6 Tháng Tư, ông Trump tiết lộ rằng đã trao đổi với nhiều lãnh đạo châu Âu và châu Á về chính sách thuế quan mới, nhưng khẳng định sẽ không có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc trừ khi Bắc Kinh giải quyết vấn đề thâm hụt mậu dịch mà ông cho là “không bền vững.” Ông cũng cho rằng đợt bán tháo cổ phiếu gần đây là điều khó tránh, và “đôi khi thị trường cần một liều thuốc.”
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết hơn 50 quốc gia đã liên hệ với chính phủ Mỹ để bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại kể từ sau khi Nhà Trắng công bố loạt thuế quan mới hôm 2 Tháng Tư. Tuy nhiên, danh sách cụ thể các nước và nội dung đàm phán chưa được công bố.
Ông Bessent và các cố vấn kinh tế của ông Trump trong các cuộc phỏng vấn sáng 6 Tháng Tư đều mô tả các mức thuế mới như một công cụ để “định vị lại” trật tự thương mại toàn cầu vốn bị Mỹ cho là bất công. Bất chấp làn sóng chỉ trích từ thị trường tài chính và một số doanh nghiệp lớn, Nhà Trắng vẫn bảo vệ chính sách này là cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước và đòi lại “công bằng thương mại.”
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump viết: “Chúng ta đang gánh chịu thâm hụt khổng lồ với Trung Quốc, EU và nhiều nước khác. Cách duy nhất để xử lý là đánh thuế. Hiện tại chúng đang mang về hàng chục tỷ USD cho nước Mỹ. Một ngày nào đó, mọi người sẽ nhận ra rằng thuế quan là một điều vô cùng tuyệt vời.”
Tuy nhiên, giới chuyên gia và các tổ chức tài chính lớn lại tỏ ra lo ngại. Eurasia Group cảnh báo rằng chiến tranh thương mại diện rộng có thể dẫn đến tăng lạm phát và kéo tụt tăng trưởng GDP của Mỹ cũng như các đối tác chính như Canada và Mexico. Các phân tích của Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng dự báo đà tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại nếu chính sách thuế không được điều chỉnh. Đáng chú ý, mô hình GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 1/2025 có thể rơi xuống mức âm.
Dù vậy, chính quyền Trump dường như đã chuẩn bị tinh thần cho những xáo trộn trước mắt. Trong khi các cuộc đàm phán thương mại mới đang được khởi động, một thách thức lớn khác là năng lực điều phối đồng thời hơn 50 cuộc thương lượng với các quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn đầy bất định.
Tổng thống Trump tin rằng các chính sách của ông – dù gây tranh cãi – sẽ mang lại “chiến thắng dài hạn” cho nước Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu những “liều thuốc” thuế quan này sẽ thực sự chữa được bệnh thâm hụt, hay sẽ kéo nền kinh tế Mỹ vào một cơn sốt khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét