Tại sao Mỹ đang chủ động rời khỏi quỹ đạo toàn cầu hóa mà chính Mỹ đã khởi xướng và dẫn dắt thế giới ?
Trong thập kỷ 1990, tôi đã viết một số bài phân tích các mặt tích cực và tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế (lúc đó chưa gọi là toàn cầu hóa hay đa phương hóa). Còn nhớ trước năm 1990, trong bối cảnh của chiến tranh lạnh, Mỹ chủ trương ngăn chặn hợp tác, trao đổi kinh tế và thương mại giữa các nước, vì để các nước này phát triển hợp tác, trao đổi với nhau thì họ sẽ trở nên thân thiết với nhau và không nghe lời Mỹ.Đây là chính sách chia để trị nổi tiếng được áp dụng trong suốt lịch sử Trung Quốc và ở khắp nơi trên thế giới. Mỹ chỉ để hai trường hợp đặc biệt được liên minh, hợp tác là Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) thành lập năm 1957 để đoàn kết đối phó với khối Liên Xô và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập năm 1967 để giúp Mỹ thực hiện cuộc chiến ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong suốt hai thập niên 1970 và 1980, kinh tế Mỹ và phương Tây sa sút trầm trọng sau một khoảng thời gian tăng trưởng rầm rộ được gọi là “30 năm vinh quang của chủ nghĩa tư bản (1945-1975)”, buộc Mỹ phải tìm ra một chiến lược phát triển mới cho bản thân và các nước tư bản chủ nghĩa đồng minh để duy trì đối trọng và tăng cường sức ép với khối Liên Xô.
Cũng trong khoảng thời gian này, khu vực Đông Á, bao gồm cả Nhật Bản, các con rồng châu Á Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác đã có bước phát triển vượt bậc nhờ thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại giữa các quốc gia nội vùng và bán hàng sang các nước công nghiệp phát triển. Đây chính là niềm cảm hứng để Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan ngay từ đầu những năm 1980 đã đề xuất thành lập khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên mãi đến năm 1992, Tổng thống Bush (Hoa Kỳ), Thủ tướng Brian Mulroney (Canada) và Tổng thống Salinas (Mexico) mới ký được Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Cơ quan lập pháp của ba nước đã phê chuẩn thỏa thuận vào năm 1993 và có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 1994.
Một khi Mỹ đã công khai xóa bỏ chính sách cấm chợ ngăn sông quốc tế, tự mình chủ trì và tham gia khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ, thì Mỹ không có lý do gì để ngăn cấm các nước khác cũng tự do xây dựng các khu vực thương mại tự do cho mình. Phong trào thành lập các khu vực thương mại tự do nở rộ. Đỉnh điểm là thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 01/01/1995 với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch, gọi tắt là toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, mặt trái của toàn cầu hóa cũng không nhỏ. Chỉ sau vài năm, người Mỹ đã nhận ra NAFTA đã và đang phá hủy việc làm của người Mỹ; việc làm của người Mỹ bị chuyển sang Mexico. Các công ty Mỹ cũng chuyển cơ sở sản xuất của họ đến Mexico để tận dụng mức lương thấp hơn và các quy định thấp hơn về tiêu chuẩn sức khỏe, an toàn và nhân quyền của người lao động. Ngoài ra, NAFTA dẫn đến sự xuống cấp của môi trường ở cả Mỹ và Mexico do quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Mexico.

Hiện nay, đối với Tổng thống Mỹ D. Trump, người có ảnh hưởng mạnh tới chính sách thương mại của ông không phải là David Ricardo (thuyết lợi thế so sánh), mà là David Autor (thuyết bảo hộ), nhà kinh tế học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Autor là người đã đưa ra khái niệm "cú sốc Trung Quốc" (China shock).
Theo bài của tác giả Faisal Islam tôi vừa đăng. Vào năm 2001, khi thế giới bị cuốn vào dư chấn của sự kiện 11/9, Trung Quốc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng nghĩa với việc có thể tiếp cận thị trường Mỹ một cách tương đối tự do, và từ đó làm thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu.
Mức sống, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận và thị trường chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh khi lực lượng lao động Trung Quốc rời nông thôn, đổ về các nhà máy ven biển ở Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu giá rẻ cho người tiêu dùng Mỹ. Đó là một ví dụ kinh điển cho sự vận hành của lý thuyết "lợi thế so sánh" của David Ricardo.
Trung Quốc thu về hàng ngàn tỷ đô la Mỹ, phần lớn trong số đó được tái đầu tư vào Mỹ dưới dạng trái phiếu chính phủ, giúp Mỹ duy trì mức lãi suất thấp.
Tưởng như ai cũng có lợi, nhưng không hẳn vậy. Các hậu quả của NAFTA lại tái hiện và ngày càng trầm trọng.
Người tiêu dùng Mỹ, về tổng thể, hưởng lợi nhờ hàng hóa rẻ hơn, nhưng cái giá đắt mà Mỹ phải trả là mất đi chỗ đứng của ngành sản xuất vào tay Đông Á.
Theo tính toán của Autor trong một nghiên cứu năm 2014, tới năm 2011, "cú sốc Trung Quốc" đã khiến nước Mỹ mất khoảng một triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất, và tổng cộng 2,4 triệu việc làm trên toàn nền kinh tế.
Tác động mà cú sốc thương mại gây ra cho việc làm và thu nhập kéo dài một cách đáng kinh ngạc. Trong một nghiên cứu năm 2022, ông đã chứng minh tác động của cú sốc Trung Quốc chiếm 59,3% tổng số việc làm sản xuất bị mất tại Hoa Kỳ trong giai đoạn 2001-2019, chủ yếu là trong ngành sản xuất thâm dụng lao động, nơi ít công nhân có bằng đại học. Đa số những công nhân bị sa thải đã chuyển thành công nhân thất nghiệp dài hạn. Sự sụt giảm tương ứng về thu nhập cá nhân bình quân đầu người và thất nghiệp đã làm gia tăng chi phí hỗ trợ của chính phủ.
Những tác động tiêu cực của cú sốc Trung Quốc đã kéo dài hơn hai thập kỷ sau cú sốc thương mại ban đầu và chưa biết khi nào mới kết thúc. Mặc dù giá tiêu dùng của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thấp hơn, nhưng 6,3% dân số Hoa Kỳ vẫn bị mất thu nhập thực tế ròng do cú sốc Trung Quốc.
Ông Autor tiếp tục cập nhật nghiên cứu này vào năm 2024 và phát hiện ra rằng: chính sách áp thuế bảo hộ trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Trump, tuy không tạo ra tác động kinh tế ròng lớn, nhưng lại làm suy giảm sự ủng hộ dành cho đảng Dân chủ ở các khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời giúp ông Trump giành thêm sự ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Quay trở lại thời điểm tuần trước, với những hình ảnh công nhân nghiệp đoàn trong ngành ô tô và dầu khí ăn mừng chính sách áp thuế được ông Trump công bố ngay trong Nhà Trắng.
Lời hứa được ông Trump đưa ra là việc làm sẽ quay trở lại trên khắp nước Mỹ đang được nhiều người vui mừng. Ở một mức độ, điều này thực sự có khả năng xảy ra,.
Thông điệp Tổng thống Mỹ gửi tới các doanh nghiệp nước ngoài rất rõ ràng: muốn tránh thuế thì hãy chuyển nhà máy sang Mỹ. "Củ cà rốt" mà ông Biden từng đưa ra, giờ được nối tiếp bằng "cây gậy" của ông Trump – có thể tạo ra những chuyển biến thực sự.
Sự tăng trưởng bùng nổ của xuất khẩu của Trung Quốc sang phần còn lại của thế giới trong hai thập kỷ qua đã thúc đẩy các cuộc tranh luận trong suốt 20 năm qua về giá trị và chi phí liên quan đến toàn cầu hóa. Autor cũng so sánh cú sốc thương mại của Trung Quốc với các giai đoạn kinh tế khó khăn tập trung khác. Cụ thể, ông đã phân tích sự suy giảm của ngành công nghiệp than (1980–2000) và cuộc Đại suy thoái năm 2008 tại Hoa Kỳ, và kết luận mặc dù tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập và dân số từ sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc về mặt định tính không phải là duy nhất so với những cú sốc khác, nhưng quy mô lớn của cú sốc thương mại Trung Quốc và sự biến động cực độ của thị trường lao động là chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, kể cả so với các tiêu cực của sự sụt giảm tương ứng về thu nhập cá nhân bình quân đầu người NAFTA.
Bài học kinh nghiệm được Autor và nhóm nghiên cứu của ông rút ra là: Cú sốc thương mại Trung Quốc đã gây ra tình trạng mất việc làm tập trung theo không gian kéo dài trong suốt hai thập kỷ vừa qua với sự suy giảm kéo dài cả về số lượng việc làm và về thu nhập ở những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. Autor và nhóm nghiên cứu của ông cho rằng các chính sách hiện hành ở Hoa Kỳ đã không bảo vệ đầy đủ cho người lao động khỏi các sự kiện sa thải hàng loạt như cú sốc thương mại Trung Quốc; và những thất bại về chính sách như vậy đã thúc đẩy các phong trào dân túy cánh hữu ở cả Hoa Kỳ và Châu Âu.
Theo lô gíc này, Autor và nhóm nghiên cứu của ông cho rằng nền kinh tế toàn cầu, trước hết là Mỹ, sẽ phải đối mặt với những cú sốc cục bộ lặp đi lặp lại từ quá trình chuyển đổi năng lượng, tự động hóa tiên tiến và thậm chí là chính sách công nghiệp lớn mà Trung Quốc liên tục thực hiện nhằm hỗ trợ lĩnh vực công nghệ của nước này. Do đó, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những cú sốc kinh tế trong tương lai do toàn cầu hóa gây ra.
Chính từ các quan niệm trên mà Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump mới quyết định thực hiện bước đi tăng thuế táo bạo hôm 2/4 vừa qua.
Xem thêm:
https://sccei.fsi.stanford.edu/china-briefs/china-shock-and-its-enduring-effects
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét