Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

Cách kinh doanh ở chợ Nghĩa Ô của Trung Quốc

Cách kinh doanh ở  chợ Nghĩa Ô của Trung Quốc
Bích Hậu - Chợ Nghĩa Ô phục vụ 2,17 triệu doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trên toàn Trung Quốc ; tạo ra gần 15 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Do đó nó cực kỳ quan trọng. Chợ Nghĩa Ô lập ra từ 1982, ban đầu đơn sơ, sau càng ngày càng mạnh lên. Nay thành phố có 1,8 triệu dân này rất giàu. GDP của họ còn cao hơn của các thành phố giàu có nhất Trung Quốc.
Cách nay ít lâu, mình lang thang đi Chiết Giang chơi, qua khu vực thành phố Kim Hoa và có đi chợ Nghĩa Ô, cho biết kiểu làm ăn buôn bán của Trung Quốc ra thế giới là thế nào.

Nghĩa Ô là cái chợ bán sỉ hàng công nghiệp nhẹ lớn nhất thế giới nằm ở thành phố cùng tên, là một thành phố cấp huyện của Kim Hoa. Nói về diện tích thì chợ Nghĩa Ô rộng hơn 6,4 triệu m2. Tại đây có 75.000 cửa hàng bày bán sản phẩm.

Giả định là ta chỉ dừng chân ở một cửa hàng chừng 3 phút thì cũng cần đi hơn một năm mới có thể đi hết toàn bộ cái chợ khủng này, nếu tính theo thời gian mở cửa 8 giờ/ngày. Tại đây họ bán ra hơn 2,1 triệu loại hàng hóa được đưa ra thế giới. Hiện tại, Nghĩa Ô có quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, đứng đầu là châu Phi, tiếp theo là EU và Mỹ.

Đại thể đi mỏi nhừ cả chân. Ban đầu hào hứng, sau mệt quá vì rộng và nhiều coi không xuể dù mình ở lại mấy ngày đi chơi luôn. Ở trong cái chợ khủng (đặt nằm trong các tòa nhà rất hiện đại) là các gian hàng đủ thể loại chủ yếu là hàng công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng. Họ bày bán hàng mẫu ở từng gian. Rồi ai chọn mẫu nào thì đặt hàng theo giá, số lượng. Họ sẽ đem về công ty của họ hay nhóm công ty sản xuất cấp tốc và giao hàng.

Trong các tòa nhà này có đủ khách sạn, nhà hàng, cửa hàng ăn uống, kho, các công ty logistic, vận chuyển, hải quan. Túm lại trọn gói từ A tới Z. Khách có thể chọn các mẫu và yêu cầu làm theo chất lượng và tiêu chuẩn. Từ đó liên quan tới giá cả. Ví dụ làm cho các quốc gia phát triển thì mẫu mã đẹp và chất lượng cao, giá cao. Làm cho các quốc gia nghèo thì ai đặt hàng sao họ làm thế.

Tuy nhiên hàng từ Nghĩa Ô thì không có dạng bèo bọt như kiểu các xưởng gia đình giáp biên ở ta. Nói chung là hàng khá ok.

Để phục vụ nhu cầu buôn bán, ở chợ này có cả một số rất đông những người trung gian. Họ chuyên làm phiên dịch, dắt đoàn đi mua sắm, tổ chức toàn bộ các khâu từ đưa đón sân bay, ăn ở, đi lại cho tới đàm phán và dịch vụ từ A tới Z phục vụ những nhà mua hàng từ 230 nước tới đây. Những người trung gian này có quốc tịch của rất nhiều nước khác nhau, là du học sinh định cư hay là người qua đi làm ăn tại đây.

Cái chợ này phục vụ 2,17 triệu doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trên toàn Trung Quốc ; tạo ra gần 15 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Do đó nó cực kỳ quan trọng. Chợ Nghĩa Ô lập ra từ 1982, ban đầu đơn sơ, sau càng ngày càng mạnh lên. Nay thành phố có 1,8 triệu dân này rất giàu. GDP của họ còn cao hơn của các thành phố giàu có nhất Trung Quốc.

Mấy năm gần đây, để người mua tiện lợi và đỡ tốn chi phí, Nghĩa Ô đã làm ra cổng mua bán online để ai ở nước nào xa mấy cũng mua online được. Với sự hỗ trợ của công nghệ AI, các video tiếng Tàu được ghi lại có thể chuyển đổi thành các phiên bản với 36 ngôn ngữ khác nhau. Vì thế có hàng mới về thì các thương nhân sẽ bán qua video.

Cùng lúc, Nghĩa Ô mở ra chi nhánh cực khủng tại Dubai, để cung cấp tại chỗ mọi hàng hóa. Các trang web online lớn của Trung Quốc cũng đặt kho hàng ở đây và sau khi có đơn hàng, họ sẽ chuyển từ đây đi khắp thế giới phục vụ người mua lẻ.

Sân bay cấp huyện ở đây là sân bay quốc tế đón 2 triệu lượt khách năm, có đường cao tốc và tàu cao tốc nối thẳng tới Thượng Hải, Bắc Kinh, Ninh Ba... Tàu hỏa chở hàng có thể chạy thẳng từ Nghĩa Ô đi EU ngon lành. Hải cảng Ninh Ba là nơi họ chuyển hàng bằng tàu biển đi khắp thế giới, cách đó khá gần. Cảng Châu Sơn thuộc Ninh Ba một năm có sản lượng bốc dỡ 1 tỉ tấn hàng hóa, hàng kỷ lục thế giới.

Tóm lại từ 1982 tới nay, các thương nhân Trung Quốc đã tạo ra một hệ thống hoàn thiện từ khâu sản xuất tới tiếp thị, bán hàng, vận chuyển và hậu mãi cho hàng công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng từ đầu mối là cái chợ khổng lồ này.

Hiện nay khi bị áp thuế cao 145 %, chợ Nghĩa Ô bị ảnh hưởng nặng nề, vì kim ngạch của cái chợ này xuất qua Mỹ là 116 tỉ USD năm. Tuy nhiên nó cũng chiếm chỉ cỡ 14,2 % toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của chợ. Nên thương nhân ở đây sẽ phải tự xoay sở cho tới khi ổn. Đây là miếng cơm manh áo, nên họ phải sống chết tìm đường thoát thân.

Tới Nghĩa Ô thì sẽ hiểu người Trung Quốc họ làm sao để giá rẻ. Ngoài các chuyện có thể do nhà nước hỗ trợ phần nào, họ chuyên môn hóa rất sâu. Ví dụ như may một cái áo hay cái quần có một loạt nguyên phụ liệu cần cung ứng. Vậy họ sẽ chia nhau ra. Chẳng hạn cả một huyện chỉ làm một loạt cúc áo, hay một huyện khác chỉ làm một loạt cái bèo nhún chẳng hạn. Một huyện của họ to bằng một tỉnh ở ta. Nếu như dân họ cứ ngồi làm một loại phụ liệu như vậy thì sẽ có giá rẻ và chuyên môn hóa.

Còn với người may quần áo chẳng hạn, họ không giao may một phần rồi chuyền qua người khác may phần kế tiếp. Mà khi có đơn hàng, họ mang mẫu tới yêu cầu người may nhận nguyên cả cái áo, với chủng loại và số lượng bao nhiêu đó, giá bao nhiêu. Phải may cả cái một lúc luôn. Người may cũng nhận với giá rất thấp. Vì họ cũng phải cố gắng kiếm cơm ăn và chăm chỉ làm lụng lo cho bản thân và gia đình.

Ở trong các gian hàng ở Nghĩa Ô không phải khi nào cũng có khách, vì đa phần khách sỉ. Nhưng từ đó cũng thấy được sự chăm chỉ của người làm ăn ở đây. Khi rảnh là họ lên mạng bán hàng online, làm live stream. Hoặc nếu không thì họ ngồi đan lát, may vá. Một số người bỏ công học chơi đàn, làm đồ thủ công. Có nghĩa là họ không lúc nào để thời gian chết hay ngồi lo tám chuyện.

Mình nghĩ là trong làm ăn cả thế giới thì sẽ có cạnh tranh. Chẳng ai muốn kẻ khác lại mạnh hơn mình hay đe dọa miếng cơm manh áo của mình. Tuy nhiên muốn thắng thì phải có cung cách tổ chức làm ăn thuần thục, hiệu quả, từ A tới Z mạnh mẽ và giỏi hơn họ. Nhất là phải có nhiều con người cần cù chăm chỉ và chấp nhận khó khăn gian khổ để mưu sinh như họ. Đồng thời cũng phải tạo ra những hệ thống làm ăn trong cộng đồng mạnh mẽ hơn họ.

Đây chính là những điểm mạnh của cộng đồng dân họ, không chỉ ở trong nước mà ở bất cứ nơi nào họ tới sinh sống. Ngay dưới Chợ Lớn là ta có thể thấy dễ dàng.

Nếu xứ nào làm ra được cái hệ thống tốt hơn thế này, thì chắc chắn thế giới sẽ có thêm nhiều nguồn hàng cạnh tranh, có nhiều lựa chọn hơn. Khi đó dân thế giới hưởng lợi nên chắc ai cũng mong vậy.

BÍCH HẬU 13.04.2025

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét