Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

Trâu bò húc nhau và hành động của chúng ta ?

Trâu bò húc nhau và hành động của chúng ta ?
Lê Việt Đức - Bài dưới đây bác Dương Quốc Chính viết đúng, với điều kiện Mỹ áp thuế cho Việt Nam khá thấp, chắc dưới 50% mức thuế suất Mỹ áp cho Trung Quốc, đồng thời Việt Nam cũng không quá lộ liễu, hay công khai việc trở thành điểm trung chuyển hàng Trung Quốc sang Mỹ.

Có điều tôi khá băn khoăn khi đọc câu sau của bác: "toàn cầu hóa là tất yếu khách quan, không bao giờ ngăn chặn được tuyệt đối". Bác thêm từ "tuyệt đối" thì hoàn toàn chính xác, vì không có cách nào ngăn cản tuyệt đối được trao đổi thương mại giữa các quốc gia. Đây là phân công lao động xã hội có từ thời nguyên thủy của loài người.

Tuy nhiên, nếu hiểu toàn cầu hóa theo nghĩa rộng thì tình hình sẽ rất khác, làm cho "toàn cầu hóa" khác hẳn với "thương mại hàng hóa" hay "tự do hóa thương mại". Toàn cầu hóa có phạm vi rộng hơn rất nhiều

Toàn cầu hóa là quá trình phát triển mạnh mẽ các mối liên kết và trao đổi hoàn toàn tự do trong một khung khổ pháp luật chung trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... giữa các quốc gia, các tổ chức và các cá nhân ở quy mô toàn cầu. Điều này có nghĩa là về bản chất, toàn cầu hoá là quá trình phát triển mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau về mọi mặt của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế, toàn cầu hoá không chỉ là tự do hóa thương mại mà còn bao gồm tự do hóa mọi dòng chảy tư bản, lao động, kỹ thuật, công nghệ, thông tin, kỹ năng quản quản lý, văn hóa doanh nhân và doanh nghiệp... ở quy mô toàn cầu.

Trong bài báo "Kiểm định các nhân tố chính tác động tới kim ngạnh nhập khẩu của nước ta giai đoạn 2000-2020" đăng trên tạp chí Nghiên cứu kinh tế năm 2023, tôi có viết:

"Chủ nghĩa tân tự do (Neo-Liberalism) ra đời trong những năm 1980 từ khi hợp tác giữa các quốc gia trở thành xu thế chủ đạo của chính trị quốc tế. Đặc biệt, chủ nghĩa tân tự do với xu hướng hội nhập vùng trong những năm 1980 và nửa đầu thập kỷ 1990 đã phát triển mạnh thành Chủ nghĩa tân tự do mới trong đó hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu và toàn diện kể từ 1995 với sự ra đời của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) là nhân tố trung tâm. Ba đặc trưng nổi bật từ khi xuất hiện WTO năm 1995 là :

(i) Không cần nhà nước hoặc giảm tối thiểu vai trò quản lý của nhà nước ở tầm quốc gia cũng như tầm quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế;

(ii) Thương mại quốc tế được quản lý bằng các thỏa thuận và cam kết quốc tế. Số hiệp định thương mại quốc tế, nhất là số hiệp định thương mại tự do, tăng vọt. Khác với các trường phái tự do cổ điển và hiện đại tập trung vào câu hỏi đối nội, chủ đề chính của chủ nghĩa tân tự do mới là các thể chế, định chế, quy tắc, luật pháp chung ở tầm quốc tế và sự tương tác của các yếu tố này với việc lựa chọn chính sách của mỗi nhà nước trong trật tự thế giới mới (trật tự hình thành sau sự sụp đổ của khối Liên Xô). WTO nằm ở vị trí trung tâm trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các quy tắc, luật pháp quốc tế chung này.

(iii) Thế giới trở nên “vô chính phủ”, tức là không có một quyền lực nhà nước nào vượt trội hẳn lên, đóng vai trò “siêu nhà nước” để điều phối, tổ chức và chế tài quan hệ giữa các quốc gia. Mỹ dù là nước hùng mạnh nhất thế giới, cũng chỉ có một phiếu biểu quyết khi xây dựng các luật lệ áp dụng chung cho cả thế giới. Đây là một trong những giả định quan trọng nhất của lý thuyết quan hệ quốc tế. 

Giả định này cho rằng nền chính trị thế giới không tồn tại một quyền lực siêu quốc gia với vai trò tương tự như nhà nước trong nền chính trị đối nội của các quốc gia. Do đó, không có nước bá quyền trong quan hệ kinh tế quốc tế; tất cả đều bình đẳng trước luật lệ quốc tế chung.

Rõ ràng việc gia nhập một tổ chức quốc tế và theo đuổi con đường hợp tác quốc tế đồng nghĩa với việc các nhà nước phải chấp nhận từ bỏ một phần chủ quyền quốc gia và tự giới hạn khuôn khổ hành động của mình. Vậy tại sao các quốc gia chấp nhận tổ chức và tham gia các thể chế quốc tế ? Để trả lời câu hỏi trên, trường phái tân tự do mới đưa ra nhiều lập luận.

Một trong những điểm quan trọng nhất là các chính phủ sẽ phải trả một cái giá cao hơn rất nhiều nếu không tham gia, hoặc tham gia chậm trễ vào hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ các thể chế quốc tế. Nếu chấp nhận giới hạn phần nào chủ quyền hành động quốc gia, các quốc gia có thể hợp tác hỗ trợ nhau làm tăng hiệu năng công việc và giảm phí tổn gánh chịu một mình.

Thông qua các thể chế (institutions) và định chế (regimes) đa phương, các quốc gia cam kết hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế. Các thể chế và định chế đa phương – theo lập luận của một trong những tác giả đại diện của chủ nghĩa tân tự do mới là Robert Keohane – có thể cung cấp thông tin cho các bên tham gia hợp tác, góp phần giảm tình trạng “thông tin bất đối xứng”, qua đó giúp các bên hiểu rõ nhau hơn và có thể xây dựng các kỳ vọng về hành vi của nhau. Các thể chế quốc tế cũng giúp giảm chi phí giao dịch trong quá trình giải quyết các vấn đề chung, đồng thời tạo ra một khuôn khổ mang tính pháp lý để điểu chỉnh hành vi của mỗi chủ thể tham gia trong hợp tác kinh tế quốc tế.

Chính vì vậy, việc hình thành, theo đuổi và giải quyết công việc thông qua các thể chế hay luật pháp quốc tế chung là một cách tiếp cận thực tiễn giúp tiến tới mô hình quản trị toàn cầu. Việc hình thành các thể chế quốc tế cũng thể hiện mong muốn của các nước tạo ra một khung khổ (quy tắc) ứng xử cho các mối quan hệ quốc tế, với nền tảng là pháp luật quốc tế và các chuẩn tắc thay vì dùng vũ lực hay đe dọa dùng sức mạnh để giải quyết".
(hết trích bài báo của tôi)

Nếu hiểu theo nghĩa trên của tôi thì toàn cầu hóa không phải là tất yếu khách quan, cũng không thể không bao giờ ngăn chặn được. Mỗi cá nhân, mỗi dân tộc đều có lợi ích riêng và thường xuyên xung đột lợi ích với nhau, trong khi các cá nhân và dân tộc đều chỉ quan tâm tới lợi ích của bản thân mình. Vì vậy mới có cơ chế thị trường và lịch sử loài người là lịch sử cướp đoạt đất đai, tài nguyên, lao động và của cải của nhau.
------------------------

Trâu bò húc nhau và hành động của chúng ta ?

Mỹ và Tàu thương chiến, hai thằng đều gấu cả, nên cơ hội xuống thang trong ngắn hạn là thấp. Như bài trước mình đã viết, Tàu sẽ gồng được lâu hơn Mỹ, chắc chắn là như vậy. Nhưng mà kệ cmn đi, việc nhà mình quan trọng hơn.

Khi hai thằng kia đánh nhau về thuế, đương nhiên chả thằng nào nhịn dùng hàng của thằng kia 100 % được. Nó sẽ đi đường lậu, ẩn. Giống như Tàu vẫn làm trước giờ.

Đau lòng nhất là mấy bạn to to kiểu Apple hay Tesla đang có nhà máy to tại Hoa lục và bám vào thị trường 1,4 tỉ dân Trung Quốc. Hai nước đánh nhau, thì thằng đang giao thương mật thiết sẽ là nhục nhất. Tức là chính dân Mỹ sẽ phải mua iPhone giá cao ! A hihi ! Trung Quốc thì ít bị chuyện tương tự.

Tất nhiên Trump muốn bọn này quay về Mỹ để sản xuất thay vì ở Tàu. Nhưng để xây được full nhà máy chắc hết mẹ nhiệm kỳ bác Trump, sao mà trong một, hai năm xây được to như cái bên Tàu ? Làm thế nhỡ khóa sau đảng Dân Chủ lên lại quay lại máng lợn cũ thì sao ? Cũng xoắn phết. Với cả chắc cần duy trì nhà máy bên Tàu để còn bán cho Tàu và các thị trường khác nữa, chứ thị trường Mỹ đâu phải là to.

Nên nhớ là việc toàn cầu hóa là tất yếu khách quan, không bao giờ ngăn chặn được tuyệt đối. Đại khái giống như anh em phố cổ có thể trông xe, bán trà chanh... chứ không bao giờ đi mua đồng nát hay bán vé số. Ô sin kiểu gì cũng vẫn là dân nhà quê.

Như vậy thì khéo từ giờ, dân Việt Nam lại xách tay ngược iPhone từ Việt Nam qua Mỹ bán ! Vì giá iPhone ở Việt Nam có khi rẻ hơn ở Mỹ nhiều ? Chênh giá có khi nhiều hơn trước nhé. Anh em Mỹ sẽ có khái niệm iPhone like new, mua hàng cũ, lướt từ Việt Nam ?

Ở chiều ngược lại, hàng made in USA sẽ tạm nhập tái xuất qua Trung Quốc. Tự nhiên cán cân thương mại sẽ đỡ chênh lệch. Việt Nam nhập hàng Mỹ rõ là nhiều, Trump hoan hỉ, nhưng mà nhập cho Trung Quốc. Đại khái quay lại gần như hồi chiến tranh Việt Nam. Việt Nam mua hàng Mỹ, nhưng mà mua cho Liên Xô và Trung Quốc ! Hi hi.

Trong cái rủi có cái may, trong xui có hên, nên đồng bào hành nghề xách tay đừng có giải nghệ vội, có khi còn kiếm hơn xưa !

P/S : Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Tàu, Việt Nam là cửa ngõ ngon nhất để né thuế cho cả hai bên. Vì trong số các nước giáp Tàu thì chỉ có Việt Nam là thuận tiện nhất để tráng men hàng hóa, lại có đường biên giới trên bộ dễ vận chuyển.

Đúng ra là có thêm Miến Điện có thể làm tương tự, nhưng bên đó lại nội chiến và Mỹ cấm vận, nên không dùng để giao thương được. Bắc Triều Tiên cũng gần giống, không thân thiện với Mỹ. Nhật Hàn lại ngả về Mỹ, nên không chuyển lậu qua Tàu được.

Việt Nam thuận lợi nhất là tương đối cân bằng với cả hai bên. Nên nếu Việt Nam deal được thuế thấp thì sẽ là thiên đường giao thương hàng Tàu và Mỹ, có thể thông qua FDI, kiểu Apple chuyển bớt nhà máy qua Việt Nam, giống Foxconn đang làm ở Bắc Giang.

Tóm lại trong nguy có đầy cơ. Nên các bác cứ mạnh dạn deal thuế với Mỹ để có thuế thấp nhất là OK.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 11.04.2025

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét