Mình nghĩ Nga Trung chỉ trích thuế của Mỹ là “Luật Rừng” là đúng. Luật bao giờ cũng do kẻ mạnh áp đặt. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ là kẻ thắng lợi tuyệt đối, nên có quyền áp đặt luật chơi hoàn toàn có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên ngay sau đó, Liên Xô cũng làm được vũ khí nguyên tử, rồi cả khối XHCN được hình thành với quy mô lãnh thổ, dân số và tiềm lực kinh tế, quân sự không thua kém phương Tây. Điều này buộc Mỹ khi áp đặt luật chơi, phải tính cả lợi ích cho lũ đàn em. Thế là EEC, NATO... ra đời. Mỹ cũng thiết lập Hệ thống quản lý tiền tệ Bretton Woods đã thiết lập các quy tắc cho quan hệ thương mại và tỷ giá cố định giữa 44 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, các nước Tây Âu và Úc. Hệ thống này có lợi cho Mỹ nhất, biến đồng đô la thành đồng tiền thanh toán và dự trữ cho cả thế giới; tăng cường quyền lực tài chính và chính trị của Mỹ trên toàn cầu thông qua việc kiểm soát nguồn cung đô la và các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vì Mỹ đóng góp tài chính lớn nhất và giữ vai trò lãnh đạo; kích thích dòng vốn từ khắp nơi trên thế giới chảy vào Mỹ, giúp tài trợ cho các hoạt động kinh tế và đầu tư trong nước, đồng thời tạo điều kiện để Mỹ duy trì chi tiêu quân sự quy mô lớn và ngoại giao dựa vào sức mạnh. Tuy nhiên, mặt trái là Hệ thống Bretton Woods cho phép Mỹ thoải mái in thêm đô la để chi tiêu mà không sợ mất giá mạnh, vì các quốc gia khác vẫn sẵn sàng nắm giữ đô la Mỹ như một tài sản dự trữ an toàn. Mặt khác, do dựa vào in tiền mua hàng về dùng, nên nền kinh tế và xã hội Mỹ ngày càng trì trệ và sa sút, trong khi các nước đồng minh dựa vào Mỹ không ngừng lớn mạnh, tạo ra 30 năm vinh quang của họ (1945-1975), dần dần có khả năng vượt lên và quay trở lại chèn ép Mỹ. Hậu quả là ngay trong thập niên 1960, Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán và áp lực mất giá của đồng đô la nghiêm trọng. Vì vậy, năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã quyết định chấm dứt khả năng chuyển đổi đô la sang vàng và xóa bỏ hệ thống Bretton Woods. Quyết định của Tổng thống Mỹ Richard Nixon cũng bị coi là đơn phương, là luật rừng và vi phạm các cam kết quốc tế... Nhưng rõ ràng Mỹ phải làm thế để đảo ngược tình hình, đưa nước Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo tuyệt đối. Bây giờ cũng vậy. Rõ ràng D. Trump quyết định xóa bỏ toàn cầu hóa, chuyển sang kinh tế độc lập tự chủ và bảo hộ; điều này đồng nghĩa với việc phải xóa bỏ các nguyên tắc tự do thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Lúc này ai cũng chê trách, nhưng Mỹ vẫn cần phải làm, vì một nước Mỹ hùng mạnh không thể cứ in tiền rồi ra thị trường thế giới mua hàng, cái gì cũng nhập khẩu, trong nước hàng gì cũng không sản xuất, trừ vũ khí. Người dân quen tiêu xài cũng trở nên lười biếng, nguồn lao động chủ lực dựa vào người nhập cư. Một nước Mỹ như vậy không thể duy trì được sự hùng mạnh lâu dài, nên mặc cho Nga Trung chỉ trích, D. Trump vẫn phải làm. Và tôi tin là ông làm được vì hiện giờ Mỹ vẫn đang rất mạnh.Nga Trung chỉ trích thuế của Mỹ là “Luật Rừng”, Vi phạm nguyên tắc WTO
Moscow/Bắc Kinh – Ngày 9 Tháng Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố các biện pháp thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời cáo buộc Washington hành động như thể không còn bị ràng buộc bởi luật lệ thương mại quốc tế.
“Tôi cho rằng quyết định áp thuế mới nhất của Nhà Trắng vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO. Điều này cho thấy Washington không còn coi mình bị ràng buộc bởi các tập quán của luật thương mại quốc tế,” bà Zakharova phát biểu, được hãng AFP dẫn lời.
Bà cũng gọi việc Mỹ liên tục tăng thuế là một “cách làm ăn truyền thống”, đồng thời cho rằng đây là một cú sốc đối với nhiều quốc gia. “Chỉ trong một ngày, thuế quan và các biện pháp trả đũa lại tăng vọt. Đây là một cuộc mặc cả nghiêm túc,” bà viết trên nền tảng Telegram.
Bình luận được đưa ra sau khi gói thuế quan đối ứng mới của Tổng thống Trump chính thức có hiệu lực trong ngày 9 Tháng Tư, ảnh hưởng tới hàng loạt quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Liên minh châu Âu và nhiều đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ.
Cùng ngày, một người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã chính thức nộp đơn khiếu nại bổ sung lên cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, với lập luận rằng các biện pháp thuế quan mới của Washington “vi phạm nghiêm trọng các quy định của WTO”.
Trong khi đó, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump bảo vệ chính sách thuế quan của mình, cho rằng “nước Mỹ đang kiếm được 2 tỉ USD mỗi ngày từ các mức thuế mới”, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp này mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho Hoa Kỳ.
“Chúng ta sẽ sớm giàu có trở lại. Hơn 70 quốc gia đang tích cực đàm phán để đảm bảo quyền tiếp cận thị trường Mỹ,” ông Trump tuyên bố.
Trong bối cảnh các tranh chấp thương mại tiếp tục leo thang, giới quan sát lo ngại căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác kinh tế lớn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài cho trật tự thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế thế giới.
nguồn: Trên mạng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét