Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

Thủ tướng lập tổ phản ứng nhanh với mức thuế 46% của Mỹ

Thủ tướng chủ trì họp đột xuất, lập tổ phản ứng nhanh với mức thuế 46% của Mỹ
03/04/2025 - Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay chủ trì cuộc họp đột xuất của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành về việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan.

Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành và lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt hơn, phức tạp hơn, khó đoán định hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang

Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân để ứng phó với tình hình.

Theo Thủ tướng, Việt Nam mong muốn phía Mỹ có chính sách phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, với mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua. Điều này cũng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển, vẫn đang phải tiếp tục khắc phục hậu quả nặng nề, kéo dài sau nhiều năm chiến tranh.

Thành lập ngay tổ phản ứng nhanh

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Cùng với việc chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu.

Người đứng đầu Chính phủ giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.

Thủ tướng cũng khẳng định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu (thuế đối ứng) với hàng chục nền kinh tế. Trong đó, Việt Nam và Trung Quốc thuộc nhóm quốc gia bị áp thuế cao nhất (lần lượt là 46% và 34%).

03/04/2025 - Mỹ muốn áp thuế 46% với hàng Việt Nam: Tránh hoang mang hay lo lắng thái quá

Trước công bố Mỹ áp thuế 46% với hàng hoá của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần bình tĩnh, chờ đám phán về thuế suất với Mỹ trong thời gian tới.

Lời toà soạn: Rạng sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng lên toàn bộ các quốc gia trên thế giới.

Nhiều quốc gia chịu mức thuế cao hơn. Cụ thể, Trung Quốc đối mặt với mức thuế 34% (thêm với 20% thuế công bố trước đó, tổng cộng là 54%, có hiệu lực từ 9/4), Liên minh châu Âu (EU) 20%, Việt Nam 46%, và Đài Loan (Trung Quốc) 32%...

Chính sách này sẽ tác động mạnh đến thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam. VietNamNet ghi nhận ý kiến từ các hiệp hội, chuyên gia về diễn biến mới này.

Mức thuế 46% phía Mỹ đưa ra là con số tổng quan

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, vấn đề Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, tránh hoang mang hay lo lắng thái quá.

Theo ông Giang, mức thuế suất cơ bản đối với sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vốn đã có từ trước, không phải tất cả đều là 0%. Một số mặt hàng có thuế suất trung bình 12%, có mặt hàng 7%, 12%, thậm chí áo khoác lên tới 27%.

Việt Nam cũng chưa có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Mỹ, do đó, nền tảng thuế đã tồn tại từ lâu.

Ông Giang lưu ý, thông tin về mức thuế 46% phía Mỹ đưa ra là con số tổng quan, không áp dụng đồng loạt mà được chia ra theo từng dòng sản phẩm cụ thể. Chủ tịch VITAS khuyến cáo các doanh nghiệp cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Ảnh: Xuân Ngọc

Chủ tịch VITAS cho hay Chính phủ đang triển khai các biện pháp đàm phán để có biểu thuế phù hợp, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp. Việc Mỹ thông báo áp thuế từ 5/4 là quan điểm từ phía họ. Tuy nhiên, để có chính sách thuế dài hạn, bền vững, cần quá trình đàm phán giữa hai Chính phủ.

"Doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chờ kết quả của quá trình đàm phán này", lãnh đạo Vitas chia sẻ.

Hơn nữa, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia xuất khẩu khác cũng bị Mỹ áp thuế, điển hình như Trung Quốc từng chịu mức thuế trên 20%, thậm chí hơn 30%.

Do đó, Hiệp hội Dệt may khuyến cáo doanh nghiệp cần giữ bình tĩnh, tiếp tục thương thảo với các nhãn hàng, nhà mua hàng để thích ứng với mức thuế mới. Người tiêu dùng Mỹ vẫn có nhu cầu lớn đối với sản phẩm dệt may và Việt Nam vẫn đang duy trì quan hệ với nhiều đối tác lớn trên toàn cầu, trong đó có Mỹ.

Về tác động thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đã đàm phán giá với nhà mua hàng từ trước, nên khi thuế thay đổi, bản thân các thương hiệu, nhãn hàng cũng phải cân nhắc chiến lược kinh doanh để điều chỉnh. Ông cho rằng, người tiêu dùng Mỹ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp do giá thành sản phẩm tăng.

Trong trung và dài hạn, doanh nghiệp cần chờ động thái đàm phán giữa Chính phủ hai nước trong tháng 4 này để có phương án ứng phó phù hợp.

"Các doanh nghiệp dệt may cần giữ vững tâm lý, tập trung vào các thỏa thuận với đối tác, bởi chi phí sản xuất, tiền lương, lợi nhuận đều đã được tính toán kỹ lưỡng trong đơn hàng. Áp lực lớn nhất không nằm ở doanh nghiệp mà ở nhà mua hàng và người tiêu dùng khi thuế tăng cao.

Thời gian tới, sẽ có biểu thuế chi tiết cho từng mặt hàng như ô tô, dệt may, da giày... Doanh nghiệp cần theo sát để có kế hoạch phù hợp", ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay cơ quan này đang làm báo cáo, đề xuất với Chính phủ và bộ ngành liên quan có giải pháp ứng phó, đảm bảo hoạt động xuất khẩu thuỷ sản được thông suốt.

Hiện kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Mỹ dao động từ 1,5-2,1 tỷ USD/năm, trong đó tôm, cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực.Cá tra là một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Hoàng Giám

Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại với Mỹ

Thực tế thời gian qua Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện cán cân thương mại với Mỹ.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, làm việc với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Bộ Năng lượng (DOE) và các cơ quan liên quan mới đây, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự buổi lễ ký kết và công bố các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và dịch vụ, hàng hóa giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.

Theo đó, tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ dự kiến triển khai từ năm 2025 khoảng 90,3 tỷ USD, tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động hai nước.

Ngày 31/3, Chính phủ cũng ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng. Theo đó, hàng loạt các mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu như ô tô, cherry, táo, nho khô..., trong đó có nhiều sản phẩm xuất xứ Mỹ.

Theo các chuyên gia, kế hoạch giảm thuế một số mặt hàng nhập khẩu là một phần quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ vào Việt Nam, góp phần giảm thặng dư thương mại giữa hai nước.

Trước đó, đại diện Chính phủ Việt Nam và Mỹ cũng nhiều lần gặp gỡ đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan.

Chia sẻ với PV VietNamNet, TS Hoàng Ngọc Thuận, Trường Đại học Ngoại thương nhận định, quyết định áp thuế 46% của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam sẽ tạo ra tác động trái chiều, dù rằng không áp dụng với tất cả các mặt hàng.

Theo ông Thuận, các doanh nghiệp sản xuất của Mỹ có sản phẩm cạnh tranh với hàng Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ mức thuế này. Ngoài ra, ngân sách Chính phủ Mỹ cũng sẽ tăng đáng kể do thu thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, đa số các bên liên quan khác đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. Người tiêu dùng Mỹ và các doanh nghiệp sử dụng hàng nhập khẩu làm đầu vào cho sản xuất sẽ phải gánh chịu chi phí tăng do thuế.

Không chỉ tại Mỹ, Việt Nam và các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Đặc biệt, mức thuế 46% đối với Việt Nam cao hơn so với Indonesia hay Thái Lan, khiến hàng hóa của các nước này có lợi thế cạnh tranh hơn về giá. Người tiêu dùng thường nhạy cảm với giá cả, nên họ có xu hướng chọn sản phẩm có mức tăng giá thấp hơn.

Tuy nhiên, ông Thuận cho rằng, trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần giữ bình tĩnh và chủ động tìm giải pháp, đồng thời chờ đợi động thái từ Chính phủ.

Trước đó, Canada, Mexico và Ấn Độ đã đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế. Việt Nam cũng cần nỗ lực đàm phán để lùi thời gian áp thuế hoặc có được mức thuế ưu đãi hơn. Tuy nhiên, việc Mỹ không áp thuế là điều rất khó xảy ra vào thời điểm hiện tại.

Nếu không thể thay đổi mức thuế hoặc trì hoãn, doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm lý và kế hoạch ứng phó. Theo TS Thuận, tùy vào lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp cần có phản ứng phù hợp để thích nghi với mức thuế mới. Một số doanh nghiệp có thể mất thị phần hoặc thị trường, do đó, ngoài việc chờ đàm phán từ Chính phủ, cần chủ động tính toán lại chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường thay thế.

Đề cập đến biện pháp lúc này, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tuy nhiên, vẫn cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Mỹ; tăng nhập khẩu các thiết bị y tế cao cấp, khí hóa lỏng, hàng tiêu dùng, nông sản phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi...

03/04/2025 - Ông Trump công bố mức thuế mới chấn động thế giới, điều gì chờ đợi phía trước?

Rạng sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng lên toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Chính sách này ngay lập tức gây sóng gió trên thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu.

Thuế cao hơn dự tính

Chiều ngày 2/4 tại Mỹ (rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp dụng các mức thuế đối ứng nhắm vào tất cả các nước trên thế giới. Theo đó, Nhà Trắng tuyên bố mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4.

Nhiều quốc gia chịu mức thuế cao hơn. Cụ thể, Trung Quốc đối mặt với mức thuế 34% (thêm với 20% thuế công bố trước đó, tổng cộng là 54%, có hiệu lực từ 9/4), Liên minh châu Âu (EU) 20%, Việt Nam 46%, và Đài Loan (Trung Quốc) 32%...

Hồi cuối tuần trước, ông Trump đã áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu (có hiệu lực từ 3/4) và các mức thuế riêng biệt nhắm vào Trung Quốc, Canada, và Mexico. Tuy nhiên, rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), chính quyền ông Trump đã công bố cho biết Canada và Mexico sẽ được miễn thuế suất cơ bản 10%. Thuế suất 10% sẽ chỉ có hiệu lực khi mức thuế 25% ban đầu mà Nhà Trắng áp dụng đối với hàng nhập khẩu của Canada và Mexico bị chấm dứt hoặc đình chỉ.

Theo truyền thông quốc tế, đây là những mức thuế cao hơn dự kiến và ngay lập tức đã tác động đến nhiều thị trường trên phạm vi toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch sau giờ đóng cửa. Chỉ số S&P 500 ETF giảm 2,2%, phản ánh lo ngại về chi phí nhập khẩu tăng cao và áp lực lạm phát. Chỉ số Nasdaq-100, vốn tập trung vào các công ty công nghệ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm mạnh hơn với mức 3,3%. Các nhà đầu tư lo ngại rằng thuế quan sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt với các mặt hàng như linh kiện điện tử từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Trái ngược với chứng khoán, giá vàng (tài sản trú ẩn an toàn) tăng vọt gần 20 USD, chạm mức 3.140 USD/ounce vào sáng 3/4. Rạng sáng có lúc vàng lên đỉnh cao mới, gần 3.160 USD/ounce. Giá dầu cũng tăng, với dầu WTI leo hơn 0,7% lên 71,7 USD/thùng, do lo ngại về chi phí vận chuyển và sản xuất tăng khi thuế quan áp lên Canada và Mexico - hai nguồn cung dầu lớn cho Mỹ. Trong khi đó, đồng USD chịu áp lực giảm mạnh, với chỉ số DXY mất gần 0,4%, xuống 103,86 điểm. Sự suy yếu này phản ánh tâm lý e ngại rằng chính sách bảo hộ của Trump có thể làm tổn hại vị thế kinh tế Mỹ trong dài hạn.

Những biến động này cho thấy thị trường đang phản ứng mạnh mẽ với sự bất định mà chính sách thuế quan mang lại. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang cố gắng đánh giá liệu đây là đòn đe dọa để buộc các nước nhượng bộ, hay là bước khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump - bước ngoặt với kinh tế toàn cầu

Chiến lược kinh tế của Donald Trump khá rõ ràng, theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) thay vì chủ nghĩa toàn cầu (globalism), với khẩu hiệu "America First" (Nước Mỹ trên hết) nhằm tái định hình nền kinh tế theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.

Trước hết, là áp thuế cao để bảo vệ sản xuất trong nước, rút khỏi hoặc đàm phán lại các hiệp định thương mại…

Chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump được đánh giá có thể đẩy thế giới vào một giai đoạn bất ổn kinh tế mới. Với mức thuế cao áp lên các nền kinh tế lớn như Trung Quốc (54%) và EU (20%), cùng các nước đang phát triển như Việt Nam (46%), chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chịu áp lực chưa từng có.

Các quốc gia bị ảnh hưởng có thể sẽ đáp trả bằng thuế quan tương ứng, dẫn đến một cuộc chiến thương mại leo thang. Canada và EU đã phát tín hiệu về các biện pháp trả đũa, trong khi Trung Quốc có thể tiếp tục giảm giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, làm gia tăng căng thẳng tiền tệ.

Với các mức thuế vừa công bố, trong trung hạn, giá hàng hóa tiêu dùng toàn cầu, từ điện tử đến thực phẩm, dự kiến sẽ tăng do chi phí nhập khẩu leo thang ở hầu khắp các nước. Các nước phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ có thể chứng kiến tăng trưởng kinh tế chậm lại nếu không tìm được thị trường thay thế. Ngược lại, các quốc gia ít bị ảnh hưởng trực tiếp, như Nga hay một số nước Nam Mỹ, có thể hưởng lợi tạm thời từ việc lấp chỗ trống trong chuỗi cung ứng.Quyết định của ông Trump có thể kích hoạt cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ảnh: CNBC

Về dài hạn, nếu thuế quan được duy trì, cấu trúc thương mại toàn cầu có thể thay đổi vĩnh viễn. Các công ty đa quốc gia sẽ buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuyển sản xuất về Mỹ hoặc sang các nước không bị áp thuế cao. Tuy nhiên, quá trình này tốn kém và mất thời gian, có thể làm giảm hiệu quả kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể khiến GDP toàn cầu giảm 0,5-1%/năm trong thập kỷ tới.

Đối với Mỹ, chính sách thuế quan hứa hẹn cả lợi ích và rủi ro. Theo lập luận của ông Trump, thuế quan sẽ bảo vệ ngành sản xuất nội địa, tạo việc làm và giảm thâm hụt thương mại. Trong ngắn hạn, một số ngành như thép, ô tô nội địa có thể hưởng lợi từ việc hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ. 

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng lợi ích này sẽ bị lu mờ bởi chi phí tăng cao cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.

Trong trung hạn, lạm phát tại Mỹ có thể tăng mạnh khi giá hàng nhập khẩu - chiếm một tỷ trọng khá lớn, khoảng 15% GDP - leo thang.

Ngân hàng Goldman Sachs vừa cảnh báo về tình trạng đình lạm tại Mỹ khi thuế quan của ông Trump đe dọa lạm phát và tăng trưởng chậm lại. Theo đó, chính sách thuế quan của ông Trump sẽ làm tăng lạm phát cơ bản lên 3,5% vào năm 2025. Tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại chỉ còn 1%, giảm từ 1,5%. Goldman Sachs dự báo tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,5% và tỷ lệ suy thoái tăng lên 35%.

Goldman cảnh báo về nguy cơ đình lạm gia tăng, sự kết hợp giữa tăng trưởng thấp và lạm phát cao lần cuối cùng sẽ xảy ra trong gần năm thập kỷ. Công ty này hiện dự kiến ​​Fed sẽ thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào năm 2025, tăng so với dự báo trước đó là hai lần cắt giảm.

Với mức thuế còn cao hơn so với dự kiến, những kịch bản có thể tồi tệ hơn.

Về dài hạn, nếu các nước trả đũa mạnh mẽ, xuất khẩu của Mỹ - đặc biệt là nông sản và năng lượng - sẽ bị tổn thương. Các bang sản xuất lớn như Texas (dầu mỏ) hay Iowa (nông nghiệp) có thể chịu thiệt hại nặng nề. Hơn nữa, sự bất định từ chính sách thuế quan có thể khiến các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư, làm suy yếu động lực tăng trưởng mà ông Trump kỳ vọng. Ngân hàng Barclays dự báo S&P 500 có thể giảm khá mạnh trong năm 2025 nếu chiến tranh thương mại leo thang.

https://vietnamnet.vn/ong-trump-cong-bo-muc-thue-moi-chan-dong-the-gioi-dieu-gi-cho-doi-phia-truoc-2387333.html

https://vietnamnet.vn/my-muon-ap-thue-46-voi-hang-viet-nam-tranh-hoang-mang-hay-lo-lang-thai-qua-2387420.html

https://vietnamnet.vn/thu-tuong-chu-tri-hop-dot-xuat-lap-to-phan-ung-nhanh-voi-muc-thue-46-cua-my-2387398.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét