Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

LÃNH ĐẠO DÙNG BẰNG GIẢ ĐỂ THĂNG TIẾN ĐÃ BỊ PHANH PHUI

LÃNH ĐẠO HÁO DANH, DÙNG BẰNG GIẢ ĐỂ THĂNG TIẾN ĐÃ BỊ PHANH PHUI
Fb Trà My - Chuyện các quan chức ở Việt Nam bị phát hiện sử dụng bằng giả để được thăng quan tiến chức, không còn là chuyện lạ. Vấn để chỉ là có “bị lộ” hay không. Ai được che chắn tốt, thì dù dùng đến mười bằng giả vẫn thoát và tiếp tục leo lên những chiếc ghế quyền lực cao hơn.

Mới nhất, truyền thông nhà nước đưa tin, ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, vừa bị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh này đề nghị kỷ luật, với lý do sử dụng bằng thạc sĩ giả để làm luận án tiến sĩ.

Cụ thể, khi bảo vệ luận án và được cấp bằng tiến sĩ, ông Nguyễn Công Thắng đã sử dụng giấy chứng nhận văn bằng giả Thạc sĩ trong hồ sơ thi Tiến sĩ, sau đó dùng bằng Tiến sĩ này để thi nâng ngạch công chức.

Điều đáng nói là, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là cơ quan kiểm tra, giám sát cán bộ đảng viên, trong việc thực hiện Điều lệ Đảng và việc chấp hành luật pháp của nhà nước. Vậy mà ông Nguyễn Công Thắng giữ tới chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Bắc Ninh, lại còn sử dụng bằng thạc sĩ giả, mà rất lâu sau mới bị phát hiện.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Công Thắng, đã bị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Ninh cáo buộc: “… đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm của ông đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân.”.

Tỉnh ủy Bắc Ninh đã biểu quyết thi hành kỷ luật đối với ông Thắng, đồng thời báo cáo sự việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo lý lịch tự khai, ông Thắng có hai bằng Thạc sĩ ngành Kinh tế và ngành Luật, một bằng Tiến sĩ Kinh tế... Ông Thắng đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở Bắc Ninh, từ năm 2007. 

Cụ thể, năm 2019 khi mới 36 tuổi vào, ông Thắng đã được bổ nhiệm làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh. Sau đó, năm 2022, khi mới 39 tuổi, ông Thắng lại được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Bắc Ninh.

Facebook Chinh Ly Hoang, một người thạo tin đã “tiết lộ”:

“Một ông Tiến sĩ cờ vua làm đoàn đội, rồi thần tốc ngạo nghễ ngai vua thành phố Bắc Ninh, nếu ko bị phanh phui, ko chừng ông Tiến sĩ sẽ trở thành cha mẹ dân cả nước.
Một ông Tiến sĩ giả cầy 39 tuổi, hiên ngang ngự ghế Bao công phủ Bắc Ninh, khi đó Tiến sĩ này được báo chí ca tụng, coi là một tài năng hiếm nước Nam.

Họ đều có một điểm chung là, rất ưa dùi mài kinh sử lò “Đông Đô”, thích sưu tầm đủ thứ “bằng cấp” từ Tiến sĩ cầu lông, cờ vua, Tiến sĩ nịnh… và cực giỏi nghề rình ghế.”
“P/s ông TS này nghe đâu cũng con của 1 đồng chí cựu Bí thư Bắc Ninh?”

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, dư luận cũng bàn tán về việc trao chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư tràn lan. Giáo sư Trần Văn Nhung – Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 1.600 Giáo sư, 10.000 Phó Giáo sư, nhưng số lượng tham gia giảng dạy, nghiên cứu là con số rất nhỏ.

Vậy mà, Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 648 ứng viên của 28 ngành, được đề xuất đủ tiêu chuẩn để xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023. Đáng chú ý, ngành Khoa học An ninh chỉ có 1 ứng viên duy nhất là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Công luận thấy rằng, ông Nguyễn Hòa Bình không xứng danh Giáo sư, vì không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện tiên quyết là, phải tham gia giảng dạy, hướng dẫn học viên các đề tài nghiên cứu khoa học.

Đó là chưa kể đến trình độ thật của Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Theo Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, từng khẳng định về người bạn “đồng môn” của mình, đại ý, khả năng pháp lý của Chánh án Bình ở mức, đọc một văn bản quy phạm pháp luật còn không hiểu.

Được biết, ông Nguyễn Hòa Bình chỉ có “sự đóng góp của ứng viên cho công cuộc phát triển đất nước”, là điều chưa được đề cập cụ thể.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần tự hào rằng, “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Dư luận thấy rằng, có lẽ phải kể tới kỷ lục về vấn đề bằng cấp, học hàm học vị, cũng như các chức danh của các quan chức lãnh đạo.

Xin được nhắc lại, vụ bê bối của trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, đa số những người mua bằng của trường này là cán bộ, công chức tại các địa phương./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét