Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

Cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay

Hàng vạn nạn nhân đang kêu cứu; mất bò thì Bộ Tài chính mới lo làm chuồng. Hy vọng không còn kẽ hở của luật pháp để các công ty bảo hiểm chuyên lừa đảo như Manulife lách luật và qua đó chiếm đoạt tiền của nhân dân Việt Nam. Trong bài có đoạn "Nhiều người vay phải chấp nhận mua kèm bảo hiểm nhân thọ như một "luật ngầm" dù Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều có các văn bản nhắc nhở các tổ chức tín dụng". Điều này có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều biết có luật ngầm và khách hàng phải tuân theo. Chúng tôi khi đưa tiền cho SCB để đầu tư cũng thấy có những điểm chưa hợp lý, thiếu cơ sở pháp lý, nhưng coi như luật ngầm được thỏa thuận giữa hai bên, miễn sao hai bên đều hài lòng. Đáng tiếc chục lần trước không sao, đột nhiên lần này chúng tôi sa vào bẫy. Ở VN có thể nói mọi thứ đều không rõ ràng, kể cả các bản án ở tòa án, nhưng người Việt thường sống có tình nên thường, nếu phát sinh xung khắc thì thường tự thu xếp thỏa đáng với nhau để cả hai bên đều chấp nhận được.   
Cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay
9/11/2023 Bộ Tài chính cấm các nhà băng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày nhằm hạn chế tình trạng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay. Nội dung này được đề cập trong Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính ban hành nhằm cải thiện quy trình tư vấn bảo hiểm của đại lý cá nhân và tổ chức.

Một hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư được bán qua kênh ngân hàng. Ảnh: Quỳnh Trang

Theo đó, Thông tư mới quy định nhà băng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Việc cấm này áp dụng với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị. Các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp... không được Bộ Tài chính đề cập tại Thông tư này.

Bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị có điểm chung là kết hợp yếu tố bảo hiểm và đầu tư. Dòng bảo hiểm liên kết chung có cam kết lãi nhưng ở mức rất thấp, do chủ yếu dòng tiền được phân bổ vào các sản phẩm tài chính an toàn như tiền gửi hay trái phiếu Chính phủ. Còn bảo hiểm liên kết đơn vị là loại phổ biến trong vài năm gần đây, có tỷ suất sinh lời cao hơn đồng thời cũng có rủi ro, không cam kết lãi suất do dòng tiền phân bổ vào các sản phẩm như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu...

Quy định mới được Bộ Tài chính đưa ra sau hàng loạt phản ánh của người dân cho biết bị ép mua kèm bảo hiểm nhân thọ khi đi vay suốt thời gian qua. Nhiều người vay phải chấp nhận mua kèm bảo hiểm nhân thọ như một "luật ngầm" dù Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều có các văn bản nhắc nhở các tổ chức tín dụng.


Ngoài quy định về hoạt động bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance), Bộ Tài chính cũng đưa thêm nhiều ràng buộc với đại lý tư vấn bảo hiểm nói chung.

Đơn cử, trong quá trình tư vấn, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên của đại lý tổ chức phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về sản phẩm, sử dụng tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp. Riêng đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu thêm phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm này.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng hoa hồng đại lý với nghiệp vụ bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, đồng thời, thay đổi tỷ lệ hoa hồng năm đầu của bảo hiểm liên kết chung, liên kết đơn vị.

Với các tài liệu trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài hạn và có giá trị hoàn lại, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp bản giấy tóm tắt cho bên mua bảo hiểm và phải có xác nhận của người mua. Việc này theo Bộ Tài chính, giúp người mua bảo hiểm dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ trước khi ký vào hợp đồng. Thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm là 21 ngày kể từ khi bên mua bảo hiểm xác nhận đã nhận được các tài liệu trên.

Bên cạnh đó, Thông tư 67 cũng bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động bancasurance. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải giám sát và kiểm tra định kỳ, đảm bảo chất lượng giới thiệu, tư vấn sản phẩm của nhân viên. Hãng bảo hiểm cũng phải kịp thời phối hợp với tổ chức đại lý để kiểm tra, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm và xử lý vi phạm nếu có.

Quỳnh Trang

https://vnexpress.net/cam-ngan-hang-ban-bao-hiem-lien-ket-dau-tu-kem-khoan-vay-4674943.html?gidzl=GMrrGhrnEWv2UtHDjcO-2qvsTKsjQsaB0YqYI_enQmyFTo0S-c0zNG0cUnhwOJLQKNLoJ6BD97zrlNeo0m

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét