Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

Nhiều nơi ở TQ cho nhân viên nghỉ Tết trước 3 tháng

Kinh tế nước ta cũng khó khăn, toàn xã hội cũng nên chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp VN, trừ các doanh nghiệp lừa đảo và lãi lớn như Manulife.
Nền kinh tế ảm đạm, nhiều nhà máy ở Trung Quốc cho nhân viên nghỉ Tết trước 3 tháng
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, các công ty lần lượt đóng cửa, nhiều nhà máy đang phải vật lộn để tồn tại. Hiện tại còn hơn ba tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng các nhà máy ở nhiều nơi tại nước này đã bắt đầu cho nhân viên “nghỉ Tết”.
Gần đây, trên mạng Internet ở Trung Quốc lan truyền nhiều thông báo cho thấy một số công ty ở tỉnh Chiết Giang, Hồ Bắc, Quảng Đông và Hà Nam đã bắt đầu cho công nhân viên nghỉ Tết.

Ngày 1/11, một công ty dệt kim ra thông báo cho biết, do hàng tồn kho tồn đọng nghiêm trọng nên nhà máy đã quyết định năm nay cho toàn bộ công nhân viên nghỉ lễ sớm. Các công nhân ở xưởng kéo sợi sẽ nghỉ lễ từ ngày 3/11, còn các công nhân trong xưởng dệt tròn sẽ bắt đầu kỳ nghỉ sau khi dệt xong số sợi còn lại. Dự kiến thời gian đi làm trở lại sau lễ Tết ​​là ngày 27/2/2024 (tức ngày 18 tháng Giêng), thời gian cụ thể sẽ được thông báo sau.

Thông báo ra ngày 1/11/2023 của công ty dệt kim kể trên. (Ảnh chụp màn hình)

Nhà máy thép Tân Á, một doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Hà Nam, cũng thông báo rằng, quyết định tạm dừng sản xuất để bảo trì từ ngày 1/11 và sẽ lần lượt sắp xếp cho công nhân viên nghỉ lễ; công ty sẽ tùy theo tình hình để điều chỉnh và thông báo thời gian trở lại làm việc sau. Kỳ nghỉ lễ này dự kiến ​​kéo dài đến ngày 17/2 năm sau.

Nhà máy thép Tân Á, một doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc thông báo tạm dừng sản xuất để bảo trì từ ngày 1/11 và sắp xếp cho công nhân viên nghỉ tới ngày 17/2/2024. (Ảnh chụp màn hình)

Còn có một lao động ngoại tỉnh hiện đang ở tỉnh Chiết Giang đăng video cho hay: "Làm việc ở Chiết Giang quá khó khăn, có rất nhiều nhà máy đã ngừng hoạt động và bắt đầu cho nghỉ lễ".

Ảnh cắt từ video kể trên của một người lao động tại Chiết Giang.

Ngoài ra còn có thông báo cho thấy, một nhà máy ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông vốn cho công nhân viên nghỉ đến cuối tháng 8 năm nay, nhưng do vẫn chưa có đơn hàng nên nhà máy này quyết định tiếp tục cho nghỉ từ ngày 1/9 đến hết tháng 2/2024. Thông báo trên còn viết, trong thời gian này, công ty sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm hưu trí và phát phí sinh hoạt cơ bản cho công nhân viên.

Một nhà máy ở Đông Quản, Quảng Đông thông báo cho công nhân viên nghỉ đến hết tháng 2/2024. (Ảnh chụp màn hình)

Những thông báo trên cho thấy có không ít công ty ở Trung Quốc vẫn đang phải bù lỗ để tồn tại dù hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Các cư dân mạng Trung Quốc cũng lan truyền thông tin cho biết, bên cạnh một lượng lớn các công ty, nhà máy đã đóng cửa, các ông chủ cũng đã lần lượt bỏ trốn, rất nhiều công nhân viên không thể nhận được khoản tiền bồi thường thất nghiệp, hoặc thậm chí mất luôn cả khoản lương bị nợ trong một thời gian dài.

Tình trạng hàng tồn kho ở Trung Quốc cũng phần nào được thể hiện qua dữ liệu xuất khẩu. Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 7/11, xuất khẩu trong tháng 10 của Trung Quốc đã suy giảm đáng kể, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt kỳ vọng của thị trường. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp xuất khẩu của Trung Quốc bị giảm.

Xuất khẩu yếu đồng nghĩa với việc cho tới năm 2024 Trung Quốc sẽ vẫn cần phải dựa vào thị trường trong nước để thúc đẩy nền kinh tế. Song, đây lại là một việc không dễ. Vì nhiều người Trung Quốc đã đầu tư tài sản cá nhân vào bất động sản, nhưng ngành bất động ở Trung Quốc lại đang trên đà đổ vỡ và đã làm giảm đáng kể lượng tài sản của các cá nhân. Điều này cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến khả năng chi tiêu của họ. Bên cạnh đó, do bị dịch bệnh hành hạ trong nhiều năm, khoản tiết kiệm của các gia đình đã gần như cạn kiệt và họ buộc phải chi tiêu dè sẻn.

Các cuộc khảo sát thương mại gần đây cũng cho thấy, lượng đơn đặt hàng trong các nhà máy đều suy giảm, hoạt động của ngành xây dựng và ngành dịch vụ tiếp tục chậm lại. Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng khó khăn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét