Cám ơn Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Lê Việt Đức - Xin báo với các nạn nhân bị Tập đoàn bảo hiểm Manulife câu kết với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lừa đảo chiếm đoạt tiền và các bạn đọc FB của tôi biết, sau khi nhận được đơn thư tố cáo và kiến nghị của tôi đại diện cho hơn 300 nạn nhân trên cả nước gửi tới, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã sớm có thư trả lời. Tôi gửi thư tối ngày 11/11, ĐBQH Lê Thanh Vân trả lời ngày 14/11.Nội dung thư không cần mở ra xem, tôi cũng đã biết, đó là "Tôi đã nhận được đơn của Ông đề ngày 10/11/2023 (tôi chọn 10/11 vì đây là ngày sinh nhật của tôi). Sau khi nghiên cứu, căn cứ vào các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của công dân, tôi (tức đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân) đã chuyển đơn đến Bộ trưởng Bộ Công an".
Như tôi đã nhiều lần viết ở đây, mục tiêu gửi thư cho rất nhiều nơi ở VN không phải là để những nơi đó trực tiếp giải quyết giúp dân, mà nhằm loan tin Tập đoàn bảo hiểm Manulife câu kết với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã và đang lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân Việt Nam, chủ yếu là người già, người nghèo, người ốm đau bệnh tật..., cho càng nhiều người biết càng tốt, càng nhiều lãnh đạo Trung ương và hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh biết càng tốt.
Có như vậy những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trực tiếp giải vụ việc này mới không thể né tránh, không thể cố tình câu giờ không chịu giải quyết cho dân. Họ không làm thì có nguy cơ sẽ bị mất chức vì có rất nhiều lãnh đạo Trung ương biết sự việc, nên họ không thể không làm. Và đặc biệt họ càng không dám bao che cho cho Tập đoàn tội phạm này.
Tôi dự định tháng nào cũng gửi thư cho tất cả các quan chức lãnh đạo cấp cao ở Trung ương và hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh để liên tục gây sức ép, đồng thời sẽ áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh mẽ khác làm mất hình ảnh của Manulife trên phạm vi toàn cầu.
Tôi chân thành cám ơn ĐBQH Lê Thanh Vân đã tóm tắt chính xác nội dung đơn thư của tôi trong thư ĐBQH gửi Bộ trưởng Bộ Công an: "Tố cáo Công ty bảo hiểm Manulife và Ngân hàng TMCP Sài Gòn lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người; đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét, xử lý".
Tôi quen biết và làm việc với bác Lê Thanh Vân từ rất lâu. Trong những năm 2000, bác Lê Thanh Vân là Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu thuộc Văn phòng Quốc hội, chuyên trách thu nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước gửi tới Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ chất vấn về các hoạt động của Chính phủ, trong khi tôi phụ trách công tác Quan hệ với Quốc hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Do đó chúng tôi thường xuyên gặp nhau, nhất là trong các kỳ họp Quốc hội, vì tôi đến đó nhận các phiếu ý kiến gửi tới Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ tay bác Vân, rồi mang về Bộ cùng với anh em trong Vụ tôi chuẩn bị các văn bản để báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách thức, nội dung trả lời các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
Rất tiếc sau này tôi ra nước ngoài sống dài hạn nên không còn cơ hội được làm việc với bác Vân. Bác ít tuổi hơn tôi, nhưng già dặn và chín chắn hơn tôi nhiều; bác làm việc rất cẩn thận, chu đáo, khoa học và ở trình độ cao, vừa có tâm, vừa có tầm... nên tôi rất kính trọng bác.
Một lần nữa, tôi xin chân thành cám ơn ĐBQH Lê Thanh Vân đã sớm có thư trả lời.
Theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, ĐBQH có các chức năng nhiệm vụ chủ yếu như sau (trích):
1. Trách nhiệm với cử tri
Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm.
Trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và Quốc hội; cử tri hoặc đại diện cử tri ở đơn vị bầu cử có thể góp ý kiến với đại biểu Quốc hội tại hội nghị cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương tổ chức trong trường hợp cần thiết.
2. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét