Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Nghề giáo có được tôn vinh thật không?

Về hưu thất nghiệp, chẳng có kỹ năng gì ngoài mớ kiến thức học được trong sách vở nên tôi mới theo nghề giáo. Nhiều người thấy thế chê, bảo nghề giáo quanh năm dạy đi dạy lại mỗi một bài, làm sức sáng tạo và tính năng động của con người kém đi, ảnh hưởng tới tuổi thọ. Không những thế, thu nhập của giáo viên cũng thuộc loại kém trong xã hội... Tôi thì không nghĩ vậy, tâm huyết của tôi là muốn truyền đạt tinh thần ham học hỏi và tình yêu khoa học cho lớp trẻ, lấy khoa học, luật pháp và đạo đức xã hội làm chuẩn mực cho mọi hành động của lớp trẻ. Ngoài ra cũng làm cho lớp trẻ hiểu rõ thực chất của đất nước, của nền kinh tế nước ta hiện nay và cứ với đà này thì đất nước và nền kinh tế nước ta sẽ đi về đâu. Hết ngày dài lại đêm thâu, ngày dạy, đêm soạn bài, ra đề thi và chấm bài... Thấm thoắt tôi đã có hơn 8 năm liên tục đứng trên bục giảng dạy ở trường Đại học Thăng Long. Mỗi năm dạy khoảng 20-30 lớp, mỗi lớp khoảng 40 sinh viên, tức mỗi năm dạy khoảng một nghìn sinh viên. Trước đó cũng đã từng giảng dạy thỉnh giảng ở một số trường đại học. Tôi đồng ý với với thầy Long trong bài dưới đây là nên chấm dứt phong trào tặng hoa quà, phong bì cho giáo viên, cũng nên chấm dứt tình trạng mời giáo viên ăn nhậu. Không chỉ trong giáo dục, tình trạng quà cáp, phong bì, ăn nhậu cũng nên chấm dứt trong mọi ngành nghề khác. Tôi không tham gia bất cứ hội nhóm nào, nhất là các hội lớp, chủ yếu vì ghét ăn nhậu, vì ở VN, đã có hội nhóm là có ăn nhậu. Riêng với nghề giáo, tôi chỉ có một ước mơ là nhà trường nên bỏ phấn trắng bảng đen đi, thay bằng bút dạ bảng trắng để giáo viên đỡ khổ. Các nước công nghiệp đã làm điều này từ những năm 1980, 1990 rồi, chẳng lẽ VN bây giờ không làm được sao ? Hàng ngày dùng phấn trắng viết công thức, đồ thị lên bảng, rồi hít bụi phấn vào phổi, tôi thấy rất có hại cho sức khỏe. Tôi chắc nếu nhà trường bỏ 1-2 bữa liên hoan vô bổ thì sẽ tiết kiệm đủ tiền để giáo viên được viết bằng bút dạ các màu lên bảng trắng; như thế vừa sạch sẽ cho trường lớp, vừa rõ ràng các nội dung bài giảng cho học sinh nhìn, vừa bảo vệ được sức khỏe cho giáo viên. Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ những việc nhỏ như vậy.
Nghề giáo có được tôn vinh thật không?
FB Chu Mộng Long - 18-11-2023 - Tối nay, tự dưng ông hàng xóm sang chơi. Ông trao cho bó hoa. Ông nói rằng mấy ngày nay không thấy học trò đến thăm nên mạo muội tặng tôi một bó hoa cho vui. Tôi trố mắt và miễn cưỡng nhận. Rồi mời trà ông. Ông nâng tách trà và hỏi:

– Tôi hỏi câu này khí không phải. Ông giáo vào nghề đã bao nhiêu năm? Ông giáo có thấy nghề của mình được tôn vinh thật không?

Tôi hụt hẫng nhìn bó hoa. Rồi cũng lựa lời trả lời ông:

– Nếu không cầm súng thì đã 35 năm. Có lẽ mình tự tôn vinh mình hơn là mong thiên hạ tôn vinh, ông ạ.

Ông hàng xóm chăm chắm vào mắt tôi:

– Tôi thấy hoa, quà bán đầy đường. Phụ huynh, học sinh, sinh viên mua nườm nượp. Cả thiên hạ đang hướng vào nhà giáo đấy chứ?

Tôi bật cười:

– Hoa, quà cũng chỉ là hình thức. Cả thiên hạ hướng vào nhà giáo chưa hẳn đã tôn vinh. Có khi nào ông nghe họ vừa mua vừa chửi không? Tôi thì nghe rồi. Thậm chí còn thấy học trò viết trên nhóm của chúng: “Tớ đang bị cô giáo đì. 20.11 này, cái con mẹ ấy thích ăn gì tớ cúng!”

Ông hàng xóm cũng cười theo:

– Nhưng bó hoa của tôi không là hình thức đâu nhé. Tôi nghĩ tôn vinh hay không thì trước hết thầy phải ra thầy. Thầy không ra thầy thì học trò gọi bằng thằng cũng đáng.

Tôi giải thích thêm cho ông hiểu:

– Thiên hạ ở cái xã hội bây giờ giả cả ông ạ. Thời bao cấp, tôi thi vào sư phạm, đã từng nghe thiên hạ nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Họ nói lái: “Thầy giáo tháo giày”, “Giáo chức dứt cháo”. Có nghĩa là xưa họ chê nhà giáo cùng đường, nghèo. Nay nhà giáo không nghèo nữa nhưng lại bị họ khinh là tham! Họ bày trò hoa, quà để tỏ ra tôn vinh, nhưng rất khinh…

Ông hàng xóm hôm nay lịch sự hơn mọi hôm. Ông im lặng và mặt buồn rười rượi. Ông lảm nhảm cái câu tôi nói đầu tiên: “Có lẽ nhà giáo tự tôn vinh mình hơn là mong thiên hạ tôn vinh”. Bỗng ông thốt lên:

– Chắc là mắc bệnh hoang tưởng cả. Nhưng ông giáo nói vậy có sợ người ta chụp mũ “tội làm nhục nghề giáo” không?

Tôi cười:

– Có! Tôi từng bị chụp mũ rồi. Bài trừ hoa, quà, phong bì 20.11. ắt có lắm kẻ thù.

Nói đoạn tôi kể cho ông nghe hai chuyện. Một lần trong cuộc họp đối chất với một giảng viên vu cáo tôi lên báo vì ám thị tôi sẽ tố anh ta ăn chơi, cưỡng hiếp học viên. Anh ta nói to giữa cuộc họp: “Tôi phải như thế nào mới vinh dự được học viên săn sóc đến từng bữa ăn, giấc ngủ chứ. Còn ông do học viên ghét nên dạy xong thì về phòng đóng cửa. Không thấy nhục hay sao?” 

Lần khác, dạy xong tôi đi ăn một mình. Gặp một phó giáo sư đang chờ học viên chở đi nhà hàng. Ông ta hỏi: “Chú ăn ở thế nào mà không có vinh dự được học viên mời cơm hè?”. Tôi phải nói toạc luôn: ‘Dạ thưa ông, trường đã chi tiền tôi ăn ở, nên ăn nhậu dầm dề ngày ba bữa từ tiền của học viên tôi thấy nhục lắm! Nhục nhất là các ông ăn nhậu, nhận phong bì phong bao, tốn bao nhiêu tiền của lớp. Đến kì thi họ tưởng tôi cũng như các ông nên cứ đòi thầy cho đề trước”.

Ấy đấy! Chuyện vinh nhục lộn tùng phèo cả. Chỉ vì phản đối hoa quà, phong bì, ăn nhậu thôi mà đã có người hạ nhục tôi và thù tôi cho đến chết!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét