Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

Bị động khi VN chỉ chủ động được 30% nguồn cung xăng dầu

Bị động khi Việt Nam chỉ chủ động được 30% nguồn cung xăng dầu
Thời gian gần đây, tình trạng khan hiếm xăng cục bộ đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Tuy mới có sự điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng đi lên, nhưng tình trạng này vẫn không thấy thuyên giảm. Lý do được đưa ra để giải thích là tình hình thế giới có nhiều biến động trong khi Việt Nam mới chỉ chủ động được 30% nguồn cung xăng dầu.

Tăng giá nhưng vẫn khan hiếm
2 hôm trước thời điểm điều chỉnh giá 01/11, một số cây xăng treo biển "hết xăng, còn dầu"; số khác thì hạn chế lượng bán 30.000 - 50.000 VND với mỗi lần.

Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 01/11, giá xăng RON95-III tăng 410 VND, lên 22.750 VND / lít. Giá xăng E5 RON 92 cũng tăng 380 VND, lên 21.870 VND / lít. Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của xăng từ giữa tháng 10 đến nay.

Các mặt hàng dầu cũng tăng giá, với dầu diesel tăng 290 VND / lít; dầu hoả 120 VND và dầu mazut 190 VND / kg. Sau điều chỉnh, diesel có mức giá mới là 25.070 VND; dầu hoả 23.780 VND và mazut 14.080 VND. So với hồi tháng 1 năm nay, mỗi lít xăng RON 95-III rẻ hơn khoảng 2.100 VND / lít, còn dầu diesel đắt hơn 6.800 VND / lít.

Dù giá đã được điều chỉnh tăng, nhưng vào chiều 02/11, nhiều cây xăng ở Hà Nội vẫn thông báo hết xăng, chẳng hạn như tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch 1 (Phố Trần Vĩ), cửa hàng xăng dầu số 2 Nam Thăng Long (Đường Phạm Văn Đồng). Tình trạng diễn ra chủ yếu tại các cây xăng tư nhân. Theo chia sẻ của nhân viên bán xăng, do người dân đổ xăng quá đông nên cây xăng bị cháy hàng. Trước tình trạng khan hiếm xăng dầu, các tiểu thương đã mang chai xăng ra bán trước vỉa hè với giá 30.000 VND / lít.

Tại các cây xăng khác, tình trạng chật vật đổ xăng cũng xuất hiện. Tại một cây xăng Petroimex trên đường Nguyễn Trãi (Quận Thanh Xuân), tuy không phải giờ cao điểm nhưng cây xăng lúc nào cũng chật kín người. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một cây xăng trên đường Lê Quang Đạo (Quận Nam Từ Liêm). Một người dân cho biết, thời gian gần đây, việc đổ xăng đi làm hết sức khó khăn. Thậm chí, có trường hợp nhân viên cửa hàng xăng chỉ đổ tối đa 50.000 VND, gây bức xúc khi người dân phải xếp hàng khá lâu mới tới lượt.

Đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xác nhận tình trạng treo biển hết hàng dừng bán tại một số cây xăng ở các quận Hà Đông, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàng Mai. Một thương nhân phân phối xác nhận, tình trạng thông báo hết hàng hoặc hạn chế bán diễn ra ở một số cây xăng của doanh nghiệp tư nhân ở các quận Hà Đông, Tây hồ, Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Gia Lâm…. Theo giải thích từ các doanh nghiệp, việc nhập hàng từ các đầu mối khó khăn, lượng bán nhỏ giọt từ ngày 28/10 nên các cửa hàng thiếu nguồn cung. Việc hết tiền nhập hàng cũng đang là vấn đề của nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong bối cảnh bị lỗ nặng kéo dài từ đầu năm. Theo đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn, nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, nguồn cung xăng dầu sẽ thiếu từ nay đến hết quý I năm sau.

Vào chiều muộn 02/11, Bộ trường Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã họp với các doanh nghiệp đầu mối, phân phối để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong cung ứng xăng dầu, song tình trạng khan hiếm trong ngày 03/11 cũng không có nhiều tiến triển. Trong ngày 03/11, nhiều cây xăng địa bàn Hà Nội (các cây xăng nhà nước như PV Oil, Petrolimex) đều ghi nhận tình trạng đông đúc, người dân phải xếp hàng chờ 20-30 phút mới đổ được xăng. Chiều ngày 03/11, nhiều cây xăng cũng đồng loạt treo biển hết xăng.

Việt Nam chỉ chủ động được 30% nguồn cung xăng dầu

Tại cuộc họp vào chiều muộn 02/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết ông đã giải trình trước Quốc hội cả lý do khách quan lẫn chủ quan liên quan tới hiện tượng khan hiếm xăng dầu. Theo ông Diên, tỷ giá vẫn tiếp tục biến động, nhu cầu xăng dầu của thị trường châu Âu ngày càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, xăng dầu trong nước vẫn phải lệ thuộc vào thị trường thế giới do nhập 20% xăng dầu thàng phẩm và nhập khoảng 50% dầu thô (xăng dầu nguyên liệu) cho quá trình hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn sản xuất 80% nguồn cung còn lại.

"Tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm", Bộ trường cho biết.

Bộ trưởng cũng thông tin, đến thời điểm này, trong số 36 doanh nghiệp đầu mối thì chỉ có 22 doanh nghiệp đạt và vượt kế hoạch phân giao, còn 14 doanh nghiệp (hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân) chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao.
Khó khăn trong nhập hàng

Nguyên nhân cho tình trạng khan hiếm xăng dầu hiện nay được hầu hết các thương nhân nêu ra là việc nhập hàng khó khăn. Ngay cả những đối tác lấy hàng thường xuyên và lâu năm cũng báo khan hàng.

Tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang ngày 01/11, đoàn xe bồn xếp hàng dài đợi đến lượt nhập hàng. Một nhân viên kho xăng dầu chia sẻ, lý do khan hàng là từ đầu nguồn, nếu tổng kho còn hàng sẽ cấp theo lịch cho các đơn vị.

Nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu cho biết, họ đang rất khó khăn về nguồn tiền để nhập hàng.

Thực tế, ngay cả ông lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng ước tính số lỗ 9 tháng đầu năm lên tới 780 tỷ VND, dù sản lượng bán lẻ tăng 26% so với cùng kỳ.

https://tienphong.vn/nguoi-ha-noi-khoc-thet-vi-cay-xang-dong-cua-uat-uc-mua-30000-donglit-o-via-he-post1483007.tpo

https://thanhnien.vn/hang-loat-cay-xang-o-ha-noi-treo-bien-het-hang-nguoi-dan-chat-vat-cho-doi-post1517491.html

https://danviet.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-thua-nhan-chi-chu-dong-duoc-30-nguon-cung-xang-dau-20221103073310816.htm

https://baomoi.com/nguoi-dan-ha-noi-xep-hang-nua-tieng-moi-mua-duoc-xang/c/44176742.epi

https://www.24h.com.vn/thi-truong-tieu-dung/khan-hiem-xang-dau-vi-doanh-nghiep-can-tien-c52a1411507.html








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét