Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

Nhóm Thứ Sáu

Như đã nhận xét trong bài vừa đăng, tôi ngạc nhiên thời trước và bây giờ, ai cũng thừa nhận lạm phát ở nước ta trong thập niên 1980-1990 rất cao, nhưng Nhóm Thứ Sáu do một số anh em trí thức ở Sài Gòn lập ra năm 1986 lại cho rằng "không có cơ sở nào nói rằng giá hiện nay cao mà phải có biện pháp kéo xuống", ngược lại chính "giá đã xuống đến mức làm tan rã nền kinh tế Việt Nam". Lục tìm trên mạng, tôi thấy bài dưới đây của ông Phan Chánh Dưỡng, người sáng lập và cũng là người lãnh đạo chủ chốt của nhóm. Ông Dưỡng kể lại, ông Huỳnh Bửu Sơn đã dùng phương pháp so sánh mặt bằng giá tại hai thời điểm khác nhau (1986 va 1973) để thấy mặt bằng giá năm 1986 chỉ bằng 1/2 đến 1/4 so với năm 1973. Cách làm của ông Sơn theo tôi rất khôi hài. Một là cơ sở nào để ông chọn năm 1973 và 1986 để so sánh ? Theo bài, ông chọn vì tại hai năm này, tỷ giá VNĐ/USD ngang nhau (Năm 1973 tỷ giá: 1USD # 493 VNĐ. Năm 1986 tỷ giá: 1USD # 455 VNĐ). Không ai chọn thời điểm so sánh dựa trên các tỷ giá bằng nhau. Khi so sánh, bao giờ cũng phải lấy thời điểm nền kinh tế phát triển ổn định nhất làm chuẩn để so sánh, nói theo kinh tế vĩ mô là lúc nền kinh tế cân bằng (cung bằng cầu trên hầu hết các cân đối vĩ mô và các thị trường chính). Năm 1973, hai miền Nam Bắc bị chia cắt, chiến tranh Bắc Nam vẫn đang diễn ra. Năm 1986, tỷ lệ tăng trưởng chỉ 2,8% trong khi tỷ lệ lạm phát tới 410%, thì chắc chắn không phải là lúc nền kinh tế cân bằng. Mặt khác, tỷ giá năm 1986 1USD = 455 VNĐ nhưng thực chất là bằng 4550 VNĐ hoặc cao hơn nhiều vì lúc đó một đơn vị tiền năm 1986 giá trị bằng 10 đơn vị tiền tệ năm 1985 sau đổi tiền, chứ chưa tính tới năm 1973, tức là đâu phải hai tỷ giá bằng nhau như Nhóm quan niệm. Hai là, ông Sơn dùng giá nào để so sánh ? Năm 1973 đất nước chưa thống nhất, hệ thống giá ở hai miền hoàn toàn khác nhau, làm gì có giá chung để so với giá năm 1986. Thêm nữa trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, trong nền kinh tế nước ta tồn tại song trùng hai nền kinh tế kế hoạch và thị trường, tương đối độc lập với nhau, theo hai cơ chế vận hành kinh tế và hai tỷ giá (nhà nước và chợ đen) hoàn toàn khác nhau. Vậy ông Sơn dùng tỷ giá nào ? Ba là giữa năm 1973 và 1986, có 3 cuộc đổi tiền, đổi tiền năm 1976 sau khi đất nước thống nhất, đổi tiền năm 1978 ở miền Nam để triệt tiêu tài sản của tư sản dân tộc và đổi tiền năm 1985 để "chấm dứt thời kỳ “khủng hoảng, rối như canh hẹ” (lời giáo sư Đặng Phong trong Nhật ký thời bao cấp), chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Mỗi lần đổi tiền như vậy, tiền tệ và giá cả được quy định lại theo kiểu hành chính rất lộn xộn và tùy tiện. Đặc biệt cuộc đổi tiền năm 1985 quy định "một đơn vị tiền mới giá trị bằng 10 đơn vị tiền tệ cũ", làm giá cả trở nên vô cùng hỗn loạn, mỗi người quy đổi giá hàng của mình theo một tỷ lệ khác nhau... Bốn là sau khi thu thập thông tin thấy "Xi măng: 1973 là 1.500 đồng/bao và 1986 là 1.600 đồng/bao. Phân Urê: 1973 là 79.160 đồng/tấn và 1986 là 70.000 đồng/tấn. Xăng: 1973 là: 125 đồng/lít và 1986 là 100 đồng/lít", ông Sơn và Nhóm kết luận "Giá nhóm 2 năm 1986 thấp hơn khoảng 2,5 lần giá năm 1973. Giá nhóm 3 năm 1986 thấp hơn khoảng 3 lần giá năm 1973. Giá nhóm 4 năm 1986 thấp hơn khoảng 4 lần giá năm 1973 và Giá nhóm 5 năm 1986 cao hơn khoảng 4 lần giá năm 1973", tức là "giá xuống quá thấp đã làm cho mọi ngành sản xuất đều lỗ, đều ăn vào vốn, cả nền kinh tế đang tan rã". Tôi thật không hiểu. Nếu xét "một đơn vị tiền mới giá trị bằng 10 đơn vị tiền tệ cũ", thì giá tất cả các nhóm hàng hóa trên đều tăng lên gấp 2,5-4 lần chứ đâu phải như Nhóm quan niệm. Năm là, phải khẳng định trước đổi mới VN là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và cơ bản tự cung tự cấp nên vai trò, ảnh hưởng của tỷ giá tới nền kinh tế rất thấp. Vì thế tỷ giá không thể là chuẩn để so sánh nền kinh tế tại hai thời điểm 1986 và 1973. Còn có một số nhận xét khác nhưng đã quá dài nên tôi dừng ở đây. Nhận xét cuối cùng là tôi không hiểu 30 cán bộ cấp Bộ, Thứ trưởng, Vụ trưởng của Ủy ban kế hoạch nhà nước lúc đó có ý kiến nhận xét gì về kết quả nghiên cứu này, trong khi Nhóm tự nhận xét là "Nhóm nghiên cứu Cholimex gây được tiếng vang tại Hà Nội". Cá nhân tôi sau này tôi mới nghe nói về Nhóm Thứ Sáu chứ thời đó hoàn toàn không biết tới nhóm này.
Nhóm Thứ Sáu
Phan Chánh Dưỡng - 15 Tháng Tư, 2010 - Sau khi chính sách giá lương tiền được thực hiện, nền kinh tế lâm vào cảnh xáo trộn, giá cả tăng từng ngày, trong khi đó tiền mặt khan hiếm, chính quyền các cấp kêu gào kéo giá xuống. Thành uỷ đề nghị Nhóm nghiên cứu chuyên đề nghiên cứu biện pháp làm cách nào để kéo giá xuống.

Nhóm Thứ Sáu: Vật vã với Giá – Lương - Tiền

Tôi còn nhớ rõ trong buổi họp, khi tôi nêu yêu cầu này của Thành uỷ với anh em thì anh Hồ Xích Tú đặt câu hỏi: "Ta lấy cơ sở nào nói rằng giá hiện nay cao mà phải có biện pháp kéo xuống!".

Thế là bắt đầu một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi. Thú thật, lúc bấy giờ tôi chỉ là một cậu học trò ngồi nghe 24 ông thầy tranh luận về nội dung kinh tế "tầm vĩ mô", trong khi các từ ngữ chuyên môn trong kinh tế thì tôi hoàn toàn chưa biết.

Thì ra chuyện mua bán khác với chuyện kinh tế và nhờ đó tôi được biết cái tôi chưa từng biết, cái tôi cần phải học. Và đối với tôi, đây là trường kinh tế học đặc biệt nhất, có thể nói là duy nhất. Cảm nhận này làm tôi nhớ đến câu chuyện của Kim Dung: nhân vật Quách Tỉnh học võ với Giang Nam Thất Quái, rồi sau đó học với khắp mọi cao thủ võ lâm, trong nhiều trường hợp khác nhau; anh ta rất khờ khạo nhưng được gặp nhiều danh sư nên đã thành đạt.

Việc đặt lại vấn đề thực trạng và bản chất giá cả hiện nay như thế nào là điều vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta là bác sĩ, không thể chỉ nghe bệnh nhân khai bị bệnh phổi vì thường bị ho là ta cho thuốc ngay được mà lúc nào cũng phải xét nghiệm lại. Tương tự như vậy, lúc bấy giờ giá cả tăng hàng ngày, Nhà nước cứ đổ lỗi cho người bán hàng tăng giá, nên phải dùng biện pháp hành chánh kéo giá xuống.

Anh Huỳnh Bửu Sơn đề nghị phải có một bản so sánh sự biến đổi giá của nền kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ, và anh đã đưa ra một phương pháp là so sánh từng nhóm hàng với tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ; đồng thời chọn thời điểm chuẩn để so sánh. Phương pháp là chia các nhóm hàng ra thành 5 nhóm và lấy giá thị trường làm căn cứ:

Nhóm 1: hàng nhập khẩu (phân urê, xi măng, xăng v.v...)
Nhóm 2: hàng công nghệ phẩm sản xuất tại Việt Nam với nguyên liệu nhập khẩu (sữa hộp, bột giặt...)
Nhóm 3: hàng nông sản lương thực thực phẩm (gạo, thịt, trứng...)
Nhóm 4: dịch vụ lao động phổ thông đơn giản (bốc xếp, xích lô...)
Nhóm 5: vàng.

Thời điểm chuẩn được so sánh là:
Năm 1973 tỷ giá: 1USD # 493 VNĐ.
Năm 1986 tỷ giá: 1USD # 455 VNĐ.

Khi chọn được hai điểm chuẩn ở hai thời điểm (1973 và 1986) có tỷ giá đô la Mỹ và đồng Việt Nam tương đương nhau thì ta thấy được giá thị trường của nhóm hàng thứ nhất (hàng nhập khẩu):

Xi măng: 1973 là 1.500 đồng/bao và 1986 là 1.600 đồng/bao.
Phân Urê: 1973 là 79.160 đồng/tấn và 1986 là 70.000 đồng/tấn.
Xăng: 1973 là: 125 đồng/lít và 1986 là 100 đồng/lít.
V.v...

Như vậy, giá chênh lệch nhau giữa hai thời điểm (1973 và 1986) là không đáng kể, có thể xem như tương đương. Ta đã có một mặt bằng giá cả của nền kinh tế Việt Nam một cách tổng quát, từ đó có thể so sánh giá của các nhóm hàng còn lại, xem loại nào đang tăng loại nào đang giảm.

Sau nhiều ngày tranh luận và cuối cùng anh em đưa ra được kết luận theo phương pháp cũng như số liệu thống kê của anh Huỳnh Bửu Sơn, thì tôi cũng ngộ ra rằng: Sự hỗn loạn của kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ giống như mọi vật đang trong trạng thái rơi tự do của vật lý, trong đó thu nhập của người lao động ăn lương là rơi nhanh nhất.

Nhưng trong vật lý, các vật rơi đều bị sức hút của trọng trường trái đất, nghĩa là đã có sẵn mặt phẳng quy chiếu để só sánh nên ta dễ nhận thấy. Còn trong kinh tế, mọi yếu tố đều biến động theo các hệ qui chiếu khác nhau, nghĩa là không gian n chiều, do đó ta phải xác định lại một mặt phẳng qui chiếu để so sánh. Và chính hai thời điểm (1973, 1986) và đường thẳng tỷ giá USC/VNĐ # (493 - 455) đã xác định được một mặt phẳng qui chiếu để so sánh.

Nếu giá mặt hàng nào nằm trên mặt phẳng thì giá đó đã lên, thoát ly nền kinh tế, nếu mặt hàng nào giá nằm dưới mặt phẳng nền thì nó đang sụt giảm, đây là cách suy luận theo kiến thức vật lý của tôi.

Kết quả sau khi so sánh:

Giá 2 thời điểm 1973 và 1986 với tỷ giá USD/VNĐ (493 đồng/USD, 455 đồng/USD):Giá nhóm 1 năm 1986 tương đương năm 1973
Giá nhóm 2 năm 1986 thấp hơn khoảng 2,5 lần giá năm 1973
Giá nhóm 3 năm 1986 thấp hơn khoảng 3 lần giá năm 1973
Giá nhóm 4 năm 1986 thấp hơn khoảng 4 lần giá năm 1973
Giá nhóm 5 năm 1986 cao hơn khoảng 4 lần giá năm 1973

(Vàng 1986 là 190.000 đồng/lượng và 1973 chỉ còn 50.204 đồng/lượng)

Từ bảng so sánh này ta thấy giá cả năm 1986 đã tụt xuống quá thấp so với mặt phẳng nền, trừ nhóm 5 và vàng thì ngược lại. Nếu ta lấy giá dịch vụ lao động tự do mà xét, thì nếu năm 1973 một lượng vàng nuôi sống gia đình được 1 tháng thì năm 1986 nó nuôi sống một gia đình được 16 tháng (thời đó ai có vàng thì đỡ khổ là vậy).

Cuộc tranh luận về kéo giá xuống hay phải đẩy giá lên đã rõ. Nhà nước đã đứng vào vị trí của người tiêu dùng và trên nền tảng tư duy bao cấp tiền lương, nên thấy mọi giá cả đều lên, nhưng nếu đứng ở góc độ sản xuất nghĩa là cái gốc của nền kinh tế lúc bấy giờ thì giá đã làm cho mọi ngành sản xuất đều lỗ, đều ăn vào vốn, cả nền kinh tế đang tan rã.

Thế là công trình nghiên cứu đầu tiên của Nhóm là "Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế" được biên soạn, đến tháng 3 năm 1987 là in ấn xong. Đây là một kiến nghị với Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương mà nội dung hoàn toàn không đồng tình với việc dùng biện pháp hành chính kéo giá xuống, trong khi giá đã xuống đến mức làm tan rã nền kinh tế Việt Nam.

Từ công trình này, Nhóm nghiên cứu Cholimex gây được tiếng vang tại Hà Nội qua cuộc thuyết trình của ba anh em Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn trước 30 cán bộ cấp Bộ, Thứ trưởng, Vụ trưởng do ông Võ Văn Kiệt tổ chức cho anh em trình bày nội dung đề án. Tiếp theo đó là các công trình nghiên cứu khác ra đời với đề tài:

Đổi mới hệ thống ngân hàng.
Xây dựng chánh sách phát triển ngoại thương cho Việt Nam.
Qui hoạch vùng để phát triển kinh tế.

Đối với tôi, sau khi cùng tham gia vào 4 đề tài nghiên cứu trên, có thể nói là như đã học xong 4 năm đại học kinh tế. Và từ đó tôi đọc say mê sách về kinh tế như đọc tiểu thuyết chưởng của Kim Dung. Các hiện tượng kinh tế tôi biết đến đều được suy luận theo phương pháp tư duy vật lý, từ đó bắt đầu có thể tham gia bàn luận với anh em trong các lãnh vực kinh tế.

Gắn cuộc đời với thời vận đất nước

Sự hình thành Nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề đối với anh em trong Nhóm có thể là một câu lạc bộ xả hơi vui vẻ, nhưng đối với chúng tôi thì hết sức có ý nghĩa. Nó không những cung cấp cho tôi những kiến thức cũng như lý luận về kinh tế vĩ mô, đồng thời đã giúp tôi tự tin để tham gia xây dựng các chương trình phát triển kinh tế cụ thể như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước sau này.

Sau Nghị quyết VI- nghị quyết về Đổi Mới - nền kinh tế chuyển động từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, trong đó cải cách giá là vấn đề then chốt, kế đến là việc giải toả tình trạng ngăn sông cấm chợ lâu nay làm cản trở sự lưu thông hàng hoá tự do trên thị trường; đồng thời phải để quy luật cung cầu được vận hành đưa hàng hoá từ nơi thừa đến nơi thiếu. Nhà nước cũng kịp thời đề ra chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Kinh tế bắt đầu khởi sắc.

Và anh em chuyên viên trong Nhóm đã tích cực hơn nữa, từ việc nghiên cứu các chuyên đề kinh tế, tiến lên phát biểu ý kiến của mình qua các báo cáo, góp phần cho việc xoá cơ chế bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường. Và tôi cũng một lần nữa với sự khuyến khích của anh em tham gia vào việc phát biểu trên báo những vấn đề mà mình quan tâm.

Nói đến viết báo, viết những đề tài về kinh tế xã hội, ít ai biết rằng các bài viết của tôi luôn phải nhờ anh Phan Thành Chánh, các anh chuyên viên trong công ty đọc qua để sửa cho tôi các lỗi chính tả, hay có thể sửa một đoạn văn tối nghĩa. Quả thật hình như trong suốt 20 năm qua, khi từ ngành giáo dục chuyển qua ngành kinh tế, từ quản lý một công ty, xí nghiệp cho đến tiến hành xây dựng những chương trình phát triển kinh tế cấp quốc gia từ Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, tôi luôn luôn được Nhóm chuyên viên ủng hộ, trong đó có người cộng tác liên tục gần 20 năm như anh Chánh, và trên 10 năm như anh Tước, anh Khanh, anh Sáng, anh Minh. Nhóm chuyên viên đã đóng góp vô cùng to lớn cho tất cả chương trình kinh tế tôi đảm nhận. Nếu không có các anh, chắc là các chương trình kinh tế đó không thể có được và sự nghiệp và cuộc đời tôi sẽ vô cùng khác so với hôm nay.

Nói đến mối quan hệ giữa người với người, tôi không chỉ có những người bạn có kiến thức nhiều hơn tôi như Nhóm chuyên viên nghiên cứu chuyên đề Thứ Sáu, mà còn có các nhóm bạn có kiến thức ít hơn tôi nhiều lần, những đứa bạn học từ tiểu học, những người bạn hàng xóm trước kia ở quê.

Điều lạ lùng là dù rằng gặp lại nhau, tôi nói - các anh bạn nghe là chủ yếu, nhưng khi các anh kể các câu chuyện về cuộc sống quanh họ thì nơi đó cũng có những bài học rất đáng quí cho tôi. Do đó chúng tôi luôn giữ mối quan hệ gắn bó nhau cả mấy chục năm qua, những kiến thức, thông tin của họ cho tôi lúc nào cũng thật cụ thể, nói lên trạng thái thật của xã hội.

https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nhom_thu_sau-e.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét