Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

Xã hội cần làm việc offline chứ không phải online

Xã hội cần làm việc offline chứ không phải online
Betsy McCaughey - Hoan nghênh ông Musk và Thị trưởng New York Eric Adams, những người đang yêu cầu người lao động của thành phố quay trở lại văn phòng làm việc. Cần thêm nhiều nhà lãnh đạo thực hiện việc đó. Điều này là rất quan trọng đối với những người trẻ tuổi có tham vọng thành công, đối với các công ty muốn phát triển, đối với các thành phố và quốc gia với nền tảng đạo đức làm việc đã xây dựng nên sự thịnh vượng không gì sánh được.

1) Người Mỹ cần trở lại văn phòng làm việc
Nền tảng đạo đức làm việc là thứ đã mang lại cho nước Mỹ sự thịnh vượng không gì sánh được. Tuy nhiên, nền tảng này đang hứng chịu những cuộc tấn công chính trị từ những người ủng hộ các phương thức làm việc mới. Làm việc tại nhà có những lợi ích nhất định và phù hợp với một số công việc. Nhưng với đa số công việc, xu hướng này đem lại những tác hại về mặt kinh tế, đặc biệt khi nước Mỹ đang vội vã áp dụng biện pháp này một cách lâu dài.

Elon Musk đã yêu cầu nhân viên Tesla quay lại văn phòng làm việc toàn thời gian vào tuần trước. Tesla sẽ "tạo ra và thực sự sản xuất những sản phẩm thú vị và có ý nghĩa nhất so với bất kỳ công ty nào trên trái đất”, ông Musk nói. "Điều này sẽ không xảy ra nếu không có sự nỗ lực". (Ông Musk dùng cách nói 'phone it in' để chỉ sự không nỗ lực. Cách diễn đạt này có nghĩa đen chỉ sự tham gia vào công việc bằng cách gọi điện chứ không gặp trực tiếp)

Cảm ơn ông Musk vì đã bác bỏ câu chuyện cổ tích rằng nhân viên làm việc tại nhà cũng hiệu quả như tại công sở. Điều này đúng với một số công việc nhưng không chính xác với hầu hết mọi công việc. Nước Mỹ đang hấp tấp áp dụng làm việc từ xa và làm việc kết hợp (kết hợp nhiều loại hình làm việc) một cách lâu dài mà không lường trước được tác hại đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

2) Tác hại của làm việc từ xa đối với nền kinh tế

Lợi thế của việc làm từ xa là rõ ràng: không mất công đi lại, đặc biệt là với giá xăng ngoài tầm kiểm soát, và sự tự do hơn trong lối sống. Nhưng nó cũng có nguy cơ làm suy giảm sản lượng kinh tế, hạ thấp mức sống của Mỹ, hủy diệt các thành phố của chúng ta và tước đi khả năng được đào tạo tại chỗ của những người trẻ tuổi.

Thật là hoang đường khi nghĩ rằng nhân viên - đặc biệt là những nhân viên mới vào nghề - có thể học được những kỹ năng mới khi ngồi trong bộ đồ ngủ và làm việc với máy tính tại nhà thay vì tương tác với những nhân viên dày dặn kinh nghiệm hơn trong công việc.

Làm việc từ xa không có lợi cho những người phấn đấu muốn thăng tiến và cần thể hiện mình. Theo các nhà kinh tế học Harvard Edward Glaeser và David Cutler, khả năng thăng tiến của nhân viên bị giảm một nửa khi làm việc từ xa.

Xu hướng này cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các thành phố. Một con số đáng báo động là 78% các công ty ở Thành phố New York dự kiến ​​sẽ áp dụng làm việc kết hợp (một số ngày làm việc ở văn phòng và một số ngày ở nhà) lâu dài sau đại dịch, theo tổ chức Partnership for New York City. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên bắt chước Giám đốc điều hành của Tesla và chống lại xu hướng đó.

Giá trị bất động sản thương mại ở New York đã giảm mạnh vào năm 2022. Hậu quả là, thành phố thu được ít thuế hơn, lượng tiền được dùng để chi trả cho các dịch vụ của thành phố như cảnh sát và lính cứu hỏa.

Các thành phố không thể phục hồi từ đại dịch cho đến khi nhân viên văn phòng quay trở lại, tiêu tiền vào các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, quầy đánh giày và quán bar sau giờ làm việc. Các nhân viên văn phòng ở New York từng chi trung bình 15.000 USD một năm tại các cơ sở kinh doanh gần nơi họ làm việc. Bây giờ các doanh nghiệp đó đang đóng cửa.

Những nhân viên đòi hỏi sự tự do lựa chọn địa điểm làm việc thường có vẻ ích kỷ và thiếu hiểu biết. Hơn 1.000 nhân viên của Apple đã ký vào một bức thư ngỏ tuyên bố rằng “làm việc tại văn phòng là công nghệ của thế kỷ trước”, và “đi đến văn phòng làm việc mà không dựa trên nhu cầu thực sự cần có mặt, là một sự lãng phí thời gian rất lớn”.

Làm việc cùng nhau trong một văn phòng sẽ thúc đẩy sự đổi mới, theo Glaeser và Cutler. Theo một nghiên cứu về các nhân viên của Microsoft, làm việc từ xa làm suy giảm khả năng cộng tác và chia sẻ thông tin.

Bất chấp các tác động tiêu cực đến năng suất làm việc, nhiều nhà tuyển dụng vẫn đang chấp nhận xu hướng này. Dù sao thì nhu cầu lao động của các công ty vốn đang rất cao. Một con số đáng kinh ngạc là 54% nhân viên làm việc tại nhà nói rằng họ sẽ tìm kiếm một công việc khác nếu bị buộc phải đến văn phòng, theo Gallup. Nhưng tình hình sẽ thay đổi khi nền kinh tế phát triển chậm lại.

3) Làm việc từ xa là biểu hiện của cuộc tấn công chính trị vào nền tảng đạo đức làm việc

Nhưng về lâu dài, việc thúc đẩy làm việc từ xa là biểu hiện của cuộc tấn công chính trị vào nền tảng đạo đức làm việc cao của Mỹ.

Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ California Mark Takano đã đưa ra một dự luật, được ủng hộ bởi nhóm Congressional Progressive Caucus (một nhóm cấp tiến gồm các thành viên Quốc hội), nhằm giảm tuần làm việc xuống còn 32 giờ. Ông nói, người Mỹ không nên bị bắt buộc phải trở lại “trạng thái bình thường cũ” sau đại dịch.

Ông Joe O’Connor, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Four Day Work Week Global (4 ngày làm việc Toàn cầu) lập luận “không có mối tương quan nào giữa làm việc nhiều giờ hơn và năng suất tốt hơn”. Thật nực cười.

Người châu Âu làm việc ít giờ hơn người Mỹ. Không có gì ngạc nhiên, GDP bình quân đầu người của họ cũng thấp hơn. Họ sản xuất ít hàng hóa và dịch vụ hơn và phải chấp nhận một mức sống vật chất thấp hơn mức mà người Mỹ được hưởng. Họ có những ngôi nhà nhỏ hơn và dùng ít thiết bị hơn.

Những người quá khích công kích mạnh mẽ văn hóa làm việc của Mỹ và kêu gọi chấm dứt việc tới văn phòng làm việc và tuần làm việc 40 giờ không cho bạn biết rằng những thay đổi này có thể sẽ khiến bạn phải hạ thấp mức sống của mình. Các xã hội sản xuất ít hơn sẽ hưởng thụ ít hơn.

Tác giả - Tiến sĩ Betsy McCaughey - là nhà bình luận chính trị, chuyên gia về chính sách và sức khỏe, cây viết, và tác giả của một số cuốn sách như cuốn “Luật Y tế Obama: Nó nói gì và cách để đảo ngược nó” (The Obama Health Law: What It Says and How to Overturn It) và cuốn “Đại dịch tiếp theo” (The Next Pandemic). Bà từng là Phó Thống đốc bang New York.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét