Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Doanh nghiệp chật vật sau cổ phần hóa

Doanh nghiệp chật vật sau cổ phần hóa
SGGP 21/6/2022 Cổ phần hóa doanh nghiệp (CPH DN) nhà nước sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh minh bạch, giúp huy động tối đa nguồn lực của khối kinh tế tư nhân vào phát triển nền kinh tế. Thế nhưng, có những DN đang ăn nên làm ra, khi chuyển sang CPH, nhiều năm vẫn chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi, sống “thoi thóp” trong nợ nần, dự án bỏ hoang, tài sản nhà nước thất thoát!
Dự án Bình Đăng của Công ty SG5 dừng thi công nhiều năm vì vướng thủ tục chuyển thể doanh nghiệp

Đụng tới đất là… bất động!

Thừa nhận không ít trường hợp nhà đầu tư mua cổ phần DN nhà nước là hướng đến đất đai, tuy nhiên, ngay cả trường hợp DN giữ hơn 99% cổ phần nhà nước vẫn bị nghẽn vì thủ tục đất đai. DN được giao đất, nộp tiền để chuyển đổi cũng không được.

Điển hình là Công ty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex), được chuyển thể từ DN 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần từ ngày 15-7-2016, nhưng đến nay, công tác quyết toán chuyển thể từ DN nhà nước sang công ty cổ phần vẫn chưa hoàn thành. Vướng mắc là việc xác định phần vốn nhà nước tại DN. Cụ thể, việc phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại các thửa đất công ty đã nhận chuyển nhượng, đền bù cho các dự án trong giai đoạn trước (từ 2014 trở về trước); chứng thư thẩm định giá của tư vấn về các chi phí đền bù, san nền, chi phí vốn hóa lãi vay giai đoạn đầu tư ban đầu Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (công ty con của DN) chưa được thông qua, đến nay vẫn chưa phê duyệt chi phí CPH.

Vướng mắc trên đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi, chưa thẩm định giá trị tài sản thì không được chuyển đổi sang công ty “cổ phần”, mặc dù công ty đã hoạt động theo mô hình cổ phần từ 6 năm qua. Từ đó kéo theo những lô đất trước đây được ký với tên công ty một thành viên, nay không được chuyển tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không được ký hợp đồng thuê đất với công ty “cổ phần”.

Trong khi, tại Quyết định số 5835/QĐ-UBND ngày 28-11-2014, UBND TPHCM giao cho Công ty Cholimex 2 khu đất để thực hiện CPH là: Khu đất tại số 629B-631-633 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5 (nguồn gốc là thuê trả tiền thuê đất hàng năm) và khu đất tại số 1368 Võ Văn Kiệt, phường 13, quận 5 (nguồn gốc là mua chỉ định theo giá thị trường và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 399423 ngày 19-9-2011 với thời gian sử dụng đất là 50 năm). Đến giờ các cơ quan chức năng vẫn chưa hoàn tất quyết toán chuyển thể nên Cholimex chưa được ký kết lại hợp đồng thuê khu đất tại khu đất 629B-631-633 Nguyễn Trãi. Thế là dự án Cao ốc Cholimex tại số 629B-631-633 Nguyễn Trãi dù đã được chuẩn bị từ chục năm trước, đến nay không thể triển khai thực hiện. Nhiều năm qua, công trình xuống cấp, đất đai nhà nước không được sử dụng hiệu quả, DN rơi vào khó khăn…

Tháo gỡ điểm nghẽn

Theo quy định, sau 30 ngày CPH, các thủ tục chuyển thể (đổi từ tên DN nhà nước thành công ty cổ phần) phải hoàn tất. Thế nhưng, nhiều DN đã CPH 6 năm vẫn chưa được cơ quan chức năng cập nhật biến động tên đơn vị sử dụng đất nên mọi hoạt động của DN bị bất động, rơi vào tình cảnh nợ nần.

Tương tự như Cholimex, nhưng Công ty CP Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 (Công ty SG5) còn nặng nề hơn: ngành nghề kinh doanh là bất động sản, đã đầu tư trên đất, nhưng không chuyển đổi tên nên không kinh doanh được. Công ty SG5 đã chính thức CPH từ năm 2016, nhưng đến nay chưa hoàn thành thủ tục chuyển thể do vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất, xác định giá trị DN. Trong khi đó, các hoạt động này đã được đơn vị tư vấn CPH và công ty tư vấn thẩm định giá đất độc lập thực hiện trong quy trình xác định giá trị DN CPH. Tuy nhiên, liên quan đến đất thì chứng thư thẩm định giá đất phải được Sở TN-MT thẩm định lại rồi mới trình cho UBND TPHCM ra quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất. Nhưng hồ sơ bị ách tại Sở TN-MT.

Để đẩy nhanh tiến độ CPH đảm bảo theo đúng lộ trình thời gian quy định, lãnh đạo thành phố đã đề nghị tạm phê duyệt theo chứng thư của công ty thẩm định giá, sau đó đưa ra đấu giá IPO công khai rồi lấy giá đấu giá là giá chính thức do thị trường quyết định; giao Sở TN-MT thẩm định trình UBND TPHCM phê duyệt trước khi công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần (điều 4 Quyết định 5823/QĐ-UBND ngày 9/11/2015 V/v xác định giá trị DN thực hiện CPH Công ty Sài Gòn 5). Một lãnh đạo Công ty SG5 bức xúc: “Việc định giá thế nào cũng không thể thất thoát vốn nhà nước được, bởi vì nhà nước vẫn sở hữu đến 99,78% vốn của công ty. Có nghĩa là vốn điều lệ công ty 364 tỷ đồng thì các cổ đông ngoài nhà nước, trong đó đại đa số là người lao động chỉ chiếm 0,22%, nhưng việc chậm trễ 6 năm như thế đã khiến DN khủng hoảng trầm trọng, vốn nhà nước bị lãng phí, thiệt hại vô cùng lớn khi công trình đóng băng, phơi mưa phơi nắng, hư hỏng xuống cấp, phải trả lãi ngân hàng suốt 3 năm, chi phí xây dựng tăng cao...”. Được biết, hiện Công ty SG5 rơi vào cảnh nợ nần gần trăm tỷ đồng, mỗi tháng trả lãi 1 tỷ đồng trong nhiều năm qua. Đến tháng 7-2022 phải trả nợ gốc, nhưng công ty đã rơi vào kiệt quệ, mất thanh khoản, người lao động, cán bộ đảng viên buộc phải nghỉ việc!

Nguyên nhân, Công ty SG5 đã đầu tư 250 tỷ đồng vào dự án xây dựng căn hộ Bình Đăng (quận 8). Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án được cấp cho công ty TNHH MTV trước đó, sau 2016 đã chuyển thành công ty cổ phần, nhưng khu đất không được Sở TN-MT cập nhật biến động tên thành công ty “cổ phần”, vì vậy không được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng giai đoạn 2 (phần thân). Đeo đuổi mãi thủ tục không xong, đến năm 2019 dự án phải dừng toàn bộ. Để tháo gỡ, tháng 5-2021, Chủ tịch UBND TPHCM tổ chức cuộc họp và kết luận “Giao Sở TN-MT khẩn trương giải quyết cập nhật biến động tên đơn vị sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Thời gian thực hiện trong tháng 5-2021”.

Thế nhưng, đến giờ đã hơn 1 năm, Sở TN-MT vẫn không thực hiện. Do vậy, Công ty SG5 tiếp tục gởi đơn kêu cứu khắp nơi và lãnh đạo thành phố lại họp, giao các sở ngành xem xét, tháo gỡ cho DN.

Từ DN có doanh thu hơn 1.700 tỷ đồng (5 năm trước CPH), đến sau CPH thì doanh thu 5 năm chỉ còn hơn 200 tỷ đồng (bằng 12%), Công ty SG5 rơi vào thảm cảnh lỗ lã, tiền lương, thu nhập người lao động không đảm bảo. Như vậy, từ chủ trương đúng đắn, CPH là giúp DN phát triển, nhưng do cơ quan chức năng chậm thực hiện thủ tục, đã dẫn đến nguy cơ DN đứng trên bờ vực phá sản, đất đai nhà nước đứng đọng, không được sử dụng hiệu quả.

Theo thống kê của Ban Quản lý đổi mới doanh nghiệp TPHCM, có 32 DN đã CPH giai đoạn 2013-2016 nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán chuyển thể được DN nào. Giai đoạn 2016-2020 có 48 DN phải CPH, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hoạt động CPH DN nhà nước những năm gần đây gần như giậm chân tại chỗ.

HÀN NI
https://www.sggp.org.vn/doanh-nghiep-chat-vat-sau-co-phan-hoa-822071.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét