Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những lần “đau xót khi kỷ luật đồng chí”
23 tháng 6 2022 Trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 23/6, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nói rằng ông "thấy đau xót" nhưng phải cắt những "cành cây sâu mọt". Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng ngày 23/6, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhắc đến việc kỷ luật Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long. Cả hai ông đều từng là uỷ viên trung ương trước khi bị khai trừ Đảng đầu tháng Sáu vì liên quan đại án Việt Á."Hai đồng chí này đều là uỷ viên trung ương đảng, vừa qua đều đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và cách chức một số chức khác. Sau khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra, kỷ luật Đảng làm trước, kỷ luật hành chính tiếp theo, rồi mới đến kỷ luật hình sự", VOV trích lời ông Nguyễn Phú Trọng.
Theo người đứng đầu Đảng Cộng sản, quy trình kỷ luật này đã "gần như thành lý luận về phòng, chống tham nhũng, thành bài học để giai đoạn sắp tới tiếp tục làm thế nào cho tốt".
Ngoài ra, với công cuộc "đốt lò" tiếp tục lan rộng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang thành tập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh.
Cho đến nay, mới chỉ có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực Trung ương cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Ông Trọng nói 'đau xót' nhưng vẫn 'phải cắt cành sâu mọt'
Ông Trọng nói việc kỷ luật nhằm mục đích khiến các đương sự nhận ra sai sót, khuyết điểm đồng thời làm bài học răn đe, cảnh tỉnh người khác đừng đi vào vết xe đổ.
"Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một cành cây sâu mọt để cứu cả cây", ông Trọng nói trước cử tri.
Tuy nhiên, một số người chỉ trích tự hỏi có bao nhiêu "cành cây sâu mọt" khi chỉ riêng vụ Việt Á đã liên quan tới hàng chục quan chức ngành y tế từ Trung ương đến địa phương, trải dài từ bắc vào nam.
Bê bối Việt Á xảy ra trong giai đoạn 2020-2021, tức là trong thời gian chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng diễn ra rầm rộ.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam dùng hai từ "đau xót" để nói về việc kỷ luật đồng chí của mình.
Tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương tháng 12/2020, ông Nguyễn Phú Trọng lúc ấy vừa là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản vừa là Chủ tịch nước nói: "Không thích thú gì khi phải kỷ luật của mình mà rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người."
Trước đó, ngày 12/10/2019, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khi nói về việc thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu:
"Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta."
Hay như việc tiến hành xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng hồi năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó nói tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 23/6 rằng: "Tôi nói nhiều lần là chẳng thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật thôi và vi phạm pháp luật thì phải xử lý."
Tuy nhiên, nhiều người từ lâu cho rằng việc cắt vài "một cành cây sâu mọt" không cứu được cả cây vì tham nhũng có thể đã ăn sâu vào hệ thống chính quyền.
Trả lời BBC từ năm 2019, ông Nguyễn Quang A, sống ở Hà Nội, nói:
"Bản thân bộ máy này đẻ ra tham nhũng, hay nói là cái lò này là lò đẻ ra tham nhũng thì phải vứt cái lò đẻ ra tham nhũng này đi, chứ không phải là đốt những kẻ tham nhũng, bởi vì không bao giờ đốt hết được cả, hết tên này thì nó sẽ sinh ra tên khác."
Đại án Việt Á diễn ra từ năm 2020-2021 cho thấy những cảnh báo từ chiến dịch "đốt lò" của ông Trọng không thể ngăn một số quan chức Việt Nam "nhúng chàm".
Hôm 21/6, trong một buổi gặp cử tri ở thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, cử tri Lê Đắc Bình nói:
"Lò thì rất nóng rồi mà không đốt được hết, các vụ việc vẫn cứ phát sinh. Nhận xét cuối năm đồng chí nào cũng hoàn thành xuất sắc mà cháy nhà mới ra mặt chuột. Đề nghị các đại biểu Quốc hội kiến nghị, khi xem xét công tác cán bộ Trung ương là phải xem xét từ bé đến lớn chứ không dĩ hòa vi quý."
Một vài quan chức cấp cao bị khai trừ khỏi Đảng trước khi bị đưa ra tòa xét xử gồm: ông Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Tất Thành Cang, Trương Minh Tuấn
Kỷ luật quan chức
Một trong những quan chức mới nhất bị đề nghị kỷ luật là ông Nguyễn Thành Phong, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM nhiệm kỳ 2016-2021.
Hôm 22/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về sai phạm của Ban cán sự Đảng UBND TP HCM và những quan chức liên quan.
Theo họ, Ban cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND Thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản nhà nước; xảy ra nhiều vụ án, vụ việc trên địa bàn Thành phố; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật; nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của UBND Thành phố và các sở, ngành,… bị xử lý hình sự.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản, ngân sách của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Dưới thời ông Nguyễn Thành Phong làm chủ tịch TP HCM, hàng loạt quan chức và cựu quan chức bị truy tố hình sự như ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó chủ tịch UBND TP), ông Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng), hàng loạt lãnh đạo của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Trước đó, hai cựu ủy viên trung ương đảng Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) và Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội) bị khởi tố bị can và bắt tạm giam vì vi phạm quy định của Đảng và gây thất thoát tài sản nhà nước trong vụ Việt Á.
Nguyên Thứ trưởng Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc cũng bị khởi tố và bắt tạm giam cùng tội danh.
Hàng loạt giám đốc CDC nhiều tỉnh, thành phố từ bắc vào nam cũng vướng lao lý do thông đồng với Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 để hưởng hoa hồng.
Trong vụ án ở Cục lãnh sự liên quan đến việc công dân Việt Nam ở nước ngoài phải mua "vé giải cứu giá cao", thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và nhiều đồng phạm đang bị tạm giam để điều tra.
Đầu năm 2018, trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Phú Trọng nói: "'Lò' nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm 'đốt lò' để đẩy lùi tham nhũng."
Các vụ điều tra, kỷ luật diễn ra từ cuối năm 2021 tới giữa năm nay cho thấy "lò chống tham nhũng" của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang đỏ lửa.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61909756
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét