Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

GS Nguyễn Mạnh Tường- 'Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam'

Nguyễn Mạnh Tường là một luật sư, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Năm 23 tuổi (1932) ông đỗ liên tiếp hai bằng Tiến sĩ tại Pháp. Theo tôi, GS Tường là một trong những thiên tài hiếm có trong lịch sử VN, nhưng đồng thời ông cũng bị chế độ đọa đầy cực khổ không thể tưởng tượng nổi. Các bạn nên xem cuốn Un Excommunié (Một người bị rút phép thông công) của ông viết về những điều trải nghiệm đen tối trong những năm ông đã sống và viết kể từ sau 1945. Vào những năm 1953-1956, miền Bắc Việt Nam tiến hành Cải cách ruộng đất. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường kể: "Ở Hội nghị của Mặt trận Tổ Quốc, họp ở Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi ông Trường Chinh, thay mặt Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), tự phê bình về các sai lầm đã phạm trong Cải cách ruộng đất, tôi đọc bản tham luận Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo. Từ góc độ một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, tôi nói đến một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự. Đi Hội nghị về, Nguyễn Hữu Đang đến phỏng vấn, rồi viết bài đăng lên báo Nhân văn (của Phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm). Tôi như thành một người "phạm pháp quả tang", bị sa thải khỏi Đại học và không được hành nghề Luật sư nữa. Từ 1957 là thời kỳ đen tối của cuộc đời tôi"... Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ông được chuyển sang làm chuyên viên nghiên cứu văn học nước ngoài tại Viện nghiên cứu phương pháp và chương trình giáo dục thuộc Bộ Giáo dục, và là cộng tác viên của nhà xuất bản Giáo dục.
GS-TS-Luật sư Nguyễn Mạnh Tường- 'Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam'
27/06/2022 (PLO)- Cuốn sách 'Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam' cung cấp tư liệu về GS-TS-Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, người Việt Nam đã dành được hai bằng Tiến sĩ quốc gia của Chính phủ Pháp.
Bìa cuốn sách. Ảnh: VT
Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam là tựa đề cuốn sách của tác giả Kiều Mai Sơn. Theo tác giả, Nguyễn Mạnh Tường là cái tên được nhắc đến là niềm tự hòa của nền giáo dục Việt - Pháp những năm ba mươi của thế kỷ XX.

Ông là người Việt Nam đã dành được hai bằng Tiến sĩ quốc gia của Chính phủ Pháp về Văn chương và Luật khoa khi mới 22 tuổi. Đây là một kỷ lục ‘vô tiền khoáng hậu”. Vì chưa từng có một sinh viên người Pháp nào thành danh sớm như vậy.

Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Paris VII thời điểm năm 1989 đã khẳng định: Đã 60 năm qua, trên đất nước Pháp này, chưa có một sinh viên Pháp, một sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục của Giáo sư Việt Nam kính mến: hai bằng Tiến sĩ nhà nước ở tuổi 22.


Cho đến nay, hơn tám mươi năm đã trôi qua, kỷ lục mà ông Nguyễn Mạnh Tường xác lập vẫn được giữ nguyên, chưa có người thứ hai chạm vạch.

“Đó là một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam! Nguyễn Mạnh Tường còn là nhà trí thức đã để lại nhiều huyền thoại. Chính vì những huyền thoại này mà phần nào chúng ta chỉ nghe nói chứ chưa có điều kiện để biết nhiều về sự đăng quang của Nguyễn Mạnh Tường”- tác giả Kiều Mai Sơn bày tỏ.

Sách gồm gần 200 trang, do NXB Hà Nội ấn hành, tập hợp các bài viết do tác giả Kiều Mai Sơn tuyển chọn. Với 2 phần, Một trang thiếu niên lỗi lạc và Luật sư huyền thoại.

Đọc Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam, bạn đọc không chỉ có cái nhìn chi tiết về một người Việt tài năng, mà còn được tiếp cận với những câu chuyện đầy huyền thoại.


Vợ chồng cố Luật sư Nguyễn Mạnh Tường và các học trò. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Đặc biệt, trong vai trò là luật sư, ông để lại dấu ấn của mình qua: Làng Sêu - cứu một phụ nữ thoát án tử hình; Vụ án quân nhân liên khu IV giết người…

Ông cũng có những câu nói, phát ngôn ấn tượng về cuộc sống, Tổ quốc và dân tộc như: “Nhân dân đã trả lại cho tôi một Tổ quốc, lại cứu sống tôi, tôi nhất định sống và chết với nhân dân trên bờ cõi của đất nước”.

GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường mất tại nhà riêng ngày 13-6-1997, hưởng thọ 89 tuổi.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường từng là người bào chữa cho cố vấn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại) bị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tố năm 1950. Năm 1952, ông vinh dự là thành viên Đoàn đại biểu của Chính phủ kháng chiến dự Hội nghị Bảo vệ Hòa bình ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại hội Hòa bình Thế giới ở Vienna (Áo).

Ông là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Luật gia dân chủ thế giới ở Bruxelles (Bỉ) năm 1956...

https://plo.vn/gs-ts-luat-su-nguyen-manh-tuong-niem-tu-hao-cua-tri-tue-viet-nam-post686384.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét