Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Du lịch trong nước đắt hơn du lịch nước ngoài

Du lịch nội địa bây giờ đúng là đắt đỏ. Lo ngại dịch Covid có thể tái phát mạnh ở trong nước và các nước láng giềng nên hè năm nay nhà tôi dự kiến không đi nước ngoài mà sẽ đi du lịch xuyên Việt trong nước khoảng 3 tuần bằng ô tô. Đã ấn định như thế nên tôi chủ quan không tìm hiểu tình hình. Bây giờ sát ngày khởi hành, tính toán lại mới thấy chi phí cho chuyến đi ở thời điểm này quá lớn và bất hợp lý, nhất là tiền xăng tăng vọt do giá tăng cao bất thường. 100 km mất khoảng 9-10 lít, 33 nghìn đ/lít, bằng 330 nghìn; đi khoảng 4000 km mất 13 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chi phí khác cũng đều tăng... Ngoài ra, trời quá nóng nực, sức khỏe cả nhà đều kém, sợ rằng dọc đường ốm mệt phải quay về thì phí công đi. Trong khi đó báo đưa tin các bãi biển và khu du lịch đông nghịt người... cũng đáng lo ngại. Chán quá, đành dời chuyến đi sang dịp Tết mát mẻ vậy. Nhưng chuyển hướng đi du lịch nước ngoài bây giờ thì không kịp. Đúng là chưa bao giờ tôi gặp trường hợp này. Đành đi du lịch các vùng biển phía Bắc cho gần vậy.
Khách đi du lịch trong nước chịu phí cao hơn du lịch nước ngoài
Vân Phong 27/06/2022 (KTSG Online) – Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều khách đi du lịch trong nước phải chịu mức phí cao hơn so với du lịch nước ngoài, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Người dân và du khách trải nghiệm dịch vụ xe đạp chia sẻ công cộng tại thành phố Huế. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cung cấp

Tại hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 ngày 27-6, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết thị trường du lịch đang xuất hiện nghịch lý là giá dịch vụ và tour du lịch nội địa cao hơn so với quốc tế.

“Nhiều người đang nói là chi phí đi du lịch trong nước đang đắt hơn đi nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan”, ông Dũng nói và lo ngại người Việt Nam sẽ chọn du lịch quốc tế thay vì trong nước.

Cũng theo ông Dũng, hiện người dân cho rằng giá vé máy bay đang tăng mạnh. Vì vậy, đề xuất tăng trần giá vé máy bay của doanh nghiệp và Cục Hàng không Việt Nam có thể khiến giá vé tiếp tục gia tăng do các hãng nới giá.


Tương tự, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết giá vé máy bay tăng cao trước áp lực từ chi phí nhiên liệu khiến chi phí du lịch trong nước liên tục gia tăng, dù các đơn vị lữ hành và lưu trú liên tục áp dụng chương trình kích cầu và khuyến mãi.

“Các hãng bay có cung cấp giá rẻ, nhưng chủ yếu là bán theo tour, còn bán ra cho khách hàng mua tại thời điểm hiện nay rất đắt đỏ”, ông Bình nói.

Bên cạnh áp lực từ chi phí nhiên liệu, ông Bình cho biết các ngành nghề, đơn vị liên quan tới ngành du lịch như hàng không, lữ hành và cơ sở lưu trú chưa liên kết với nhau, dẫn tới phí du lịch nội địa không thể cạnh tranh với quốc tế.

Với bối cảnh này, ông lo ngại du lịch Việt Nam sẽ thụt lùi so với quốc tế. Cụ thể, việc các cơ sở lưu trú 4-5 sao và các đơn vị lữ hành phải giảm giá để kích cầu trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao sẽ khiến chất lượng dịch vụ giảm trong dài hạn.

Ngoài ra, du lịch nội địa chỉ đóng góp 30% tổng doanh thu toàn ngành, trong khi lượng khách liên tục gia tăng cũng tạo áp lực lên chất lượng dịch vụ.

“Việc giảm giá sẽ không thể áp dụng được mãi, vì giảm giá đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ suy giảm theo. Về lâu dài sẽ hạ thấp vị thế của du lịch Việt Nam”, ông Bình phân tích.

Để giải quyết vấn đề, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị các doanh nghiệp du lịch và hàng không cần họp bàn để tính toán mức giá vé phù hợp, qua đó hỗ trợ khôi phục lại thị trường du lịch. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần có chính sách kích cầu du lịch quốc tế, thu hút khách du lịch cao cấp tới Việt Nam trải nghiệm dịch vụ du lịch.

“Điều này vừa giúp tăng doanh thu dịch vụ du lịch, vừa giúp nâng hạng du lịch Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Bình nói.

Về áp lực chi phí nhiên liệu, ông Bùi Doãn Nề – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), cho biết doanh nghiệp ngành hàng mong muốn các cơ quan quản lý sớm giảm mức thuế bảo vệ môi trường về 0%, qua đó giảm một phần gánh nặng chi phí.

“So với giá vé máy bay quốc tế thì giá của chúng ta vẫn ở mức cạnh tranh nhưng hiện du lịch tăng trưởng rất nhanh, các chuyến bay tăng tần suất. Vì vậy, ngành hàng không rất cần sự hỗ trợ để doanh nghiệp hàng không hồi phục”, ông Nề nói và kiến nghị các cơ quan quản lý tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tới tháng 6-2023 hoặc cuối năm 2023 khi thị trường hàng không hồi phục trở lại.

Theo ông Nề, ngành hàng không sẽ kịp hồi phục vào năm 2024 nếu các biện pháp hỗ trợ được đưa ra nhanh, mạnh và thị trường hàng không dần ổn định trở lại.

Về mặt bằng giá vé, ông lo ngại các hãng bay trong nước sẽ mất cơ hội cạnh tranh với các hãng bay nước ngoài nếu thị trường nhiên liệu tiếp tục xuất hiện biến động giá. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường các chuyến bay vào ban đêm và sáng sớm để gia tăng sức cạnh tranh.

Về lo ngại chi phí của các hãng bay nước ngoài có thể rẻ hơn trong nước ở các tuyến bay nội địa của họ, ông Nề cho rằng vấn đề này liên quan đến chính sách hỗ trợ của chính phủ các nước.

https://thesaigontimes.vn/khach-di-du-lich-trong-nuoc-chiu-phi-cao-hon-du-lich-nuoc-ngoai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét