Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

Ai kiếm được nhiều tiền nhất từ xung đột Nga - Ukraine?

Ai kiếm được nhiều tiền nhất từ xung đột Nga - Ukraine?
Các nhà sản xuất vũ khí, đặc biệt là các nhà thầu quốc phòng Mỹ là những người hưởng lợi nhất, kiếm được nhiều tiền nhất từ cuộc xung đột ở Ukraine, theo Sky News. Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến nước này nhận được những thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD từ các nước phương Tây.

Kể từ khi Nga tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, các nước NATO đã cam kết hơn 8 tỷ USD thiết bị quân sự cho Ukraine, trong đó 4,6 tỷ USD là từ Mỹ. Trên thực tế, Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ 9 tỷ USD để bổ sung nguồn cung vũ khí gửi tới Ukraine ở hiện tại và trong tương lai.

Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình chuyển giao vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cho biết phần lớn vũ khí được gửi tới Ukraine là từ nguồn cung cấp quân sự hiện có. Theo ông Wezeman, một số quốc gia đã gửi cho Ukraine các loại vũ khí cũ, tồn kho nhưng nhiều quốc gia, như Mỹ và Anh, đã gửi các loại mới hơn.

Các nhà thầu quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất từ cuộc xung đột Ukraine.

Washington đang gửi 6.500 hệ thống tên lửa chống tăng Javelin do các nhà thầu quốc phòng như Raytheon và Lockheed Martin chế tạo. Giá thành của mỗi tên lửa là khoảng 78.000 USD và giá phóng tái sử dụng là 100.000 USD. Ngoài Mỹ, Ukraine cũng sẽ nhận được nhiều hơn các hệ thống tên lửa chống tăng Javelin từ Pháp và Estonia và 200 hệ thống từ Anh.

Mỹ cũng đang tài trợ cho Ukraine các hệ thống radar chống pháo do chính 2 nhà thầu quốc phòng trên sản xuất, kết hợp với tập đoàn quốc phòng Northrop Grumman.

Một lợi ích khác cho Raytheon nhờ xung đột Ukraine còn đến từ quyết định của Mỹ để gửi 1.400 bệ phóng tên lửa phòng không Stinger cho Kiev. Công ty này đã được trao một hợp đồng trị giá 625 triệu USD để sản xuất tên lửa Stinger bổ sung vào kho vũ khí của Mỹ. Bên cạnh đó, Đức cũng đang cung cấp cho Ukraine 500 tên lửa Stinger và các nước Đan Mạch, Ý, Latvia, Litva, Hà Lan cũng đều gửi hệ thống này cho Kiev.

Trong khi đó, Lockheed Martin nhận tin vui đến từ việc Mỹ có kế hoạch cung cấp cho Ukraine 4 Hệ thống tên lửa cơ động cao M142 (HIMARS). Công ty này cũng là nhà sản xuất các bệ phóng tên lửa tầm xa M270 mà Vương quốc Anh cam kết gửi cho Ukraine.

Một hạng mục quan trọng khác mà Ukraine nhận được là hệ thống Switchblade do AeroVironment chế tạo, thường được gọi là "máy bay không người lái tự sát". Mỹ đã cam kết gửi 700 UAV Switchblade cho Ukraine.

Kiev cũng đang nhận được 50 tỷ viên đạn từ Mỹ, mang lại lợi ích kếch xù cho Olin, nhà cung cấp đạn dược cỡ nhỏ lớn nhất của quân đội Mỹ.



Ở châu Âu, các nhà thầu vũ khí hưởng lớn bao gồm BAE Systems và Thales.

Nhà thầu quân sự BAE Systems của Anh sản xuất gần như tất cả các loại đạn cho vũ khí cỡ nhỏ của Anh và đã được giao hợp đồng sản xuất 400.000 viên đạn Anh cam kết gửi tới Ukraine.

Công ty cũng sản xuất 108 khẩu pháo lựu 155mm Mỹ cam kết tặng Ukraine cũng như liên doanh với Airbus và Leonardo sản xuất tên lửa chống tăng MILAN mà Pháp và Ý tài trợ cho Kiev.

Một thiết bị quan trọng khác do BAE Systems sản xuất là xe bọc thép Stormer. Vương quốc Anh đang cung cấp cho Ukraine một "số lượng nhỏ" các xe bọc thép loại này.

Stormer được trang bị tên lửa phòng không Starstreak do Thales, một công ty của Pháp sản xuất tại Anh.

Thales cũng sản xuất Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo (NLAW) - một hệ thống tên lửa vác vai được ca ngợi vì đã giúp Ukraine tiêu diệt hiệu quả xe tăng Nga. Vương quốc Anh đang cung cấp cho Ukraine hơn 5.000 hệ thống tên lửa NLAW trong đó, mỗi hệ thống có giá 30.000 bảng Anh.

Nhà thầu quân sự Dynamit Nobel của Đức nhận được hợp đồng chế tạo 3.000 vũ khí chống tăng Panzerfaust 3 cùng với 5.100 vũ khí chống tăng MATADOR để gửi cho Ukraine. Trước cuộc chiến ở Ukraine, Đức có truyền thống lâu đời là cấm xuất khẩu vũ khí tới các vùng chiến sự khiến doanh số bán hàng của Dynamit Nobel khá hạn chế.

Các công ty quốc phòng lớn trên thế giới còn hưởng lợi từ giá cổ phiếu của họ tăng vọt lên kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ. Chẳng hạn, cổ phiếu của Thales đã tăng 35% kể từ cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu, trong khi cổ phiếu của BAE Systems tăng 32%, Lockheed Martin tăng 14% và AeroVironment 63%.

Theo nhà nghiên cứu Siemon Wezeman, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ mang về danh tiếng và lợi nhuận kếch xù cho các nhà sản xuất vũ khí phương Tây hơn là Nga.

Ông Wezeman cho rằng, các quốc gia có truyền thống mua nhiều thiết bị quân sự từ Nga có thể tìm đến các nhà sản xuất vũ khí khác khi chứng kiến hiệu quả hoạt động kém của một số khí tài Nga sử dụng ở Ukraine.

“Có những chiếc xe tăng của Nga đã bị nổ tung hoàn toàn. Đó thực sự không phải là một lời quảng cáo cho chất lượng của chúng", ông Wezeman bình luận.

Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng các đối tác vũ khí của Nga cũng phải đối mặt với áp lực gia tăng và các mối đe dọa trừng phạt từ các quốc gia phương Tây khiến họ phải ngừng mua vũ khí từ Nga.

Ngoài ra, lợi nhuận cho các nhà thầu quốc phòng thậm chí còn đến từ việc nhiều quốc gia đã tuyên bố tăng đáng kể chi tiêu quân sự, trong đó phần lớn số tiền sẽ được sử dụng để mua khí tài mới sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, ít nhất 15 quốc gia châu Âu đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng.

Các cam kết bổ sung ngân sách quốc phòng ước tính trị giá ít nhất 200 tỷ euro, theo EU.

Quan trọng nhất là việc Đức cam kết chi thêm 100 tỷ euro trong những năm tới khi Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố rằng, ngân sách quốc phòng sẽ chiếm 2% GDP của nước này"kể từ bây giờ".

Đây là một tin vui đối với Rheinmetall, một nhà sản xuất xe tăng và pháo của Đức. Hãng này đang kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng tới 25% trong các năm 2022 và 2023. Đức đã cho biết họ sẽ mua 35 máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin với chi phí ước tính là 1,6 nghìn tỷ USD.

https://danviet.vn/ai-kiem-duoc-nhieu-tien-nhat-tu-xung-dot-nga-ukraine-20220610163230269.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét