“Thất vong thất tử”
Cuối thời Tây Hán, ở quận Bột Hải, huyện Cao Thành có một chàng thư sinh nghèo tên là Bào Tuyên, tự Tử Đô. Bào Tuyên tuy xuất thân hàn vi nhưng luôn giữ tấm lòng ngay thẳng, chính trực, được người đời hết mực ngợi khen.1) Thân hàn vi, tâm như ngọc khiết
Một ngày, Bào Tuyên lên đường đến kinh thành thì gặp một người trẻ tuổi nọ. Người này đang đi bỗng đột nhiên ngồi thụp xuống đất, hai tay ôm ngực, miệng rên rỉ: “Ôi chao, đau chết mất, đau chết mất!”.
Bào Tuyên vội chạy đến bên, thấy cậu ấy mồ hôi đầm đìa, hỏi ra mới biết bệnh tim đột phát khiến cậu ta đau đớn thấu tận tâm can. Bào Tuyên bèn xoa xoa ngực mong làm dịu cơn đau, nào ngờ người trẻ tuổi ấy gục đầu lên đùi Bào Tuyên rồi vội vã lìa trần.
Bào Tuyên quá bất ngờ không biết làm thế nào, chàng chỉ còn cách mở hành lý của cậu ta xem xem có thể tìm được thông tin về người nhà cậu ấy không. Bên trong chỉ có một phong thư và mười chiếc đĩa bạc, hoàn toàn không có manh mối nào về địa chỉ cũng như thân nhân của cậu ta. Bào Tuyên vái lạy người đã khuất rồi bán đi một chiếc đĩa bạc để có tiền mua cỗ quan tài, sau đó chàng kê chín chiếc đĩa còn lại dưới đầu và đặt bức thư bên cạnh thân cậu ta.
Sau khi an táng xong xuôi, Bào Tuyên vái lạy lần nữa và nói: “Cậu sống khôn thác thiêng, nếu linh hồn của cậu nghe được những lời này, xin hãy mách bảo cho người nhà biết được cậu đang yên nghỉ ở đây. Còn tôi vì mang sứ mệnh trên thân nên không thể ở lại đây lâu được”. - Dứt lời, chàng cáo từ rồi tiếp tục lên đường.
Đi được một đoạn, Bào Tuyên bỗng thấy một con tuấn mã đuổi theo phía sau và dừng lại ngay bên cạnh chàng. Con tuấn mã hung hãn không ai có thể thuần phục được, nhưng lại cúi đầu ngoan ngoãn trước mặt Bào Tuyên. Chàng thấy lạ, bèn cưỡi lên con tuấn mã rồi phi nước đại đến kinh thành. Sau khi hoàn thành xong công sự, chàng lại trở về. Nhưng lúc về chàng không may đi lạc, vì trời đã tối, chàng phải tìm đến nhà dân xin tá túc qua đêm. Chàng bước tới trước cửa nhà của một vị tước Hầu ở vùng Quan Nội và đưa danh thiếp, xin được vào bái kiến chủ nhân.
Nô bộc của Quan Nội Hầu ra mở cửa, thấy vị khách lạ mặt đang cưỡi con tuấn mã đã thất lạc từ mấy hôm trước, liền nghi ngờ Bào Tuyên đánh cắp ngựa. Nhưng Quan Nội Hầu cho rằng vị khách này mặt mũi khôi ngô, tướng mạo đường hoàng, hẳn sẽ không làm những điều khuất tất. Ông hỏi vì sao lại có được con ngựa này? Chàng bèn kể lại đầu đuôi ngọn ngành, từ việc chôn cất người trẻ tuổi cho đến lúc tình cờ thấy con ngựa giữa đường. Quan Nội Hầu thốt lên: “Đa tạ ân nhân, đó chính là con trai của lão”.
Sau đó, ông dẫn theo gia nhân đến nơi an táng, mở nắp quan tài và thấy quả nhiên cả chín chiếc đĩa bạc và phong thư vẫn còn nguyên vẹn. Quan Nội Hầu vô cùng cảm kích trước đạo nghĩa và phẩm đức cao thượng của Bào Tuyên. Từ đó về sau, danh tiếng của chàng cũng vang xa khắp chốn.
2) Trọng nghĩa khinh tài, gả con gái yêu
Khi Bào Tuyên đến tuổi thành gia lập thất, thầy dạy học của chàng là Hoàn tiên sinh biết cậu học trò này là nhân tài nghĩa khí, tuy xuất thân bần hàn nhưng cần cù khắc khổ, lại có chí hướng cao xa, nhất định sẽ có ngày làm nên việc lớn. Ông liền gả con gái yêu của mình là Hoàn Thiếu Quân cho chàng, hơn nữa còn chuẩn bị của hồi môn vô cùng hậu hĩnh. Bào Tuyên vừa lấy được vợ đẹp lại có thêm tiền tài, thật đúng là một bước lên mây, không khỏi khiến người ta ngưỡng mộ.
Tuy nhiên Bào Tuyên lại tỏ ra không vui, chàng nói với Hoàn Thiếu Quân: “Nàng sinh ra là cành vàng lá ngọc, được cha mẹ cưng chiều, từ nhỏ đã ăn sơn hào, mặc gấm lụa. Còn ta chỉ là kẻ áo vải hèn mọn, thật không dám nhận những món quà hồi môn này”.
Hoàn Thiếu Quân đáp: “Phụ thân coi trọng nhân phẩm của chàng nên mới gả thiếp vào nhà họ Bào, để thiếp đến nâng khăn sửa túi cho chàng. Thiếp muốn trở thành thê tử của chàng, từ nay về sau hết thảy mọi việc trong nhà thiếp nguyện thuận theo ý chàng”.
Bào Tuyên cười nói: “Nếu được như thế thì thực là hợp với tâm ý của ta vậy”.
Hoàn Thiếu Quân liền gửi toàn bộ thị nữ cùng với y phục và đồ nữ trang về nhà cha mẹ đẻ, sau đó nàng khoác lên người chiếc áo vải thô rồi cùng Bào Tuyên kéo chiếc xe nhỏ trở về nhà.
Về nhà chồng, Thiếu Quân lễ phép cúi chào mẹ già rồi mở chiếc vại nước bằng đất nung và bắt đầu làm cơm. Nàng có hiểu biết, ngôn hành thận trọng, thời thời khắc khắc đều chú ý tu dưỡng đức hạnh, vậy nên hàng xóm láng giềng ai cũng khen Thiếu Quân là nàng dâu ngoan hiền hiếm có.
3) “Thất vong thất tử”
Đại tư mã Vương Thương là em trai của Thái hậu Vương Chính Quân, tức cậu ruột của Hán Thành Đế. Vì mến mộ phẩm đức cao khiết của Bào Tuyên, ông đã phái người đến vời chàng vào cung, tiến cử làm Nghị lang, vốn là chức quan có cấp bậc cao hơn Trung lang, Thị lang, và Lang trung. Vào năm đầu Hán Ai Đế, Đại tư không Hà Vũ lại tiến cử Bào Tuyên làm Gián đại phu, chuyên phụ trách các việc nghị luận trong triều.
Bào Tuyên vốn tính ngay thẳng, hết mực thương dân, chàng không ngại lời đàm tiếu, dám thẳng thắn chỉ ra những điểm bất cập của nền chính trị đương thời. Trong tấu thư trình lên hoàng đế, Bào Tuyên chỉ ra rằng bách tính muôn dân đang gặp phải họa "bảy cái mất và bảy cái chết".
Chàng nói: “Dân có bảy cái mất mà không có một cái được, mong muốn quốc thái dân an, thật là khó. Dân có bảy điều chết mà không có một điều sống, mong muốn không dùng hình phạt nữa, thật khó thay”.
Bảy cái mất ấy là:
- Lụt lội
- Hạn hán mất mùa
- Thuế khóa nặng nề
- Lao dịch tăng
- Tham quan ô lại, cường hào nhiều
- Giặc cướp
- Quân địch quấy nhiễu
Bảy cái chết ấy là:
- Quan lại tàn bạo giết dân
- Cai ngục giết phạm nhân
- Cường hào giết người vô tội
- Giặc cướp giết người lấy của
- Dân thù hận giết nhau
- Dân đói mà chết
- Bệnh tật chết nhiều người
4) Xứng danh một bậc trung thần
Hán Ai Đế bổ nhiệm Bào Tuyên làm Tư lệ Hiệu úy, là chức quan cao cấp phụ trách việc giám sát kinh thành, có quyền uy rất lớn. “Hán Thư - Bào Tuyên truyện” chép: Bào Tuyên trung thành làm tròn bổn phận, dám chấp pháp, coi thường những lời xu nịnh.
Một lần, Thừa tướng Khổng Quang dẫn theo đoàn tùy tùng ra ngoài, các quan viên đi theo thừa tướng, thay vì đi đường bên đã thúc ngựa chạy xe trên Trì Đạo ở giữa, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của triều đình. Bào Tuyên biết được, chàng thừa mệnh tịch thu xe ngựa và bắt giữ các quan viên theo hầu thừa tướng. Khổng Quang căm hận Bào Tuyên vì đã không nể mặt mình, do đó luôn ôm hận trong lòng, dùng trăm phương ngàn kế tìm cách trả thù.
Sau này, Hán Ai Đế nghe thừa tướng gièm pha, nhà vua không hỏi đúng sai đã vội phái quân lính đến phủ Tư Lệ bắt người. Bào Tuyên đóng cửa không thụ lệnh, vô tình mạo phạm khiến hoàng đế nổi giận. Hán Ai Đế liền lấy tội danh “vô nhân thần lễ, đại bất kính chi đạo” bắt giam chàng vào ngục. Chàng may mắn được miễn tội chết, nhưng vẫn phải chịu hình phạt đeo gông cùm và cắt tóc, bị lưu đày đến quận Thượng Đảng, huyện Trường Tử. Khi đến huyện Trường Tử, chàng phát hiện nơi đây đất đai màu mỡ, rất thích hợp trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Vì cảm mến dân phong thuần phác, cảnh vật hiền hòa, chàng liền đưa gia quyến từ quận Bột Hải chuyển đến huyện Trường Tử định cư.
Sau này Vương Mãng soán ngôi nhà Hán, y đã thẳng tay diệt trừ những vị quan trung thành với Hán triều và không quy phục tân vương, Bào Tuyên cũng vì thế mà mang họa. Vào năm thứ 3 sau Công nguyên, Bào Tuyên và Đại tư không Hà Vũ cùng bị giam vào ngục chờ ngày xử tử, năm ấy chàng mới 34 tuổi.
Mãi đến năm 25 sau Công nguyên, Đông Hán Quang Vũ Đế đăng cơ và ban lệnh đại xá khắp thiên hạ, đồng thời hạ chiếu khen ngợi Bào Tuyên và ban ân cho con cháu của chàng làm quan.
Ở huyện Trường Tử, thôn Nam Bào có tấm bia mộ “Hán Tư lệ Bào Tuyên”. Trăm ngàn năm qua, nơi đây được coi là quê nhà của vị quan trung thành của nhà Hán.
Con trai của Bào Tuyên là Bào Vĩnh từng nhậm chức Thái thú trong năm đầu Trung Hưng. Bào Vĩnh đặc biệt hiếu thuận với mẹ, có lần vợ của cậu lớn tiếng quát mắng cẩu cẩu trước mặt mẹ chồng. Bào Vĩnh thấy vợ vô lễ với mẹ, liền đuổi vợ đi.
Một lần, con trai của Bào Vĩnh là Bào Dục hỏi Hoàn Thiếu Quân rằng: “Bà nội ơi, đến nay bà vẫn còn nhớ kỷ niệm kéo chiếc xe nhỏ cùng ông nội sao?”. Hoàn Thiếu Quân đáp: “Mẹ chồng ta từng nói: ‘Lúc sống không quên cái chết, bình an không quên nguy nan’. Sao ta dám quên được?”.
Minh Hạnh
Theo Cổ Phong - Sound of Hope
Tài liệu tham khảo: “Hán Thư”, “Liệt Dị Truyện”
Hán Ai Đế bổ nhiệm Bào Tuyên làm Tư lệ Hiệu úy, là chức quan cao cấp phụ trách việc giám sát kinh thành, có quyền uy rất lớn. “Hán Thư - Bào Tuyên truyện” chép: Bào Tuyên trung thành làm tròn bổn phận, dám chấp pháp, coi thường những lời xu nịnh.
Một lần, Thừa tướng Khổng Quang dẫn theo đoàn tùy tùng ra ngoài, các quan viên đi theo thừa tướng, thay vì đi đường bên đã thúc ngựa chạy xe trên Trì Đạo ở giữa, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của triều đình. Bào Tuyên biết được, chàng thừa mệnh tịch thu xe ngựa và bắt giữ các quan viên theo hầu thừa tướng. Khổng Quang căm hận Bào Tuyên vì đã không nể mặt mình, do đó luôn ôm hận trong lòng, dùng trăm phương ngàn kế tìm cách trả thù.
Sau này, Hán Ai Đế nghe thừa tướng gièm pha, nhà vua không hỏi đúng sai đã vội phái quân lính đến phủ Tư Lệ bắt người. Bào Tuyên đóng cửa không thụ lệnh, vô tình mạo phạm khiến hoàng đế nổi giận. Hán Ai Đế liền lấy tội danh “vô nhân thần lễ, đại bất kính chi đạo” bắt giam chàng vào ngục. Chàng may mắn được miễn tội chết, nhưng vẫn phải chịu hình phạt đeo gông cùm và cắt tóc, bị lưu đày đến quận Thượng Đảng, huyện Trường Tử. Khi đến huyện Trường Tử, chàng phát hiện nơi đây đất đai màu mỡ, rất thích hợp trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Vì cảm mến dân phong thuần phác, cảnh vật hiền hòa, chàng liền đưa gia quyến từ quận Bột Hải chuyển đến huyện Trường Tử định cư.
Sau này Vương Mãng soán ngôi nhà Hán, y đã thẳng tay diệt trừ những vị quan trung thành với Hán triều và không quy phục tân vương, Bào Tuyên cũng vì thế mà mang họa. Vào năm thứ 3 sau Công nguyên, Bào Tuyên và Đại tư không Hà Vũ cùng bị giam vào ngục chờ ngày xử tử, năm ấy chàng mới 34 tuổi.
Mãi đến năm 25 sau Công nguyên, Đông Hán Quang Vũ Đế đăng cơ và ban lệnh đại xá khắp thiên hạ, đồng thời hạ chiếu khen ngợi Bào Tuyên và ban ân cho con cháu của chàng làm quan.
Ở huyện Trường Tử, thôn Nam Bào có tấm bia mộ “Hán Tư lệ Bào Tuyên”. Trăm ngàn năm qua, nơi đây được coi là quê nhà của vị quan trung thành của nhà Hán.
Con trai của Bào Tuyên là Bào Vĩnh từng nhậm chức Thái thú trong năm đầu Trung Hưng. Bào Vĩnh đặc biệt hiếu thuận với mẹ, có lần vợ của cậu lớn tiếng quát mắng cẩu cẩu trước mặt mẹ chồng. Bào Vĩnh thấy vợ vô lễ với mẹ, liền đuổi vợ đi.
Một lần, con trai của Bào Vĩnh là Bào Dục hỏi Hoàn Thiếu Quân rằng: “Bà nội ơi, đến nay bà vẫn còn nhớ kỷ niệm kéo chiếc xe nhỏ cùng ông nội sao?”. Hoàn Thiếu Quân đáp: “Mẹ chồng ta từng nói: ‘Lúc sống không quên cái chết, bình an không quên nguy nan’. Sao ta dám quên được?”.
Minh Hạnh
Theo Cổ Phong - Sound of Hope
Tài liệu tham khảo: “Hán Thư”, “Liệt Dị Truyện”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét