Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

Nga có thể hưởng lợi từ lệnh cấm vận dầu mỏ của EU


Nga có thể hưởng lợi từ lệnh cấm vận dầu mỏ của EU
09/05/2022 Lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đối với mặt hàng dầu mỏ Nga sẽ đẩy giá dầu toàn thế giới lên cao hơn nữa. 
Theo ông Norbert Rucker, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của nhà quản lý tài sản Thụy Sĩ Julius Baer, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga sẽ chỉ làm nguồn doanh thu từ dầu mỏ của Moskva cao hơn.
Ảnh minh họa - Getty Images

Trả lời phỏng vấn với hãng tin Thụy Sĩ 20 Minuten, nhà phân tích Rucker nhận xét tác động của lệnh cấm đối với Nga là điều còn nhiều tranh cãi, đồng thời cho biết thêm rằng EU có thể có những lựa chọn thay thế tốt hơn để làm suy yếu Nga, chẳng hạn như trừng phạt bằng thuế quan.

Đầu tuần trước, EU đã công bố kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Nga đối với tất cả 27 quốc gia thành viên. Biện pháp này, được thiết lập để tấn công vào nền tài chính quốc gia của Nga, là một phần của chiến dịch trừng phạt chưa từng có do phương Tây phát động nhằm vào Moskva liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

“Câu hỏi lớn hiện nay là liệu phương Tây có đang gây áp lực lên Trung Quốc và Ấn Độ hay không, nếu thế thì lệnh cấm vận mới có tác động lớn hơn”, ông Norbert Rucker nói. Ông đánh giá bước đi như vậy sẽ khiến nước Nga gặp khó khăn khi tìm khách hàng mua dầu thô trên toàn thế giới.

Theo chuyên gia này, lệnh cấm nhập khẩu của EU sẽ làm tăng giá dầu thô toàn cầu, vốn đã tăng vọt lên 120 USD/thùng trong tháng 3, và trực tiếp giúp Nga kiếm bộn hơn từ việc bán dầu mỏ.

Ngoài ra, ông Rucker cho biết lệnh cấm vận sẽ chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến Thụy Sĩ vì nước này phần lớn sử dụng nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu ở châu Âu vốn đã được hỗ trợ chuyển sang các lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, hậu quả của giá dầu tăng lên do lệnh cấm vận cũng sẽ có thể cảm nhận được ở Thụy Sĩ.

https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-co-the-huong-loi-tu-lenh-cam-van-dau-mo-cua-eunbsp-20220509071127173.htm

Từ chối trả bằng tiền Nga, EU buộc phải mua khí đốt với giá cao bất thường

06/05/2022 EU đang phải mua khí đốt tự nhiên với giá cao hơn do nhu cầu cấp bách phải tích đầy kho trước khi mùa đông đến hoặc trước khi Nga ngừng cung cấp khí đốt.
Serbia chuẩn bị đàm phán mua khí đốt của Nga

Đường ống dẫn khí đốt thuộc Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức qua Biển Baltic, tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang oilprice.com, giá khí đốt tự nhiên cao đến mức không thể mua được ở châu Âu đã giúp châu lục này tích trữ khí đốt nhanh hơn trong bối cảnh tiêu thụ thấp hơn, đồng thời thúc đẩy nhập khẩu nhiều hơn, đồng nghĩa với việc châu Âu có thể sẽ tích đầy các bể chứa khí đốt. Tích trữ khí đốt nhanh hơn dự kiến ​​trước đây là tin tốt hiếm hoi đối với Liên minh châu Âu (EU), vốn đang phải vật lộn với giá năng lượng cao trong hơn 6 tháng nay. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn chính là câu hỏi về giá cả. Kho chứa có thể đầy, nhưng liệu lượng khí đốt này có thể được bán cho người tiêu dùng châu Âu với mức giá có thể mua được không?

Câu trả lời có thể là không. EU đang mua khí đốt tự nhiên với giá cao hơn do nhu cầu cấp bách phải tích đầy kho trước khi mùa đông đến hoặc trước khi Nga ngừng cung cấp khí đốt vì các nhà nhập khẩu từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Sau khi Nga ngừng bán khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, các nước nhập khẩu khí đốt châu Âu buộc phải hành động. Đầu tháng 5, yêu cầu giao khí đốt của Nga tới châu Âu đã đạt mức cao nhất trong 5 tháng. Nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cũng đang tăng mạnh mặc dù tổng lượng hàng xuất khẩu của Mỹ ra nước ngoài đang giảm do đang bảo trì thường xuyên tại các cơ sở hóa lỏng.

Vào đầu tháng 5, lượng khí đốt tự nhiên trong kho ở châu Âu thấp hơn 18% so với mức trung bình 5 năm so với trước đại dịch. Con số này tương đương 81 TWh. Tính đến đầu tháng này, lượng khí đốt trong kho ở EU và Anh đã tăng lên 380 TWh. Với tốc độ này, khí đốt tích trữ có thể đạt 904 TWh vào ngày 1/10 khi mùa đông bắt đầu.

EU có thể duy trì con số này nếu có đủ nguồn cung cấp khí đốt từ các nguồn khác nhau và tất nhiên nếu Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu. Điều này sẽ xảy ra nếu họ đồng ý thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble.

Tiếp đó là vấn đề về giá cả. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp EU đang phải vật lộn với hóa đơn năng lượng. Các doanh nghiệp ở một số khu vực của EU, chẳng hạn như Bulgaria, đang cảnh báo về những vụ phá sản sắp xảy ra vì chi phí năng lượng quá cao.

Câu hỏi là nếu bây giờ EU đang mua khí đốt tự nhiên với giá đặc biệt cao, thì họ sẽ bán khí đốt này cho những người tiêu thụ với giá nào? Sẽ khó có khả năng các chính phủ sẽ gánh vác phần lớn mức giá đặc biệt cao để bán cho người tiêu dùng với giá phải chăng.
Một trạm bơm khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Dortmund, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thực tế, các kho khí đốt ở EU đầy nhanh hơn bình thường là do sức tiêu thụ thấp vì giá tăng cao. Điều đó có nghĩa là khí đốt quá đắt khiến không mấy người có thể mua để sử dụng. Đây không phải là điều tốt cho các nền kinh tế châu Âu.

Trong khi đó, đã xuất hiện lời kêu gọi giảm tiêu thụ khí đốt. Viện nghiên cứu EWI của Đức trong tuần này đã kêu gọi người Đức hạn chế tiêu thụ khí đốt trong trường hợp Nga ngừng bán cho Đức – quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu.

Theo các nhà nghiên cứu EWI, nếu Nga ngừng cấp khí đốt ngay bây giờ, EU - không bao gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - và Anh sẽ cần phải cắt giảm tiêu thụ khí đốt 459 TWh trong mùa hè. Nhưng nếu khu vực đó tìm cách duy trì mức tồn kho khí đốt ở mức 33% so với tổng công suất, thì sẽ phải cắt giảm mức tiêu thụ tới 790 TWh.

Nói cách khác, ngay cả khi tìm cách ngừng phụ thuộc vào Nga, EU vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nước này. Đồng thời, EU còn đang dần phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, vì châu Âu vẫn là điểm đến hàng đầu của LNG Mỹ trong 5 tháng liên tiếp. Nhưng khả năng cung cấp LNG của Mỹ không phải là vô tận và điều đó có thể trở thành một vấn đề trong tương lai.

https://baotintuc.vn/the-gioi/tu-choi-tra-bang-tien-nga-eu-buoc-phai-mua-khi-dot-voi-gia-cao-bat-thuong-20220506202652368.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét