Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Thuyết nhân quả trong vụ án Lệ Chi Viên - Nguyễn Trãi

Thuyết nhân quả của nhà Phật là một triết lý mang tính khoa học, phản ánh qui luật tự nhiên của vũ trụ và hoàn toàn không mang tính chất hình thức của việc thưởng phạt từ một đấng quyền năng nào. Hiểu được vậy thì trong cuộc sống, chúng ta sẽ vui vẻ đón nhận những khổ đau bất thường xảy đến với mình như một kết quả do chính mình tạo nhân từ trước. Nhà Phật nói: “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến kết quả của nó”. Con người chúng ta làm việc đôi khi do bản năng, tính háo thắng hoặc thiếu suy nghĩ mà không lường trước những hậu quả của nó. Phần lớn những thất bại trong công việc đều do những yếu tố chủ quan của bản thân mà ra. Vì vậy, người hiểu luật nhân quả sẽ không cho phép mình suy nghĩ, nói năng và làm việc xấu. Nếu mọi người ai cũng được vậy thì đất nước sẽ văn minh, xã hội có văn hoá, gia đình sẽ hạnh phúc. Vì thế, giáo dục con người biết suy nghĩ tốt, làm việc lành là một nhiệm vụ cao cả và thiết yếu. Đọc bài dưới đây để ngẫm về luật nhân quả chứ không nên và không cần quan tâm tới số phận của gia tộc họ Nguyễn.
Thuyết nhân quả trong vụ án Lệ Chi Viên - Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc
FB Vân Hải • Sự việc vua Lê Thánh Tông Băng Hà, Nguyễn Trãi và dòng họ hoàn toàn không hay biết gì; bỗng dưng thấy họa rơi trên đầu, tam tộc bị tru di; nỗi oan khuất ấy 22 năm sau mới được giải oan. Nếu đứng ở góc độ tâm linh thì mới thấy rõ được nhân quả, mặc dù đời này là bị oan nhưng cũng không phải vô duyên vô cớ bị oan. Đời trước tích ác nghiệp, đời sau phải hoàn trả nghiệp.

Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc. 
Trước thời hậu Lê, có một ông đồ họ Nguyễn mở trường dạy học trong làng. Thấy đám đất ở gò Rùa làng Nhị Khuê có mạch rất đẹp: trước mặt là đầm sẽ làm minh đường, sau lưng là gò có thể làm án. Ông đồ bèn xin làng cấp cho mình đám đất để dựng một ngôi nhà làm nơi dạy học.

Nhưng đúng ở chỗ gò đất đó có một con rắn đã làm tổ ở đó đã ngót một trăm năm, xung quanh cây cối mọc um tùm. Con rắn này biết tu luyện, chỉ còn thêm chút thời gian nữa là thành xà tinh, có phép thuật biến hóa.

Được làng cho phép, một ngày nọ trước khi tan lớp, ông đồ bảo học trò:

- Từ mai các con tạm nghỉ học một vài ngày rồi đến phát dọn hộ cho thầy đám đất bên gò Rùa kia.

Nghe tin ông đồ sắp cho học trò đến phá phách chỗ ở của mình, rắn mẹ bèn tìm cách đến báo mộng cho ông đồ biết. Đêm ấy, ông đồ ngủ mơ thấy có một người đàn bà vẻ mặt hầm hầm đến nói lớn:

- Này ông kia! Nào ta có gây thù chuốc oán gì với nha ông? Sao ông lại toan phá nhà cửa của ta. Muốn tốt thì chớ có động đến, nếu không thì đừng hòng ăn ngon ngủ yên với ta!

Nói xong quay ngoắt trở ra, ông đồ giật mình tỉnh dậy thì trời đã sáng. Giấc mộng rất kỳ lạ, nhưng ông lại nhớ rất rõ ràng chân thực. Đang chưa hiểu thế nào, thì sực nhớ hôm nay là ngày học trò mình bắt tay khai phá đám đất hoang. Ông đồ nghĩ, hẳn có ma quỷ gì ở đấy muốn ngăn cản không cho mình mở trường dạy học.

Sợ tai vạ, ông định đi đến bảo học trò ngừng tay, trên đường đi thì lại cảm thấy không nên: Chỉ là một giấc mộng, cần gì phải bận tâm. Nhưng để yên tâm ông đồ vẫn đi đến khoảnh đất mới xem học trò làm việc. Lúc đến nơi thì thấy học trò đã dọn quang một đám khá rộng. Ông đồ hỏi:

- Các con có thấy gì lạ không?

Học trò đáp:

- Thưa thầy, không có gì lạ cả

- Nếu có gì lạ hãy báo cho thầy biết nghe không.

Đêm hôm sau con rắn lại tới báo mộng. Ông đồ đang mơ màng ngủ, bỗng thấy người đàn bà hôm trước lại đến, tay bế ba đứa con nhỏ, nhưng lần này vẻ mặt thay đổi hẳn:

- Xin nhà thầy hoãn cho ba hôm nữa, để cho đàn con tôi cứng cáp đã rồi sẽ xin đi.

Thấy người đàn bà nài nỉ mấy lần, ông đồ động lòng trắc ẩn, nói:

- Được, được, tôi sẵn lòng để cho nhà chị nán lại ít hôm.

Sáng dậy, ông đồ nghĩ lại về giấc mơ vẫn chưa hiểu sự việc ra sao. Ông bèn đi tới đám đất đang được phát dọn xem có gì lạ không. Vừa đến nơi, nhóm học trò đã chạy đến nói với ông:

- Thầy ạ, vừa rồi ở đây có một con rắn lớn, tiếc rằng chúng con mới chém phải một nhát ở đuôi thì nó đã chạy mất. Trong hang có một ổ ba con rắn con, chúng con đều đánh chết cả.

Ông đồ lúc này mới hiểu ra giấc mơ mình gặp, bèn tặc lưỡi ân hận:

- Đúng là người đàn bà ở trong con rắn đã đến cầu khẩn với ta. Nhưng ta không kịp cứu bầy con nó như lời ta đã hứa.

Còn con rắn mẹ tự nhiên bị chết mất cả đàn con lại bị thương tích nặng nề, thì căm tức ông đồ vô hạn. Nó quyết tìm dịp báo thù. Một tối trong khi ông đồ đang đọc sách ở ngôi nhà vừa mới dựng xong, con rắn lẻn bò vào mái tranh, đến gần sát chỗ ông ngồi, toan cắn chết. Nhưng ông đồ vừa liếc thấy đã kịp hô hoán, người nhà chạy lại đập rắn. Con rắn lại bị một trận thương tích, vội hoảng hốt bỏ trốn, chỉ kịp nhỏ xuống trang sách một giọt máu. Ông đồ kinh hãi nhìn lại trang sách thì thấy giọt máu nhỏ thấm tới tờ thứ ba. Thở dài, ông lẩm bẩm:

- Chắc nó sẽ báo oán đến đời con cháu ta chứ không sai.

Mấy chục năm đã trôi qua. Con rắn xưa kia nay đã tu thành xà tinh. Nó vẫn nhớ thù cũ định tìm ông đồ trả món nợ xưa kia, lúc này ông đồ đã mất từ lâu, con ông đồ cũng đã chết ở quê người. Con rắn tức giận, liền thi triển phép thuật, quyết định đầu thai để tìm ông đồ trả thù.

Ông đồ có một cháu tên là Nguyễn Trãi bấy giờ đang làm quan đại thần ở kinh đô, chức cả quyền cao, vua quan đều trọng vọng. Một hôm, Nguyễn Trãi nhân thong thả đi chơi chợ ở phía ngoài kinh thành thì gặp một người con gái gánh một gánh chiếu đi chợ bán. Vừa gặp mặt, Nguyễn Trãi có cảm giác như đã gặp người này ở đâu đó, còn cô gái vừa gặp Nguyễn Trãi thì ký ức lập tức liền được khai mở.

Cô gái lập tức biết rằng mình là rắn tinh đầu thai làm người, còn ông đồ sau khi mất đã chuyển sinh thành cháu mình chính là Nguyễn Trãi. Do phép thuật trước kia thi triển, mặc dù khi đầu thai bị xóa đi kí ức, nhưng chỉ cần hai người gặp nhau thì sẽ khôi phục lại liền. Để tiếp cận Nguyễn Trãi, cô gái đặt gánh chiếu đứng đọc tờ cáo thị dán ở cổng. Thấy người con gái bán chiếu ăn mặc nghèo khổ mà mặt mũi đẹp tựa trăng rằm, dáng điệu thanh tú, chẳng có gì là lam lũ, ông sai dừng cáng, bảo người lính hầu gọi cô gái tới và hỏi:

- Cô tên là gì, con cái nhà ai, tại sao lại làm nghề này?

Cô gái đáp:

- Thiếp tên là Nguyễn Thị Lộ, vì bố mẹ đã mất cả không biết nương tựa vào ai, nên đi ở với một người dệt chiếu.

- Làm sao lại biết chữ?

- Hồi còn nhỏ, cha mẹ thiếp có cho theo đòi bút nghiên.

- Nếu vậy thì ta có bài thơ này, thử họa lại xem:

Ả ở đâu, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa? Được mấy con?

Cô gái nghe xong liền đọc bài thơ sau:

Tôi ở Tây-hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn.
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, có chi con.

Nguyễn Trãi tấm tắc khen:

- Chao ôi! Tài này thì nàng Ban, ả Tạ dễ không sánh kịp! Ta đang cần một người hầu bút nghiên, chẳng hay nàng có muốn bỏ nghề bán chiếu, về ở với ta trong phủ không?

Thị Lộ vừa là một người vợ, vừa là một người bạn văn chương. Sắc đẹp của nàng làm cho cả phủ nổi ghen (Bản vẽ: Kanzhongguo)

Biết là mưu đã sắp thành, cô gái gật đầu. Sau lần đi dạo chợ ấy, Nguyễn Trãi đưa Thị Lộ về làm hầu gái. Càng ngày ông càng yêu vì nết, trọng vì tài. Với ông, Thị Lộ vừa là một người vợ, vừa là một người bạn văn chương. Sắc đẹp của nàng làm cho cả phủ nổi ghen. Nhưng nàng lại rất khôn ngoan, biết lấy lòng tất cả mọi người. Đối với Nguyễn Trãi thì hết sức chiều chuộng, lại giúp ông thảo các giấy tờ việc quan rất trôi chảy, nên ông rất yêu mến.

Tiếng đồn về người hầu gái của Nguyễn Trãi chẳng mấy chốc vang đi khắp nơi. Thời điểm ấy, nhà vua đang cần một người hầu giảng sách, nghe tiếng Thị Lộ tài sắc hơn đời, vua bèn buộc Nguyễn Trãi dâng luôn cho mình. Thị Lộ có dịp trổ tài và biết cách lấy lòng ông vua trẻ. Càng ngày vua càng yêu mến không rời, phong cho làm Lễ nghi học sĩ.

Một hôm, mẹ vua bị bệnh đau mắt rất nặng, Thái y viện không có cách gì chữa khỏi. Nghe tin này, Thị Lộ bèn tâu vua:

- Thiếp ngày xưa, ngoài việc học chữ còn võ vẽ đôi chút về nghề y. Nếu được phép bệ hạ, thiếp xin thử chữa cho hoàng thái hậu xem sao.

Vua không ngờ nữ học sĩ lại lắm tài nghề, bèn y cho. Thị Lộ đến nơi, chỉ dùng lưỡi mình liếm vào con mắt của mẹ vua, tự nhiên bệnh đau mắt của mẹ vua khỏi hẳn, không cần tra thuốc men gì. Sau việc ấy vua lại càng yêu mến và tin cậy.

Trong một lần vua Thái Tông ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, khi sắp về triều thì truyền chỉ thị cho Thị Lộ đi cùng về với Vua. Thị Lộ tuân lệnh cùng khởi hành, đi tới Lệ Chi Viên thì trời đã tối. Vua truyền xe dừng lại, vào vườn Lệ Chi để nghỉ qua đêm. Tại đó Vua cho bày tiệc rượu cùng với Thị Lộ đối ẩm và họa xướng thơ văn.

Thấy thời cơ trả thù Nguyễn Trãi đã chín muồi, Thị Lộ kín đáo nhỏ một nọc độc vào trong rượu, vua Thái Tông uống vào thì đêm đó đột tử. Triều đình lập tức bắt giam Thị Lộ và bắt giam luôn cả họ nhà Nguyễn Trãi để xét xử. Chẳng mấy chốc mà cái án giết vua đã thành.

Khi Thị Lộ sắp bị trảm quyết, thì nàng nói rằng do thân thể mang tiếng không trong sạch nên xin phép được chết trôi sông. Người xử án y theo lời xin, cho Thị Lộ vào lồng rồi sai lính đem dìm xuống sông. Khi chìm hẳn xuống nước, rắn trút bỏ thân người lập tức trở lại nguyên hình rồi ẩn dưới sông. Đến lúc lính kéo lồng nhốt Thị Lộ lên thì không có gì trong đó cả, thân xác đã mất tích nhưng lồng không hề mở.

Về gia tộc Nguyễn Trãi, theo lệnh triều đình, bà con thân thích của ông bất kể nam nữ già trẻ, tất cả đều bị xử chém. Ngoài sự chứng kiến của người dân thì từ xa vẫn có một đôi mắt dõi theo, đó là rắn tinh. Sau khi khai mở ký ức nó biết được con cháu của Nguyễn Trãi đa phần là các học trò ở kiếp trước. Nếu chỉ độc chết Nguyễn Trãi thì chưa hết mối thù phá nơi ở, đánh bị thương và hại chết ba con của nó. Giờ tất cả đã xong, nó lặng lẽ rời đi.

Sự việc vua Lê Thánh Tông Băng Hà, Nguyễn Trãi và dòng họ hoàn toàn không hay biết gì; bỗng dưng thấy họa rơi trên đầu, tam tộc bị tru di; nỗi oan khuất ấy 22 năm sau mới được giải oan. Nếu đứng ở góc độ tâm linh thì mới thấy rõ được nhân quả, mặc dù đời này là bị oan nhưng cũng không phải vô duyên vô cớ bị oan. Đời trước tích ác nghiệp, đời sau phải hoàn trả nghiệp.

Khi con người tin theo thuyết vô thần, thì không lý giải được câu chuyện người xưa truyền lại, cho rằng tầng lớp nho sĩ xưa kia bày đặt ra nhằm huyền thoại hóa tấm thảm kịch của Nguyễn Trãi. Cho rằng câu chuyện này là hoang đường, đi xuyên tạc một nhân vật xinh đẹp, tài hoa như Thị Lộ. Nhưng họ có biết rằng nho sĩ xưa kia học là về kinh sách thánh hiền, học làm người chính trực, quân tử, đại trượng phu, cho nên một câu chuyện phổ biến mà lại lưu truyền rộng rãi như vậy tất phải có những yếu tố chính đáng.

Con người cảm thấy trăm năm là rất dài, sống được vậy là rất thọ rồi. Ở trên cao, những vị thần bất tử nhìn xuống thì thấy rằng, trăm năm qua đi chỉ như hôm trước và hôm sau. Ngày hôm trước người này vừa sát sinh tạo ra ác nghiệp, ngày hôm sau nói rằng tôi đâu có nhớ gì tới kiếp trước, sao tôi phải khổ cực để hoàn trả ác nghiệp mà tôi không hề biết? Chính vì khi chuyển sinh đã bị xóa đi kí ức nên không thấy được nhân quả luân hồi.

Vụ án Lệ Chi viên đã đi vào lịch sử như một vụ án oan nổi tiếng nhất, cũng lưu lại bài học quý giá cho hậu thế. Chúng ta không tán thành cách trả thù của con rắn, bởi nó gây ra như vậy thì đến kiếp sau nó lại sẽ phải hoàn trả hết thảy ác nghiệp này. Mà câu chuyện lưu truyền cho thấy vụ án đó mặc dù là oan, nhưng nó có nguyên nhân dẫn khởi, đều có nhân quả trong đó. Câu chuyện Rắn báo oán được lưu truyền trong dân gian và được Nguyễn Đổng Chi thu thập đưa vào "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" .

Vân Hải

1 nhận xét:

  1. Tac gia bai viet ---mot dlv cua chua Ba vang ,dang mi dan---ia vao mom may .

    Trả lờiXóa