Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

Thư phản đối trạm BOT Bẩn Bắc Thăng Long - Nội Bài

Thư phản đối trạm BOT Bẩn Bắc Thăng Long - Nội Bài
Chuyên đề kỷ niệm 2 năm sự kiện phản đối trạm BOT Bẩn Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) ngày 11-5-2019. Dưới đây là thư của đại diện anh chị em lái xe và những người phản đối trạm BOT Bẩn Bắc Thăng Long - Nội Bài gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tp Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc... ngày 21/01/2019 đề nghị dỡ bỏ trạm BOT BTL-NB, chuyển về đặt đúng vị trí của nó tại đường tránh TP Vĩnh Yên để giải tỏa các bức xúc kéo dài của người dân.
Không có mô tả ảnh.
Đáng buồn là các cơ quan có thẩm quyền luôn tự vỗ ngực khoe khoang là của dân, do dân và vì dân, nhưng không hề quan tâm, giải đáp những khiếu nại và đề nghị chính đáng trong thư. Ngược lại đã mạnh mẽ dùng lực lượng vũ trang xử lý người dân. Đến nay trạm BOT Bẩn Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn sừng sững chắn ngang đường cao tốc nối sân bay quốc tế Nội Bài với Thủ đô và vẫn từng giờ, từng phút miệt mài hút máu người dân qua lại.
Xin trân trọng đăng lại thư này nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày 11-5-2019.
------------------------------ 

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

––––––––––––––––

Hà Nội, ngày 22 tháng 01  năm 2019

 

ĐƠN KHIẾU NẠI

VỀ VIỆC DỠ BỎ TRẠM BOT BẮC THĂNG LONG – NỘI BÀI ĐẶT SAI VỊ TRÍ VÀ THANH TRA TOÀN DIỆN DỰ ÁN BOT ĐƯỜNG TRÁNH TP. VĨNH YÊN, TỈNH VĨNH PHÚC, DO CÔNG TY CỔ PHẦN BOT VIETTRACIMEX 8 LÀM CHỦ ĐẦU TƯ

 

Kính gửi:

 - Ông Nguyễn Phú Trọng,Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương

Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

 - Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ

   - Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội

Đồng kính gửi:

- Ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

- ÔngNguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND tp Hà Nội,

- Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND tp Hà Nội,

- Ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

- Ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Vietracimex 8

Kính thưa ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước và các Ông/Bà:

Tôi tên là :                                             Sinh ngày :

Địa chỉ     :

Số điện thoại:

 

Trước tiên, chúng tôi xin mạnh dạn thay mặt một số đông các anh chị em của cộng đồng hàng chục nghìn thành viên của các hội nhóm “Phản Đối Trạm Thu Phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài” và hàng nghìn lái xe đang ngày đêm qua lại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (gọi tắt là BOT BTL-NB) gửi đến ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước và các Ông/Bà những lời chào và xin kính chúc ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước và các Ông/Bà luôn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc,tiếp tục lãnh đạo Đảng và Nhà nước đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn những việc làm vì nước vì dân của các Ông/Bà luôn luôn được người Việt Nam trong và ngoài nước ghi nhận trân trọng và ủng hộ.

Tôi gửi đơn này tới các Ông/Bàtheo đề nghị của rất nhiều anh chị em của cộng đồng “Phản Đối BOT BTL-NB” và các lái xe. Bản thân tôi trong hơn một tháng qua (từ ngày 18/12/2018 đến nay) đã nhiều lần trực tiếp có mặt trạm BOT BTL-NB để thông báo cho các lái xe qua lại biết trạm này đặt sai vị trí, lái xe có quyền không phải trả phí. Đại diện của các anh chị em cũng đã làm việc với Tổng cục đường bộ để phản đối trạm BOT đặt sai vị trí này. Rất nhiều cơ quan ngôn luận và báo chí cũng đã thông tin công khai về các sai phạm của nó. Đặc biệt, từ ngày 18/12/2018 đến nay, người dân và các lái xe đã có mặt thường trực tại đó để hướng dẫn lái xe không phải trả phí; đồng thời Chủ trạm (Công ty cổ phần BOT Viettracimex 8) đã hạ barie chắn, cho phép xe lưu thông qua lại tự do. Mặc dù vậy, Chủ trạm vẫn bố trí nhân viên thường trực trong các cabin thu phí để giật tiền của những lái xe chưa nắm được thông tin, vô tình cầm tiền sẵn trên tay và giơ về phía nhân viên Viettracimex 8 khi đi ngang qua trạm. Điều này buộc người dân và anh chị em chúng tôi vẫn phải ngày đêm có mặt ở trạm để thông tin cho lái xe, vừa làm mất thời gian và tốn công sức, vừa gây bức xúc cho dư luận xã hội. Điều đáng ngạc nhiên là trong khi người dân và doanh nghiệp Chủ trạm liên tục đấu tranh trong hơn một tháng qua, người dân mệt mỏi và Chủ trạm không thu được phí, thì các cấp chính quyền liên quan có trách nhiệm đứng ra hòa giải, nhất là Bộ giao thông vận tải (GTVT) và UBND tp Hà Nội, vẫn thản nhiên coi như không có chuyện gì xảy ra, mặc kệ cho hai bên đấu nhau và người qua lại trạm, trong đó có không ít người nước ngoài, rất ngạc nhiên khi phải chứng kiến.

Chắc các Ông/Bà đều biết, trạm BOT BTL-NB được lập để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh tp Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) từ năm 2009. Tuy nhiên, trạm này lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt (Hà Nội), cách đường tránh khoảng 42km. Vì thế, các xe dù không đi đường tránh Vĩnh Yên nhưng qua trạm này vẫn phải trả phí hoàn vốn cho đường tránh. Hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Viettracimex 8, có giá trị hợp đồng khoảng 530 tỷ đồng. Dự án được thu phí trong 16 năm 10 tháng; đến nay, nhà đầu tư đã thu được khoảng 10 năm (2009-2018), tức là thời gian thu còn rất dài.

Tôi phải khẳng định với các Ông/Bàrằng BOT BTL – NB là trạm thu phí bất hợp lý vào loại nhất cả nước vì “làm đường một nơi, thu phí một nẻo”. Đường Võ Văn Kiệt được làm bằng vốn ngân sách và người dân đã phải trả phí khi đi qua nó được 25 năm rồi (1993-2018), quá lâu và quá vô lý rồi. Khốn nạn nhất là sự vô lý đó lại nằm ngay cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, nơi nhiều khách quốc tế thường xuyên qua lại. Dư luận cả nước đang rất bức xúc, đang chăm chú quan sát cách ứng xử của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) như thế nào, nhất là khi Bộ GTVT và UBND Tp. Hà Nội đã nhiều lần đề nghị Chính phủ cho phép di dời trạm thu phí này. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn hoàn toàn im lặng. Vì người cho phép Viettracimex 8 thu phí ở đây là Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên chỉ ông Tổng bí thư với tư cách là Chủ tịch nước và ông Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là Thủ tướng Chính phủ mới đủ thẩm quyền xóa bỏ trạm BOT được dư luận gọi là BOT bẩn này. Chính vì vậy mà tôi gửi các Ông/Bà bức thư này, qua đó hy vọng các Ông/Bà hiểu được những bất hợp lý của BOT BTL-NB, những bức xúc của dư luậnvà đề nghị các Ông/Bà trực tiếp có ý kiến chỉ đạo, can thiệp với Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nhanh chóng dẹp bỏ trạm BOT nêu trên.

Những kiến nghị chính của người dân và lái xe đề nghị ông Tổng bí thư - Chủ tịch nước, ông Thủ tướng Chính phủ, bà Chủ tịch Quốc hội và các Ông/Bà giúp đỡ giải quyết là:

(i) Yêu cầu Thủ tướng Chính phủ ra ngay thông báo dỡ bỏ trạm BOT BTL-NB, chuyển về đặt đúng vị trí của nó tại đường tránh TP Vĩnh Yên để giải tỏa các bức xúc kéo dài của người dân;

(ii) Yêu cầu Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng tổ chức thanh tra toàn diện, kiểm toán khách quan, công khai tình hình thu phí tại trạm BOT BTL-NB. Nếu Viettracimex 8 đã thu đủ tiền hoàn vốn đường tránh thì phải vừa dỡ bỏ trạm BOT BTL-NB, vừa dỡ bỏ trạm BOT tại đường tránh Vĩnh Yên;

(iii) Yêu cầu Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng tổ chức thanh tra toàn diện, khách quan và công khai dự án BOT đường tránh TP Vĩnh Yên, nhất là tình hình thu chi tài chính và tình hình thực hiện bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa công trình theo Hợp đồng dự án, bảo đảm công trình vận hành đúng thiết kế.

Dưới đây chúng tôi xin giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan tới ba kiến nghị trên.

I- QUYẾT ĐỊNH CHO PHÉP THU PHÍ TẠI BOT BTL-NB ĐỂ HOÀN VỐN CHO DỰ ÁN ĐƯỜNG TRÁNH TP VĨNH YÊN VỪA TRÁI VỚI LÒNG DÂN, VỪA VI PHẠM PHÁP LUẬT

1) Một quyết định trái với lòng dân

Đường Võ Văn Kiệt là một trong những tuyến đường giao thông lớn và quan trọng bậc nhất của thủ đô Hà Nội. Đây là tuyến đường được xây hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nên theo lý thuyết kinh tế và thực tiễn khắp nơi trên thế giới, phải là đường không thu phí. Mặt khác, nó cũng là một phần của đường vành đai 3, tức là tuyến đường phục vụ nội đô Hà Nội như mọi con đường miễn phí khác đang được người dân thủ đô sử dụng. Vậy mà từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, người dân qua lại đường này đều phải trả phí, rất trái với lòng dân.

Chưa hết, từ khi Viettracimex 8 manh nha có dự án BOT làm đường tránh Vĩnh Yên, trong khi đường tránh chưa làm (đến năm 2011 mới xong), tại công văn số 5324/VPCP-KTN ngày 05/8/2009 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến “cho phép chuyển giao nguyên trạng Trạm thu phí BTL-NB cho Công ty cổ phần BOT Viettracimex 8 thu phí từ ngày 01/8/2009 để hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc”. Như vậy, đường được xây dựng và bảo trì bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhưng lại đặt trạm BOT để thu tiền cho một Công ty cổ phần; đây là điều cực kỳ vô lý. Chính từ sự vô lý này mà không ai quan tâm bỏ tiền bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa công trình, dẫn tới chất lượng con đường rất kém, bị người dân và khách quốc tế thường xuyên phê phán. 

Không chỉ dư luận hết sức bất bình vì ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ GTVT và UBND tp Hà Nội cũng không đồng tình nên trong các năm 2013 và 2014 đã nhất trí kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dỡ bỏ trạm BOT BTL-NB. Tuy nhiên, ngày 8/10/2014, tại công văn số 7909/VPCP-KTN, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao “Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh tp Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, theo hợp đồng BOT đã lý với Nhà đầu tư, đồng thời có phương án hỗ trợ tp Hà Nội kinh phí quản lý, bảo trì tuyến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài từ Quỹ bảo trì đường bộ trung ương”. Rõ ràng đây là một gáo nước lạnh dội thẳng vào nguyện vọng chính đáng của người dân và vào lãnh đạo Bộ GTVT và UBND tp Hà Nội.

Người dân cũng hết sức bức xúc vì đường Võ Văn Kiệt là bộ mặt quốc tế của thủ đô và cả nước. Nó nối liền thủ đô, trung tâm chính trị của cả nước, với Sân bay Nội Bài. Trong suốt 25 năm qua, hàng triệu khách quốc tế đã phải đi qua tuyến đường này, và chắc chắn họ luôn tự hỏi một con đường nhỏ bé, bẩn thỉu, lồi lõm,... được xây bằng vốn ngân sách nhà nước nhưng tại sao khi đi qua đều phải dừng lại trả phí. Chẳng lẽ Chính phủ không biết những nguyên lý cơ bản của tài chính công ? Chẳng lẽ Chính phủ nghèo đến mức phải tận thu từng đồng tiền lẻ của mỗi xe qua lại(10 nghìn đồng) khi thu tiền ở tuyến đường quốc tế này ? Chẳng lẽ Chính phủ không biết thời gian mất đi khi dừng lại trả phí còn giá trị hơn cả số tiền phí phải trả ? Đây là những điều tôi đọc được trong mắt họ hoặc bị họ chất vấn khi trực tiếp hướng dẫn họ không phải trả phí trong hơn một tháng qua.

Trong một công văn của UBND tp Hà Nội gửi Bộ GTVT cũng nêu rõ: “Đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạnh nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - hình ảnh của đất nước. Du khách quốc tế vừa đến Việt Nam đã phải trải qua nhiều lần thu phí là hình ảnh không đẹp. Hơn nữa, trạm thu phí cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường”.

Vì những lý do trên, tôi cho rằng quyết định cho phép thu phí tại BOT BTL-NB vừa trái với lô gíc quản lý tài chính công trong kinh tế thị trường,vừa hoàn toàn trái với lòng dân.

2) Trạm BOT BTL-NB đặt sai vị trí, vi phạm pháp luật

Quyết định cho phép thu phí tại BOT BTL-NB để hoàn vốn cho dự án đường tránh tp Vĩnh Yên không chỉ trái với lòng dân mà còn vi phạm pháp luật.

Đến nay văn bản pháp luật cao nhất để điều chỉnh các dự án BOT là Nghị định. Điều 2, khoản 1 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh - chuyển giao quy định “Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là Hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà Đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, Nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam”. Tương tự, Điều 3, khoản 3 Nghị định số: 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định rõ "Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Như vậy, pháp luật quy định nhà đầu tư xây dựng công trình giao thông nào thì chỉ có quyền kinh doanh tại chính công trình đó. Vậy mà ngày 8/10/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn quyết định cho phép Viettracimex 8 tiếp tục thu phí tại BOT BTL-NB để hoàn vốn cho dự án đường tránh tp Vĩnh Yên, bất chấp việc các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận nhân dân và chính các cơ quan nhà nước như Bộ GTVT và UBND tp Hà Nội đều không đồng tình. Rõ ràng căn cứ các Nghị định trên, quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Chúng tôi được biết từ năm 2010 đến nay, TP Hà Nội đã hơn 10 lần đề nghị Bộ GTVT có phương án dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.  Trong các năm 2016 -2017, Bộ GTVT đã thống nhất di dời trạm này ra khỏi địa bàn Hà Nội bằng việc chuyển lên tuyến QL2 (Vĩnh Phúc); đặc biệt Bộ GTVT hai lần có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép di chuyển trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài nhưng đều không được đồng ý. Gần đây nhất, tháng 6/2018, UBND tp Hà Nội đã có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị Bộ này tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải tỏa trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Theo lý giải của UBND tp Hà Nội, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài không phải là trạm thu phí dịch vụ hoàn vốn của đường Võ Văn Kiệt, mà là hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Người dân không sử dụng tuyến đường tránh, đặc biệt là khách du lịch đi sân bay Nội Bài và nhân dân huyện Sóc Sơn, vẫn phải nộp tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là điều hoàn toàn vô lý.

3) Trạm BOT BTL-NB nằm trên đường độc đạo buộc người dân phải trả phí

Đường Võ Văn Kiệt bản chất là đường ngân sách, nhưng bằng một quyết định trái pháp luật của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng năm 2014, nó bị biến thành đường BOT. Cũng như nhiều dự án BOT khác, BOT BTL-NB được nằm trên nút giao thông nối các tuyến đường huyết mạch, cụ thể nối đường ra sân bay quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, quốc lộ 2A và quốc lộ 18 nối với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên... Đây rõ ràng là đường độc đạo vì khoảng cách từ nó tới đường Võ Nguyên Giáp rất xa; không ai điên rồi đi vòng qua đường Võ Nguyên Giáp cả. Do đó, người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận qua trạm BOT BTL-BN và phải trả phí.

Như vậy, quyết định cho phép thu phí tại BOT BTL-NB là hình thức cưỡng bứcngười dân qua đường độc đạo phải trả phí, gây bức xúc, phản đối kéo dài hàng chục năm qua. Người dân đã đóng thuế cho nhà nước; nhà nước có nghĩa vụ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân. Đối với những tuyến đường độc đạo nhất định phải xây dựng bằng tiền thuế của người dân và phải được duy tu, bảo dưỡng dựa trên tiền phí bảo trì đường bộ của người dân chứ không thể dùng hình thức BOT. Thế nhưng đường Võ Văn Kiệt vừa là đường độc đạo, vừa là đường ngân sách, lại bị biến thành đường BOT, hết sức phi lý. Khi biến đường Võ Văn Kiệt thành đường BOT, thực chất nhà nước đã cố tình tước đoạt quyền sử dụng con đường này của người dân, con đường do chính họ nộp thuế để xây dựng.

4) Kiến nghị cụ thể

Căn cứ vào các phân tích trên, chúng tôi khẩn thiết đề nghị ông Tổng bí thư - Chủ tịch nước, ông Thủ tướng Chính phủ, bà Chủ tịch Quốc hội và các Ông/Bà:

(i) Yêu cầu Thủ tướng Chính phủ ra thông báo dỡ bỏ trạm BOT BTL-NB, chuyển về đặt đúng vị trí của nó tại đường tránh tp Vĩnh Yên nếu nhà đầu tư đường tránh chưa thu hồi đủ tiền vốn;

(ii) Yêu cầu Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng tổ chức thanh tra, kiểm điểm các cá nhân, tổ chức đã tư vấn, trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban hành một quyết định hoàn toàn trái với quy định của pháp luật nêu trên.

II- THANH TRA TOÀN DIỆN TÌNH HÌNH THU PHÍ TẠI TRẠM BOT BTL-NB CỦA VIETRACIMEX 8

1) Thực trạng thu phí khủng tại các dự án BOT

Theo phản ánh của dư luận, mặc dù BOT là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước song do cách quản lý không phù hợp, nên hiệu quả xã hội của các dự án BOT ở nước ta rất thấp. Theo báo cáo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực chất 100% dự án BOT thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng là chỉ định thầu. Ngoài những dự án chỉ định thầu trực tiếp, còn có những dự án chỉ định thầu với lý do "chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia”. Do chỉ định thầu nên nhà đầu tư không được lựa chọn minh bạch, không đảm bảo năng lực, không có kinh nghiệm; chi phí đầu tư được đẩy lên quá cao; thời gian thu hồi vốn quá dài. Chính vì vậy mà đa số các dự án BOT đang có lợi nhuận rất cao, khiến dư luận rất bức xúc, xem BOT như là một công cụ bóc lột người dân rất hiệu quả của các nhóm lợi ích. Các đồng nghiệp của tôi tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như tại nhiều cơ quan trung ương khác cũng chia sẻ với tôi về thực trạng đau xót này.

Rõ ràng ở đây có dấu hỏi to tướng về lợi ích nhóm đối với các dự án BOT mà lò lửa chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước phải tính đến.

Theo tìm hiểu của phóng viên trang VietnamFinance, có 3 dự án BOT đặt trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án đó là BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), Tào Xuyên (Thanh Hóa) và Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội). Trong nhóm này trạm BOT Tào Xuyên đã bị Bộ GTVT “xoá sổ” từ tháng 8/2017 vì nhà đầu tư đã quá lãi. Cụ thể, hợp đồng dự án tuyến tránh tp Thanh Hoá có tổng mức đầu 822 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn ký kết lên tới 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/7/2017, tức là chỉ sau hơn 7 năm thu phí, trạm Tào Xuyên đủ tiền hoàn vốn thay vì 27 năm theo hợp đồng. Bộ GTVT khẳng định nhà đầu tư đã quá lãi. Điều đó cho thấy, rõ ràng các thoả thuận trong hợp đồng kinh tế đã vô cùng có lợi cho nhà đầu tư, đồng nghĩa với người dân và đất nước vô cùng bị thiệt hại.

Tương tự, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết "thông thường số tiền phí BOT thu được trên tuyến cao tốc này là khoảng 2 tỷ đồng/ngày. Vào dịp Tết, doanh thu mỗi ngày lên tới 2,5 tỷ đồng". Chính vì lợi nhuận rất cao nên Công ty đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất miễn phí vé qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2019 để cảm ơn người dân đã sử dụng đường cao tốc suốt một năm qua, chấp nhận 'thất thu' khoảng 7,5 tỷ đồng  miễn thu phí 3 ngày Tết.

2) Thực trạng thu phí khủng tại trạm BOT BTL-NB

Dư luận đông đảo lái xe cho rằng trạm BOT BTL-NB so với các trạm BOT khác cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. BOT BTL-NB là một điểm móc túi dân khủng khiếp của Công ty Vietracimex 8. Trong bài “'Cái gai' trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long -Nội Bài và 'tai tiếng' Vietracimex 8” đăng trên trang Vietnam Finace ngày 05/11/2018, tác giả Đinh Tịnh cho biết: Hiện mức thu tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài từ 10.000 - 80.000 đồng/lượt, tùy từng loại xe. Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam do Vietracimex 8 cung cấp, tháng 7/2016, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thu được hơn 4,9 tỷ đồng; tháng 8 thu hơn 5,5 tỷ đồng và tháng 9/2016 thu xấp xỉ 6 tỷ đồng. Căn cứ trên số liệu đó có thể tính bình quân mỗi tháng trạm này thu về khoảng 5,4 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu đạt 64 tỷ đồng. Hết 12 năm 10 tháng thu phí hoàn vốn, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài có thể đạt hơn 800 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư ban đầu của DN chỉ hơn 530 tỷ đồng (đó là chưa kể lưu lượng xe tăng nhanh trong thời gian qua). Lợi nhuận ngay trong kỳ thu hoàn vốn đã lên đến hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đến thời gian 4 năm DN được thu phí tạo lợi nhuận có thể kiếm thêm khoảng 250 tỷ đồng nữa. Do đó tác giả kết luận: Các chuyên gia đánh giá, trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài là "con gà đẻ trứng vàng", giúp nhà đầu tư lãi ròng gấp nhiều lần khoản vốn bỏ ra ban đầu.

Chỉ với những số liệu công khai trên báo chí và do chính chủ đầu tư cung cấp nêu trên đã cho thấy nghi ngờ của người dân và đông đảo lái xe về việc Vietracimex 8 “móc tiền” từ túi dân là đúng.Trong những ngày trực trạm vừa qua, nhiều lái xe đã thử đếm số lượt xe qua lại, nhân với số phí với nộp, rồi ước lượng doanh thu hàng ngày của Vietracimex 8 thì không phải bình quân mỗi tháng trạm này thu về khoảng 5,4 tỷ đồng mà tới 10-12 tỷ đồng, tức là chỉ cần thu trong 5 năm là đủ hoàn vốn trong khi dự án đã thu được 10 năm. Đó là chưa kể 3 năm trước, khi đường Võ Nguyên Giáp chưa đưa vào hoạt động, tất cả các phương tiện giao thông ra sân bay Nội Bài đều phải chui qua trạm BOT bẩn này thì doanh thu của Vietracimex khủng khiếp tới mức nào.

Tại sao trạm BOT BTL-NB đã thu lời khủng khiếp như thế, lợi nhuận ngay trong kỳ thu hoàn vốn đã lên đến hàng trăm tỷ đồng như thế, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm duy trì trạm BOT này ? Điều này chắc chắn chỉ có “các quan Chính phủ” và “các ôngchủ Vietracimex” biết với nhau, trong khi người dân không hề được biết. Mọi thông tin về dự án, nhất là tài chính dự án, được coi là bí mật, mặc dù Đảng và Quốc hội luôn luôn yêu cầu phải công khai, minh bạch.

3) Trách nhiệm của các Bộ liên quan và UBND tp Hà Nội

Trước thực trạng các dự án BOT, trong đó có dự án BOT BTL-NB, thu phí khủng và đặt sai vị trí như trên, người dân, nhất là các lái xe rất bức xúc yêu cầu phải xử lý trách nhiệm của các Bộ liên quan và UBND tp Hà Nội. Không thể chấp nhận tình trạng buông lỏng cho các quan chức lãnh đạo ký các hợp đồng BOT phi lý chỉ mang lại lợi ích cho chủ đầu tư, bỏ mặc lợi ích của nhà nước và người dân như trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt, khi người dân phản đối nhà đầu tư, không chấp nhận trả phí do vị trí đặt trạm thu phí sai, dẫn tới việc người dân không sử dụng dịch vụ mà vẫn phải trả phí như trường hợp BOT BTL-NB hiện nay, các cơ quan thẩm quyền nhà nước phải đứng ra giải quyết. Đây không chỉ là bức xúc đối với chủ đầu tư (Vietracimex 8) mà còn là bức xúc về quan hệ giữa nhà nước với người dân, bức xúc trong quản lý của nhà nước dẫn tới những bức xúc về cung cách thực hiện chính sách của Đảng.

Thực tế trong hơn một tháng cùng với các lái xecăng băng rôn và phát loa phản đối Vietracimex 8 tại BOT BTL-NB (từ ngày 18/12/2018 đến thời điểm hiện nay), chúng tôi hoàn toàn không nhìn thấy bóng dáng của một cơ quan hay công chức nhà nước nào đứng ra bảo vệ lợi ích của người dân mà chỉ thấy người ta bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Đặc biệt, Bộ GTVT và UBND tp Hà Nội còn dỡ lều bạt của người dân và lắp đặt thêm các biển cấm đỗ cách trạm BOT khá xa nhằm ngăn chặn lái xe đỗ xe tại đó để vào trạm phản đối. Rõ ràng cũng như tại nhiều trạm BOT khác, điển hình là Cai Lậy, chính quyền luôn luôn đứng về phía chủ đầu tư, trong khi nhiệm vụ của chính quyền là phải giám sát, điều phối, hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, nhà nước và người dân.

Theo quy định của pháp luật, nhất là Bộ luật dân sự, các cơ quan nhà nước có vai trò hòa giải khi các bên dân sự có tranh chấp. Nếu lãnh đạo Vietracimex 8 chấp nhận đối thoại với người dân, tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận đi đến thống nhất phương án giải quyết bất đồng giữa hai bên và tự nguyện thực hiện phương án thỏa thuận thì chúng tôi không cần đến vai trò hòa giải của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo Vietracimex 8 vẫn kiên quyết không chấp nhận đối thoại với người dân, trong khi người dân đã kêu gọi sự can thiệp của các cơ quan nhà nước, nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ, bàng quan của các cơ quan này.

Trách nhiệm của các Bộ, ngành được quy định rất rõ trong Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 69,có thể thấy Bộ GTVTđã không hoàn thành đúng chức năng, nhiệm vụ“Thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý”; tương tự, theo Điều 70. UBND tp Hà Nội thiếu trách nhiệm khi thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn, đều với lý do khi xảy ra tranh chấp, bất đồng kéo dài giữa người dân và chủ trạm BOT BTL-NB, Bộ GTVT và UBND tp Hà Nội đã không có bất cứ hành động nào để giải quyết tranh chấp, bất đồng; thậm chí còn có những hành động đổ thêm dầu vào lửa.

Điều 64 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ KH&ĐT là “Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giám sát, kiểm tra, thanh tra và tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện dự án trên phạm vi cả nước”.Rõ ràng Bộ KH&ĐT đã không thực hiện trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra và tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện dự án BOT BTL-NB trong thời gian qua, cũng như không giám sát để phát hiện, phối hợp với Bộ GTVT và UBND tp Hà Nội giải tỏa căng thẳng đang diễn ra hàng ngày tại BOT BTL-NB hiện nay.

Tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt bất cập của các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, từ đó yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải “triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm". "Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu". Hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và vận hành khai thác đối với các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nhằm bảo đảm minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong quản lý các dự án”...

Người dân hết sức hoan nghênh Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 vì nó đánh thẳng vào những vấn đề họ đang bức xúc như kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm; không áp dụng BOT đối với các tuyến đường cũ và các tuyến đường độc đạo hiện hữu; xem xét lại vị trí đặt trạm để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng... Tất cả đều có thể và cần phải được áp dụng cho trường hợp đường Võ Văn Kiệt.

 

4) Kiến nghị cụ thể

Căn cứ vào các phân tích trên, chúng tôi khẩn thiết đề nghị ông Tổng bí thư - Chủ tịch nước, ông Thủ tướng Chính phủ, bà Chủ tịch Quốc hội và các Ông/Bà:

(i) Yêu cầu Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng tổ chức thanh tra toàn diện, kiểm toán khách quan, niêm yết công khai tình hình thu phí tại BOT BTL-NB. Nếu Viettracimex 8 đã thu đủ tiền hoàn vốn đường tránh Vĩnh Yên thì phải vừa dỡ bỏ trạm BOT BTL-NB, vừa dỡ bỏ trạm BOT tại đường tránh;

(ii) Kiểm tra, làm rõ thái độ thiếu trách nhiệm của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và UBND tp Hà Nội, nhất là các các Ông/Bà lãnh đạo các đơn vị này, khi không quan tâm giải quyết tranh chấp, bất đồng kéo dài giữa người dân và chủ trạm BOT BTL-NB, làm cho bất đồng, căng thẳng ngày càng tăng, có nguy cơ dẫn tới bất ổn xã hội ngay trong dịp Tết cổ truyền sắp tới của dân tộc.

III.THANH TRA TOÀN DIỆN TÌNH HÌNH DỰ ÁN ĐƯỜNG TRÁNH TP VĨNH YÊN

1) Thanh tra quá trình lập, phê duyệt, thi công dự án

Dự án đoạn tránh tp Vĩnh Yên trên tuyến quốc lộ 2 do Công ty cổ phần Vietracimex 8 làm chủ đầu tư có quy mô đường cấp III đồng bằng, dài hơn 10,5 km, rộng 23 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, thu phí hoàn vốn tại trạm BOT BTL-NB. Do được chỉ định thầu và thời gian thu hồi vốn quá lâu chứng tỏ dự án không hiệu quả, chưa thực sự cần thiết nên người dân cho rằng quá trình lập, phê duyệt dự án đường tránh Vĩnh Yên có nhiều vấn đề cần thanh tra làm rõ xem liệu có xảy ra hiện tượng tham nhũng của các nhóm lợi ích ở đây.

Trước hết, theo dư luận nhân dân, khi lập, phê duyệt dự án, Bộ GTVT,UBND tỉnh Vĩnh Phúcvà Vietracimex 8đã không tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng cư dân về nhu cầu phải làm đường tránh, trong khi chính người dân sẽ phải bỏ tiền trả phí khi sử dụng tuyến đường này.Đồng thời khi quyết định cho phép Vietracimex 8 đặt trạm BOT BTL-NB để thu phí hoàn vốn cho đường tránh ở một tỉnh khác, Thủ tướng Chính phủ và UBND tp Hà Nội cũng không tổ chức lấy ý kiến rộng rãi người dân thủ đô và các địa phương xung quanh.Việc lấy ý kiến cộng đồng khi quy hoạch xây dựng là điều bắt buộc được quy định từ lâu. Vì không có thời gian tìm lại các văn bản quy phạm pháp luật trước năm 2009, thời điểm lập, phê duyệt dự án đường tránh, chúng tôi xin trích dẫn từ văn bản gần nhất là Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014.

Điều 16 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 quy định “cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở”.

Việc lấy ý kiến cư dân về quy hoạch xây dựng nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch của Đảng và Nhà nước. Do đó, ngoài việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch thì việc lấy ý kiến của người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ.

Về vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, khoản 4 Điều 34 quy định “Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi quy hoạch này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”.Ngoài ra, Điều 42 quy định đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt phải được công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng. Ngoài hình thức trên, người có thẩm quyền còn quyết định các hình thức công bố công khai quy hoạch xây dựng như trưng bày công khai, thường xuyên, liên tục các pa-nô, bản vẽ, mô hình tại nơi công cộng, tại cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã đối với quy hoạch chi tiết xây dựng; in ấn, phát hành rộng rãi bản đồ quy hoạch xây dựng, quy định về quản lý quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

Trên thực tế, người dân cho chúng tôi biết các cơ sở pháp lý nêu trên hầu như không được các cơ quan nhà nước Trung ương, các Bộ liên quan, UBND tp Hà Nội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và chủ đầu tư thực hiện hoặc chỉ thực hiện một cách hình thức để đảm bảo đúng “quy trình”. Không chỉ đối với người dân, các Hội đồng nhân dân cũng không được hỏi ý kiến.

Thứ hai, người dân rất băn khoăn với các dự án chỉ định thầu. Việc chỉ định nhà đầu tư không thông qua đấu thầu đã dẫn tới các nhà đầu tư không có năng lực cũng "trúng", thậm chí bán ngay lại cho đơn vị khác sau khi được chỉ định thầu để đút túi một khoản tiền lớn mà chẳng cần làm gì. Nhiều nhà đầu tư chỉ có lượng vốn rất ít ỏi, 85-90% là vốn vay từ ngân hàng. Dư luận cho rằng đây cũng là trường hợp của Vietracimex 8 với dự án đường tránh Vĩnh Yên.

Dư luận cũng cho rằng mức đầu tư dự án đường tránh Vĩnh Yên bị khai vọt lên sai sự thật khiến cho mức phí bị đẩy lên cao và thời gian khai thác kéo dài. Lãnh đạo Bộ GTVTgiải trình với dư luậnnhiều dự án cấp bách đến mức không chỉ định sẽ “không kịp”, nhưng dư luận không thể hiểu tại sao có đến gần như 100% công trình đều cấp bách đến mức phải chỉ định thầu. Vậy chỉ định thầu BOT vì quá cấp bách hay vì có quá nhiều "lộc" lại quả cho các quan chức ?

Thứ ba, nhiều báo chí đã đưa tin ngay trong quá trình thi công và khi mới đưa vào khai thác (đầu năm 2011), dưới đây là những đoạn trích trong một bài báo đăng trên mạng: “Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện công trình có nhiều sai sót, một số hạng mục không bảo đảm, nhiều đoạn tuyến bị xuống cấp, chất lượng kém và mất an toàn giao thông. Về mặt hồ sơ, dự phòng phí trong tổng mức đầu tư bằng 15% không phù hợp (theo quy định, dự phòng dự án bằng 10% đối với dự án thực hiện trong hai năm). Việc phân khai khối lượng để điều chỉnh giá dự toán còn thiếu khối lượng và có sự chênh lệch khi xác định giá trị trong dự toán. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được chủ đầu tư, tư vấn giám sát phê duyệt, gói thầu R6 (từ km 7 +200 đến km 9) không thể hiện đường công vụ nhưng trong hồ sơ dự toán chi phí điều chỉnh có hạng mục đường công vụ. Bản vẽ thi công các cống trên tuyến có sự chưa thống nhất; diện tích đắp đất K95 (cùng cao độ) chưa phù hợp giữa thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công. Theo thực trạng hồ sơ hoàn công lưu trữ tại đơn vị, Thanh tra Bộ phát hiện các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quá trình lưu trữ, cung cấp hồ sơ của đơn vị chưa tốt. Kết quả kiểm định, tại một số vị trí thí nghiệm, nhiều chỉ tiêu không đạt yêu cầu như độ chặt nền đường lớp đắp K95, K98, chỉ số dẻo lớp đắp K95, chiều dầy, độ chặt bê-tông nhựa,... Hợp đồng có nhiều thay đổi nhưng chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.

Tại hiện trường, còn lại một số cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) bằng bê-tông cốt thép được chôn theo các khoảng cách khác nhau. Nhiều phạm vi đã GPMB bị người dân chiếm dụng, xây nhà hoặc sử dụng mặt đường làm nơi rửa xe, gây xói lở mặt đường. Nút giao cuối tuyến còn vướng GPMB cho nên nhà thầu chưa thi công và hoàn thiện theo thiết kế được duyệt. Phần lề đất hai bên, nhiều vị trí cao hơn mặt đường, gây đọng nước cục bộ, dễ gây hư hỏng kết cấu mặt đường, nhiều vị trí lề đường bị xói lở thấp hơn mặt đường, gây mất ATGT khi các phương tiện đi sát lề đường. Dọc tuyến, một số đoạn cũng bị biến dạng, xuất hiện các vết rạn, nứt trên mặt đường bê-tông nhựa, nhiều chỗ lún theo vệt bánh xe. Các cống ngang đường bị vỡ, lún đứt mối nối, không bảo đảm khai thác, thoát nước theo thiết kế. Các cọc tiêu bằng bê-tông cốt thép lắp đặt hai bên lề đường có nhiều vị trí bị mất, có cọc bị bật lên, không có khối bê-tông bệ cọc hoặc có nhưng không bảo đảm thiết kế. Hệ thống tôn lượn sóng lắp đặt tại các đoạn nền đắp cao và ở hai bên đầu cầu có chiều cao không thống nhất, một số vị trí bị người dân tháo dỡ mở đường ngang trái phép, gây mất ATGT. Dự án thông xe kỹ thuật từ cuối năm 2010 đến nay, trên tuyến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, đặc biệt tại các nút giao cắt với các đường địa phương. Theo thống kê, trên tuyến đã xảy ra 41 vụ tai nạn, làm 10 người chết và 31 người bị thương.

Trong công tác GPMB, hồ sơ cắm mốc chỉ giới GPMB không thể hiện phạm vi đã GPMB giai đoạn trước làm cơ sở tính toán diện tích mặt bằng thu hồi bổ sung, dẫn đến kinh phí theo kế hoạch vốn đã điều chuyển hơn 9,7 tỷ đồng. Việc lựa chọn Công ty Mạnh Anh lập thiết kế và dự toán cắm cọc mốc chỉ giới cũng không rõ ràng, không xuất trình được hồ sơ liên quan. Mặc dù việc GPMB đến nay đã cơ bản hoàn thành, nhưng phần rãnh thoát nước dọc tại vị trí vuốt nối với đường 305 và nút giao cuối tuyến vẫn chưa xong, khiến đơn vị thi công không hoàn thiện được công trình. Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Xuân Hào đánh giá: "Những sai sót về thực hiện dự án thuộc trách nhiệm của Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8, Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Hafico Group, các đơn vị thi công, Ban quản lý dự án Công trình giao thông Vĩnh Phúc và Tổng cục Ðường bộ Việt Nam". Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ đã thông báo việc Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Hafico Group không thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức tư vấn giám sát để xảy ra các tồn tại về hồ sơ và chất lượng công trình. Các cục, tổng cục, các chủ đầu tư dự án có nguồn vốn do Bộ GTVT quản lý cần cân nhắc trước khi lựa chọn công ty này làm tư vấn giám sát thực hiện các dự án tiếp theo của ngành GTVT.

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Ðường bộ Việt Nam chỉ đạo nhà đầu tư và các đơn vị liên quan lưu ý rà soát toàn bộ hồ sơ hoàn công của dự án trước khi ký biên bản nghiệm thu. Ðồng thời, kiểm tra chất lượng, dự báo khả năng khai thác của công trình, kịp thời khắc phục những khiếm khuyết, những hạng mục hư hỏng, không đạt chất lượng để kịp thời khắc phục. Chủ đầu tư phải khẩn trương rà soát các sai sót trong thực hiện hợp đồng, những hạng mục hư hỏng, chưa đạt yêu cầu cần được khắc phục trong quý III năm nay để dự án được khai thác đúng thiết kế. Ngoài ra, có biện pháp bảo đảm ATGT cho người và phương tiện. Bộ cũng yêu cầu Hafico kiểm điểm trách nhiệm, cá nhân chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn giám sát trong quá trình triển khai dự án, phối hợp chủ đầu tư kiểm tra, phát hiện và có biện pháp sửa chữa hư hỏng kịp thời”. (hết trích).

2) Thanh tra quá trình khai thác, sử dụng đường tránh Vĩnh Yên

Các Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 và số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ đều quy định “Trong quá trình kinh doanh công trình, Doanh nghiệp BOT có nghĩa vụ thực hiện bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa công trình theo Hợp đồng dự án, bảo đảm công trình vận hành đúng thiết kế”. Tuy nhiên chất lượng đường rất kém, ảnh hưởng rất lớn tới việc đi lại của người dân và an toàn giao thông. Nếu xem trên mạng, không khó để thấy hàng loạt bài báo viết về tình trạng tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên chất lượng kém, mất an toàn giao thông.

Gần đây, phóng viên Quang Toàn trên trang BNEWS của TTXVN ngày 13-07-2018 đã đưa tin và ảnh chi tiết về thực trạng tuyến tránh Vĩnh Yên trong đó nêu rõ việc khai thác, bảo trì đối với tuyến tránh Vĩnh Yên còn nhiều tồn tại. Báo cáo ngày 9/7/2018 của Chi Cục Quản lý đường bộ I.8 (Cục Quản lý đường bộ I) về quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến tránh Vĩnh Yên kết luận: mặt đường nhiều vị trí rạn nứt, hệ thống thoát nước bị hư hỏng dẫn tới một số vị trí đọng nước, rác và bùn đất; một số biển báo, vị trí sơn vạch kẻ đường bị mờ... không được đơn vị bảo trì sửa chữa;tình trạng cát, bụi, đất đá xuất hiện gần như trên toàn bộ tuyến nhưng không được thu dọn.Cỏ mọc um tùm bò vào phần đường. Thiết bị phản quang, cột biển báo bị đổ nhiều ngày qua không được sửa chữa, thay thế kịp thời. Có thể kể thêm hàng loạt sai phạm khác của Vietracimex 8 trong quá trình khai thác, sử dụng đường tránh Vĩnh Yên.

Như vậy, chỉ với các thông tin công khai trên báo chí, chúng ta đã nhận thấy rõ ràng trong quá trình kinh doanh công trình, Vietracimex 8 đã không thực hiện đúng nghĩa vụ thực hiện bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa công trình theo Hợp đồng dự án, bảo đảm công trình vận hành đúng thiết kế, tức là không tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

3) Kiến nghị cụ thể

Căn cứ vào các phân tích trên, chúng tôi khẩn thiết đề nghị ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước, ông Thủ tướng Chính phủ và các Ông/Bà:

(i) Yêu cầu Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng tổ chức thanh tra toàn diện, khách quan và công khai toàn bộ quá trình lập, phê duyệt, thi công và kinh doanh dự án đường tránh Vĩnh Yên, nhất là tình hình thu chi tài chính và tình hình thực hiện bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa công trình theo Hợp đồng dự án, bảo đảm công trình vận hành đúng thiết kế. Nếu phát hiện thấy sai phạm, yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan, công bố rộng rãi cho người dân biết.

(ii) Chỉ đạo các Bộ trưởng Bộ GTVT và KH&ĐT, Chủ tịch UBND tp Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc công khai, minh bạch tất cả các hồ sơ liên quan đến dự án đường tránh Vĩnh Yên, cho phép người dân được tiếp cận thông tin dự án mỗi khi cần để người dân có thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án.

(iii) Chỉ đạo các Bộ trưởng Bộ GTVT và KH&ĐT, Chủ tịch UBND tp Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 định kỳ hàng tháng và đột xuất phải tiếp xúc đại diện người dân và các lái xe để giải quyết dứt điểm tình trạng tụ tập phản đối trạm BOT BTL-NB đặt sai vị trí.

Kính thưa ông Tổng bí thư - Chủ tịch nước, ông Thủ tướng Chính phủ, bà Chủ tịch Quốc hội và các Ông/Bà

Trên đây là một số thông tin về những bức xúc của người dân, anh chị em lái xe và tình hình căng thẳng hiện nay liên quan đến trạm BOT BTL-NB đặt sai vị trí và dự án đường tránh Vĩnh Yên. Ngoài những điểm lớn nêu trên, chúng tôi còn có nhiều vấn đề bức xúc khác nhưngvì thư đã quá dài và không muốn mất thời gian của các Ông/Bà nên tôi xin dừng ở đây.

Cả nước đang nhìn vào cách hành xử của ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước, ông Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởngBộ GTVT và các Ông/Bà liên quan đến việc di dời, xóa bỏ BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài và xử lý những sai phạm của Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8. Với niềm tin tuyệt đối vào ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước, ông Thủ tướng Chính phủ và các Ông/Bà, tôi hy vọng các Ông/Bà khi nhận được thư này, sẽ có những hành động thiết thực và hiệu quả để giúp cộng đồng hơn 7000 thành viên trang Facebook “Phản Đối Trạm Thu Phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài”, hàng nghìn lái xe đang ngày đêm qua lại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài và hàng triệu người dân Việt Nam khác có sử dụng tuyến đường này hoặc phải mua hàng hóa với giá cao hơn khi phải trả phí qua trạm này...giải tỏa được những bức xúc nêu trên.

Cuối cùng, tôi xin chân thành cám ơn sự cảm thông, thấu hiểu của các ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước, ông Thủ tướng Chính phủ và các Ông/Bà.Chúc Tổng bí thư, Chủ tịch nước, ông Thủ tướng Chính phủ, bà Chủ tịch Quốc hội và các Ông/Bà luôn luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và hoàn thành được những ước mơ và hoài bão cao cả vì nước, vì dân của mình.

Xin trân trọng cám ơn các Ông/Bà.

                                                            Người gửi thư

 

 

 

                                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét