Chính Phủ Mới & Kỳ Vọng Cũ
Tưởng Năng Tiến – Tác phẩm Cát Bụi Chân Ai của Tô Hoài có đoạn khá vui: Cha tiên nhân cái mặt này! Sao mày không đẻ ra cán bộ, chỉ đẻ ra thằng nhân dân! Cha tiên nhân... Tác giả khiến tôi nhớ đến đôi câu ca dao (nghe) không được thanh nhã lắm: Đẻ đứa con khôn, mát lồn rười rượi / Đẻ đứa con dại, thảm hại cái lồn.Thời bao cấp đã qua. Hình ảnh những cửa hàng mậu dịch phân phối thực phẩm theo tem phiếu đã đi vào quá khứ. Từ đó, đường ranh giữa khôn/dại của các bà mẹ Việt Nam xem ra rất mong manh. Đẻ ra loại con nào cũng có thể thảm hại (cái lồn) tương tự như nhau tất. Báo Tuổi Trẻ, hôm 30 tháng 3 năm 2021, rụt rè lên tiếng: “Kỳ Vọng Chính Phủ Mới Làm Cho Cán Bộ Sống Được Bằng Lương.”
Báo Vietnamnet còn cho biết thêm chi tiết: “Lương tối thiểu mới đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu tối thiểu. Và đó là mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, chớ giới công nhân thì còn tệ hơn thế nữa!”
Giới nào thì cũng thảm hại (cái lồn) cả, sự dị biệt chỉ ở mức độ (nhiều/ít) mà thôi.
Cho mãi đến hôm nay báo chí nước nhà mới dám phản ảnh chút sự thật (não nề) này, chứ dân gian thì đã ta thán tự lâu rồi :
Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng…
Sống như thế thì thảm thật và thảm lắm nên “kỳ vọng chính phủ mới làm cho cán bộ sống được bằng lương” là hoàn toàn chính đáng. Chỉ có điều đáng tiếc, theo nhận xét của nhà báo Khánh Hoà, là tuy bình mới nhưng vẫn chỉ là rượu cũ :
“Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội của Việt Nam, một chính phủ mới được thành lập với toàn người cũ của Quốc hội khóa đương nhiệm. Gọi là toàn người cũ, vì đó là dàn ‘tứ trụ’ với các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ.”
Cơ chế tất nhiên cũng thế, cũng y như cũ, cũng vẫn là “ba nhà nước, ba gọng cùm” – theo như cách phân tích và dùng từ của tác giả Đỗ Ngà :
Cơ chế “song trùng” là cụm từ mà xã hội ám chỉ cách tổ chức bộ máy nhà nước của Đảng Cộng sản Việt Nam. Song trùng nói đơn giản là hai nhà nước tồn tại song song…
Nhà nước thứ nhất là Ban Bí Thư với người đứng đầu là tổng bí thư, phụ tá cho tổng bí thư là thường trực ban bí thư, dưới quyền tổng bí thư gồm các bí thư trung ương đảng nắm các ban như: Ban tổ chức trung ương, ban tuyên giáo trung ương; ban kinh tế trung ương; ban nội chính trung ương; ban dân vận trung ương; quân ủy trung ương; tòa án tối cao; và văn phòng trung ương đảng.
Các địa phương từ tỉnh đến huyện, đến xã cũng có bộ máy y hệt như vậy với người đứng đầu là bí thư. Nhà nước này được gọi là nhà nước dùng để cai trị 5,1 triệu đảng viên.
Nhà nước thứ nhì là Chính phủ với người đứng đầu là thủ tướng, phụ tá cho thủ tướng là 5 phó thủ tướng. Dưới quyền thủ tướng là 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 11 cơ quan trực thuộc. Nó là bộ máy bao trùm và quản lý toàn bộ nền kinh tế đất nước. Các địa phương từ tỉnh đến huyện, đến xã cũng có bộ máy y hệt như vậy với người đứng đầu là chủ tịch. Nhà nước này dùng để cai trị 100 triệu dân…
Thực tế nhà nước CS Việt Nam nó không phải là cơ chế “song trùng” mà là cơ chế “tam trùng”. Vậy còn một nhà nước nữa là nhà nước nào? Xin thưa, đó là Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Cũng giống như hai nhà nước kia, người đứng đầu danh nghĩa của “nhà nước mặt trận tổ quốc Việt Nam” là chủ tịch nước, người trực tiếp điều hành nhà nước này là Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc. Cũng tương tự như hai nhà nước kia, chủ tịch mặt trận tổ quốc cũng nắm rất nhiều cơ quan trực thuộc gồm:
Thứ nhất là Đoàn Thanh Niên Cộng Sản…
Thứ nhì là Tổng liên đoàn lao động…
Thứ ba là Hội Sinh Viên Việt Nam…
Thứ tư là Hội Nông Dân…
Thứ năm là Hội Cựu Chiến Binh…
Thứ sáu là Hội Liên Hiệp Phụ Nữ…
Ngoài sáu hội lớn đó ra, còn rất nhiều hội lóc nhóc như: hội nhà văn, hội nhiếp ảnh, hội nhà báo, hội luật sư v.v… Nói chung, đã là hội thì hoặc thuộc sự quản lý của mặt trận tổ quốc, hoặc bị tiêu diệt.
Như vậy nhà nước thứ nhất cai trị đảng viên, nhà nước thứ nhì cai trị nhân dân, nhà nước thứ ba kiểm soát tư tưởng toàn dân…
Nói tóm lại, dân Việt Nam bị cùm rất chặt bởi 3 nhà nước này. (............. bỏ một đoạn ..............)
Còn một chuyện kinh khủng không kém mà Đỗ Ngà quên nhắc là cả “ba nhà nước” này đều xài tiền như nước nhưng trả lương cho cán bộ thì rất tượng trưng. Một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu lại có tới ba nhà nước (‘tam trùng”) và trùng trùng điệp điệp nhân viên ban ngành các cấp… thì lương bổng chỉ “đủ sống 10 ngày” không phải là chuyện lạ.
Có lạ chăng là tuy lương lậu rất khiêm tốn nhưng không ít kẻ vẫn sống rất ung dung, tài sản hiển hiện khắp nơi, khiến cho dư luận bất bình. Xin đan cử một trường hợp điển hình, theo thông tin của BBC, vào hôm 31 tháng 8 năm 2017 :
Truyền thông trong nước cho biết bản kê khai tài sản năm 2016 của ông Phạm Sỹ Quý nói ông đang sở hữu một ngôi nhà 600 m2 tại thành phố Yên Bái, một căn hộ tại khu chung cư Mandarin Garden, Cầu Giấy, Hà Nội, rộng 130 m2, một mảnh đất 1.000 m2 trị giá 500 triệu đồng, một trang trại 2 ha trị giá 1 tỷ đồng đã có giấy chủ quyền và một xe hơi Camry.
Ông Quý từng nói để có được khối tài sản được xây trên diện tích đất 13.000 m2 tại Yên Bái, ông đã phải vay ngân hàng khoảng 20 tỷ đồng và vay của bạn bè, người dân, số còn lại là do ông tích góp từ thời trẻ, thu nhập từ những hoạt động như buôn chổi đót, lá chít.
Phạm Sỹ Quý là ai?
Ông ấy nguyên là Giám Đốc Sở Tài Nguyên & Môi Trường. Chức vụ này được bổ nhiệm bởi bà chị Phạm Thị Thanh Trà, khi còn là Bí Thư Tỉnh Ủy Yên Bái. Nhân vật này vừa được Quốc Hội khóa XIV phê chuẩn và bổ nhiệm giữ chức Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ vào ngày 8 tháng 4 vừa qua.
Ngay khi nhậm chức, bà Trà tuyên bố: “Thực hiện chính sách tiền lương để cán bộ, công chức, viên chức có thể sống được bằng lương” khiến cho thiên hạ nức lòng. Thực ra, bà tân bộ trưởng không nói điều gì mới cả mà lập lại lời của người tiền nhiệm – ông Lê Vĩnh Tân – hồi năm 2020 thôi: “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính.”
Dù không phải là thầy bói, tôi cũng có thể đoán chắc được rằng vị Bộ Trưởng Nội Vụ kế nhiệm – sau khi nhậm chức – rồi cũng sẽ phát ngôn một câu với nội dung tương tự. Hơn ba mươi năm trước, chính xác là vào năm 1986, TBT Trường Chinh cũng đã hùng hồn hứa hẹn chuyện cải thiện lương bổng (“Phải cứu giai cấp công nhân!”) đấy thôi.
Với chế độ độc đảng toàn trị hiện hành, với bộ máy tam trùng hiện tại, với văn hoá tham nhũng hiện nay, và với chủ trương cấm tự do báo chí cố hữu … thì chuyện sống được bằng lương mãi mãi chỉ là một kỳ vọng xa vời. Vô phương thực hiện!
Tưởng Năng Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét