Chị Mai, chị Trà sẽ chọn lối nào?
FB HUY ĐỨC 4-5-21 - Trong số những người ngạc nhiên khi ông Nguyễn Hồng Diên được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Công thương có không ít người vẫn giữ tư duy bộ trưởng là “tư lệnh ngành”. Ngành được đào tạo chính quy của ông Diên là “Thanh vận” và ông chưa hề làm cái gì liên quan tới thương mại, điện lực hay sản xuất xe hơi (trừ bên gia đình vợ ông có sản xuất bia).Tuy “tư lệnh ngành” được nói nhiều trong thập niên 1990s, nhưng tư duy đó có từ thời bao cấp, khi nền kinh tế còn phân chia công nghiệp nhẹ (với công nghiệp nặng), ngoại thương với nội thương. Công thương là một bộ được sáp nhập từ nhiều ngành (gốc từ ba bộ chính), nên không thể có ai biết đủ các chuyên môn để làm “tư lệnh”.
Bộ trưởng bây giờ là để làm chính sách chứ không phải để đứng đầu một ngành. Sản xuất xe hơi là việc của các ông VinFast, Thaco…; việc của ông Diên nên chỉ là ra chính sách để kiềm chế hay khuyến khích hai ông lớn ấy.
Tất nhiên, Chính phủ thường phải biết “thứ tự ưu tiên”, với việc chọn ông Lê Minh Hoan, các nhà quan sát có thể hiểu, Chính phủ muốn có cách tiếp cận mới trong chính sách nông nghiệp và nông thôn, còn chọn ông Diên thì không ai biết ông ấy sẽ làm gì với cái bộ nắm rất nhiều quyền lực ấy [theo tôi đứng đầu bộ Công thương lúc này nên là một nhà đàm phán].
Trong chế độ ta, bên cạnh các bộ còn có các “cơ quan to ngang bộ”. Công tác cán bộ vẫn sử dụng “hàm bộ trưởng” cho cả người lãnh đạo một cơ quan hoạch định chính sách và người đứng đầu một cơ quan thuần túy chuyên môn. Những báo Nhân Dân, TTX, đài Tiếng Nói Việt Nam… rất có thể cũng sẽ được lãnh đạo bằng một ông trung ương tay ngang như ông Nguyễn Hồng Diên.
Cách tiếp cận coi trọng phẩm hàm, đặc biệt, không tách bạch hành pháp chính trị với hành chính công vụ không những sẽ không bao giờ có được một nền hành chánh chuyên nghiệp, không lệ thuộc vào nhiệm kỳ mà còn không thể tránh được các nhầm lẫn cả về cấu trúc và nhân sự.
Sở dĩ, nhiệm vụ cam go nhất của Chính phủ Phan Văn Khải trong giai đoạn hậu Luật Doanh nghiệp là cắt bỏ các giấy phép con và chỉ trong các năm từ 2008 – 2014 Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng “đẻ” thêm hơn bảy nghìn điều kiện kinh doanh… là vì, các cơ quan ban hành chính sách có lợi ích khi duy trì các chính sách cần phải “xin – cho” nhiều như thế.
Nếu các quan chức trong một bộ khi ban hành chính sách (bao gồm các điều kiện kinh doanh và giấy phép con) không được can dự gì vào giai đoạn thực thi (cấp các giấy phép con đó) thì tiến trình ban hành chính sách vẫn phải đối diện với các nhóm lợi ích (lobby) nhưng không thể toan tính các lợi ích có thể trực thu như giá cả của từng giấy phép.
Chính phủ cần tái lập chức vụ Tổng thư ký (có từ thời Chính phủ Hồ Chí Minh) hoặc một phó thủ tưởng để cầm trịch phần “hành chính công vụ”). Các bộ cũng nên thiết lập một chức tương tự, giao cho một chuyên gia hành chính công trông coi một hoặc vài cục để hướng dẫn các địa phương thủ tục thi hành các chính sách của bộ mình hoặc trực tiếp giải quyết một số thủ tục hành chính của bộ mình (để địa phương không đẩy việc lên trên như Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa tuyên bố thì cấp bộ phải tiến tới không còn là cơ quan cấp phép).
Ông đứng đầu cơ quan hành chính này như ông “thủ từ”, rành rẽ chuyên môn và chức vụ không lệ thuộc nhiều vào nhiệm kỳ chính trị (careers).
Với phần hành pháp chính trị, tân chính phủ cũng như tân bộ trưởng, tùy thuộc vào tham vọng thay đổi chính sách, mà bổ nhiệm người vào những “ekip” thích hợp với lịch trình chính trị của mình. Những “ekip” này sẽ ra đi khi hoàn thành nhiệm vụ, khi bộ trưởng không còn sử dụng hoặc không tái nhiệm.
Sự tách bạch này sẽ giúp “công tác cán bộ” thiết kế chính xác các ngạch trật. Các chính trị gia (các ủy viên BCT, các ủy viên TƯ, đại biểu quốc hội…), qua tranh cử, qua vận động chính trị trong Đảng mà lên. Các bộ trưởng và các chức vụ tương đương (political appointees) do thủ tướng chọn, được bộ chính trị đồng ý và được quốc hội phê chuẩn.
Trước khi phê chuẩn cần yêu cầu các bộ trưởng trình bày kế hoạch hành động của mình trước các ủy ban của Quốc hội. Năm năm là rất ngắn, đó là thời gian để làm thay đổi đất nước chứ không phải để các bộ trưởng đi học nghề.
Các giám đốc sở ở địa phương cũng nên được coi là các political appointees. Không nên đòi hỏi tất cả phải là trung ương hay tỉnh ủy viên. Trong một số tình huống nên để cho Thủ tướng hay chủ tịch các UBND tìm những ông ngoài đảng hay đã về hưu, mà có sáng kiến về chính sách, mời ra đảm trách.
Tất cả những người trong hệ thống hành chánh công vụ (công chức), từ trung ương tới địa phương phải được đào tạo đầy đủ về chuyên môn và tuyển dụng phải qua thi cử. Họ là những người bằng lòng với một công việc suốt đời mẫn cán, tuân thủ một cách nghiêm khắc chứ không cần sự sáng tạo [khác với các chính trị gia và các viên chức chính trị bổ nhiệm, sự nghiệp có thể không phải suốt đời].
Không nên lãng phí nguồn nhân lực bằng cách đưa vào bộ máy hành chính công những người xuất sắc; và cũng không nên bắt họ phải lấy các chứng chỉ trong các học viện chính trị, mỗi khi triển khai các thủ tục hành chính mới, họ chỉ cần dự các lớp tập huấn của ngành.
Đừng bắt bộ trưởng phải lấy phiếu tín nhiệm ở nơi công tác. Những cải cách của bộ trưởng (cắt giảm phiền hà cho dân chúng) thường đánh vào lợi ích của bộ máy dưới quyền. Nơi bỏ phiểu tín nhiệm hay bất tín nhiệm bộ trưởng chỉ có thể là quốc hội.
Có những “cơ quan ngang bộ” nhưng thuần túy chỉ làm chuyên môn, cần nghiệp vụ sâu (như TTX, đài Tiếng Nói Việt Nam…) đừng đối xử như bộ rồi đưa về đó các chính trị gia. Những người được đưa từ bên ngoài vào mà ít hiểu biết chuyên môn lại không chí công thì thường chỉ quan tâm tới các lợi ích ngắn hạn và tạo lập phe cánh.
Nếu như “lấy phiếu tín nhiệm nơi công tác” với các bộ trưởng là sai về mặt nguyên lý thì tín nhiệm của các nhà báo đối với người lãnh đạo họ lại là yếu tố không thể thiếu, giúp họ đủ uy để dẫn dắt anh em.
Khi làm tổ chức, mối quan tâm lớn nhất thường là bố trí cán bộ, xây dựng lực lượng trên nền tảng hiện thời. Những cải cách chiến lược có thể phải chịu nhiều thách thức chính trị và ít có lợi ích cá nhân. Các nỗ lực cải cách cho dù cùng đích đến vẫn có nhiều bước đi. Chọn cách đi và xuất phát điểm từ tổ chức, cán bộ sẽ tạo được những thay đổi lâu dài, căn bản.
Công tác tổ chức, cán bộ nhiệm kỳ này được đặt lên vai hai người phụ nữ ít phải vướng bận riêng tư, đặc biệt là chị Trương Thị Mai (tôi chưa biết nhiều về chị Phạm Thị Thanh Trà). Hai chị lựa chọn bổng lộc hay thanh danh là quyết định không chỉ mang tính chất cá nhân mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai đất nước.
https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/3816200165081803
---------------------
Cách mạng từ trên xuống ở Việt Nam
Nguyễn Khoa -
Đầu tháng 5/2021, nhà báo Huy Đức có viết một status trên Facebook của ông, đề nghị một cải cách cho nền hành chính công ở Việt Nam.
Status khá dài, tựu chung thì ý chính là việc bổ nhiệm các viên chức hành chánh ở các bộ của chính phủ trung ương, ở các sở của các tỉnh, nên xem là những viên chức chuyên nghiệp chứ không phải là nhà chính trị. Áp dụng được điều này, theo ông Huy Đức, là để tránh “tư duy nhiệm kỳ”, nôm na là “có làm tốt thì hết nhiệm kỳ thì hết chuyện, việc gì phải cố”.
Nếu tôi không lầm thì đây là mô hình được áp dụng ở hầu hết các nền dân chủ phương Tây, trong đó các nhà chính trị cứ cạnh tranh nhau, nhưng các viên chức hành chánh và chuyên môn thì làm việc không lệ thuộc vào ý thức hệ của người đó. Trong status ông Huy Đức kèm theo hai từ tiếng Anh là career (viên chức chuyên nghiệp) và political appointee (viên chức được bổ nhiệm theo đảng phái chính trị).
Ông Huy Đức cho rằng các nhà chính trị Việt Nam trong mô hình này cạnh tranh, “vận động” trong Đảng (cộng sản) để đạt được vị thế appointee.
Theo tôi ông Huy Đức sai ở vài điểm.
1/ Ở Việt Nam chỉ có một đảng, không thể so sánh các cuộc cạnh tranh chính trị trong các kỳ bầu cử công khai ở phương Tây và các cuộc tranh giành, ông Huy Đức gọi là vận động, kín như bưng ở các kỳ đại hội đảng ở Việt Nam.
2/ Ở Việt Nam toàn bộ các viên chức nhà nước, từ cấp sở của các tỉnh lên đến các bộ của chính phủ trung ương đều là … chính trị gia cả, vì họ đều là đảng viên Đảng cộng sản cả. Hiện nay khi một người quyết định vào Đảng Cộng sản, thì trong tâm trí anh ta/chị ta là để bảo đảm con đường hoạn lộ sau này. Điều thú vị là con đường hoạn lộ đảng viên có vẻ cũng phát triển sang cả các công ty tư nhân Việt Nam, khi mà các công ty này cũng có chi bộ đảng.
Mối lo sợ cũng ông Huy Đức về cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ” ở Việt Nam, trên góc nhìn tổng quát là không đúng, vì chỉ có một nhiệm kỳ bất tận của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cả nước, từ năm 1975 cho đến nay.
Đề nghị của ông Huy Đức, trên thực tế, là đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam “phi chính trị hóa” các viên chức, một đề nghị không bao giờ được chấp nhận. Đây cũng là một điều thú vị khác trong hệ thống xã hội chính trị cộng sản hiện nay. Một mặt Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố chính trị là chủ soái (học sinh học chính trị từ lớp 9 lớp 10), mặt khác lại đàn áp các nhà chỉ trích, không cho họ làm chính trị.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng đề nghị của ông Huy Đức cũng là một cố gắng trong cái gọi là cuộc cải tổ Việt Nam, vốn bắt đầu từ năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận kinh tế thị trường. Ta cũng có thể gọi “cải tổ” là một cuộc cách mạng từ trên xuống.
Các cuộc cách mạng từ dưới lên, như cách mạng Pháp, cách mạng Nga, cách mạng cộng sản Trung Quốc,… thường gây nhiều đổ máu, mà hiệu quả có khi không bằng các cuộc cách mạng từ trên xuống như Nhật Bản (với cuộc cải cách Minh Trị) hay nước Anh, Hà Lan, thậm chí là Hoa Kỳ.
Theo quan điểm của tôi thì Việt Nam chưa bao giờ có cách mạng cả. Cái gọi là cách mạng mùa thu 1945 thực ra là một chính biến trong phong trào giải phóng dân tộc. Người cộng sản đã chiếm lấy danh từ cách mạng trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng thực sự những vùng mà họ quản lý trong thời giản xảy ra cuộc chiến tranh, không có biến chuyển xã hội nào có thể được gọi là cách mạng, thậm chí họ đàn áp cách mạng như vụ Nhân Văn giai phẩm. Tất cả những “ý tưởng cách mạng” của họ đều thất bại thảm hại, từ cải cách ruộng đất cho đến hợp tác hóa. Ngay cả điều mà người ta thấy rằng việc cổ võ nam nữ bình quyền của Đảng Cộng sản là đúng, thì tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay không thể gọi là đã có cuộc cách mạng đáng kể nào để nâng cao vai trò phụ nữ.
Bên cạnh đó, có những toan tính, dù bất thành, từ bên trong Đảng Cộng sản để cải cách, để tiến hành một cuộc cách mạng từ trên xuống. Ít nhất một cuộc cách mạng như thế đã thành công là cuộc “đổi mới” năm 1986, khi Đảng Cộng sản phải đối mặt với sự sụp đổ của chính họ.
Tất cả những đề nghị cải cách trong các năm qua đều có thể được gọi là toan tính làm cách mạng từ trên xuống, từ chuyện “chính phủ phải có trách nhiệm giải trình” (Lê Đăng Doanh), cho đến thi tuyển công chức (rất gần với đề nghị của ông Huy Đức về phi chính trị hóa hệ thống công chức), cho đến việc tự ra ứng cử quốc hội của các cựu viên chức, cựu đảng viên, toan tính cho bầu cử cấp xã,…
Mục đích cuối cùng của những toan tính cách mạng từ trên xuống này là một nền dân chủ từ dưới lên, với điểm quan trọng nhất là quyền bầu cử của dân chúng.
Nếu các nhà cải cách mơ ước như thế thì cuối cùng cũng là mô hình dân chủ kiểu phương Tây. Nhưng mô hình này đang bị thử thách nghiêm trọng trong cao trào dân túy mấy năm qua, rõ rệt nhất là tại Mỹ và Ấn Độ, làm cho ý định cải cách bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam bị chùn bước, thậm chí có người, như các ông Huỳnh Thế Du, Nguyễn Sĩ Dũng, lên tiếng nói rằng mô hình “dân chủ tập trung” là có ưu thế hơn (có khi họ gọi là thủ đầu). Chứng minh khó tranh cãi của ý kiến này là việc đại bại của Mỹ, Ấn Độ, và cả châu Âu nữa trong năm đại dịch 2020.
Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rõ rằng dân chúng Việt Nam hiện nay không có khả năng làm một cuộc cách mạng từ dưới lên trên. Xã hội Việt Nam đang chuyển từ sản xuất nông nghiệp lên công nghiệp gia công và chế tạo (gia công nhiều hơn), hàng triệu nông dân đang thay đổi cuộc sống thường nhật không đủ sự cố kết để làm cách mạng, nhóm cư dân đô thị và công nhân thì ít và không có động lực nào để thay đổi xã hội (cách mạng). Tầng lớp cư dân đô thị này thậm chí cảm thấy họ sống tốt với Đảng Cộng sản vì họ gìau có hơn đại đa số phần còn lại của dân chúng. Việc thay đổi nhỏ giọt của Đảng cầm quyền (một mình) từ trên xuống là đủ để không có cuộc cách mạng nào xảy ra.
Vậy liệu trong tương lai ngắn Việt Nam sẽ có một cuộc cách mạng từ trên xuống không? Theo quan điểm của tôi là không, vẫn là nhưng thay đổi nhỏ giọt, không đâu vào đâu, nhưng cũng không ảnh hưởng gì vì sự thụ động xã hội của dân chúng.
Nhưng não trạng này của nhà cầm quyền, và của dân chúng là rất nguy hiểm. Không ai muốn phá bỏ cái hiện trạng, statu quo, mà nhà quan sát chính trị Việt Nam rất sắc sảo là Vũ Hồng Lâm gọi là bộ máy trục lợi (rent seeking)
Bộ máy này cộng với chủ nghĩa tư bản thân hữu đang lên như diều gặp gió tại Việt Nam, sẽ đào sâu khoảng cách giàu nghèo, sẽ tạo thêm các bất bình xã hội hiện nay vẫn còn đang được (bị) kiểm soát. Những vụ án như vụ Hồ Duy Hải (công an mua chứng cứ phạm tội ngoài chợ), hay vụ Vincom báo công an trừng trị người tiêu dùng, vụ Đồng Tâm… sẽ tiếp tục làm cho một cuộc cách mạng từ dưới lên có khả năng xảy ra, mà khi xảy ra thì rất đẫm máu.
Trở lại đề nghị phi chính trị hóa hệ thống công chức nhà nước mà ông Huy Đức đưa ra (ông không dùng từ phi chính trị hóa), tôi xin kể câu chuyện một người bạn. Anh này hơn tôi vài tuổi, là một dược sĩ giỏi, xuất thân từ gia đình bình dân tại Sài Gòn, tốt nghiệp đại học sau năm 1975. Anh bạn làm việc rất tốt và chỉ sau vài năm được làm cửa hàng phó một cửa hàng dược phẩm thời bao cấp. Một ngày đẹp trời, ông cửa hàng trưởng, trong lúc trả dư tửu hậu, nói: loại như mày lên phó vầy là hết rồi.
Anh bạn nghỉ việc làm linh tinh, sau này thời mở cửa, ra được tiệm thuốc tây trong khu công nhân, và cũng ăn nên làm ra, nhưng tiền bạc thì cố gắng chuyển ra nước ngoài, đứa con trai học rất giỏi cũng tìm cách ra nước ngoài nốt.
Vậy là có thể có con đường thứ ba, không cách mạng từ dưới lẫn từ trên, Việt Nam không cần cách mạng. Một số tầng lớp dân chúng cũng không cần và không thích ở Việt Nam. Con đường thứ ba này đưa đến một Việt Nam đông đúc, làm gia công hàng hóa và trồng lúa rẻ tiền cho thế giới.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-5-21
http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenKhoa_CachMangTuTren.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét