Báo động tốc độ sụt lún chóng mặt ở ĐBSCL
fB Ngọc Minh • Vùng đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) đang tiếp tục bị sụt lún, mà nguyên nhân chủ yếu là nạn khai thác nước ngầm quá mức, tiêu biểu là trường hợp của thành phố Cần Thơ, nơi mà tình trạng đường phố ngập nước ngày càng nặng nề.Phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.
Bốn dự án đập trước đây của Trung Quốc đã bị Việt Nam chỉ trích với lý do những con đập này ngăn chặn trầm tích giàu dinh dưỡng có thể đến với hệ sinh thái mỏng manh của đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Flickr)
Theo tài liệu nghiên cứu gần đây của các chuyên gia (Hà Lan, ĐH Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL): Tốc độ sụt lún ở ĐBSCL lên đến 5,7 cm/năm (năm 2019), cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối (35 mm/năm). Điều này cho thấy tốc độ mực nước biển dâng tương đối, chủ yếu là do sụt lún đất.
Hơn 10 năm trước đây, người dân ĐBSCL sử dụng nguồn nước mặt (nước sông) và nước mưa là chính cho mọi sinh hoạt, nước ngầm chỉ dùng trong mùa khô. Nhưng hiện nay nước mặt ở ĐBSCL đang bị ô nhiễm trầm trọng, nên mỗi ngày khoảng 2 triệu mét khối (m3) nước ngầm, hay nhiều hơn, được bơm hút để dùng trong sinh hoạt, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, gây ra những hậu quả trầm trọng: sạt lở bờ biển, bờ sông và nhiều nơi ngập sâu với tần suất và cường độ ngày càng tăng.
Những kết quả nghiên cứu và khảo sát của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT) cho thấy, mức độ sụt lún của toàn vùng ĐBSCL gây ra bởi khai thác nước ngầm là 10-13mm/năm và tốc độ sụt lún riêng của TP Cần Thơ trong khoảng thời gian 2005-2017 là 43,5mm/năm.
Sụt lún gây ra bởi khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát. Nền đất bị sụt lún, tương tác với thủy triều, nước lũ sông Mêkông, và hệ thống đê bao khép kín ở các vùng nông thôn phụ cận khiến nhiều thành phố bị ngập úng.
Công trình thoát nước vốn đã kém chất lượng, lại xuống cấp, thiếu hoành chỉnh, được dùng để tháo rút nước thải lẫn nước mưa. Bên cạnh đó phát triển đô thị thiếu kiểm soát, cho phép xây nhà ở những vùng đất ngập nước, đô thị bị bê tông hoá làm giảm đi mức độ thấm hút nước mưa, do đó khi mực nước sông dâng lên bởi triều cường kết hợp với mưa lớn, thì đường phố bị ngập.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nước ngầm nhiễm mặn cũng là một vấn đề ngày càng gia tăng ở sông Mekong và là nguyên nhân chính làm giảm nguồn nước ngọt dưới bề mặt. Cứ mỗi m3 nước ngọt được khai thác từ các tầng chứa nước thì có 13 m3 nước ngọt dự trữ bị mất đi do xâm nhập mặn tự nhiên và bị hòa lẫn nước lợ ngầm.
Theo tiến sĩ Huỳnh Long Vân, nhóm nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu, ngoài việc gây ra ngập nước, sụt lún còn ảnh hưởng đến các công trình xây cất, nhà ở của người dân, như nứt tường, các công trình xây dựng nghiêng ngả, đường phố phải tráng thêm nhiều lớp nhựa để nâng cao, khiến cho nhà cửa dọc theo hai bên đường thấp hơn mặt lộ và bị ngập nước lúc triều cường đạt đỉnh.
Theo những tính toán của Ngân Hàng Thế Giới, tình trạng ngập nước theo mùa của phân nửa TP Cần Thơ trong nhiều ngày, gây thiệt hại khoảng 11% (650 USD/gia đình/năm) mức thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình. Nếu các hoạt động khai thác nước ngầm tiếp tục theo kịch bản kinh doanh như hiện nay, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.
Lối thoát nào cho ĐBSCL?
Trả lời phỏng vấn của báo RFI, Tiến sĩ Huỳnh Long Vân cho rằng, trong khi ĐBSCL chưa có được hệ thống cung cấp đầy đủ nhu cầu nước sạch, thì việc ngăn cấm tuyệt đối khai thác nước ngầm là điều không khả thi. Ngoài ra, việc giảm khai thác nước ngầm ở ĐBSCL kể cả ở mức 50% so với hiện nay thì cũng không chặn đứng được, mà chỉ làm giảm mức độ sụt lún.
Vì vậy, ngoài việc kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm, trước hết cần nâng cao nhận thức của người sử dụng nước ngầm, cung cấp cho người sử dụng nước ngầm những thông tin về những tác hại khác gây ra bởi khai thác nước ngầm quá mức, ngoài sụt lún nền đất:
Bơm hút quá mức nước ngầm khiến cho nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nền đất bị mặn gây, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ nước, chất dinh dưỡng và năng suất của cây trồng và gián tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Thói quen bơm hút nước, hết ở tầng nông (tầng trấm tích Holocene) rồi xuống đến tầng sâu (tầng trầm tích Pleistocene) về lâu về dài sẽ làm nguồn nước ngầm bị nhiễm Arsenic rò rỉ từ tầng nông. Nước ngầm nhiễm Arsenic có hại cho sức khỏe con người và vật nuôi.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, trước khi xây dựng được một hệ thống cung cấp đầy đủ nước sạch cho toàn vùng ĐBSCL, các chính quyền địa phương cần phải tiết kiệm nguồn nước, ví dụ như bằng cách xây dựng phương án dự trữ nước mưa (triển khai từ những kinh nghiệm của Bến Tre đào các ao mương trữ nước ngọt để dùng trong mùa khô).
Cần nghiên cứu kỹ thuật bổ cập nhân tạo nước ngầm, như trước đây ở Hoa Kỳ từng có 6 dự án: (Water Factory 21, Orange County, California; Montebello Forebay, California; Phoenix, Arizona; El Paso, Texas; Long Island, New York; Orlando, Florida). Đặc biệt là dự án Dan của Do Thái, đã được sử dụng trong suốt 20 năm qua và không gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Cũng cần nghiên cứu những kỹ thuật tái tạo nguồn nước đã được dùng qua để sau đó dùng tưới trồng cây kiểng, sân cỏ, trong công nghệ giặt ủi, vệ sinh hay trong những dịch vụ công nghệ không liên quan đến sức khỏe của con người.
Chấm dứt hẳn tình trạng sụt lún ở Cần Thơ và ĐBSCL chỉ có thể đạt được khi ĐBSCL có được hệ thống cung cấp đầy đủ nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất. Vì thế giới chính quyềna trung ương và địa phương cần phối hợp tiến hành càng sớm càng tốt kế hoạch cấp nước sạch cho toàn vùng ĐBSCL. Kế hoạch này cần được xây dựng dựa vào nguồn nước mặt lấy từ sông Tiền và sông Hậu và chỉ cho phép sử dụng nước ngầm tại những vùng xa không có nguồn nước mặt. Đặc biệt, ở vùng ven biển nên ứng dụng công nghệ Nano và RO để xây dựng những nhà máy biến chế nước mặn thành nước ngọt.
Ngọc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét