Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

VN cách ly trong khách sạn 5 sao được không?

VN cách ly trong khách sạn 5 sao được không?
Bùi Thư BBC 5 tháng 8 2020 - Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, số người cách ly tập trung cao gây áp lực lớn lên các cơ sở cách ly của nhà nước, nhiều người đã đề xuất biến khách sạn, khu resort thành nơi cách ly. Đề xuất biến resort thành khu cách ly ra đời được coi là một trong những giải pháp "sống chung với dịch" bởi hiện chưa thể dự báo đến bao giờ dịch bệnh mới chấm dứt.

Số liệu do Bộ Y tế Việt Nam cập nhật ngày 5/8 cho biết hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 120.041 người. Trong số đó, có hơn 20.000 người được cách ly tập trung tại các cơ sở do nhà nước quản lý, hơn 1.000 người được cách ly tại bệnh viện. Số còn lại là cách ly tại nhà.

Với số lượng người cách ly tập trung lớn, số có nhu cầu từ nước ngoài về còn lớn hơn nữa, các khu cách ly do nhà nước quản lý đang chịu áp lực lớn. Không chỉ nhà nước tốn kém chi phí để vận hành các khu cách ly, việc tập trung đông người trong các không gian thiếu tiện nghi còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Gánh nặng xã hội, vì thế, càng lớn trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào mới chấm dứt.

Từ thực tế này, nhiều người đã kêu gọi huy động các nguồn lực tư nhân tham gia vào hoạt động cách ly, vừa giúp giảm gánh nặng cho nhà nước, vừa giúp doanh nghiệp có được nguồn thu trong thời buổi khó khăn.

'Sẵn sàng trả 1 triệu đồng mỗi đêm'

Từ Mỹ trở về trên chuyến bay vào ngày 31/7 với gần 300 người khác, ông Nguyễn Thế Khải - nhà sáng lập, CEO Công ty Du lịch Hoàn Mỹ tại TP HCM - được đưa tới khu cách ly thuộc Trung đoàn 803 ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Khải mô tả: "Nhìn chung ở đây rộng rãi, thoáng, xung quanh là núi rừng. Tuy nhiên, phòng tập thể lại chứa quá nhiều người, có phòng chung lên đến 36 giường tầng, chứa 34 người, diện tích chỉ có khoảng 12x5m. Ngoài ra, còn hai phòng nhỏ khoảng 4x5 m chứa bốn người, hai phòng 4x2,5 m chứa hai người (đối với nam); còn bên nữ thì ít người hơn, khoảng 19 người cho phòng tập thể".

Ông ước tính: "Như vậy mỗi người có chưa tới 2m2 để nằm và để hành lý".

"Nhưng nơi nguy hiểm dễ lây nhiễm chéo là khu vực nhà vệ sinh nằm cuối dãy nam, nữ. Với diện tích chỉ có khoảng 3x10m, có bốn lavabo, sáu vòi tắm, ba toilet nhưng đã hỏng một".

"Sáng 2/8, sau khi có kết quả xét nghiệm hôm 1/8 đã có một ca dương tính (BN603) là du học sinh từ California về. Em này không có sốt cao, trạng thái bình thường, thường xuyên đi đá bóng, nói chuyện hành lang và đánh bài chung với các bạn. Mọi người trong phòng hoảng hốt, lo lắng rất nhiều", ông Khải kể tiếp.


NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN THẾ KHẢI. Chụp lại hình ảnh,

Nhà vệ sinh chung có 3 phòng, 1 phòng bị hư bồn cầu.

Ông Khải cho rằng giữa lúc dịch bệnh có chiều hướng gia tăng khắp nơi, lực lượng y bác sĩ có giới hạn mà để lây nhiễm chéo thêm thì rất nguy hiểm.

Từ đó, CEO Công ty Du lịch Hoàn Mỹ đề xuất: "Các resort thì không có khách, tại sao không đưa vào đấy để cách ly cho tiện và hợp lý? Làm như vậy vừa an toàn, chống lây chéo, mà còn giúp các resort có thêm doanh thu mùa dịch. Còn những ai không muốn tốn tiền vào resort cách ly thì ở lại doanh trại, lúc ấy sẽ thông thoáng và an toàn hơn trước nhiều".

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Thế Khải nói: "Bây giờ hoàn cảnh khó khăn thì mọi người đều chấp nhận, nhưng thực ra thì không ai thích. Ở các phòng tập thể lớn, đông người, thiếu tiện nghi, không có nhà vệ sinh riêng thì mọi người đều lo ngại. Thực tâm thì ai cũng muốn ở phòng nhỏ hơn, có máy lạnh vì trời đang nóng lắm. Ở đây là người từ Mỹ về, đa số là học sinh con nhà giàu. Tôi cũng trình bày ý kiến rồi, nhưng chưa thấy trả lời."


NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN THẾ KHẢI. Chụp lại hình ảnh,

Giường tầng phòng lớn có 9 hàng x2 dãy x2 tầng, mỗi giường cách nhau khoảng 1 mét.

"Những người đi từ Mỹ về đều có nguyện vọng ở nơi cách ly có tiện nghi hơn, chứ không phải ở những doanh trại như thế này, vừa mất an toàn về dịch tễ, lại vừa không đủ tiện nghi. Nếu tổ chức các điểm cách ly có thu phí trong các khách sạn, resort thì có thể giúp giảm gánh nặng cho nhà nước", ông nói.

"Các resort 4 sao thì có thể lấy mức giá 1 triệu đồng mỗi đêm. Người có nhu cầu cao hơn thì vào resort cao cấp hơn, với mức giá 3, 4 triệu đồng đêm. Theo tôi giá 1 triệu đồng mỗi đêm là được, cao hơn cũng có người sẵn sàng chi trả. Không biết bên ngoài thế nào, nhưng những người chung phòng với tôi trong khu cách ly này đều sẵn sàng trả tiền để được vào nơi tốt hơn", ông Khải chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

'Nhiều cái lợi'


Việc "xã hội hóa" hoạt động cách ly là một đề xuất không mới. Vào thời điểm bùng phát dịch bệnh hồi đầu năm, đã có nhiều đề xuất tương tự. Giờ đây, với việc nền kinh tế lâm vào khó khăn dài hạn, ngân sách chống dịch cạn dần, đề xuất này lại được đưa ra.

Ông Nguyễn Thế Khải phân tích: "Làm cách này có nhiều cái lợi. Cái lợi thứ nhất là cho khách hàng, tức những người cách ly. Họ có thể trả tiền và được hưởng các tiện nghi tương xứng. Lợi thứ hai là về mặt an toàn phòng dịch. Ở những nơi như vậy thì việc giữ khoảng cách giữa người với người tốt hơn, chống lây nhiễm chéo tốt hơn, lại giảm áp lực cho các khu cách ly hiện tại. Lợi thứ ba là tạo doanh thu cho doanh nghiệp khách sạn, resort. Trong thời buổi khó khăn, du lịch ngưng trệ, việc có nguồn khách hàng như vậy sẽ có tác động tốt, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế. Thêm một cái lợi nữa là cho nhà nước, với việc người dùng chi trả chi phí cách ly, nhà nước sẽ đỡ gánh nặng về kinh phí cũng như về cơ sở cách ly".

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho rằng "đây là ‎ý tưởng tốt vì phần nào giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".

"Việc sử dụng khu resort làm thành cơ sở cách ly tập trung có thể thực hiện ở trong chừng mực nào đó. Việc trưng dụng các cơ sở lưu trú này cần dựa trên tinh thần hợp tác của các bên: yêu cầu của nhà nước, sự đồng thuận của chủ sở hữu và nhu cầu của người dân", ông Mỹ lưu ý thêm.

Trong khi tại Việt Nam, ý tưởng sử dụng resort làm dịch vụ cách ly có thu phí đang được đề xuất và bàn luận thì Thái Lan từ lâu đã thực hiện nhiều mô hình cách ly kết hợp giữa nhà nước và tư nhân.

Tại quốc gia này, bên cạnh các cơ sở cách ly của chính quyền, nhà nước còn tài trợ cho các khách sạn để làm nơi cách ly. Ngoài ra, còn một hình thức khác nữa, đó là các cơ sở cách ly thay thế (ASQ) do tư nhân điều hành.

Các khách sạn do chính quyền tài trợ để làm khu cách ly được cấp 1.000 baht (khoảng 750.000 đồng) khách/phòng/đêm, bao gồm ba bữa ăn. Còn lại nhà nước sẽ lo dịch vụ y tế và bảo vệ an ninh.


NGUỒN HÌNH ẢNH,MÖVENPICK BDMS WELLNESS RESORT BANGKOK. Chụp lại hình ảnh,

Mövenpick BDMS Wellness Resort Bangkok là một trong những resort có gói dịch vụ cách ly.

Một hình thức "xã hội hóa" khác là các khách sạn cung cấp dịch vụ cách ly thay thế (ASQ) với điều kiện phải được cơ quan chức năng phê duyệt. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Dịch Covid-19 (CCSA), tính đến ngày 31/7, nhà chức trách đã cấp phép cho 31 khách sạn với tổng cộng 3.385 phòng làm dịch vụ cách ly thay thế. Mức giá thuê phòng tùy thuộc vào đẳng cấp của khách sạn, nhưng dao động từ 29.000 baht (21,5 triệu đồng) - 220.000 baht (165 triệu đồng) cho hai tuần cách ly, bao gồm ăn uống.

Một cơ chế phối hợp giữa chỗ lưu trú và bệnh viện cũng được thiết lập. Theo đó, nếu khách được xét nghiệm có kết quả dương tính với Covid-19 trong thời gian lưu trú thì sẽ ngay lập tức được chuyển đến bệnh viện đối tác với khách sạn bằng xe cứu thương. Phòng sẽ bị khóa và khử trùng toàn bộ. Nhân viên tiếp xúc với khách sẽ được yêu cầu cách ly 14 ngày và họ sẽ được xét nghiệm Covid-19.

Báo Bangkok Post cho hay đa phần (85%) người nước ngoài có giấy phép lao động được trở lại Thái Lan và một số người Thái hồi hương (15%) chọn các khách sạn này thay vì tới các khu cách ly miễn phí của nhà nước.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, dịch vụ ASQ tạo ra doanh thu rất tốt. Khách sạn Siam Mandarina nằm trong nhóm ASQ đã được đặt chỗ đầy đến ngày 20/8, với gói 45.000 baht cho 16 ngày 15 đêm cách ly.

CCSA khuyến khích những người có điều kiện chi trả vào ở trong các khu khách sạn ASQ để giảm áp lực cho nhà nước và tạo doanh thu cho doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn kinh tế, Thái Lan đang mở dần diện được nhập cảnh, dự kiến lượng người nhập cảnh và cách ly sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh nước này trải qua hơn hai tháng chưa có ca lây nhiễm cộng đồng. Doanh thu của mảng dịch vụ ASQ dự kiến sẽ tăng hơn nữa. Tất nhiên là con số này không thể so sánh với doanh thu ngành du lịch trong hoàn cảnh bình thường, nhưng ít nhất cũng là một giải pháp tình tế rất tốt.

NGUỒN HÌNH ẢNH,ASQ. Chụp lại hình ảnh,

Danh sách các khách sạn được chọn làm cơ sở cách ly, bệnh viện đối tác của khách sạn và bảng giá.

Các khách sạn nằm trong nhóm được nhà nước tài trợ cũng cho rằng mức 1.000 baht/đêm/phòng là mức chấp nhận được đối với người Thái hồi hương nếu nhà nước quyết định thu phí cách ly.

Đánh giá về cách làm của Thái Lan, doanh nhân Nguyễn Thế Khải nói: "Đó là cách làm hay và nhạy bén, rất đáng học hỏi".

Tại Việt Nam, du lịch nội địa đang chìm trong khó khăn dài hạn khi vừa phục hồi chút ít vào tháng 6 và 7 lại rơi vào khó khăn do dịch bùng phát trở lại.

Bên cạnh đó, hoạt động cách ly tập trung đang đè nặng lên ngân sách quốc gia. Thêm vào đó, các cơ sở cách ly tập trung hiện tại đều quá tải và thiếu tiện nghi. Mới đây, Việt Nam đã tạm ngưng nhiều chuyến bay hồi hương công dân do tình hình dịch bệnh trong nước phức tạp, một phần do sự thiếu hụt khu cách ly và năng lực chữa trị có hạn.

Đề xuất biến resort thành khu cách ly ra đời được coi là một trong những giải pháp "sống chung với dịch" bởi hiện chưa thể dự báo đến bao giờ dịch bệnh mới chấm dứt.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53660216

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét