Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

'Tương giao Mỹ-Việt sẽ thay đổi nếu Biden đắc cử'

Tôi đồng ý duy nhất với ông Phil Robertson trong bài này ở một điểm là ông Trump không quan tâm tới nhân quyền, vấn đề mà nhiều người Việt Nam đã và đấu tranh hàng ngày trong vô vọng. Nhưng nói thật, chính phủ Mỹ qua tất cả các thời tổng thống đều không quan tâm tới nhân quyền cho Việt Nam, nên ông Trump hay Biden thắng cử thì nhân quyền ở VN vẫn thế thôi. Đáng nói là tôi không đồng tình với đoạn cuối ông Phil Robertson nói "Khi chúng ta nói về chính sách của chính quyền Trump ở Đông Nam Á, rằng chúng ta thực sự đang nhìn thấy sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới, giữa Trung Quốc và Mỹ, nó phản ánh không khí cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm to lớn. Tôi cho rằng khu vực này cần phải tìm cách để hòa hợp giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi cần đảm bảo rằng Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các nước láng giềng, và không có các yêu sách chủ quyền vượt ra ngoài khuôn khổ của luật pháp quốc tế". Tôi cho rằng không có sai lầm nào cả. Ông Trump cứng rắn với TQ là rất đúng; không cứng rắn thì không bao giờ có chuyện "Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các nước láng giềng, và không có các yêu sách chủ quyền vượt ra ngoài khuôn khổ của luật pháp quốc tế". Nước Mỹ càng nhân nhượng; giặc Tàu càng lấn tới. Rất may bây giờ đã xuất hiện tổng thống D. Trump. Tôi ủng hộ D. Trump vì ông kiên quyết chống Tàu và vì ông làm cho nước Mỹ, tiêu biểu cho văn minh, dân chủ của nhân loại, ngày càng hùng mạnh. Ông không đem lại nhân quyền cho Việt Nam, nhưng khi ông làm cho Tàu yếu đi, thì nhân quyền cho Việt Nam sẽ được cải thiện.
Bầu cử 2020: Phil Robertson nói 'tương giao Mỹ-Việt sẽ thay đổi nếu Biden đắc cử'
Mỹ Hằng BBC News Tiếng Việt - 
Joe Biden sẽ thúc đẩy vấn đề nhân quyền trong chính sách của Mỹ với Việt Nam nếu thắng cử? Với nhiều người Việt Nam, ai là tổng thống Mỹ kế tiếp là một đề tài nóng bỏng được bàn luận trên nhiều diễn đàn mạng, trong bối cảnh Mỹ luôn được trông đợi để hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề như nhân quyền hay Biển Đông.

Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) chia sẻ với BBC News Tiếng Việt nhận định của ông về thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ, nhất là với Việt Nam sau bầu cử. Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại sự kiện ''Democrat Convention Watch & Voter Registration'' của tổ chức Democrats Abroad ngày 20/8, để giúp công dân Mỹ sống ở Thái Lan ghi danh nhận phiếu bầu qua thư.

BBC: Cuộc bầu cử Mỹ 2020 có ý nghĩa như thế nào đối với ông và với người Mỹ nói chung?

Phil Robertson: Cuộc bầu cử Mỹ 2020 sẽ tác động tới mọi khía cạnh trong các chính sách đối ngoại của Mỹ và cả tới mối quan hệ của Mỹ với thế giới, không chỉ với Đông Nam Á mà còn với châu Phi, Mỹ Latin và châu Âu. Điều vô cùng quan trọng là xem chúng ta sẽ có kiểu tổng thống nào.

Liệu chúng ta sẽ có một tổng thống tôn trọng nhân quyền, người sẽ thừa nhận tầm quan trọng của người lao động và những người dân thường, hay chúng ta sẽ có một tổng thống chỉ tập trung vào những người giàu, cực giầu. Một tổng thống dành phần lớn thời gian tại vị để tạo ra kẻ thù thay vì xây dựng tình bạn. Tôi sẽ bỏ phiếu từ xa và đăng ký bỏ cho bang Massachusetts. Tôi đã bỏ phiếu trong đợt bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ Mỹ.

Đối với cuộc tổng bầu cử tháng 11, tôi sẽ nhận được phiếu bầu gửi tới trong tháng tới. Và tôi sẽ rất tự hào để bỏ phiếu cho Joe Biden và Kamala Harris.

Với cử tri Mỹ ở nước ngoài, tôi cho rằng họ cần phải nỗ lực nhiều hơn thế. Tôi cho rằng việc họ phải đối phó với những bất tiện và gánh nặng để cố gắng bỏ phiếu rất quan trọng, bởi lá phiếu của họ rất quan trọng.


Chụp lại hình ảnh. Phóng viên BBC Tiếng Việt tại sự kiện ''Democrat Convention Watch & Voter Registration'' ở Bangkok, Thái Lan hôm 20/8

Một số người Mỹ sống ở nước ngoài nhiều năm đôi khi quên mất nước Mỹ. Và tôi cho rằng cử tri Mỹ sống ở nước ngoài cần chia sẻ các kiến thức và quan điểm của mình với người Mỹ tại Mỹ, đồng thời thực hành quyền bỏ phiếu của mình. Hiện thời ước chừng có khoảng 9 triệu người Mỹ đang sống ở nước ngoài, và chỉ có một phần trăm nhỏ trong đó bỏ phiếu. Tôi cho rằng điều này thật đáng tiếc. Người Mỹ nên bỏ phiếu bất kể họ đang sống ở đâu.

Họ nên có tiếng nói trong nền Dân chủ của Mỹ và họ không nên từ bỏ cơ hội bỏ phiếu để quyết định ai sẽ là người lãnh đạo đất nước. Có nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Việt Nam, nơi người dân không có quyền tự do bỏ phiếu lựa chọn người lãnh đạo một cách dân chủ. Người Mỹ có quyền đó, họ nên sử dụng nó.

BBC: Nếu Joe Biden thắng trong cuộc bầu cử này, theo ông chính sách của Mỹ với Việt Nam sẽ có thay đổi gì không? Đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền và ủng hộ dân chủ?

Có lẽ cái mà chúng ta sẽ nhìn thấy là các vấn đề về nhân quyền sẽ lại một lần nữa trở thành các yếu tố trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Các vấn đề này từ lâu, đã là một truyền thống được các đảng ủng hộ, kể cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, trong cả lĩnh vực ngoại giao lẫn phản ánh giá trị Mỹ. Cần biết rằng các giá trị Mỹ nghĩa là tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do biểu tình ôn hòa. Đây là các vấn đề mà nhiều người Việt Nam đấu tranh hàng ngày để có được.

Và nếu Joe Biden giành được ghế tổng thống trong Nhà Trắng thì tôi cho rằng chúng ta sẽ có một tổng thống ủng hộ hơn những giá trị này, ủng hộ hơn những quyền này. Tôi cho rằng nhiều khả năng là chúng ta sẽ có một tổng thống có định hướng hơn trong quan hệ với Việt Nam, để cải thiện tình hình và để nâng tầm cải cách.

Chúng ta sẽ bớt đối đầu, thêm hợp tác. Chính quyền Mỹ sẽ cố gắng để bắc cầu thu hẹp sự khác biệt, xây dựng tình bạn với các nước hơn là một chính sách đối ngoại mang tính đối đầu, nơi mà các chính sách được hình thành từ các dòng tweet từ Nhà Trắng hơn là từ hợp tác, đối thoại các vấn đề mà các chính phủ và xã hội dân sự quan tâm.

Như vậy, tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy một chính sách chu đáo, toàn diện hơn, tôn trọng nhân quyền hơn rất nhiều từ Joe Biden, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt-Mỹ. Việt Nam sẽ phải một lần nữa thừa nhận rằng nước Mỹ sẽ không quay đầu với nhân quyền, rằng Mỹ sẽ chú ý tới vấn đề nhân quyền, và họ sẽ yêu cầu chính phủ Việt Nam ngưng đối xử với người dân một cách tệ hại.


Chụp lại hình ảnh, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW)

BBC: Vậy theo ông, nếu Donald Trump thắng lần này, điều gì sẽ xảy ra trong quan hệ Mỹ-Việt ở các khía cạnh nói trên?

Phil Robertson: Nếu Donald Trump tái đắc cử, tôi cho rằng Việt Nam sẽ nhìn thấy nhiều hỗn loạn hơn trong chính sách ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ, với sự thiếu chuyên nghiệp mà chúng ta đã thấy, với nhiều quan chức cao cấp của chính phủ bị thay thế bằng các nhân vật khác.

Tôi cho rằng sẽ có sự thiếu mạch lạc trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Và rõ ràng là nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình ở Đông Nam Á. Có người cho rằng chính sách ngoại giao mới của Mỹ là chính sách châu Á-Thái Bình Dương. Hãy hỏi chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Trump là gì, không ai có thể đưa cho bạn một câu trả lời rõ rằng, thẳng thắn.

Bởi lẽ, có vẻ như là người ta chỉ vẽ ra một cái tên mà không thật sự hiểu về nội dung của nó. Thực tế là là chính quyền Trump rất ít chú ý đến xây dựng mối quan hệ với các nước ở Đông Nam Á.

Tôi thường nói đùa rằng Donald Trump chẳng biết nước nào vào với nước nào trừ phi ông ta có khách sạn của mình ở đó. Và thực tế là có các khách sạn của Trump ở Việt Nam Và tôi cho rằng Việt Nam, trong nhìn nhận của chính quyền Mỹ dưới thời Trump, về cơ bản khá là thú vị vì họ không hòa hợp với Trung Quốc.

Và đây cũng là điều mà chúng ta cần thừa nhận. Khi chúng ta nói về chính sách của chính quyền Trump ở Đông Nam Á, rằng chúng ta thực sự đang nhìn thấy sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới, giữa Trung Quốc và Mỹ, nó phản ánh không khí cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.

Tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm to lớn. Tôi cho rằng khu vực này cần phải tìm cách để hòa hợp giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi cần đảm bảo rằng Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các nước láng giềng, và không có các yêu sách chủ quyền vượt ra ngoài khuôn khổ của luật pháp quốc tế.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53899948

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét