Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Nhân phẩm bị lợi dụng

Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết thêm: "Ngày này, năm ngoái, khi Trung Quốc tập trận và sách nhiễu ngư dân Việt Nam trên biển Đông, mình đã viết bài này. Năm nay, đọc lại, thấy tình cảnh cũng không có gì khác". Đọc bài này tôi nhớ tới lần tham gia ủng hộ anh Mai Phụng Lưu 5 triệu đồng năm 2011 (xem các ảnh dưới). Đến cuối năm 2011, anh đã bốn lần bị Trung Quốc bắt giữ, bị tịch thu tài sản, tán gia bại sản, nợ nần khắp nơi... nhưng “sói biển” Mai Phụng Lưu vẫn không nhụt chí. Hồi đó, nói chuyện với chúng tôi, anh luôn mơ ước lại có một con tàu của riêng mình để ra khơi bám biển, được vùng vẫy giữa mênh mông sóng nước Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thế mà nay, anh Mai Phụng Lưu cũng đã quá mệt mỏi và sợ hãi, để có thể liên tục đi vào vùng biển đầy chết chóc đó, cho dù có được phát nhiều lá cờ, và các loại bằng cấp tán dương của bọn cầm quyền thích ngồi trên bờ. Ai rồi cũng nhận ra rằng mình đang bị lợi dụng, lòng yêu nước của mình đang bị lợi dụng. Cách đây mười ngày, gia đình tôi có du lịch qua Quãng Ngãi, nhìn ra đảo Lý Sơn lại nghĩ đến anh. Định ra thăm lại anh nhưng rồi nghĩ cũng chẳng để làm gì nên thôi.


Nhân phẩm bị lợi dụng
Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Điều anh cay đắng là con người luôn bị lợi dụng. Đặc biệt trong chế độ độc tài, con người luôn bị biến thành đinh ốc, biến thành bánh răng để chở đẩy cho cỗ máy phi nhân tính. Nhưng ghê tởm nhất, họ luôn tự gọi mình là chính quyền nhân dân.
Anh bạn người Việt gốc Hoa kể lại cho tôi nghe chuyến đi "bán chính thức" kinh hoàng của anh vào đầu năm 80. Dù nhiều năm định cư và thành đạt ở Pháp, ký ức như chưa hề mờ nhạt trong lời kể của anh.

Những năm tháng đó, người Việt gốc Hoa giật mình khi thấy mình không thuộc về nơi đâu trên thế giới này. Bắc Kinh mở chiến dịch nạn kiều để tạo làn sóng bất ổn trong Việt Nam. Còn Hà Nội thì cũng muốn tống khứ bớt đạo quân thứ năm của Trung Quốc - theo quan điểm của nhà cầm quyền - đồng thời cũng kiếm được không ít tiền của từ người bỏ ra đi.

Người Hoa không thể quay về quê quán bởi nơi đó cộng sản là bạo quyền, và họ ra đi, vì nơi chốn hiện tại, cộng sản cũng đang cầm quyền.

Nhưng trong lời kể của anh bạn Việt kiều gốc Hoa đó, điều anh cay đắng, là con người luôn bị lợi dụng. Đặc biệt trong chế độ độc tài, con người luôn bị biến thành đinh ốc, biến thành bánh răng để chở đẩy cho cỗ máy phi nhân tính.

Nhưng ghê tởm nhất, họ luôn tự gọi mình là chính quyền nhân dân.

Năm 79, thế kỷ 20, Hà Nội kêu gào, buộc nhân dân phải đứng lên ngồi xuống, gọi Trung Quốc là kẻ thù. Thậm chí viết vào sách giáo khoa, lập bảo tàng tội ác… nhưng rồi đến thập niên 90, họ tự xé sách, tổ chức vui tình hữu nghị với Trung Quốc, buộc nhân dân phải gọi hai đảng cộng sản là "bạn vàng", buộc các bà mẹ liệt sĩ phải im lặng, ngay khi nén nhang cho liệt sĩ 6 tỉnh phía Bắc còn chưa tàn.

Đầu thế kỷ 21, khi cuộc sống của người dân Việt Nam không còn là một cái nồi đóng nắp kín, tin tức về âm mưu lấn chiếm Việt Nam và ngư dân chết trên biển xuất hiện mỗi lúc càng nhiều. Trung Quốc hiện nguyên hình là một con ác quỷ và không có bạn bè keo sơn nào trên thế giới này, ngoại trừ Việt Nam.

Như một câu chuyện cổ tích về những loài thủy quái trên đại dương, nhưng khác biệt ở đây cả thế giới đều biết rõ con thủy quái đó là gì. Thế nhưng Hà Nội chưa bao giờ dừng lại việc hiến tế ngư dân của mình trên biển, cho con thủy quái đó, bằng cách luôn luôn đẩy họ ra biển để chứng minh "chủ quyền Việt Nam". Như một loại bùa mê áp đặt, Hà Nội phát cho ngư dân những lá cờ, và để mặc cho công dân của đất nước mình bị đâm tàu trên biển, bị bắt, bị cướp, thậm chí bị giết. Trong khi ngư dân sợ hãi và cố gắng đi xa hơn vào vùng biển của những nơi khác để kiếm sống, thì Hà Nội lại ra những đạo luật phạt nặng tất cả những ai bỏ chạy, không đi vào vùng biển có cái chết chờ sẵn đó.

Những năm tháng nguy nan nhất, đau đớn nhất cho ngư dân, truyền thông tay sai của Hà Nội đẩy mạnh việc lợi dụng con người bằng việc ca ngợi những gương sáng liều chết như anh Mai Phụng Lưu - con sói biển - đi vào Hoàng Sa. Yêu nước như một đơn thuốc liều chết, được phát một cách rộng rãi cho ngư dân, trong chính sách ngoại giao giữ gìn Hòa Bình của Hà Nội với Bắc Kinh.

"Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?...", ngày 8 tháng 12, năm 2015, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói như vậy, trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), tổ bầu cử số 1, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Năm 2015, cũng là một trong những năm cao điểm mà tàu của Trung Quốc hành hạ ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Hơn 20 tàu chính thức báo cáo là đã bị đâm, bắn, cướp... dã man hơn năm trước. Mộ gió của miền Trung Việt Nam cũng nhiều hơn. Máu của ngư dân nhuộm đỏ nỗi uất hận của người Việt, đỏ như phông màn của đại hội.

Giờ thì đến anh Mai Phụng Lưu cũng đã quá mệt mỏi và sợ hãi, để có thể liên tục đi vào vùng biển đầy chết chóc đó, cho dù có được phát nhiều lá cờ, và các loại bằng cấp tán dương của bọn cầm quyền thích ngồi trên bờ.

Ai rồi cũng nhận ra rằng mình đang bị lợi dụng, lòng yêu nước của mình đang bị lợi dụng. Cái bánh vẽ khổng lồ được chia đều cho khắp mọi nơi, nhưng nhồm nhoàm thật, chỉ có một ít người.

Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông có kể rằng, ông nghe nói mỗi khi có những hành động lấn lướt của Bắc Kinh thì Hà Nội hay triệu tập những thành phần cơ bản để hội ý về vấn đề đối phó. Năm 2014, thì Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, những người được hội ý, bí thế, nên đã chọn giải pháp đưa thông tin đến người dân và bật đèn xanh cho những cuộc biểu tình lớn nhằm gây áp lực quốc tế với Trung Quốc. Nhưng, từ năm 2015 cho đến nay, cũng với tinh thần tương tự đối với quê hương, tổ quốc được khơi dậy như vậy, hàng ngàn người Việt lại đã bị Hà Nội cho đánh đập, kết án, bỏ tù, sách nhiễu....

Năm 2019, khi nhóm tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiến vào thềm lục địa Việt Nam, Hà Nội cũng đã hội ý và dường như sớm nhận ra rằng, cần phải kìm giữ thông tin và không thể bật đèn xanh biểu tình mạnh mẽ như năm 2014. Bởi họ nhận ra rằng sự phản bội với thực tế, chà đạp lên lòng yêu nước qua việc níu kéo mối quan hệ của hai đảng, bất chấp dân tộc và tổ quốc, có thể khiến mọi thứ bùng nổ - không phải với chỉ Bắc Kinh - mà với cả Hà Nội.

Tôi hỏi anh bạn Việt kiều gốc Hoa, là vì sao bây giờ đã là một công dân của quốc gia khác, thong dong hơn, sao anh không về ở Việt Nam sống. Anh không giải thích nhiều, mà chỉ cười, nói đơn giản rằng "về cũng chỉ để bị lợi dụng mà thôi". Anh chỉ là một con người bình thường và yêu thương nơi mình đã được sinh ra, đã lớn lên. Nhưng phẩm giá tối thiểu của một con người bình thường, vẫn là không muốn bị lợi dụng.

Chỉ là biết trước hoặc biết sau. Chỉ là biết khi đang còn sống hoặc đang nằm dưới những nấm mồ được gắn huy chương. Tất cả chúng ta rồi cũng nhận ra rằng trong một chế độ độc tài, nhân dân mãi mãi là phía bị lợi dụng với những ngôn ngữ mỹ miều. Chế độ độc tài có thể hy sinh xương máu con người, tài nguyên, đất đai… Thậm chí có thể buộc cả dân tộc trở thành một loại con tin để duy trì sinh mệnh chính trị, mà họ tự sơn phết lên hai chữ nhân dân.

Cũng có thể rồi ngày nào đó, sẽ có những cuộc biểu tình rầm rộ do nhà nước phát động để chống Trung Quốc. Báo chí và truyền hình sôi động đã không khác gì như một ngày hội theo nghị quyết. Vào lúc ấy bạn cũng đừng quên lắng nghe, để thấy trong sự ồn ào ấy, là cả không gian chết lặng âm thầm của phẩm giá một dân tộc bị lợi dụng đến tận cùng.

Thật bối rối, nhưng rồi chúng ta, một dân tộc phải làm sao?

Chúng ta vẫn sẽ không từ chối bổn phận làm người Việt Nam. Bởi đất nước này, quê hương này của người Việt chứ không phải của Đảng Cộng sản. Nên chúng ta sẽ không tha thứ cho bất kỳ kẻ xâm lược nào. Và bên cạnh đó, chúng ta cũng không bao giờ ngủ quên trước sự lợi dụng của bọn độc tài đối với con người và đất nước này. Đó là phẩm giá của một người Việt tự do, không nô lệ cho bất kỳ ai, bất kỳ âm mưu chính trị nào.

T.K.

Nguồn: Fb Tuấn Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét