Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Người Hà Nội dần thờ ơ với COVID?

Không thể nói bây giờ người Hà Nội thờ ơ với COVID, mà thực ra họ đã chấp nhận phải sống chung với COVID, không thể vì COVID mà hy sinh công ăn việc làm, quan hệ xã hội, vui chơi giải trí... Điều này đã diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, nhất là tại các nước dân chủ văn minh, ngay từ khi loại dịch bệnh này phát sinh. Chính phủ và người dân các nước này vừa đấu tranh chống COVID, vừa cố gắng duy trì cuộc sống bình thường, đảm bảo giữ được quyền tự do dân chủ cho người dân ở mức cao nhất có thể. Ngược lại, ở VN, trong giai đoạn COVID tháng 3 và 4 vừa qua, gần như tất cả xã hội, từ người dân đến quan chức chính phủ, đều hoảng sợ, chấp nhận hy sinh tất cả để chống COVID, quyết tâm không để lây lan và không để tử vong. Sau giai đoạn này, cả nước vui như lên đồng, vênh mặt, tự hào với thế giới là mình vô địch thiên hạ... Thậm chí ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn mơ mộng: "nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì nó sẽ về Việt Nam"; ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì vỗ ngực khoe: "cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của rất nhiều nước". Nhưng sau cơn lên đồng, hạ xuống thực tế, mới thấy giật mình. Nghèo đói, dốt nát... khắp nơi trong khi tổn thất, hy sinh để chống dịch thì quá lớn. Hồi đó nhiều lần tôi đã định lên tiếng phê phán nhưng trong bầu không khí điên loạn như thế, nói thẳng ra thì sẽ bị nhận gạch đá nhiều; thậm chí công an còn có thể đến nhà cảnh cáo vi phạm chủ trương tài tình sáng suốt của Đảng và Nhà nước... Vậy là giai đoạn 2 hiện nay tất cả đã phải thay đổi. Không còn cách ly toàn xã hội, nhà cách ly với nhà, người cách ly với người..., không còn bắt F2 phải cách ly tập trung, không còn lên danh sách F3, F4, thậm chí cả F5... để khủng bố nhau nữa. Và quan trọng nhất, tất cả người dân và quan chức đều hiểu cuộc chiến chống COVID là lâu dài; do đó cần học cách chung sống với nó, ai bệnh thì chữa, chỗ nào có dịch thì chỉ chỗ đó bị cách ly, những người chưa có bệnh thì lao động, sinh hoạt, du lịch bình thường nhưng mỗi người cần tự trang bị một số kỹ năng cơ bản để phòng bệnh như đeo khẩu trang ở chỗ đông người, không khạc nhổ nơi công công, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng những thực phẩm chín kỹ...
Người Hà Nội dần thờ ơ với COVID?
20/08/2020 Nguyễn Lại - Hà Nội là một trong số những địa phương ghi nhận các ca lây nhiễm COVID trong cộng đồng thời gian qua, trong khi nguồn lây bệnh vẫn chưa được xác định. Thành phố cũng đã ban hành lệnh giãn cách dành cho các quán ăn và tiệm cà phê, yêu cầu khách hàng giữ khoảng cách khi tới ăn uống ở các địa điểm này. Nguy cơ đại dịch COVID bùng phát trở lại ở thủ đô, thành phố đông dân thứ hai của cả nước, dần hiển hiện. Đóng cửa lần thứ nhì là điều ít ai dám nghĩ tới vì hậu quả đối với kinh tế địa phương và đời sống người dân sẽ rất nặng nề, nhiều gia đình sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
Xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội cho 
một du khách vừa trở về từ Đà Nẵng.
Tuy vậy, theo nhìn nhận của nhiều người đang sinh sống ở Hà Nội, cư dân thành phố dường như đang dần thờ ơ với dịch bệnh, nhiều người không còn ý thức giữ gìn, phòng tránh bệnh như đợt bùng phát thứ nhất.

Bà Nguyễn Ngọc Xuân, một cư dân sinh sống lâu năm tại khu phố cổ Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết suốt gần tháng qua, kể từ khi các ca bệnh xuất hiện tại Đà Nẵng, sinh hoạt gia đình bà cũng như những người hàng xóm xung quanh vẫn diễn ra bình thường, ngoại trừ việc mang khẩu trang mỗi khi ra đường trở lại. Những tiệm cà phê và hàng ăn sáng xung quanh khu phố bà ở lúc nào cũng tấp nập khách, bà nói và cho biết hầu hết mọi người khá thờ ơ với những thông tin liên quan đến dịch bệnh và hoàn toàn không giữ khoảng cách.

“Hôm rồi, tôi vào bệnh viện Việt Đức khám thì thấy là việc đo thân nhiệt và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn đã không còn được thực hiện như trước đây nữa. Chẳng ai phải đo thân nhiệt trước khi vào và cũng không có gì để sát khuẩn tay cho mọi người. Trong khi đó thì bệnh viện rất là đông, người ra người vào tấp nập như thế. Tôi thấy rất là lo, nếu chẳng may có một người nhiễm COVID thì không biết sẽ lây lan nhiều như thế nào nữa,” bà Xuân chia sẻ.

Một số người cho biết thái độ lơ là một phần có thể do dịch bệnh kéo quá dài khiến người ta dần mất kiên nhẫn để cẩn thận phòng tránh; một phần do hoàn cảnh cuộc sống thúc ép, không thể ngồi nhà mãi được, nên người ta cũng phải làm việc này việc khác chứ không chỉ lo dịch bệnh.

Thật ra bây giờ ai cũng phải lo cuộc sống của mình thôi, đói rồi. Bây giờ mà còn ở nhà nữa thì chết đói hết...

“Thật ra bây giờ ai cũng phải lo cuộc sống của mình thôi, đói rồi. Bây giờ mà còn ở nhà nữa thì chết đói hết. Bà cô tôi làm tổ trưởng một tổ dân phố ở đây cho biết tiền hỗ trợ COVID suốt mấy tháng nay các gia đình khó khăn có nhận được đồng nào từ nhà nước đâu. Như vậy thì người ta phải tự phải xoay sở mà sống thôi,” anh Đỗ Tiến Minh, một cư dân quận Hoàn Kiếm nói với VOA Việt ngữ.

Ngoài ra, vẫn theo lời anh Minh, một phần khác nữa là do trong đợt tái bùng phát này, chính quyền thành phố không còn có những biện pháp nghiêm khắc trong việc phòng chống dịch bệnh như trước. Người dân vì thế cũng không còn tự khắt khe với bản thân.

“Bây giờ thì thông tin về dịch bệnh COVID-19 này không thường xuyên như trước. Ngày trước thì báo chí và tivi nói nhiều lắm. Người dân người ta chỉ biết tin vào tivi và báo chí thôi nên người ta sợ, người ta cẩn thận. Chứ giờ không nhắc mấy nữa thì người ta cũng ít quan tâm đi và cẩu thả hơn, không phòng tránh, bảo vệ bản thân gì mấy nữa,” anh Minh cho biết thêm.

Đầu tuần này, tỉnh Hải Dương, một địa phương nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 1 giờ lái xe, tiến hành cách ly toàn thành phố sau khi phát hiện ca dương tính COVID thứ 7 trong cộng đồng.

Hà Nội là một trong những thành phố có nguy cơ cao với nhiều người đi du lịch từ Đà Nẵng, ổ dịch ở miền trung Việt Nam, trở về trong thời gian qua. Việc người dân thành phố dần lơ là với dịch bệnh vào thời điểm này là một vấn đề không thể xem nhẹ trong công tác phòng chống dịch COVID.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-ha-noi-dan-tho-o-voi-covid/5550257.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét