Số phận kỳ lạ của người đàn bà cô độc hơn nửa thế kỷ lênh đênh trên sông nước
ĐÀM LINH - LÊ NGA - Đến làng chài Thụy An xưa, nay là xóm chài Điệp Thôn (Xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) - hỏi thăm bà Phan Thị Sen ai cũng biết và ai cũng không khỏi xót xa cho hoàn cảnh cô độc, éo le của bà. Người phụ nữ chân chưa bao giờ chạm đất ấy đã hơn nửa thế kỷ lênh đênh trên sông nước để mưu sinh.Để có thể đến được xóm chài Điệp Thôn, PV Người Đưa Tin Pháp Luật phải nhờ đến sự chỉ dẫn của một cán bộ xã. Bởi lẽ để đến được nơi này, chúng tôi phải men theo những con đường làng quanh co không biết đường sẽ lạc lối. Nhìn từ xa là lác đác bóng dáng của một vài con thuyền nhỏ “cô liêu” giữa dòng sông thơ mộng nhưng phận người lại u uẩn.
Dừng xe trên con đê nhỏ, chúng tôi không thấy bất cứ phương tiện nào gần bờ để xin nhờ ra sông. Cất tiếng gọi vọng xuống, một người phụ nữ với thân hình nhỏ bé, đôi tay cầm mái chèo thoăn thoắt đưa con đò rẽ sóng hướng về phía bờ đê.
"Căn nhà" đơn sơ của Sen lẻ loi giữa dòng sông.
Dưới cái nắng nhàn nhạt của buổi chiều tà, chứng kiến hình ảnh con đò nhỏ lặng lẽ giữa muôn trùng sóng nước, lòng chúng tôi bỗng man mác buồn. Không lâu sau, con đò cập bến. Trước mắt chúng tôi là phụ nữ thân hình nhỏ bé với khuôn mặt phúc hậu cùng đôi chân hình chữ V, đó là bà Phan Thị Sen.
Nở nụ cười thân thiện, bà nhanh chóng mời chúng tôi lên đò và luôn miệng nhắc nhở mọi người phải ngồi cẩn thận: “Mấy anh chị ngồi yên nhé, đừng cử động nhiều, không là ngã xuống sông đấy”.
Ngồi trên con đò nhỏ, chứng kiến người phụ nữ tật nguyền ấy gồng mình đẩy mái chèo giúp con thuyền từ từ rẽ sóng lướt đi, chúng tôi bỗng cảm thấy rất xót xa.
Nghe tiếng gọi, bà Sen nhanh chóng chèo chiếc đò nhỏ về phía chúng tôi.
Từ khi sinh ra, đôi chân bà đã bị teo, quặt sang hai bên như càng cua, chổng ngược lên trời. Mọi hoạt động của bà đều phụ thuộc vào đôi tay, “Ngôi nhà” mà bà sinh sống chính là chiếc thuyền nhỏ được neo đậu cẩn thận vào một thân cây giữa sông.
Mời chúng tôi chén nước, bà tâm sự: “ Gia đình tôi đã sống trên sông nước được ba đời rồi, từ thời ông cố nội. Tôi ở đây từ thuở còn bé, quá quen với cảnh lênh đênh nơi đây. Bây giờ, chẳng còn ai nhưng tôi vẫn muốn ở đây cho trọn kiếp”.
“Căn nhà” nhỏ của bà chỉ rộng chừng 2m và dài 12m, mọi sinh hoạt hàng ngày như ngủ nghỉ, nấu ăn đều diễn ra ở đây. Đầu thuyền là nơi bà để vài chiếc bát cũ kỹ, và chiếc bếp gas tích cóp tiền vài tháng mới mua được. Giữa thuyền chỉ trải chiếc chiếu nhỏ là nơi bà ngả lưng mỗi tối.
Tuy trên chiếc thuyền tuềnh toàng, nhỏ bé nhưng bà vẫn dành một góc nhỏ trang trọng nhất làm gian thờ. Một góc nhỏ cất giữ những bức ảnh của người thân. Đó có lẽ cách để bà thấy mình không lẻ loi trước sự mênh mông của sông nước.
Mọi sinh hoạt thường ngày của bà Sen đều diễn ra trên con thuyền nhỏ.
Nở nụ cười buồn, bà chia sẻ: “Ngày trước, khu vực này có nhiều hộ gia đình sinh sống lắm. Giờ đây, có mỗi mình tôi mà thôi. Ban ngày còn đỡ chứ buổi tối, xung quanh một màu tối đen như mực, tôi cũng thấy trống trải, cô đơn lắm. ”.
“Những lúc có mưa to, gió lớn, tôi phải neo thuyền thật chắc chắn mới không sợ bị cuốn đi. Có những hôm mưa bão, cả đêm tôi không dám ngủ vì lo. Ở đây giờ vắng người ở, lỡ có bị sao thì không biết kêu cứu ai”, bà Sen cho biết thêm.
Nhìn vào đôi bàn chân dị tật của mình, bà Sen ngao ngán: “ Đời tôi quá khổ rồi. Sinh ra đã chẳng được lành lặn, nay già yếu lại nhiều bệnh tật. Để kiếm miếng ăn qua ngày đã quá chật vật rồi chứ đừng nói đến những lúc ốm đau chỉ có một mình trên thuyền”.
Những lúc trái gió, trở trời hay đau ốm, có nhiều khi, người phụ nữ ấy rất thèm cái cảm giác được quan tâm, được sẻ chia từ người chồng như bao người phụ nữ khác. Thế nhưng, mái ấm gia đình thực sự là điều xa xỉ với bà.
Ánh mắt xa xăm của bà Sen khi nghĩ về cuộc đời mình.
“Tôi bị dị tật từ nhỏ, đến lúc trương thành, tôi không lập gia đình bởi không muốn trở thành gánh nặng đối với chồng con. Mà thú thực, nhìn tôi như vậy, có ai dám lấy tôi đâu”, bà chua chát nói.
Đôi tay đi mãi cũng mỏi, sức khỏe bà đã yếu đi nhiều. Những ngày khỏe, bà vẫn chèo thuyền đi dọc lạch sông để bắt con tôm, con cá cải thiện bữa ăn. Có ngày sức khỏe yếu hoặc không có tôm cá, bà chỉ ăn cơm rau cho qua bữa. “Nhiều lúc thèm có bữa thịt, nhưng không có tiền để mua. Ăn bữa này thì bữa sau lại chẳng có gì. Ăn ngày hôm nay còn phải nghĩ đến ngày hôm sau nữa. Nguồn tôm cá trên sông cũng dần cạn kiệt, nhưng ở trên sông mà cứ ráo mái chèo là bà nhịn đói”.
Số tiền trợ cấp 1 triệu đồng 1 tháng là nguồn thu nhập duy nhất mà bà có được. Nhấp một ngụm nước, bà trầm ngâm nhẩm tính: “ Tiền thuốc dạ dày với u vú hàng tháng cũng hết hơn bảy trăm nghìn. Số còn lại để đóng tiền điện, mua gas, mua gạo và rau dưa”.
Muốn hết kiếp sống trên con thuyền định mệnh!
Mặc dù, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn nhưng người phụ nữ ấy với tâm niệm “tàn nhưng không phế” vẫn nỗ lực kiếm sống hàng ngày. Bà hạn chế nhờ người anh trai ruột sống trong làng vì không muốn làm phiền: “Tôi sống ở sông nước quen rồi, ở đây dễ dàng đi lại và sinh hoạt hơn. Anh và các cháu còn có gia đình riêng, tôi không muốn là gánh nặng cho ai cả”.“ Từ ngày bố mẹ mất, tôi vẫn gắn bó với con thuyền này, thờ cúng bố mẹ cũng ở đây cả. Về nhà sống, tôi sợ phiền hà tới con cháu và mọi người. Nhà ai cũng khó khăn, vất vả cả, mình không giúp được thì thôi, cũng không nên làm phiền quá nhiều”.
Bà Sen tâm sự với chúng tôi rằng bà đã dành cho nơi đây một tình cảm đặc biệt và không muốn rời xa.
Tưởng chừng những khó khăn có thể “đánh gục” người phụ nữ ấy, nhưng bà rất lạc quan trong suy nghĩ: "Giời bắt sao thì phải chịu vậy, cũng chán lắm nhưng cô chỉ mong có sức khỏe thật nhiều để sống nốt nửa đời còn lại thanh thản".
Mặc cho thăng trầm của cuộc sống, sự rời đi của những người ở đây, bà Sen ngày qua ngày vẫn lặng lẽ bám trụ nơi này. Gắn bó với dòng sông đã 55 năm, chắc hẳn bà đã dành cho nơi đây một tình cảm đặc biệt.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Đàm Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt cho biết: “ Bà Sen là hoàn cảnh đặc biệt của xã. Bà bị dị tật từ nhỏ, đi lại khó khăn, không lập gia đình lại sống một mình trên sông nước. Chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ bà hết sức, có chính sách hỗ trợ người khuyết tật nặng”.
Đ.L.-L.N.
https://www.nguoiduatin.vn/so-phan-ky-la-cua-nguoi-dan-ba-co-doc-hon-nua-the-ky-lenh-denh-tren-song-nuoc-a485355.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét