Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Dã tâm của Trung Quốc và thực tâm của “Đảng ta”

Dã tâm của Trung Quốc và thực tâm của “Đảng ta”
Viet-Studies Quách Hạo Nhiên 8-10-2019
Ngay khi vừa kết thúc lễ kỷ niệm 70 năm lập quốc, nhất là sau khi nhận được thư chúc mừng của Đảng, Chính Phủ và Nhà nước Việt Nam, Tập Cận Bình đã “đáp lễ” lại bằng việc đưa giàn khoan 982 ra biển Đông cùng với đó là tiếp tục cho tàu Hải Dương 8 xâm phạm Bãi Tư Chính của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế. Hội nghị Trung ương 11, khoá 12 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước vừa được khai mạc trong bối cảnh và tình hình như thế.
Với khoảng 1 tuần làm việc, liệu “Đảng ta” sẽ sáng suốt để đưa ra những quyết sách tối ưu (cả trước mắt lẫn lâu dài) để đối phó với người “bạn vàng” này? Phải chăng đã đến lúc ông Trọng và những đồng chí của mình cần phải đưa ra sự lựa chọn như là một mệnh lệnh bắt buộc không thể khác: Giữ Đảng hay giữ Đảo, tiếp tục nhúng nhường hay thậm chí chấp nhận đánh đổi chủ quyền quốc gia để đổi lấy “tình hữu nghị viển vông” với Trung Quốc?

Một sự “ngây thơ” cố hữu của đám đông dân chúng?

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị sáng ngày 7/10/2019, ông Nguyễn Phú Trọng có đề cập đến vấn đề “đề nghị Trung ương phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học tình hình trong nước và thế giới, nhất là tình hình Biển Đông, để có chính sách, biện pháp phù hợp” [1].

Phát biểu này ngay lập tức đã trở đề tài bàn tán khá sôi nổi trên các diễn đàn mạng với khá nhiều ý kiến thể hiện sự “kỳ vọng’, “tin tưởng” vào “tấm lòng” và “tài thao lược’ của ông Trọng đặc biệt phải kể không ít facebooker tên tuổi hiện nay. Tôn trọng quan điểm và ý kiến đa chiều của mọi người, tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng phải chăng có một sự nóng vội và cảm tính trong tâm lý tiếp nhận và phân tích thông tin trên của không ít người?

Hay nói khác đi, trước những “nước cờ” chính trị của “Đảng ta” một lần nữa đám đông dân chúng lại tiếp tục cho thấy sự “ngây thơ” và cả tin rất… “trẻ con” (chữ dùng của cố GS Hoàng Ngọc Hiến) – một đặc điểm có tính “truyền thống” cố hữu của người Việt xưa nay. Bởi nếu bếu bình tĩnh quan sát, sẽ thấy ý kiến của ông Trọng ở trên là rất bình thường vì nó đơn giản chỉ là cách nói quen thuộc, thường thấy của những người đứng đầu tại bất kỳ hội nghị, hội thảo lớn nhỏ nào ở Việt Nam lâu nay. Có 3 dữ kiện quan trọng để tôi khẳng định điều này là:

Thứ nhất, như có bàn tay ai đó đã “đạo diễn” và chuẩn bị từ trước, nên ngay sau phát biểu trên của ông Trọng, lập tức tất cả các cơ quan truyền thông trên cả nước đều đồng loạt đăng tải (thậm chí giống nhau cả về tít bài). Phải chăng đây chính là kế sách và động thái tuyên truyền của “Đảng ta” nhằm mục đích trấn an dân chúng trong bối cảnh tình hình Bãi Tư Chính đang rất phức tạp và thông tin về cuộc biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh của người dân Hồng Kông lan tỏa chóng mặt trên không gian mạng?

Thứ hai, nhiều người tỏ vẻ hân hoan và “tin tưởng” ông Trọng với chi tiết ông “đề nghị Trung ương phân tích, dự báo về tình hình biển Đông…” nhưng tiếc thay lại không chịu bình tâm đọc hết bài phát biểu của ông ấy do các cơ quan truyền thông thuật lại. Thực ra, đó chỉ là một chi tiết rất nhỏ được các cơ quan truyền thông tách ra khỏi văn bản rồi giật thành tít bài mà thôi.

Và tất cả đều nằm trong nội dung và chương trình được chuẩn bị trước đó là: Đánh giá “kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tập trung vào 10 năm gần đây; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước); định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển…” [2]

Cuối cùng, nếu tính từ sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam năm 2014 đến nay nhìn chung ông Trọng và “Đảng ta” vẫn chưa có một động thái nào cho thấy sự quyết liệt, mạnh mẽ gửi đến chính quyền Tập Cận Bình. Trái lại, từ sau sự kiện ấy là sự tăng cường cảnh giác và sẵn sàng đàn áp, dập tắt ngay những cuộc biểu tình ôn hòa của dân chúng trong nước.

Không những vậy, sau sự kiện giàn khoan 981 một năm, dưới thời ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội, họ Tập còn được ông Trọn và “Đảng ta” mời qua phát biểu ngay giữa Hội trường Diên Hồng trước hàng trăm đại biểu quốc hội và toàn thể dân chúng – một sự kiện có lẽ là “có một không ai” trong lịch sử lập quốc của dân tộc khi kẻ vừa xâm phạm chủ quyền quốc gia lại được đón tiếp ân cần, trọng thị như thế (như thể minh chứng cho sự chung thủy, sắt son của “Đảng ta” với người “bạn vàng” của mình) [3].

Có thế nói, chính sự nhún nhường nếu không muốn nói là nhu nhược này đã tạo cơ hội cho họ Tập được “đằng chân lân đằng đầu”. Sự kiện Bãi Tư Chính hiện nay là minh chứng rõ ràng nhất. “Đảng ta” càng nhân nhượng thì “bạn vàng” của Đảng càng lấn tới.

Ai đủ năng lực và dũng khí để phân tích và dự báo khách quan, khoa học và trung thực về tình hình biển Đông hiện nay?

Khi ông Trọng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị lần này phải “phân tích và dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua” có một vấn đề lớn không thể không đặt ra là: có bao nhiêu đại biểu trong khoảng 180 ủy viên Trung ương có đủ trình độ, năng lực và dũng khí để làm việc trên?

Trước hết, dù ông Trọng đề nghị tất cả các đại biểu dự Hội nghị phải thảo luận phân tích nhưng thử hỏi liệu ai sẽ là người dám “tử vì đạo” để công khai phát biểu một cách khách quan và trung thực vấn đề trên trong bối cảnh tất cả đều đang rất thận trọng “thu mình”, “giữ mồm, giữ miệng, giữ ghế” nhằm chuẩn bị cho việc bầu bán trong kỳ Đại hội sắp tới?

Quan trọng hơn, để có thể “phân tích và “dự báo” thật khoa học và căn cơ các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo trên biển Đông hiện nay nhất định phải là những chuyên gia thực thụ, có uy tín cả trong lẫn ngoài nước. Cụ thể, phải là người thật sự có những hiểu biết chuyên sâu, có trình độ ngoại ngữ; có khả năng đọc và hiểu được tư liệu và các bản đồ cổ về chủ quyền trên biển; phải có kiến thức và nắm vững luật pháp quốc tế; phải có sự nghiên cứu sâu rộng để hiểu được những âm mưu thủ đoạn, chiến lược, sách lược của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam… Với những yêu cầu như vậy thì liệu có bao nhiêu ủy viên Trung ương hiện nay đảm đương nổi?

Nhân đây cũng xin nói thêm, hiện nay ở Việt Nam những chuyên gia thực thụ trong vấn đề này tuy phải là không hiếm nhưng đa phần đều bị “Đảng ta” đã và đang tìm mọi cách “gạt ra bên lề”. Thậm chí nhiều người trong số họ còn bị những người có trách nhiệm trong bộ máy tuyên truyền “cẩm cửa”, không cho xuất hiện trước công chúng hoặc trên các phương tiện truyền thông.

Tệ hơn nữa tất cả đều bị Đại tá – nhà báo thuộc báo Quân Đội nhân dân Nguyễn Văn Minh chụp cho cái mũ phản động và thù địch lên đầu trong chuyên mục “chống diễn biến biến hòa bình” do anh ta trực tiếp phụ trách. Tuy vậy, một cách nghiêm túc nhất, theo tôi, lẽ ra ông Trọng và “Đảng ta” cần phải chân thành nói lời cảm ơn chuyên gia này mới phải. Vì thời gian qua tuy bị “gạt ra bên lề” nhưng trong tư cách của những nhà nghiên cứu tự đo, độc lập, nhiều người (cả trong lẫn ngoài nước) vẫn có những công trình, bài viết, ý kiến rất sâu sắc và có giá trị góp phần vào việc phản bác các lập luận ngang ngược của Trung Quốc trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế.

Trong chuyện này, có thể thấy, “Đảng ta” một mặt cấm cửa họ, tìm mọi cách ngăn cản đám đông dân chúng tiếp xúc với các bài viết và quan điểm của họ trên các trang mạng trong và ngoài nước nhưng lại âm thầm theo dõi, nghiên cứu lấy đó làm tư liệu để đối phó với dã tâm của Trung Quốc. Cách hành xử này theo tôi là rất không đẹp.

Đảng hay Đảo, chủ quyền quốc gia hay tình hữu nghị giả tạo, viển vông?

Có một sự trùng hợp này khá thú vị là ngay ngày khai mạc Hội nghị 11, báo Thanh Niên (đặc biệt là báo giấy) đã cho lên trang nhất bài viết nhan đề:“Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở biển Đông” [4]. Với tôi, dù vô tình hay cố ý thì trước hết cũng phải khen ngợi báo Thanh Niên với tít bài này. Chưa bàn đến những nội dung cụ thể, chỉ riêng tít bài đã cho thấy quan điểm và thái độ khá quyết liệt và mạnh mẽ của báo Thanh niên.

Nếu xem báo chí là diễn đàn ghi nhận và phản ánh tiếng nói của người dân thì đây có thể xem là một thông điệp rất cụ thể và rõ ràng mà đân chúng hôm nay gửi đến cá nhân ông Trọng và “Đảng ta”. Nghĩa là, lâu nay nói về cái dã tâm của Trung Quốc thì gần như không một người dân Việt Nam nào là không biết. Với trí tuệ “sáng suốt” của mình, “Đảng ta” chắc chắn cũng đã nhìn thấy sự bất bình dân chúng mỗi khi có những sự kiện nào đó dính dáng tới họ. Hay nói khác đi, “lòng dân” đã quá rõ ràng rồi vấn đề còn lại là “ý Đảng” hiện nay như thế nào mà thôi.

Quyết tâm giữ gìn biển đảo của cha ông bằng cách dũng cảm thoát ra khỏi cái “bẫy ý thức hệ” cũng như quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong đối ngoại nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế hay tiếp tục duy trì cái “tình hữu nghị viển vông” như hiện nay để rồi chủ quyền quốc gia dân tộc từng bước bị họ Tập lấn chiếm và thôn tính? Có một điều thuộc về quy luật của cuộc sống đó là đôi khi anh phải biết dừng lại đúng lúc để giữ gìn phẩm giá và sự kính trọng ghi nhớ của người khác thay vì cứ cố níu kéo chút hào quang xưa cũ để rồi sai lại càng sai. Hay nói khác đi đó là quy luật “biết buông sẽ còn, cố giữ sẽ mất”.

Ông Trọng đã nhiều lần phát biểu trước quốc dân đồng bào về những thành tựu trong việc xây dựng đất nước suốt mấy mươi năm qua do Đảng của ông lãnh đạo và bản thân ông cũng hơn hai nhiệm kỳ nắm quyền điều hành tuyệt đối. Thậm chí ông từng bảo đất nước này “chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay”. Tôn trọng quyền tự do ngôn luận của ông, tôi cho rằng, với cương vị của mình, ông Trọng hoàn toàn có quyền nói và tự hào như thế với các đồng chí cũng là cấp dưới trong Đảng của ông (trên dưới 4 triệu người). Thế nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ thuyết phục 90 triệu dân chúng ngoài Đảng trong đó có cá nhân tôi. Bởi vì “cơ đồ của dân tộc”, của đất nước hoàn toàn khác với cái “cơ đồ của Đảng” hiện nay do ông đứng đầu. Mọi sự đánh đồng hai khái niệm, hai vấn đề này theo tôi đều là cố tình ngụy biện và dối trá.

Đất nước hiện đang bị thao túng bởi một nhóm lợi ích thân hữu, ông Trọng đang phải rất vất vả xử lý để niềm tin của người dân. Ngoài ra, sự suy đồi và xuống cấp của đạo đức xã hội cũng đang bắt đầu “chạm đáy”. Trong khi đó, ngoài biển Đông thì người “bạn vàng” của ông vẫn đang ngày đêm gây hấn và lần đầu tiên giữa Hội nghị Trung ương ông đã lên tiếng yêu cầu các đồng chí của mình phải“phân tích và dự báo” … Chỉ 3 vấn đề lớn này thôi đã cho thấy ông đã tự mâu thuẫn với chính mình khi luôn miệng tự hào về những “thành tựu to lớn” hay cái “cơ đồ” sáng lạn của đất nước chưa thời nào sánh bằng.

Thay lời kết

Tóm lại, bàn về những kế sách chiến lược nhằm để xây dựng và phát triển đất nước trong đó có vấn đề về biển Đông, ông Trọng và “Đảng ta” nếu muốn và thấy cần thiết thì cứ tiếp tục duy trì tình hữu nghị với ĐCS Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ mong ông hãy tỉnh táo và sáng suốt đừng nên nhập nhằng, đánh đồng giữa chế độ và dân tộc; hay nhân danh 90 triệu người dân ngoài Đảng bảo rằng đó là “ý chí và nguyện vọng của toàn dân ta”.

Bất kỳ người dân Việt nào cũng có quyền và nghĩa vụ đóng góp và xây dựng quê hương, quốc gia Việt Nam dưới những hình thức và những cách làm khác nhau và chắc chắn không một người dân nào có thể làm ngơ trước nguy cơ quốc gia dân tộc bị ngoại bang xâm lấn. Ông Trọng và “Đảng ta” cứ tiếp tục mối quan hệ truyền thống với ĐCS Trung Quốc nhưng xin đừng tạo cơ hội cho họ bắt cả dân tộc này làm con tin vì sự duy ý chí và sai lầm của mình. Nếu không lịch sử và cháu con đời sau chắc chắn sẽ ghi lại và nguyền rủa đến muôn đời.

—–

Chú thích nguồn tham khảo:

[1], [2]: “Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Phân tích có căn cứ, cơ sở tình hình Biển Đông” (TN)

[3]: “Ông Tập Cận Bình phát biểu 20 phút tại Quốc hội Việt Nam” (TT)

[4]: “Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở biển Đông” (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét