Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Có nên xây khu du lịch trên đất ruộng tại xã nghèo?

Đất bờ xôi ruộng mật là đất màu mỡ, phì nhiêu, cho hoa thơm trái ngọt, cây trồng có năng suất cao... Trước đây tôi rất thân và hay nói chuyện cả buổi với giáo sư viện sĩ nông học Đào Thế Tuấn, bác hay nói về đất bờ xôi ruộng mật nhưng tôi nghe xong thì để đó cũng không quan tâm vì tôi thường chỉ quan tâm tới các vấn đề kinh tế vĩ mô và toán kinh tế (và bác cũng vậy, bác chán nông nghiệp rồi vì bác cho rằng không giải quyết được ở thượng tầng thì không thể phát triển được nông nghiệp). Sau này tham gia họp hành, nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay dùng cụm từ này quá (giống như ông ta rất mê cụm từ "quyết liệt") tôi mới lưu tâm và suy nghĩ. Ông thường nhấn mạnh đại ý đất bờ xôi ruộng mật quý lắm, nhất là đất trồng lúa, nên phải quyết liệt bảo vệ, bất cứ đâu muốn chuyển mục đích sử dụng đều phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, tức là phải được phép của ông. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng thì viết ""Bờ xôi ruộng mật" - có lẽ không có từ ngữ nào lại hay đến thế, ngon lành đến thế, thơm tho đến thế. Cây lúa nước đã có hàng nghìn năm lịch sử trên mảnh đất này. Lúa gạo đã nuôi sống tất cả con Hồng cháu Lạc để đủ sức bảo vệ đất nước trải qua biết bao cuộc chiến tranh giữ nước. Người ta ví mảnh đất hình chữ S này như một chiếc đòn gánh với hai đầu là hai thúng lúa gạo thơm ngon, gắn với châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Trên hai châu thổ màu mỡ, cha ông ta đã ra sức chăm bón suốt chiều dài lịch sử để nuôi sống số dân đến nay đã lên đến gần 100 triệu người, lại còn có của ăn của để với thành tựu xuất khẩu gạo có lúc đứng nhất nhì thế giới. Nông dân ai cũng hiểu bờ xôi ruộng mật không dễ gì mà có được. Đó là hương hỏa, là mồ hôi nước mắt của nhiều thế hệ cha ông để lại". Ông Nguyễn Tấn Dũng có cái được là càng làm to thì càng biết nói và dần dần cũng biết nói khá hay, khá thuộc bài, nhưng cái dở là làm thì toàn ngược lại. Ông ta cho phép phá đất ruộng, phá đất rừng tùm lum; chưa có ai phá khỏe như ông này. Nhắc tới đây lại nhớ tới bác Trường Chinh. Hồi năm 1984, có người hỏi bác sao trước đây lại làm đường sắt Thống Nhất chỉ có 1 làn, trong khi thế giới người ta toàn làm 2 làn theo hai chiều đi về và Liên Xô cũng sẵn sàng giúp ta làm 2 làn. Bác bảo có biết làm 2 làn thì mất thêm bao nhiêu ruộng đất nông nghiệp không ? Trước đấy thì bác Tố Hữu bảo "đường ta rộng thênh thang tám thước"... Các bác ấy đều từ nông dân mà ra nên rất quý đất đai và rất ghét ai có nhiều đất đai hơn mình (thế nên mới phải cải cách ruộng đất, tịch thu đất của người có nhiều, tôi không dùng từ địa chủ vì phần lớn họ không phải là địa chủ). Bây giờ ngẫm kỹ hóa ra lời các bác Trường Chinh, Tố Hữu nói đúng. Chưa bao giờ đất đai quý như bây giờ, chưa bao giờ khiếu kiện, cướp, đánh, giết nhau vì đất đai nhiều như bây giờ. Chẳng trách những người như ông Giáp, ông Quang... phải chiếm dăm bảy tới vài chục ha đất để tích cốc phòng cơ cho con cháu mai sau. Bọn tư bản ngu, chẳng đứa nào biết làm như các bác ấy cả.

Có nên xây khu du lịch trên đất ruộng tại xã nghèo?
Diễm Thi, RFA 2019-10-02 Chuyện lấy đất ruộng xây lăng, xây khu vui chơi từng gây bức xúc cho người dân bấy lâu nay nhưng rồi mọi chuyện vẫn tiếp diễn. Gần đây nhất, tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất cho chuyển đổi hơn 47 ha đất trồng lúa xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy với chi phí hơn 3.000 tỷ đồng.

Bệnh nhân chờ lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa
 tỉnh Hòa Bình. Ảnh chụp 30 tháng 5 năm 2017.
Nhà nước không bảo vệ đất trồng lúa
UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 48 ha đất trồng lúa năm 2019 để xây dựng Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão huyện Lạc Thủy, do Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 15 % tổng số vốn, phần còn lại là vốn vay và vốn huy động. Dự án này đã được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11 năm 2016.

Hiện văn bản này được chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giải quyết.

Hòa Bình là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18% tổng số hộ dân toàn tỉnh, theo thống kê cuối năm 2017 của UBND tỉnh với phương pháp đo lường nghèo đa chiều, giai đoạn 2016-2020.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên chính quyền địa phương lấy đất ruộng xây cơ sở tôn giáo, xây lăng tẩm. Cụ thể, hôm 23 tháng 9 năm 2018, báo mạng VNExpress đưa tin chi tiết về khu an táng ông cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang nằm trên cánh đồng ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Khu đất này trước đây là cánh đồng lúa của người dân nhưng đã được hợp thửa rồi sau đó san ủi, đổ đất đá làm nền và trồng cây xanh từ mấy năm trước.

Thời điểm đó, luật sư Hà Huy Sơn nói với RFA rằng:

“Luật đất đai hiện hành chỉ có quy định là đất trồng lúa, tức là đất nông nghiệp mà chuyển đổi sang xây nghĩa địa, nghĩa trang như trường hợp của ông Trần Đại Quang thì nó phải có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp. Nhưng việc chuyển đổi này phải có quy hoạch, tức là có kế hoạch sử dụng ruộng đất phù hợp với thực tế, chứ không phải thích xây nghĩa trang ở đâu thì xây, xây nghĩa địa ở đâu thì xây.”


Nhà nước có “quyền năng” sử dụng, quản lý đất nên cứ sử dụng. Vấn đề là sử dụng có hợp lý hay không, có nên hay không trong điều kiện đất sản xuất đang ngày càng hẹp đi. - LS. Trịnh Vĩnh Phúc


Điều 134 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013, quy định: “Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.”

Tuy quy định là thế nhưng thực tế, Nhà nước cho phép sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích phi nông nghiệp xảy ra khắp nơi trên mảnh đất Việt Nam, mà theo Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận định thì tất cả là do “quyền năng” của Nhà nước:

“Về mặt nguyên tắc thì Nhà nước Việt Nam rất khó khăn với người dân trong vấn đề đất đai nhưng họ lại rất dễ dãi với các quyết định về đất đai của họ. Họ có thể làm bất cứ cái gì. Thật ra bây giờ mà xây dựng khu tâm linh và được duyệt thì họ cứ từ đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích rồi xây thôi.

Nhà nước có “quyền năng” sử dụng, quản lý đất nên cứ sử dụng. Vấn đề là sử dụng có hợp lý hay không, có nên hay không trong điều kiện đất sản xuất đang ngày càng hẹp đi.”

Dân nghèo, xây khu du lịch làm gì?


Dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình được xây dựng gồm các hạng mục chính như: Khu dịch vụ đón tiếp, khu dịch vụ cáp treo, khu công viên Nguồn cội, Công viên Việt Nam quê hương tôi, Công viên chủ đề vui chơi giải trí, khu nhà ở Hoa Sen, khu nhà ở Làng quê Việt, khu dịch vụ mặt nước sinh thái...

Với một tỉnh còn nghèo như Hòa Bình, việc xây một công trình với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng như vậy liệu có thiết thực hay không và vì sao chính quyền nơi đây vẫn muốn thực hiện?

Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu nêu ý kiến:

“Cái gì nó cũng phải thực tế. Tâm linh phải xây trong lòng người, chứ cái đó chỉ là hình thức bên ngoài. Cuộc sống của người dân nó rất khổ, họ cần đất để canh tác, đất để họ sống. Xây như vậy nó tàn phá quê hương đất nước, tàn phá cuộc sống của nhân dân. Tôi thấy điều đó rất vô ích chẳng thiết thực gì cho cuộc sống dân sinh.”

Cuộc sống của người dân nó rất khổ, họ cần đất để canh tác, đất để họ sống. Xây như vậy nó tàn phá quê hương đất nước, tàn phá cuộc sống của nhân dân. - Thượng tọa Thích Vĩnh Phước


Với cái nhìn của một luật sư giúp người dân mất đất khắp nơi về mặt pháp lý, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc lý giải việc xây những công trình nghìn tỷ bất luận là nó có hiệu quả kinh tế, xã hội gì hay không là do lợi ích nhóm. Ông giải thích rằng, khi đã có một công trình xây dựng thì sẽ có vốn lớn để đầu tư, sẽ có nhiều hạng mục công trình để giải ngân thì sẽ gắn liền với lợi ích của nhóm, của một số người có đặc quyền đặc lợi, có quyền quyết định trong vấn đề xây dựng, chọn thầu…

Riêng về khu du lịch sinh thái tâm linh ở tỉnh Hòa Bình, luật sư Phúc kết luận:

“Tỉnh nghèo, trẻ con thì thất học, thiếu ăn mà lại dùng khoản tiền rất lớn để đầu tư một cách không cần thiết, tính hiệu quả xã hội không có, không đem lại mục đích, ý nghĩa dân sinh.”

Tháng 9 vừa qua, tỉnh Bình Định dự kiến chi hơn 86 tỷ đồng để tạc bức phù điêu "Lạc Long Quân - Âu Cơ" và cội nguồn đại đoàn kết dân tộc vào vách núi Bà Hỏa ở cửa ngõ TP Quy Nhơn.

Bà Lan, một người dân Bình Định nói với RFA rằng, nhà nước nên dùng số tiền 86 tỷ đồng này vào những việc thiết thực, có lợi cho dân như đầu tư vào bệnh viện hay trường học, chứ xây tượng đài hay phù điêu thì chỉ quan chức “hưởng”. Bà cho biết nơi bà ở không có bệnh viện mà chỉ có trạm xá. Nếu bệnh nặng mà không có tiền lên bệnh viện tỉnh thì chỉ có nước nằm chờ chết. Còn trường học thì quá xa nhà, học trò thì phải đóng đủ thứ tiền.

Ngày 25 tháng 9, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã thống nhất tạm dừng dự án tạc bức phù điêu với kinh phí dự kiến 86 tỉ đồng này.

Liệu dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng có được thông qua hay không vẫn còn là câu hỏi lớn!

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-illegal-to-use-farm-land-to-build-spiritual-zones-dt-10022019143139.html?fbclid=IwAR1wURQv7Au8CBiI8YXMx2SbCULpNksEvbTOijt1p4V5mlfd57HpaAP-ymA#.XZTvTjhd7zc.facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét